Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 3 TN năm A (2014) của LM.Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 3 TN năm A (2014) của LM.Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Sám hối – Nước Trời

Hằng ngày, trên báo chí, truyền thanh, truyền hình chúng ta thấy đầy những thông tin về những vụ giết người, cướp của, tham nhũng, hối lộ, lừa gạt, tai nạn, chiến tranh, khủng bố… đó là những chứng từ cụ thể về những tội lỗi con người đã phạm hay những tội ác do con người gây ra. Thiên Chúa muốn cứu độ giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi và tội ác, nhưng việc ấy sẽ không thành đạt nếu con người không muốn. Vì thế, ngay từ thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã nhờ các ngôn sứ tố cáo tội lỗi của dân chúng và yêu cầu họ hãy sám hối, hoán cải. Đến thời Tân Ước, ngôn sứ Gio-an Tẩy Giả cũng kêu gọi mọi người sám hối và làm phép rửa bằng nước để giúp họ bày tỏ lòng sám hối. Đến khi Chúa Giêsu xuất hiện công khai, Ngài là Đấng gánh tội trần gian, Ngài cũng xin chịu phép rửa của Gio-an để làm gương, rồi kêu gọi mọi người : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”.

Tại sao Chúa Giêsu lại kêu gọi sám hối và Nước Trời đến gần nghĩa là thế nào ? Trước hết, tất cả chúng ta đều nhìn nhận : Tội lỗi vẫn luôn có trong đời người, nhưng nhiều người ngày nay đã không ý thức đúng về tội lỗi, đây là một điều rất đáng sợ. Họ ăn cắp, gian dối, bất công, lừa gạt, giết người, phản bội… mà không bối rối âu lo mấy, hoặc vì họ cho rằng vì hoàn cảnh bó buộc nên “gặp thời thế thế thời phải thế”, hoặc vì họ muốn loại trừ tiếng lương tâm là tiếng Thiên Chúa, để họ hoàn toàn làm chủ và xét đoán theo tư lợi, ích kỷ, không dựa vào giá trị khách quan. Nhưng dầu con người có bị chi phối bởi hoàn cảnh, bởi tính tình, bởi người khác, thì mỗi người vẫn có tự do chọn lựa và quyết định, nên phải nhận phần trách nhiệm về sự chọn lựa và quyết định của mình. Kinh Thánh đã giúp chúng ta ý thức về tội ngay khi thuật lại việc Tổ Tông loài người sa ngã : Tội là lạm dụng tự do Thiên Chúa chia sẻ cho để chọn lựa lời nói, việc làm hoặc ước muốn trái với lời Thiên Chúa dạy, trái với lương tâm, với lý trí, với sự thật. Hậu quả là cắt đứt mối dây hiệp thông với Thiên Chúa, gây xáo trộn nơi bản thân và làm tan vỡ mối dây hiệp thông với tất cả mọi người.

Ý thức về tội đòi chúng ta phải thực hiện sám hối. Chúa Giêsu mời gọi sám hối để con người từ bỏ tội lỗi, trở về với Thiên Chúa và phục hồi phẩm giá của mình. Sám hối không phải chỉ là một nghi thức để tỏ ra ăn năn hối tiếc về tội đã phạm như tự kiểm, tự phê, tự nhận khuyết điểm, thú tội, dầu có thành thật đi nữa. Sám hối mà không đổi đời, ăn năn mà không trở lại, thì đâu vẫn hoàn đó.

Sám hối đích thực phải phát xuất từ lòng tôn kính Thiên Chúa cũng như yêu mến chính mình và mọi người, mọi vật, để trở về đời sống hiệp thông với tất cả, ăn năn hối tiếc và từ bỏ con đường đã làm mình bị chia cắt và xa cách. Sám hối phải đổi đời để sống tốt đẹp hơn. Đổi đời thì trước hết phải thay đổi tư duy : loại bỏ những nhận thức sai lạc, chủ quan, lầm lỗi, rồi thay đổi cả nếp sống và thái độ theo tư duy đúng với sự thật khách quan đó thì đời sống mới thống nhất, không giả hình và mâu thuẫn.

Đàng khác, đi liền với lời kêu gọi “Hãy sám hối”, Chúa Giêsu còn bảo, “vì Nước Trời đã đến gần”. Chúng ta biết Nước Trời hay Nước Thiên Chúa là một trong những chủ đề chính trong những lời truyền giảng của Chúa Giêsu, vì thế trọng tâm lời truyền giảng của Ngài là loan báo, giới thiệu và trình bày về Nước Trời. Ngài dùng nhiều dụ ngôn để giảng dạy. Mỗi dụ ngôn nói lên một ý nghĩa của Nước Trời, chẳng hạn : dụ ngôn hạt cải và men trong bột, cho biết sức mạnh vô hình nhưng bất khuất của Nước Trời, dụ ngôn kho tàng giấu trong ruộng và viên ngọc quý, cho biết Nước Trời có giá trị tuyệt đối và ưu tiên, dụ ngôn tiệc cưới, cho biết mọi người đều được mời gọi hưởng niềm vui của Nước Trời, nhưng có nhiều người từ chối, dụ ngôn cỏ lùng, cho biết hiện nay Nước Trời chưa toàn hảo, một ngày kia nước đó sẽ đạt tới viên mãn, dụ ngôn thợ làm vườn nho, cho biết Thiên Chúa rộng lượng với mọi kẻ đáp ứng lời mời vào Nước Trời.

Như vậy, qua những dụ ngôn Chúa giảng dạy, chúng ta biết được một số yếu tố căn bản của Nước Trời như sau : thứ nhất, Nước Trời là nước vô hình, nội tâm, được thiết lập trong các tâm hồn. Thứ hai, Nước Trời là nước thánh thiện, vì những ai gia nhập vào nước ấy được mời gọi trở nên toàn thiện. Thứ ba, Nước Trời là nước đại đồng, vì đón nhận mọi người, mọi dân tộc, không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, miễn là họ có lòng tin và sám hối. Thứ tư, Nước Trời tràn đầy ơn phúc, trong đó mọi người đều được vui mừng và thỏa mãn. Thứ năm, Nước Trời có giá trị tuyệt đối, phải đặt lên trên hết mọi sự, phải sẵn sàng hy sinh tất cả và bằng mọi giá phải vào cho được. Thứ sáu, Nước Trời đã đến cùng với Chúa Giêsu. Như vậy, Nước Trời không còn xa xôi, cũng không còn là một lời hứa, nhưng đã hình thành trong trần gian qua sự hiện diện của Ngài, đã đến cùng với Ngài, chính Ngài thiết lập Nước Trời ở trần gian, ai tin, sám hối và đón nhận Ngài là đã vào Nước Trời.

Vì thế, cùng với lời kêu gọi “Hãy sám hối”, Chúa Giêsu nói “Vì Nước Trời đã đến gần”, có nghĩa Chúa đến loan báo Tin Mừng về Nước Trời, tức là Ngài đem ơn cứu độ đến, và điều kiện để được gia nhập Nước Trời, để được cứu độ là người ta phải ăn năn sám hối, phải cải thiện đời sống.

Chúng ta đã lãnh nhận bí tích Rửa tội, tức là chúng ta đã được gia nhập vào Nước Trời. Nhưng trong cuộc đời trần thế này còn có tội lỗi, sự ác, con người còn đang chịu cám dỗ, có thể sa ngã, nên còn phải phấn đấu và sám hối. Vì vậy, bao lâu còn sống ở đời này, chúng ta còn phải sám hối, sám hối thường xuyên, sám hối suốt đời.

LM.Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …