MẸ XIN VÂNG TRỞ THÀNH MẸ THIÊN CHÚA
CON HẠNH PHÚC MỪNG KÍNH TRINH NỮ VƯƠNG
Thật hạnh phúc khi có Mẹ, càng hạnh phúc hơn khi Người Mẹ của chúng ta là Mẹ Thiên Chúa, là Đấng Theotókos (Người-Mang-Thiên-Chúa, God-Bearer).
Ngày 1 tháng 1 là ngày rất đặc biệt đối với thế giới, cả đạo và đời, vì đó là ngày khởi đầu năm mới. Càng đặc biệt hơn đối với Giáo Hội Công Giáo vì đó là ngày lễ Mẹ Thiên Chúa.Với người Âu Tây, đó là ngày Tết; với quốc tế, đó là ngày Hòa bình Thế giới: “NỮ VƯƠNG BAN SỰ BÌNH AN – Cầu Cho Chúng Con!” (Kinh Cầu Đức Bà).
Thật lạ lùng, không biết Thiên Chúa có “tiền định” hay không mà các ngôn ngữ đều mở miệng gọi Mẹ bằng âm bật mở đầu là mẫu tự M. Chẳng hạn cách gọi người sinh ra mình là Mẹ hoặc Má (tiếng Việt), Mother (Mom, Mum – tiếng Anh), Mère (Maman – tiếng Pháp), Mutter (Mumie – tiếng Đức), Madre (Mamá – tiếng Tây Ban Nha), Madre (Mamma – tiếng Ý), Moeder (Mummie – tiếng Hà Lan),… Nhưng khi gọi Cha thì các nước không dùng chung âm mở đầu, mỗi nước mỗi khác. Phải chăng đây là “đặc cách” mà Thiên Chúa đã dành cho Đức Mẹ, Mẹ của những người Mẹ, và tất cả những phụ nữ làm Mẹ?
Đề cập người mẹ thì luôn liên quan đứa con. Tình Mẫu Tử có gì đó rất kỳ diệu, hầu như chúng ta không thể hiểu hết. Dù người con tật nguyền, không đẹp, thậm chí là hư hỏng, phản bội, nhưng vì “nước mắt luôn chảy xuôi” nên người Mẹ vẫn sẵn sàng tha thứ và vẫn yêu thương hết lòng. Người bàng quan có thể trách người Mẹ là nhu nhược, là sợ sệt, nhưng ai đã làm Mẹ mới khả dĩ hiểu thấu. Thế mới là Tình MẫuTử đích thực – trong đó Tình Phụ Tử đích thực cũng được “hiểu ngầm”. Không thể chỉ kính trọng Tình Mẹ mà “coi nhẹ” Tình Cha, vì người Mẹ khởi đầu cho cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc; người Cha khởi đầu cho ý chí, niềm tin và sức mạnh.
Khi đề cập Tình Mẹ, người ta có thể nhớ ngay đến ca khúc Lòng Mẹ, một ca khúc bất hủ của cố nhạc sĩ Y Vân, viết về chính người Mẹ của ông: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình Mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào. Lòng mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu…”. Giai điệu đơn giản mà có hồn, ca từ đẹp và nhẹ nhàng như chất nữ tính dịu dàng của người Mẹ vậy. Còn thi sĩ Hồ Dzếnh lại mơ ước:
Kiếp sau xin lại làm người
Để nghe non nước vọng lời mẹ ru
Quả thật, được làm người là niềm hạnh phúc lớn, được nghe lời ru của Mẹ cũng là một niềm vui sướng. Gà con được núp dưới cánh gà mẹ thì không còn sợ diều hâu. Con ở bên Mẹ thì không chỉ an toàn mà còn hạnh phúc, bình an cả tinh thần và thể lý.
Gà mẹ xòe cánh
Để đánh diều hâu
Ngọt ngào tình mẹ
Thương con dạt dào
Một em bé nói với người mẹ: “Mẹ là người tốt nhất”. Em bé này thật may mắn vì em rất hạnh phúc khi có được người Mẹ “số dzách” như thế. Bất kỳ ai sống an toàn dưới “đôi cánh” của Mẹ thì đều được an tâm, được tận hưởng nền hòa bình thực sự.
Tình mẹ yêu thương
Biển trời lai láng
Bên mẹ nép cánh
Con sống an vui
Thế giới luôn xảy ra những biến cố, hầu như hằng ngày, do đó thế giới luôn khao khát hòa bình đích thực để mọi người được vui sống. Thế giới thiếu hòa bình vì người ta còn tranh quyền lợi, giành vật chất, còn lắm Tham-Sân-Si (theo quan niệm Phật giáo); người Kitô giáo thiếu bình an tâm hồn vì còn hướng chiều tội lỗi, vẫn tranh giành quyền lực. Người ta muốn được phục vụ chứ không muốn phục vụ theo tinh thần Đức Kitô, muốn sáng danh con chứ chưa thực sự muốn sáng Danh Chúa. “Cái tôi” dù đáng ghét (như Pascal diễn tả) nhưng “nó” vẫn trỗi dậy bất kỳ lúc nào khiến cho tính ích kỷ “lớn” hơn tình người, muốn chứng tỏ “đẳng cấp” của mình, muốn được Thiên Chúa xót thương nhưng lại không thể hiện Lòng Chúa Thương Xót. Quả thật, Chúa rất ghét “những người giả hình” (x. Mt 23:1-32 ≈ Mc 12: 38 -40; Lc 11:39-48; Lc 20:45-47).
Chúa giáng sinh làm người là dấu hiệu “báo động đỏ” của Thời Cánh Chung:“Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4:4-5). Và để chứng thực chúng ta là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng chúng ta mà kêu lên: “Áp-ba, Cha ơi!” (Gl 4:6).
Vì thế, chúng ta “không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa” (Gl 4:7). Người ta có thể từ con, còn Chúa lại nhận nghịch tử làm hiền tử hoặc con yêu. Quá đỗi kỳ diệu và tuyệt vời! Chúng ta chỉ là những “tử tội khốn kiếp” mà lại được công nhận là con cái. Còn hạnh phúc nào hơn chứ? Đó vừa là điều kỳ diệu vừa là “ẩn số” của tình Cha, nghĩa Mẹ.
Hang đá là cảnh gia đình hạnh phúc, dù đó là cảnh nhà “nghèo nhất thế gian”. Trong “cảnh nghèo” đó có cả Tình Mẹ và Tình Cha. Những người đến thăm “gia đình nghèo” này cũng lại là những người “nghèo rớt mồng tơi”: Các mục đồng. Thánh Luca kể rằng sau khi các mục đồng được thiên sứ báo tin, “họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Maria, ông Giuse, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Thánh nhân kể rất tỉ mỉ. Các mục đồng có phước vì đã ghé thăm “tệ xá” của Thánh gia thất. Còn ngày nay, người ta (cả đời và đạo) chỉ thích “thăm viếng” các biệt thự, các villa, các nhà cao cửa rộng, các đại gia, những người “thở ra tiền, cười ra bạc, khạc ra vàng, sàng ra đô-la”. Và người ta có nhiều “cách biện hộ”.
Động thái ít nói và e ấp đầy nữ tính của Đức Maria là bài học quan trọng. Thật vậy, Đức Mẹ nghe mục đồng kể lại điều đã được nói về Hài Nhi, rồi Đức Mẹ “hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2:17-19). Kinh Thánh tường thuật: “Khi ra về, các mục đồng vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ” (x. Lc 2:20). Họ nghèo mà hạnh phúc, họ hạnh phúc vì họ được gặp Vua Nghèo Giêsu, thế là họ bình an, nghĩa là họ hưởng nền hòa bình đích thực. Đúng như ca đoàn thiên thần hát vang trong Đêm Giáng Sinh được Lc 2:14 ghi lại:
Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương
Chỉ có người lòng ngay mới là người được Chúa thương, chỉ có người thiện tâm mới được tận hưởng nền hòa bình chân chính đúng nghĩa. Đó là những người noi gương Thánh Nhi Giêsu, Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse, cùng với những người được cư ngụ trong Nhà Chúa (Tv 15).
Thôn nữ Maria sinh Con Trẻ, bắt đầu thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa. Sau 8 ngày, đến lúc phải làm lễ cắt bì cho Con Trẻ theo luật Do Thái, Hài Nhi được đặt tên là Giêsu, tên mà sứ thần đã đặt cho Em Bé trước khi Em Bé được thụ thai trong lòng Thân Mẫu. Bắt đầu có niềm hạnh phúc làm Mẹ thì cũng là lúc bắt đầu chuỗi ngày gian khổ, thậm chí là đẫm nước mắt… Nhưng Đức Mẹ vẫn không một lời than thở, chỉ im lặng, hành động, và trọn niềm tín thác vào Thiên Chúa.
Nguyên tắc sống của người xưa thật tuyệt vời: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Một mối liên kết lô-gích. Hòa bình trước tiên phải phát xuất từ tâm hồn mỗi cá nhân, từ đó mới có thể tiếp tục mở rộng biên độ.
Trang Catholic.com cho biết rằng đôi khi những người theo trào lưu chính thống cảm thấy “quan ngại” khi Đức Mẹ được gọi là Thánh Mẫu Thiên Chúa. Tuy nhiên, phản ứng của họ thường dựa vào sự hiểu lầm – không chỉ về danh xưng của Đức Mẹ mà còn về Con Người của Chúa Giêsu, điều mà các nhà thần học và các nhà cải cách Tin Lành đã phải nói tới có liên quan giáo lý này.
Bình thường, một phụ nữ là mẹ của một con người nếu phụ nữ đó mang thai người đó hoặc di truyền nửa tổng số gen cho người đó. Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu theo cả hai nghĩa này,vì Đức Maria không chỉ mang thai Chúa Giêsu mà còn di truyền gen cho thân thể Ngài, do đó mà qua Đức Maria – chứ không phải Đức Giuse, Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua Đa-vít về phương diện nhục thể.
Bởi vì Đức Maria là Mẹ của Chúa Giêsu, vậy phải kết luận rằng Đức Maria cũng là Mẹ Thiên Chúa: Nếu Đức Maria là mẹ của Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu là Thiên Chúa, vậy Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Không còn cách suy luận nào hợp lý hơn, dạng lý luận này được các nhà luận lý học chấp nhận từ trước khi Chúa Giêsu giáng sinh.
Mặc dù Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Đức Maria không là mẹ của Ngài theo nghĩa Đức Maria cao niên hơn Thiên Chúa hoặc là nguồn của thần tính nơi Chúa Con. Chúng ta nói rằng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa theo nghĩa Đức Maria mang thai ĐứcGiêsu Kitô, Đấng là Thiên Chúa “hóa thành nhục thể” (2 Ga 7;x. Ga 1:14) – và theo nghĩa Đức Maria góp phần di truyền gen con người nơi Đức Giêsu Kitô.
Để tránh né, những người theo trào lưu chính thống thường cho rằng Đức Maria không mang Thiên Chúa trong cung lòng, mà chỉ mang nhân tính của Đức Kitô mà thôi. Cách xác định này tái tạo một tà thuyết từ thế kỷ V– tà thuyết Nestorian [bị lên án tại Công Đồng chung Ephesus năm 431. Nhờ nỗ lực của Ibas – Giám mục thành Ephesus từ năm 435, và Barsumas – Giám mục thành Nisibis từ năm 457, thuyết Nestorius (thuyết Cảnh Giáo) phát triển thành dạng thần học đầy đủ, rồi được chuyển đến Persia và Tiểu Á, nơi khai sinh một giáo phái nhỏ nhưng có ảnh hưởng là Giáo hội Nestorius – ngày nay vẫn tồn tạivới tên gọi “Kitô hữu Assyria”], đồng thời xác định rằngngười mẹ không chỉmang thai nhân tính của người con trong cung lòng, mà còn mang thai chính ngôi vị của người con, không chỉ sinh ra bản chất con người mà còn sinh ra chính con người. Như vậy,Đức Maria mang thai và sinh Con Người của Đức Giêsu, Đấng mà Đức Maria sinh ra chính là Thiên Chúa.
Thuyết Nestorian cho rằng Đức Maria không sinh ra Đức Giêsu Kitô với hai bản tính, mà họ tách rời thần tính và nhân tính của Ngài, tạo ra hai con người tách biệt – một là Thiên Chúa và một là Con Người. Như vậy, đó là một tà thuyết về Kitô giáo, thậm chí các nhà cải cách Tin Lành cũng nhận ra. Cả Martin Luther và John Calvin cũng cương quyết bảo vệ thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Hiện nay, Giáo hội Nestorius đã ký kết một tuyên ngôn chung về Kitô giáo với Giáo hội Công giáo và công nhận Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, giống như các Kitô hữu khác tin như vậy.
Đức Maria là Nữ Tỳ khiêm hạ của Thiên Chúa, Nữ Tỳ đó trở thành Mẹ Thiên Chúa và Nữ Vương Thiên Đàng. Đây là một số dẫn chứng về Mẹ Thiên Chúa:
Thánh IRÊNÊ– “Trinh nữ Maria đã vâng lời Thiên Chúa và đón nhận tin vui là mang thai ConThiên Chúa”[Chống Tà Thuyết, 5:19:1,năm 189 sau công nguyên].
Thánh HIPPÔLYTÔ – “Đối với mọi thế hệ,các tiên tri đã phác họa các chủ thể vĩ đại nhất về sự suy niệm và hành động. Như vậy, họ rao giảng về Thiên Chúa mặc xác phàm khi đến thế gian, Ngài đến qua Đức Maria không tỳ vết và là Người-Mang-Thiên-Chúa”[Bài Giảng Về Tận Thế 1,năm 217 sau công nguyên].
Thánh GRÊGÔRIÔ – “Theo linh hứng, Thánh Luca đã đưa ra chứng cớ là không chỉ Đức Giuse, mà cả Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và đưa ra lý do khi nhắc tới chính gia đình và nhà Đa-vít. Đức Maria được truyền tin làm Mẹ Thiên Chúa khi Sứ thần tới chào: Kính mừng Maria đầy ơn phước!”[Bốn Bài Giảng 1, năm 262 sau công nguyên].
Thánh PHÊRÔ ALEXANDRIA – “Họ đến với Giáo hội thuộc Thánh Mẫu Thiên Chúa, Đức Maria trọn đời đồng trinh, khi họ nói rằng người đó đã xây dựng khu vực Tây phương ở ngoại ô để làm nơi chôn cất các vị tử đạo” (Hành Động Xác Thực Của Phêrô Alexandria, năm 305 sau công nguyên).“Chúng ta tin có sự sống lại của những người đã chết, người đầu tiên là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Ngài đã mang thân thể không chỉ theo bề ngoài mà còn thực sự sinh bởi Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa”[Lá ThưGởiCác Giám MụcKhông Là Người Ai Cập 12, năm 324 sau công nguyên].
Thánh MÊTHÔĐIÔ – “Khi ông già Simeon hân hoan, rất sung sướng với niềm vui thánh đức, điều đã được ngôn sứ Isaia tiên báo, Mẹ Thiên Chúa rất mãn nguyện”[Diễn Thuyết Về Ông Simeon và Bà Anna 7,năm 305 sau công nguyên].
Thánh CYRILÔ GIÊRUSALEM – “Chúa Cha từ trời làm chứng về Chúa Con. Chúa Thánh Thần là nhân chứng trong hình chim bồ câu. Tổng lãnh thiên thần Gabriel là nhân chứng khi truyền tin cho Đức Maria. Mẹ Thiên Chúa cũng là nhân chứng”[Bài Giảng Giáo Lý 10:19,năm 350 sau công nguyên].
Thánh ÊPHRAIM SYRIA – “Mặc dù vẫn đồng trinh,nhưng Đức Maria đã thụ thai, Người Nữ Tỳ này trở thành Mẹ Thiên Chúa”[Các Bài Hát Ca Ngợi 1:20,năm 351 sau công nguyên].
Thánh ATHANASIÔ – “Ngôi Lờinhiệm xuất từ Thiên Chúa Cha, khôn xiết tả, không thể giải thích, không thể hiểu, vàvĩnh viễn, rằngChúa Con sinh bởi Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa”[Sự Nhập Thể Của Ngôi Lời Thiên Chúa 8,năm 365 sau công nguyên].
Thánh ÊPIPHANIÔ SALAMIS – “Hoàn hảovới Chúa Cha và nhập thể làm người ở giữa chúng ta, không theo bề ngoài nhưng theo sự thật, Chúa Conđã tái tạo loài ngườitheosự hoàn hảo nơi chính Ngàitừ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, qua Chúa Thánh Thần”[Con Người Đáng Tin Cậy 75,năm 374 sau công nguyên].
Thánh GRÊGÔRIÔ NAZIANZ – “Nếuai không chấp nhận Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, người đókhông đồng thuận với Thiên Chúa”[Thư Gởi LM Cledonius 101,năm 382 sau công nguyên].
Thánh GIÊRÔNIMÔ – “Để biết một Trinh Nữ trở thành Mẹ Thiên Chúa như thế nào, Rufinus đã biết đầy đủ; để biết chính Người Con được sinh ra, ông ta không biết gì” (Chống Lại Rufinus2:10, năm401 sau công nguyên).“Đừng ngạc nhiên về sự mới lạ, nếu một Trinh Nữ sinh ra Con Thiên Chúa” [Chú Giải Sách Isaia 3:7:15, năm 409 sau công nguyên].
Thánh THEODORE MOPSUESTIA – “Khi người ta hỏi: ‘Đức Maria là mẹ của con người hay mẹ của Thiên Chúa?’,chúng ta trả lời: ‘Cả hai!’.Một bởi chính bản chất của điều được thực hiệnvà một bởimối quan hệ”[Nhập Thể 15,năm 405 sau công nguyên].
Thánh CYRILÔ ALEXANDRIA – “Vì Đức Maria sinh Thiên-Chúa-làm-ngườitheo bản chất, vì thế chúng ta gọi Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Nếu ai không tuyên xưngĐấng Emmanuel chính là Thiên Chúa, và do đó màTrinh Nữ Maria là Mẹ Thiên Chúa, vì trong nhục thể Đức Maria đã sinh Thiên-Chúa-làm-người:“Người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1:14)[Lá Thư Thứ Ba Gởi Nestorius, năm 430 sau công nguyên].
Thánh GIOAN CASSIAN – “Hiện nay ông là người theo tà thuyết, ông nóirằng Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu Kitô của chúng tôi, không thể được gọi là Mẹ Thiên Chúa, mà chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu, với lý do làkhông aisinh ra người con lớn tuổi hơn mình. Đó là cách tranh luậnngớ ngẩn… Hãy để chúng tôi chứng minhrằng Đức Kitô là Thiên Chúa và Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”[Bàn Về ViệcNhập Thể CủaĐức Giêsu Kitô Trái Ngược Với Nestorius2:2,năm 429 sau công nguyên].
Công Đồng ÊPHÊSÔ – “Chúng ta tuyên xưng Đức Giêsu Kitô làCon Yêu Dấu của Thiên Chúa, Thiên Chúa là người hoàn hảo, cả hồn và xác, nhiệm xuất từ Chúa Cha từ trước muôn đời, mãi mãi bất biến, vì chúng ta và để cứu độ chúng ta, sinh bởi Trinh Nữ Mariatheo bản tính nhân loại, đồng bản thể vớiChúa Chavà cũng có nhân tính như chúng ta, có sự kết hợp hai bản tính đồng thời. Do đó chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa. Theo cách hiểu này vềsự kết hiệp không lẫn lộn, chúng ta cũng tuyên xưngĐức Maria là Mẹ Thiên Chúa vìThiên Chúa Ngôi Lờimặc xác phàmvà trở nên Con Người”[Công Thức Hiệp Nhất, năm 431 sau công nguyên].
Thánh VINCENT LERINS– “Nestorius bị chứng bệnh tử tế đối lập, nhưng lại giả vờchấp nhận hai bản tínhriêng biệt nơi Đức Kitô, cho rằng có hai con người, có hai Con Thiên Chúa, hai Đức Kitô – một là Thiên Chúa và một là con người; một nhiệm xuất từ Chúa Cha, và một sinh bởi Đức Maria. Vì thế,ông ta vẫn cho rằngĐức Maria không thể được gọi là Mẹ Thiên Chúa, mà chỉ là Mẹ của Đức Kitô”[Những Cuốn Sổ 12(35),năm 434 sau công nguyên].
Lạy Thiên Chúa nhân lành, xin giúp chúng con luôn “biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người” (Thánh Phanxicô Assisi), luôn là “khí cụ bình an của Chúa”, biết bảo vệ công lý để có thể kiến tạo hòa bình đích thực. Lạy Thánh Mẫu đầy ân sủng, xin giúp chúng con biết “nói ít và làm nhiều” như Mẹ, để có thể vãn hồi hòa bình ngay từ trong gia đình ngay giây phút hiện tại. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU