Bạn có lần nào dự một Thánh lễ ngày Chúa nhật như thánh lễ tại ngôi nhà thờ nhỏ này chưa? Bảy giờ lễ mới bắt đầu, nhưng từ sáu giờ rưỡi, ghế trong nhà thờ đã có nhiều người ngồi. Người đến trước bắt tay người đến sau, chào hỏi nhau, chuyên trò rôm rả. Mấy bà hỏi thăm nhau chuyên chợ búa, giá cả. Một cụ ông nêu thắc mắc với một bà đi lễ hôm nay sao có một mình?- Ông nhà đâu không thấy? –Dạ nhà cháu hôm nay ốm, cả đêm nhức mình nhức mẩy, ngủ không được. Quãng 4 giờ sáng mới thiếp đi. Cháu không gọi để nhà cháu ngủ, đi lễ chiều. Mấy anh chị em trong ca đòan đi đi lại lại, tiếng thử máy, tiếng thử đàn. Một không khí vui tươi, sống động. Bảy giờ thiếu mười, mấy chú giúp lễ mang sách Thánh, đem chén lễ ra bàn thờ. Nhà thờ đã đầy người, có lẽ đến ba trăm người trong ngôi nhà nguyện 20×15 (mét). Vị chi một mét vuông cho một người. Nhạc hòa tấu vang lên, ai nấy ổn định quay nhìn lên cung thánh.
Chuông báo, vị chủ tế bước ra. Mọi người cùng hướng lên bàn thờ. Nhạc trổi, nào organ, violon, trống, ghita. Người lĩnh xướng ca đòan cất lời ca mở đầu của bài đầu lễ. Trẻ em nghe theo tiếng nhạc, nhìn nhau hát thật hân hoan, đám thanh niên hòa nét mặt vui tươi, lắc lư thân mình, vì điệu hát nhanh, vui “Con đến bên Chúa, lòng con hân hoan vì Tin Mừng của Ngài…“. Vị chủ tế, sau kinh sám hối còn dâng lên lời nguyện tự phát nhân danh cộng đòan: “Lạy Chúa, xin dạy cho chúng con biết sống trong sự hiện diện cùng Chúa và biết yêu thương anh em chúng con…”.
Bài giảng Thánh lễ ngắn gọn rất dễ hiểu, lại cụ thể, với đại từ “Chúng ta“ thay vì “anh chị em hãy…” Vị giảng lễ như hòa với cộng đòan, có đọan: “Vũ trụ tìm kiếm sự hợp nhất… Cái xấu duy nhất, đó là sự cô độc, là sự thờ ơ, là hận thù, là ích kỷ… Chúng ta giống như những môn đệ trên đường Emmau: Chính dấu hiệu chiếc bánh được bẻ ra loan báo cho chúng ta Đức Kitô… Con cái chúng ta có thể sẽ thay đổi cuộc sống. Chúng ta hãy nói với thế hệ trẻ này: Cám ơn vì đã đến và mang lại thêm một chút hòa bình, yêu thương, công bằng cho trái đất”.
Cuối lễ, một vị đại diên HĐMVGX, chắc mới được bầu, lên mời mọi người tham gia (Đăng ký) vào các ban của giáo xứ như ban Thông tin, ban Phụng vụ, ban Giáo lý… (khỏang 5,6 ban) để cộng đòan ngày trở nên năng động và sẵn sàng phục vụ mọi người.
Lễ tất, mọi người ra về nhưng cũng nán lại bắt tay chào nhau. Một số trao đổi với nhau về Thánh lễ vừa tham dự. Người khen những bài hát ý nghĩa, người khác nhận định về bài giảng, về khung cảnh Thánh lễ. Mấy bà bàn luận với nhau về việc nên tham gia được ban gì của giáo xứ. Họ chuyện trò vui vẻ râm ran như muốn Thánh lễ kéo dài. Một bầu khí thật ấm áp, thánh thiện ngay trong, ngòai sân nhà thờ.
Tôi tự hỏi có xứ đạo nào ở thành phố mình có Thánh lễ ngày Chúa nhật sống động như thế? Có khi nào được phép ngồi trong nhà thờ trước giờ lễ mà chuyện trò? vô phép quá? Có nhà thờ nào cho phép ca đòan đi đi lại lại, thử đàn, thử máy cạnh cung thánh trước khi Thánh lễ bắt đầu? Rồi còn chuyện thanh niên nam nữ hát Thánh ca mà lắc lư thân mình, trẻ em cười vui với nhau, lại càng nghiêm cấm. Làm gì có Hội đồng mục vụ giáo xứ nào đề nghị, mời gọi giáo dân tham gia các ban bệ trong xứ. Phải được chọn lựa chứ, bầu bán chứ. Cứ như vậy chỉ “rách việc”.
Thánh lễ như thế diễn ra nơi nào vậy? Thưa: những Thánh lễ như thế vẫn thường xuyên diễn ra ở nước Ý những năm sau công đồng Vaticanno II, tức là đã cách đây khỏang gần 50 năm, đã được Gérard Bessi`ere viết trong tác phẩm ”Đức Giáo hòang đã biến mất” (Xem Nguyệt San CGvDT Số Tết). Một Thánh lễ thánh thiện, thân mật như thế, mọi người tham dự vừa là đến với Chúa vừa là đến với nhau. Thánh lễ Chúa nhật phải là nơi gặp gỡ giữa Hội Thánh Chúa và dân Người, vẫn là mơ ước của biết bao kytô hữu Việt Nam. Những Thánh lễ tràn đầy hơi thở của cuộc sống và niềm tin Kitô, có ở các xứ đạo bên mình?
Đỗ Lộc Hưng