Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Mùa Chay, năm C, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật III Mùa Chay, năm C, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

(Xh 3, 1-8a. 13-15; 1Cr 10, 1-6. 10-12; Lc 13, 1-9)

“Nếu không chịu sám hối,

thì các ông cũng sẽ chết như vậy”

3-18-2019 7-28-21 PMTin mừng Luca 13, 1-9:

Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giêsu đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy”.

Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi”.

Suy niệm:

Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu dựa vào những sự kiện xảy ra cụ thể trong xã hội và thiên nhiên để kêu gọi mọi người mau mắn ăn năn sám hối. thiên Chúa luôn nói với con người qua mọi biến cố vui buồn trong cuộc sống đời thường. Thiên Chúa muốn con người được hạnh phúc và hạnh phúc là khátvọng của mọi người. Nhưng thực tế cuộc sống con người đầy gian khổ, buồn đau, tai ươn hoạn nạn… Đức Phật đã phải thốt lên: “Đời là bể khổ, sinh, lão, bệnh, tử đều khổ”. Đau khổ luôn là một mầu nhiệm, là điều khó hiểu đối với con người.

Người Do Thái thường gắn kết đau khổ, tai ương hoạn nạn với tội lỗi của cá nhân con người: Ác giả ác báo, vì sống ác, bất nhân nên phải gánh chịu đau khổ. Người bạn vủa ông Giob là Elipha đã nói với ông lúc gặp nạn: “Có ai vô tội mà bị tiêu diệt đâu” (Gb 4, 7).

Người Do Thái đưa ra hai sự cố lịch sử để biện minh cho lập trường của họ: Philatô đa giết chết một số người phản động tại đền thờ Giêrusalem đang khi họ dâng lễ. Tháp Silôê đã đổ đè chết 18 người Do Thái… Theo quan niệm của họ, thì những nạn nhân này là người có tội, bị Thiên Chúa phạt. Chúa Giêsu chống lạ quan niệm buộc kết đau khổ và tội lỗi với nhau, quy kết đau khổ, bất hạnh của một người cho tội lỗi là một luận điệu vô cùng nguy hiểm và không phù hợp với giáo lý của đạo Công giáo. Khi Chúa chữa lành người mù từ thưở mới sinh, xảy ra cuộc tranh luận dữ dội. Những người luật sĩ, biệt phái, thượng tế đều kết án anh mù là người tội lỗi, bị Thiên Chúa phạt. Nhưng Chúa Giêsu đã xác định rõ lập trường:

“Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta phạm tội, mà anh bị mù. Nhưng để cho Thiên Chúa được tôn vinh” (Ga 9, 2-3).

Thế giới kinh hoàng trước cuộc đánh bom tự sát vào tòa nhà thương mại quốc tế WTO năm 2001 tại Mỹ, làm cho 8.000 người chết. Biến cố sóng thần ở Đông Á 25/12/2008 khoảng 500.000 người chết. Những nạn nhân xấu số này có phải là những người tội lỗi hơn chúng ta không? Chắc chắn là không. Ngày nay, khủng bố xảy ra khắp nơi trên thế giới: ở Irak, Afganistan, Pakistan… háng ngàn người chết một cách vô tội, cả trẻ em nữa… Họ có phải là những người tội lỗi không? Động đất ở Haiti gần 20.000 người chết… Mới đây, ngày 17/1/2013, biến cố nhà thờ giáo xứ Ngọc Lâm – Bắc Ninh bị sụp đổ làm 3 người chết và 48 giáo dân bị thương. Một đại họa cho giáo xứ Ngọc Lâm, nỗi buồn cho giáo phận Bắc Ninh. Những nạn nhân này đều là những Kitô hữu đức tin vững mạnh. Có phải họ tội lỗi hơn chúng ta không? Chắc chắn là không! Đức Tổng giám mục Girelli, đặc sứ Tòa Thánh và Đức Cha Cosma đã đến viếng thăm các nạn nhân, an ủi, giúp đỡ họ. Tết nguyên đán Quý Tỵ, các ngài đã đến dâng lễ mừng xuân cho giáo dân Ngọc Lâm, vui tết với bà con ở đây. Mọi người trong nước cũng như hải ngoại qua sự cố này đã biết đến Ngọc Lâm và nhiệt tình giúp đỡ… Từ những tai ương hoạn nạn, những điều bất hạnh, Thiên Chúa có thể rút ra những điều lành cho con người chúng ta.

Qua những biến cố đau thương, Chúa Giêsu kêu gọi mọi người ăn năn sám hối. Mỗi biến cố vui buồn đều là tín hiệu Chúa kêu mời mọi người phải sám hối, quay trở về với Thiên Chúa, ăn ngay ở lành, sống lương thiện để được tha thứ, lãnh nhận ơn cứu độ: “Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông sẽ chết y như vậy”.

Ăn năn sám hối phải đem lại những kết quả tốt cho mình và cho tha nhân. Một đời sống vô ích sẽ đưa tới thảm họa cho con người. Đó là ý nghĩa của dụ ngôn cây vả không trái trong vườn nho. Thiên Chúa là người cha yêu thương, kiên nhẫn chờ đợi những người con tội lỗi quay trở về và mong muốn tất cả được an vui hạnh phúc. Thiên Chúa luôn cho chúng ta cơ may này, đến cơ may khác để chúng ta sinh hoa kết quả tốt. Tất cả đều là tội nhân, vì thế cần phải có lòng sám hối, quyết tâm đổi mới cuộc sống.

Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận đã nhận định: “Vị thánh nào cúng có một quá khứ, và người tội lỗi nào cũng có một tương lai”.

Quá khứ là dĩ vãng yếu đuối, sa ngã. Tương lai là ngày mai tốt hơn, thánh thiện. Khác biệt giữa thánh nhân và người tội lỗi chính là sự sám hối, lòng ăn năn.

Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về chúng ta. Chúng ta đừng bao giờ thất vọng về mình. Mỗi thành công là cơ hội để chúng ta tạ ơn, chúc tụng Thiên Chúa. Mỗi thất bại là mẹ của thành công. Mỗi vấp ngã là bàn đạp để chúng ta trỗi dậy, vươn lên: “Trở ngại nào cũng là một trợ giúp”.Bởi vì, trong tất cả mọi sự, Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta. Mọi sự đều góp phần sinh lợi cho những ai yêu mến Thiên Chúa và tin vào Thiên Chúa (x. Rm 8, 28).

Lm Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …