Home / Chia Sẻ / Ý nghĩa việc phong chân phước của Hồng y Newman

Ý nghĩa việc phong chân phước của Hồng y Newman

Ý nghĩa việc phong chân phước của Hồng y Newman

france-catholique.fr, Linh mục Keith Beaumont, 2010-09-09

Linh mục Keith Beaumont, Hội Dòng Oratoire Thánh Phillip Nêri, Chủ tịch Hội những người bạn của Newman tại Pháp

Như chúng ta biết, phong chân phước là giai đoạn áp chót trước việc phong thánh. Nhưng có một giai đoạn sau đó mà chỉ một thiểu số nhỏ – tổng cộng ba mươi ba tất cả -, trong đó có ba phụ nữ (trong khi chờ đợi có thêm Edith Stein?). Đó là việc tuyên bố vị thánh đó được công nhận là “Thánh Tiến sĩ Giáo hội”, những người mà việc giảng dạy (tiếng la-tinh là doctrina) được công nhận là có thẩm quyền cụ thể.

Chữ “phong thánh” từ tiếng hy-lạp kanôn, có nghĩa đầu tiên là cây sậy, sau đó là thước đo và cuối cùng là chuẩn mực. Tất cả các ý nghĩa của chữ “canon” đều có cùng nguồn gốc, dù đó là chữ “canon” của Kinh Thánh (các sách được Giáo hội công nhận là sách “quy điển” được xem là sách chuẩn mực cho đức tin kitô giáo), hoặc chữ “canon là khẩu súng” (chế tạo “canon” bắn đạn đại bác hay trái phá đều phải làm đúng tiêu chuẩn cực kỳ chính xác, nếu không thì kim loại có thể nổ!), hoặc đơn vị đo lường “canon” dùng để uống (phải được kiểm soát chặt chẽ!). Như thế khi “phong thánh” ai, Giáo hội giới thiệu với tín hữu người đó là “chuẩn mực” hay “gương mẫu” của đời sống kitô. (Tất nhiên Giáo hội cũng đề xuất họ như người “chuyển cầu”; và “chức năng” chính của người được phong thánh, theo tu từ học, là để tạo một khuôn mẫu hoặc một chuẩn mực cho các tín hữu kitô khác.)

Nhưng trong trường hợp Hồng y John Newman, chúng ta sẽ “phong thánh” theo như thế nào. Chung chung, đó là đời sống của vị thánh được đề nghị là “gương mẫu” hoặc “chuẩn mực”. Như thế tôi không nghi ngờ gì về sự thánh thiện trong đời sống của Hồng y Newman. Nhưng ngài cũng là nhà văn, nhà tư tưởng – ngài là tác giả của hơn bốn mươi quyển sách, không nói đến hơn hai chục ngàn bức thư được công bố thành 32 tập đồ sộ vừa được kết thúc. Như thế ngài không chỉ là một trong các tư tưởng gia lớn của kitô giáo thời hiện đại mà ngài còn là bậc thầy, nhà hướng dẫn tâm linh ngoại hạng. Sức mạnh của trí thông minh, tầm vóc văn hóa rộng lớn, nhận thức tâm lý sáng suốt và đôi khi đáng sợ, kiến thức sâu sắc về Kinh Thánh, về các bài viết của các Giáo phụ, sự phong phú về kinh nghiệm riêng của ngài về Thiên Chúa khi còn sinh thời đã làm cho ngài giúp được hàng ngàn người khi họ đi tìm người để cố vấn thần học và thiêng liêng cho mình. Và ngày nay tác phẩm đồ sộ của ngài vẫn còn tiếp tục giữ vai trò này cho hàng triệu triệu người trên thế giới.

Hồng y Newman đã làm việc cật lực để canh tân hai Giáo hội, trước hết là Giáo hội Anh giáo, sau là Giáo hội công giáo – việc ngài chuyển từ giáo hội này qua giáo hội kia là một cắt đứt kinh khủng về mặt cá nhân, nhưng điều này lại cho thấy đây là một sự kế tiếp hoàn hảo về mặt trí tuệ và thiêng liêng. Ngài nổi bật trong nhiều thể loại văn chương – các bài giảng (12 tập đã được xuất bản), các tác phẩm thần học, lịch sử (đặc biệt về các tín hữu kitô đầu tiên và các Giáo phụ), một tiểu sử thường được so sánh với Lời thú tội của Thánh Âugutinô, hai quyển sách về suy tư giáo dục đại học, các tác phẩm thi ca, cầu nguyện, suy niệm và hai tiểu thuyết. Tư duy thần học của ngài – đã được khẳng định nhiều lần – có ảnh hưởng sâu đậm đến Công đồng Vatican II qua các nhà thần học có ảnh hưởng đến Công đồng như các linh mục Congar và de Lubac, Hồng y Mỹ John Courtney Murray, kiến trúc sư trưởng của Bản tuyên ngôn về Tự do tôn giáo, và nhà thần học trẻ Joseph Ratzinger, người rất ấn tượng với suy nghĩ của Newman trong thời gian học ở chủng viện. Hồng y Newman đã giúp Giáo hội làm phong phú thêm tư tưởng của mình về bản chất của ý thức, về sự phát triển học thuyết, về bản chất của Giáo hội (hơn một thế kỷ trước thông điệp Mystici Corporis của Đức Piô XII năm 1943, ngài chủ trương khái niệm Giáo hội là “nhiệm thể Chúa Kitô”), về vai trò của giáo dân và về cái mà Công đồng sẽ gọi là “lời kêu gọi phổ quát cho sự thánh thiện”.

Nhưng Newman là một cái gì khác hơn là nhà thần học văn phòng. Người ta đã nói rất đúng về ngài, trên tất cả ngài là “mục tử của tâm hồn”. Thần học của ngài là phục vụ đời sống tâm linh. Có thể nói ngài giúp chúng ta “nghĩ” về Chúa tốt hơn để cầu nguyện và tìm kiếm Chúa tốt hơn. Ngài giúp chúng ta tìm thấy một tầm nhìn về đời sống kitô hữu gồm ba “chiều kích” được thấm nhập vào nhau: theo ngài, người kitô hữu không những chỉ là “người tin”, không những chỉ là người đi tìm để sống theo một số giá trị, nhưng – như trong một bài giảng Anh giáo – là “người có ý thức sự hiện diện của Chúa trong lòng mình một cách mật thiết”.

Đâu là “chỗ đứng“ của tư tưởng và tác phẩm của ngài ngày nay? Một đối chiếu với chức hồng y của Newman có thể làm sáng tỏ điều này. Khi ngài được Đức Lêô XIII phong hồng y năm 1879, niềm vui ngài cảm nhận không phải là niềm vui thỏa mãn cá nhân nhưng niềm vui đến từ việc cuối cùng mình được công nhận, tư tưởng và giảng dạy của mình được chứng thực mà từ hai mươi hay ba mươi năm “những người công giáo thờ ơ hoặc kích động” đã cho là “dị giáo”. Ngài nghĩ, thêm một lần nữa và cho mãi mãi, chức hồng y của ngài chứng tỏ cho thấy các sách của mình “xứng đáng được tin tưởng”.

Tất nhiên ngày nay vấn đề này không còn được đặt ra, ngài không còn bị nghi ngờ về tính chính thống trong tư tưởng của mình. Nhưng người công giáo có quan tâm đến các bài viết của ngài như nó đáng được quan tâm không? Người ta có còn đọc không?

Vì thế việc phong thánh cho Hồng y Newman gắn liền với khả thể công nhận ngài là Tiến sĩ Giáo hội mà đó là điều kiện tiên quyết không thể thiếu. Gần như tất cả các giáo hoàng của thế kỷ 20 bắt đầu từ Đức Piô XII đều mong muốn Hồng y Newman được phong làm Tiến sĩ Giáo hội. Đức Phaolô-VI và Đức Gioan-Phaolô II cả hai đều muốn phong thánh Hồng y Newman và muốn chính mình là người tuyên bố điều này nhưng khi đó hồ sơ chưa sẵn sàng. Và chúng ta biết đó cũng là ước muốn mãnh liệt của Đức Bênêđictô XVI, người đầu tiên đã làm một ngoại lệ mà chính ngài khi là giáo hoàng đã đưa ra nguyên tắc, theo đó Đức Thánh Cha sẽ không còn chủ sự lễ phong chân phước mà chỉ chủ sự các lễ phong thánh. Ngày 19 tháng 9 năm 2010, trong một chuyến đi thăm nước Anh, Đức Bênêđictô XVI đã chủ sự lễ phong chân phước cho Hồng y Newman tại nhà thờ Birmingham. Đó là lần phong chân phước đầu tiên, và là lần duy nhất cùng với lần phong chân phước Đức Gioan-Phaolô II ngày 1 tháng 5 năm 2011 trong triều giáo hoàng của ngài. Trong chuyến đi này Đức Bênêđictô XVI đến thăm Hội Dòng Oratoire Thánh Phillip Nêri ở khu vực Edgbaston, nơi Hồng y Newman ở từ năm 1854 đến khi ngài qua đời năm 1890.

Việc phong chân phước và sắp tới là phong thánh cho Hồng y Newman chỉ mang trọn vẹn ý nghĩa khi ngài được phong làm Tiến sĩ Giáo hội. Khi đó chúng ta buộc phải chú ý đến tác phẩm của ngài, chính xác đến việc giảng dạy của ngài.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Đức Hồng y Newman sắp được phong thánh

John Henry Newman: Hành trình Bản Ngã

Nguồn: phanxicovn

 

Xem thêm

Ga 18,33-37

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN- LỄ KITÔ VUA, NĂM B, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 34BB LỄ KITÔ VUA (Ga 18,33-37) I.TÀI LỆU GỢI Ý             Ngữ cảnh Trong đêm, …