Home / Chia Sẻ / THÁNH GIUSE VÀ LỰA CHỌN THINH LẶNG

THÁNH GIUSE VÀ LỰA CHỌN THINH LẶNG

(Lc 2, 41-51a)

41 Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua.42 Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ.

3-19-2019 9-28-09 PM43 Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết.44 Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.45 Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

46 Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.47 Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu.48 Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! “49 Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? “50 Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.

51 Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài.

Sự cực lòng

 

Sau ba ngày tìm kiếm trong vất vả và nhất là với tâm trạng lo âu, Thánh Giuse và Đức Maria tìm lại được Đức Giê-su trong Đền Thờ, lúc đó Người 12 tuổi. Đức Maria thay mặt cho Thánh Giuse, nói với Đức Giê-su:

Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?
Con thấy không, cha con và mẹ đâyđã phải cực lòng tìm con!
(c. 48)

Chúng ta được mời gọi đặt mình vào hoàn cảnh của Thánh Giuse và Đức Maria để hiểu và cảm được hết “sự cực lòng” của các ngài: đi một ngày, nhưng phải tìm kiếm tới ba ngày. “Sự cực lòng” không chỉ của người cha và người mẹ, như bất cứ người cha và người mẹ nào, khi để lạc mất người con yêu dấu, nhưng còn “sự cực lòng” của người tôi tớ và của người nữ tì trong tương quan với Thiên Chúa, khi để lạc mất “Con Đấng Tối Cao.”  Chúng ta hãy hình dung ra tâm trạng lo âu của Thánh Giuse và Đức Maria lớn đến mức nào, khi các ngài thầm nghĩ: “Thiên Chúa trao phó cho mình Con của Ngài, để thực hiện kế hoạch cứu độ, vậy mà mình lại để lạc mất!”

Và nếu chúng ta để ý, đó là lời của Đức Maria, nhưng Mẹ không nhân danh cá nhân mình, nhưng nói với Đức Giê-su với tư cách là “cha mẹ” của Ngài; hơn nữa, Đức Mẹ còn tỏ lòng kính trọng Thánh Giuse khi nói: “cha con và mẹ đây.” Ngoài ra, trong trình thuật này, từ đầu đến cuối, thánh sử Luca luôn nói tới: “cha mẹ”, “ông bà”, “hai ông bà.” Thật vậy, “hai ông bà” trở về sau kỳ lễ, “cha mẹ” chẳng hay biết, “ông bà” cứ tưởng, “ông bà”đều cực lòng tìm con suốt ba ngày; và khi thấy con, “hai ông bà” đều sửng sốt.

Chúng ta có thể dừng lại để cảm nếm sự hiệp thông và hiệp nhất giữa Thánh Giuse và Đức Maria và tình yêu của các ngài dành cho Đức Giê-su. Nhưng vì hôm nay không phải là lễ Thánh Gia, mẫu mực của mọi gia đình và cộng đoàn, nhưng là lễ Thánh Giuse, nên chúng ta hãy cùng lắng nghe sự thinh lặng của Thánh Giuse: Tại sao Thánh Giuse không lên tiếng, khi đây là cơ hội thích hợp nhất và hợp lý nhất để ngài lên tiếng?

Sự thinh lặng của Thánh Giuse

 

Trong những biến cố khác, được các Tin Mừng thuật lại, ngài cũng im lặng, chẳng hạn trong trình thuật truyền tin cho ngài, theo trong Tin Mừng của thánh Mát-thêu (Mt 1, 18-25). Ngài im lặng khi sứ thần truyền tin và trao ban sứ mạng; điều này dễ hiểu, vì sứ thần đã khéo léo chọn lúc ngài đang ngủ ngon, hình ảnh diễn tả sự thụ động trọn vẹn đối với Lời Chúa và ý định của Người. Nhưng trong biến cố này, ngài rất tỉnh táo và chủ động, vì đang vất vả cùng với Đức Maria đi tìm Đức Giê-su. Vì thế, trong trường hợp này, sự im lặng của Ngài là khó hiểu nhất, và có thể nói là tuyệt đối nhất; bởi lẽ ngài là chồng, là cha, là gia trưởng. Một sự im lặng khó hiểu và tuyệt đối, nhưng chắc chắn cũng nhiều ý nghĩa nhất và đánh động chúng ta nhất, nếu chúng ta có đôi tai biết lắng nghe.

Chắc chắn không phải vì trong đời thường, Thánh Giuse không nói gì, và cũng không nhất thiết là vì Thánh Giuse ít nói trong cuộc sống, nhưng chính xác là vì, trong những biến cố thánh, nghĩa là các biến cố liên quan đến mầu nhiệm Nhập Thể mà các Tin Mừng thuật lại, Thánh Giuse của chúng ta lựa chọn sự thinh lặng. Đặt mình đối diện với mầu nhiệm Nhập Thể, mầu nhiệm Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, chúng ta sẽ nhận ra rằng, sự thinh lặng của Thánh Giuse là một lựa chọn thiêng liêng; và nếu là như thế, lựa chọn thinh lặng của Thánh Giuse mở ra cho chúng ta cả một chiều sâu thiêng liêng, thậm chí cả một “linh đạo”, mà chúng ta được mời gọi lắng nghe và nhận làm của mình.

Cũng tương tự như sự thinh lặng tuyệt đối của trời xanh và không trung, nhưng lại ẩn dấu những sứ điệp lớn lao và sâu xa liên quan đến chính Thiên Chúa, ngỏ với đôi tai biết lắng nghe, biết lắng nghe sự thinh lặng, như lời nguyện Thánh Vịnh diễn tả:

Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa.
Không trung kể lại tay việc Người làm.
(Tv 19, 2)

Vậy chúng ta hãy “lắng nghe” sự thinh lặng của Thánh Giuse. Thánh Giu-se lựa chọn thinh lặng, và để cho Đức Maria lên tiếng, đó là vì, với sự nhạy bén thiêng liêng, Ngài nhận ra, ở mức độ nào đó, biến cố này là điểm tới của cả một hành trình lớn lên của Đức Giê-su trong tương quan đặc biệt với Thiên Chúa: Đức Giê-su được sinh ra bởi một “Người Cha” khác, từ từ cảm nhận sự hiện diện của một “Người Cha” khác, duy trì tương quan kín đáo nhưng sâu đậm với một “Người Cha” khác, và ở đây, Đức Giê-su chính thức nói đến “Người Cha” này:

Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?

Và chắc chắn không chỉ trong biến cố này, nhưng trong mọi biến cố liên quan đến cuộc đời của Đức Giê-su; Đấng mà ngài hi sinh cả một đời, hi sinh gia đình riêng, hi sinh kế hoạch riêng, hi sinh thú vui riêng, để cưu mang, bao bọc và làm cho lớn lên. Ngài nhận ra mầu nhiệm, tôn trọng mầu nhiệm và “lui ra phía sau” để Đức Maria và Người Con của Mẹ nổi bật lên không phải trong tương quan với “người cha” này, nhưng trong tương quan với “Người Cha” khác; hay nói theo ngôn ngữ đời thường, Thánh Giuse “lui lại phía sau”, để cho Hai Mẹ Con “muốn làm gì thì làm!”

Đó cũng là lựa chọn của ngài trước đó 12 năm: ngài nhận ra mầu nhiệm lạ lùng đang hình thành nơi cung lòng Đức Trinh Nữ, bởi vì nơi tâm hồn của ngài, tâm hồn của “người công chính”, không thể có ý nghĩ xấu về Đức Maria, người mà ngài suốt đời yêu mến trong Chúa; và khi nhận ra, dù chưa rõ ràng, ngài tôn trọng, giữ khoảng cách, lựa chọn thinh lặng và có ý định “lui lại phía sau” và xác tín rằng đó là ý muốn của Thiên Chúa.

Và như chúng ta biết, Thiên Chúa đã ưu ái Thánh Giuse của chúng ta cách đặc biệt, khi vui lòng chuẩn nhận lựa chọn lui lại phía đàng sau trong thinh lặng của ngài, bằng cách cho ngài đi vào cõi thinh lặng của sự chết rất sớm, một đàng để cho Hai Mẹ Con, Đức Maria và Đức Giê-su nổi bật lên, đi đến cùng và hoàn tất Mầu Nhiệm Nhập Thể và Cứu Độ, và đàng khác, chính là để cho ngài cất vang lời ca tụng Mầu Nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa luôn mãi trong Sự Sống Mới, Sự Sống mà ngài đã nhận ra và dâng hiến cả một đời.

Sự thinh lặng của Đức Ki-tô

Khi lắng nghe sự thinh lặng của Thánh Giuse, chúng ta không thể không hướng đến sự thinh lặng của Đức Ki-tô trong cuộc Thương Khó và nhất là sự thinh lặng của Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh. Có thể nói, sự thinh lặng của Thánh Giuse đã loan báo cho chúng ta sự thinh lặng của “Đức Ki-tô chịu đóng đinh, Đối Tượng duy nhất của lòng trí chúng ta” rồi. Và dưới chân Thập Giá, Đức Maria cũng sẽ lựa chọn thinh lặng (x. Ga 19, 25-27). Nhưng Thánh Giuse của chúng ta đã lựa chọn thinh lặng từ rất lâu rồi, để diễn tả lời xin vâng tín thác nơi Tình Yêu muôn ngàn đời của Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ nhiệm mầu của Ngài, ngang qua thử thách, khó khăn, đau khổ và chính sự chết.

Như thế, khởi đi từ sự nhạy cảm thiêng liêng, làm cho Thánh Nhân nhận ra mầu nhiệm Thiên Chúa trong mọi biến cố liên quan đến Đức Giê-su, lựa chọn thinh lặng của Thánh Giuse còn muốn nói lên lời xin vâng tín thác tuyệt đối của ngài. Diễn tả lời xin vâng bằng sự thinh lặng, dường như đó là cung cách của phái nữ! Vì thế, thật là thích hợp, khi các Hội Dòng Mến Thánh Giá nhận Thánh Cả Giuse làm Thánh Bổn Mạng.

********************************

Thánh Cả Giuse đã đón nhận, cưu mang, ôm ấp và làm cho Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể lớn lên. Xin ngài cũng quảng đại đón nhận, cưu mang, ôm ấp và làm cho mỗi người chúng ta lớn lên theo khuôn mẫu của Đức Giê-su; và nhất là, xin Thánh Cả Giuse dạy mỗi người chúng ta, như Thánh Nhân, biết lựa chọn Sự Thinh Lặng Thần Linh.

 
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Lễ Thánh Giuse 2015

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …