Đoạn Tin Mừng là phần mở đầu một bài giảng rất quan trọng của Chúa Giêsu, bài giảng đầu tiên, bài giảng khai mạc chương trình truyền giảng của Chúa. Chúng ta thấy bốn lần Chúa nói “Phúc cho” và bốn lần Chúa nói “Khốn cho”, nên thường được gọi là bốn mối phúc và bốn mối họa, đối chiếu nhau gần như hoàn toàn: nghèo khó đối lại với giàu có, đói khát đối lại với no đầy, khóc lóc đối lại với vui cười, bị ghét bỏ đối lại với được ca tụng.
Chúng ta thấy ba mối phúc đầu và ba mối họa đầu đi với nhau, nghĩa là nghèo, đói và khóc lóc là bộ ba không thể tách rời. Đối lại, giàu, no và cười là bộ ba ngược lại. Bởi vì đói và khóc là hậu quả của nghèo, là biểu hiệu cụ thể nhất của cái nghèo. Trái lại, no và cười là biểu hiệu của sự giàu có. Chúng ta thấy hai hình ảnh nổi bật lên trong một thế tương phản rõ rệt: người nghèo, đói và khóc – người giàu, no và cười. Còn mối phúc thứ tư là những người bị ghét bỏ, loại trừ và bách hại vì Chúa, là những môn đệ của Chúa, họ chung số phận với các ngôn sứ. Ngược lại, mối họa thứ tư là những người được thế gian trọng vọng, là giới kinh sư, Pharisêu. Họ giống như những ngôn sứ giả trong lịch sử dân Chúa.
Qui chiếu lại như thế chúng ta thấy đoạn Tin Mừng này chỉ nêu lên hai đối tượng của phúc và hai đối tượng của họa: người nghèo và người bị ghét bỏ vì Chúa, đó là đối tượng của phúc. Người giàu và người được thế gian ca tụng, đó là đối tượng của họa. Giàu và nghèo, đó là những đề tài lớn, muốn hiểu được nội dung của phúc và họa, về người giàu và người nghèo, chúng ta phải tìm hiểu thật nhiều và thật sâu sát, ở đây chỉ xin gợi ý một vài điều thôi.
Giàu và nghèo, phúc ở đâu và họa ở đâu? Trước hết, chúng ta phải xác định cho rõ ràng: đừng hiểu rằng giàu có ở đời này là không được hạnh phúc ở đời sau, và ngược lại, nghèo khó ở đời này tất nhiên được hạnh phúc đời sau. Nếu như vậy thì chúng ta không được giàu có, không nên giàu có, vì giàu có là một điều xấu, làm chúng ta không được hạnh phúc đời sau. Trái lại, chúng ta hãy chịu nghèo ở đời này, hãy sẵn sàng chịu khổ, để đời sau được hạnh phúc. Không phải như vậy, chúng ta phải hiểu rằng: giàu có cũng là một cái phúc, nếu đó là thành quả do chúng ta cố gắng chuyên cần mà xây dựng được, tức là do công sức lao động mà chúng ta đã tạo được một cách chân chính. Đối lại, nghèo khó tự nó chẳng bao giờ là cái phúc cả. Cái phúc của người nghèo không phải là chính sự nghèo, nhưng là tinh thần của họ. Họ có một tấm lòng phó thác, không phàn nàn, không kêu trách, không bất mãn.
Như vậy, cái họa của người giàu là khi họ tự mãn, tự kiêu, tự đắc về tài sức của mình mà quên mất Thiên Chúa, là Đấng đã ban cho họ được giàu có. Hoặc cái họa cho người giàu là họ ích kỷ, keo kiệt, không biết dùng của cải chia sẻ cho người nghèo hay không biết dùng sự giàu có của mình mà mua sắm của cải nước trời. Cũng thế, cái họa của người nghèo là nghèo tiền, nghèo của nhưng không nghèo dục vọng, không nghèo tham sân si, thì đó lại là thứ giàu có giả hiệu… họ không được gì ở đời này mà cũng chẳng được gì ở đời sau.
Cũng thế, nếu chúng ta may mắn có tiền có của, giàu có hơn người, chúng ta phải biết sử dụng cho nên cái giàu của mình. Phải biết cảm tạ Chúa, phải biết chia sẻ cho người túng thiếu, phải biết đóng góp vào những việc chung, tức là giàu của và cũng giàu lòng nữa, chứ đừng giàu của mà nghèo lòng, đó là nguy cơ mất hạnh phúc nước trời. Ngược lại, nếu chúng ta nghèo khó, chúng ta cũng phải biết lợi dụng kiếp nghèo để leo về trời. Đừng vì nghèo mà ghen tương, đố kỵ, tham lam. Và dù nghèo cũng không bao giờ lỗi đức công bằng… đó là cơ may giúp chúng ta đạt hạnh phúc nước trời.
Chúng ta hãy nhớ: Phúc hay họa cho người giàu cũng như người nghèo, không phải là chính sự giàu có hay nghèo khổ của họ, nhưng là tinh thần của họ biết đánh giá đúng và hành động đúng với cái giàu hay cái nghèo của mình. Câu chuyện sau đây minh họa để chúng ta hiểu thêm điều đó. Linh mục Hattinggơ, một hôm đi dạo trên một cánh đồng, ngài gặp một em bé đi học. Ngài vừa đi với em vừa đặt nhiều câu hỏi để xem em có biết gì về giáo lý không. Ngài hỏi: “Những người giàu có được vào nước trời không?” Em bé trả lời: “Được, nếu họ biết giúp đỡ những người nghèo.” Ngài lại hỏi: “Vậy những người nghèo có được vào nước trời không?” Em bé trả lời: “Được, nếu họ biết nhẫn nại chịu đựng.”Cha Hattinggơ thích nhắc lại những câu trả lời của em bé ấy, và ngài thêm rằng: “Những lời đó chứa đựng một triết lý, triết lý của Tin Mừng Phúc âm.”
Chúng ta hãy nhớ: đời này được nối tiếp bằng đời sau, và chỉ có một con đường duy nhất cho mỗi người: người giàu thì đi theo con đường của mình, người nghèo cũng đi theo con đường của mình. Cả hai cùng phải đi, cùng phải biết dùng cái giàu, cái nghèo của mình để đạt được hạnh phúc nước trời. Xin Chúa cho tất cả chúng ta đều hiểu rõ lời Chúa dạy để rồi dù giàu hay nghèo tất cả chúng ta cùng gặp nhau trong nước trời.
Sưu tầm