Home / Chia Sẻ / SINH NHẬT

SINH NHẬT

Sinh NhậtĐời người khởi đầu từ lúc hình thành trong bụng mẹ, nhưng chính thức “vào đời” từ khi cất tiếng khóc chào đời – sinh nhật đời thường. Đó là ngày quan trọng, ai cũng nhớ và được nhiều người chúc mừng. Nhưng có một sinh nhật rất quan trọng là sinh nhật tâm linh – Chúa Giêsu gọi đó là tái sinh. Người ta “nhớ như in” sinh nhật đời thường, nhưng có lẽ ít người nhớ sinh nhật tâm linh – ngày lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, ngày được Rửa sạch Tội để thành con cái của Thiên Chúa.

Sinh nhật tâm linh quan trọng hơn sinh nhật đời thường vì liên quan sự sống đời đời. Thật vậy, khi đối thoại với hiền nhân Ni-cô-đê-mô, Chúa Giêsu đã mạnh mẽ xác định: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3:5).

Bí tích Rửa Tội liên quan nước. Có nước mới có thể rửa, gội, tẩy.Nước là chất liệu cơ bản và cần thiết khi muốn tẩy rửa. Nước chiếm 60-70% thể trọng của con người, điều đó cũng đồng nghĩa là nước là chất rất cần thiếtđể cơ thể tồn tại. Nhịn đói được lâu nhưng không thể nhịn khát.

Chúng ta biết rằng nước là một hợp chất hóa học của Oxy và Hydro, công thức hóa học làH2O. Nướccó lýtính và hóa tính đặc biệt, là chất rất quan trọng trong nhiều ngành khoa học và trong đời sống. Nước che phủ 70% diện tích trái đất nhưng chỉ 0,3% tổng lượng nước trên trái đất nằm trong các nguồn có thể khai thác dùng làm nước uống.

Ngoài nước thông thường còn có loại “nước nặng” (chứa tỷ lệ đồng vị Deuterium cao hơn nước thông thường) và nước siêu nặng (một dạng của nước trong đó các nguyên tử Hydro thông thường bị thay thế bằng đồng vị Triti của nó). Ở các loại nước này, các nguyên tử Hydro bình thường được thay thế bởi các đồng vị Deuterium và Triti. Nước nặng có lý tính và hóa tính khác với nước thường.

Được rửa sạch tội là tái sinh để trở thành “con người mới”. Tuy nhiên, Thánh Phaolô cho biết: “Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3:5). Tất cả là hồng ân, chứ chúng ta chẳng làm nên trò trống gì.

Thánh Phêrô giải thích và minh định: “Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai” (1 Pr 1:3-4). Cát bụi ô uế chợt hóa nên tinh tuyền, tình trạng hư hại hóa thành vĩnh tồn. Thật kỳ diệu! Thánh Phêrô cho biết thêm: “Anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi, vì mọi phàm nhân đều như cỏ và tất cả vinh quang của họ cũng đều như hoa cỏ; cỏ thì khô, hoa thì rụng” (1 Pr 1:23-24).

Từ thuở hồng hoang, từ thời điểm khai thiên lập địa, Thiên Chúa đã tạo dựng nước vào ngày thứ hai, và Kinh Thánh cho biết rằng “khối nước tụ lại được gọi là biển” (St 1:9-10).

Cuộc sống đời thường cho chúng ta biết rõ điều này: Ngay khi chào đời, ai cũng được tiếp xúc với nước – được tắm rửa lần đầu tiên. Khi gia nhập Đạo Thánh của Thiên Chúa, chúng ta cũng được “khai tâm” bằng nước qua việc lãnh nhậnbí tích Thánh Tẩy. Cả đời và đạo, chúng ta đều được “khai trương” cuộc sống bằng nước. Thật là vô cùng kỳ diệu!

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã tuyên phán với ngôn sứ Isaia: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm”.(Is 42:6-7). Và ngày nay, đó cũng là lời Thiên Chúa muốn nhắn nhủ mỗi chúng ta – những người đã được “dìm vào” Nước để được rửa sạch mọi oan khiên, không chỉ là thanh tẩy mà là Thánh Tẩy bằng hồng ân Thiên Chúa.

Làn nước mát làm cho chúng ta “chết đi” cho con người cũ để được “sống lại” trong sự sống mới. Một quá trình sinh – tử kỳ diệu. Một cuộc tái sinh mầu nhiệm.

Thiên Chúa là Điêu Khắc Gia toàn năng, Ngài tạo dựng chúng ta nên Ngài biết rõ chúng ta yếu đuối, vì thế Ngàikhông trách chúng ta qụy ngã, mà Ngài trách chúng ta không dám phủi bụi và đứng dậy để làm lại cuộc đời: “Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu”(Kh 2:4-5).Chúa Giêsu hoàn toàn vô tội,nhưng Ngàihòa đồng (chứ không đồng hóa) với tội nhân chúng ta, và Ngài muốn làm gương cho chúng ta qua việc lãnh nhận Phép Rửa từ tay ông anh họ Gioan Tiền Hô.

Kinh Thánh cho biết sự kiện quan trọng khởi đầu sứ vụ công khai của Đức Giêsu, khởi đầu từ Dòng Sông Gio-đan(Mt 3:13-17; Mc 1:9-11; Lc 3:21-22).

Ngày hôm đó, Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, đến gặp người anh em họ Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình.Thấy lạ, ông Gioan một mực can Ngài và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!”. Nhưng Đức Giêsu ôn tồn trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để GIỮ TRỌN ĐỨC CÔNG CHÍNH”. Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Ngài. Ôi, hai tâm hồn khiêm nhường hòa quyện vào nhau, thật kỳ diệu và tuyệt vời biết bao!

Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong và vừa ở dưới nước lên, các tầng trời mở ra. Có điều kỳ diệu xảy ra: Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Ngài. Đặc biệt là có tiếng từ trời vang vọng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”. Ôi, Thiên Chúa toàn năng!

Khibắt đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã đi tiên phong để chúng ta bước theo và thực hiện lệnh truyền của Ngài: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15). Chúa Giêsu đã vào đời, mỗi chúng ta cũng phải vào đời… để làm chứng về Ngài. Đó là bổn phận và trách nhiệm cao cả mà ai cũng phải thi hành – bất kể ai.

Chúa Giêsu khởi sự hành động từ dòng sông Gio-đan, Ngài cũng bảo mỗi chúng ta hãy bắt đầu từ bến đời của mình ngay trên dòng thế gian này…

Lạy Thiên Chúa chí thánh và đại lượng, xin cảm tạ Ngài đã cho con được sinh ra làm một con người và được tái sinh làm con người mới, xin giúp con biết can đảm đè bẹp “cái tôi” của con và sẵn sàng buông bỏ những gì vướng víu, để con có thể sống khiêm nhường thực sự, khiêm nhường từ đáy lòng chứ không “ra vẻ”. Xin thương giúp con biết khéo léo giới thiệu Ngài với mọi người theo khả năng hữu hạn của con, trong hoàn cảnh của con hiện tại. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa – 2019

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN