Home / Chia Sẻ / ĐÓA HỒNG MẦU NHIỆM

ĐÓA HỒNG MẦU NHIỆM

ĐÓA HỒNG MẦU NHIỆM [1]“Đức Bà như Hoa Hồng Mầu Nhiệm vậy”. Một câu trong Kinh Cầu Đức Bà xác định như vậy. Đức Mẹ là kỳ hoa dị thảo vô cùng đặc biệt của Thiên Chúa, với trách nhiệm khó khăn chứ không hề đơn giản.

Đóa hồng thiêng mầu nhiệm

Giữa bụi gai vươn cao

Mẹ tỏa hương thánh thiện

Muôn thế hệ mến yêu

Ngày 25-3-1858 tại Lộ Đức, một lần gặp Bà Đẹp, cô bé Bernadetteđã hỏi: “Thưa Bà, Bà là ai?”. Chính Đức Mẹ đã xác nhận: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Khi đó Bernadette không hiểu ý nghĩa, về sau cô mới hiểu được thế nào là Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đức Mẹ xác nhận sau gần 4 năm ĐGH Piô IX công bố Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội qua Tông sắc “Ineffabilis Deus” (Thiên Chúa Bất Khả Ngộ, 8-12-1854), điều đó chứng tỏ Chúa Thánh Thần luôn tác động trong đời sống Giáo Hội Lữ Hành và có ơn bất khả ngộ của người kế vị Thánh Phêrô.

Theo ngữ nghĩa, nhiễm là “nhuộm”, nghĩa bóng là lây lan, thấm sang – thường ở thể thụ động và mang nghĩa xấu. Vô nhiễm là không bị nhiễm – người đời ngày nay có cách gọi theo y học là miễn nhiễm.

Sống trong Thời Kỳ Cuối với nhiều thứ nhiêu khê, càng tiến gần “Giờ G” thì cuộc sống càng phức tạp, càng dễ lây nhiễm những loại virus độc hại – cả nghĩa đen và nghĩa bóng, cả đời thường và tâm linh. Hằng ngày, bất cứ lúc nào, luôn có nhiều thứ có thể “nhiễm” vào con người: Nhiễm trùng, nhiễm độc, nhiễm xạ, nhiễm bệnh,… Về thể lý, chắc chắn không ai miễn nhiễm, nghĩa là ai cũng đã từng bị bệnh, bị nhiễm một dạng virus nào đó. Vì thế, người ta rất cần bảo vệ hệ miễn nhiễm của cơ thể, làm tăng sức đề kháng. Về “căn bệnh thế kỷ” AIDS (Pháp ngữ là SIDA), thật kỳ lạ đối với một số người Phi châu bởi vì họ miễn nhiễm với HIV – Human Immunodeficiency Virus. Đó là một dạng thiếu khả năng miễn nhiễm của cơ thể. Quả thật, người Phi châu có dạng “vô nhiễm” kỳ lạ. Và cuộc sống tâm linh cũng vậy!

Trong cuộc sống, khi người ta “có tật”thì cũng dễ bị “giật mình”, và người ta còn thường đổ lỗi cho nhau theo “dây chuyền”. Vì A, tại B, bởi C, nếu D, giá mà E,…Lỗi tại X, lỗi tại Y, hiếm khi “lỗi tại tôi”. Cái kiểu “đổ lỗi dây chuyền” theo đúng quy trình giả hình như thế thì thật là nguy hiểm, tội lỗi cũng có tính liên đới của nó.

Trình thuật St 3:9-15 cho biết điềukhiến Ông Bà Nguyên Tổ phải “giật mình”. Lúc đó, Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?”. Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn”. Trước đó thì Ông Bà thường xuyên chuyện vãn với Thiên Chúa, bây giờ thì lủi đi như chim cút, mắt liên láo và không thích gặp mặt Ngài nữa. Và rồi Ngài hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?”. Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?”. Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”.Ngài hỏi không phải là Ngài không biết, mà Ngài muốn tự con người xác nhận, nhưng chẳng ai dám nhận lỗi, Ông đổ lỗi cho Bà, Bà đổ lỗi cho con rắn.

Cuối cùng, Thiên Chúa đã tuyên bố chắc chắn với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”. Thiên Chúa đã đề cập một phụ nữ vĩ đại nhất trong nữ giới và cả nhân loại này: Đức Maria – với bốn đặc ân:Thánh Mẫu Thiên Chúa [01-01], Mông Triệu[15-08], Đồng Trinh [22-08], Vô Nhiễm Nguyên Tội [08-12].

Tại Vườn Địa Đàng, sau khi đượcThiên Chúa trao cho một mỹ nhân, Chàng Ađam thích lắm, cứ ngỡ mình nằm mơ. Và trong khi phấn khởi khôn tả, Chàng đã gọi Nàng là Êva, Kinh Thánh giải thích rằng Chàng “đặt tên” cho Nàng như vậy vì Nàng là “mẹ của chúng sinh” (St 3:20).

Nhưng rồi nhân loại mất Người Mẹ thứ nhất là Bà Êva bởi vì Bà “phá ngang”, rồi nhân loại lại được Thiên Chúa ban cho Người Mẹ thứ nhì là Mẹ Maria. Thật là mầu nhiệm đối với sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa. Vì thế, nhân loại thực sự hạnh phúc lắm, không thể tả nổi, và không thể không cảm tạ Thiên Chúa theo lời mời gọi của Thánh Vịnh gia:“Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người”(Tv 98:1). Thật tuyệt vời biết bao!

Và còn nhiều lý do khác để chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa, một trong các lý do minh nhiên: “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ, mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân; Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ítraen. Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” (Tv 98:2-3).Niềm vui của chúng ta cứ tăng dần, trách nhiệm của chúng ta cũng phải tăng dần, và không thể không mời gọi người khác: “Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát” (Tv 98:4). Đó cũng là một cách chia sẻ niềm vui.

ĐÓA HỒNG MẦU NHIỆM [2]Rất nhiều kỳ công của Thiên Chúa,từ Cựu Ước tới Tân Ước, khiến chúng ta phải tâm phục khẩu phục và không ngừng tạ ơn Ngài. Thánh Phaolô nói: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1:3-4).Tạ ơn cũng là một cách cầu nguyện, chứ không chỉ là cầu xin – kiểu đòi hỏi. Vậy phải cầu nguyện thế nào?

Để cầu nguyện có hiệu quả và đẹp lòng Thiên Chúa, Thánh Faustina cho biết: “Khi cầu nguyện, chúng ta ĐỪNG NÀI ÉP Chúa ban cho điều chúng ta muốn, mà chúng ta NÊN TUÂN PHỤC Thánh Ý Ngài” (Nhật Ký, số 1525). Nghĩa là không phải cứ xin là được, có những điều chúng ta xin nhưng không được ban vì không đúng Thánh ý Chúa. Thánh Phaolô giải thích: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1:5-6). Rõ ràng việc tạ ơn vô cùng quan trọng trong đời sống Kitô hữu – đặc biệt là khi được ơn rõ ràng, chứ đừng “biến mất” như 9 người phong cùi ngày xưa (Lc 17:11-18).

Là Kitô hữu, ai cũng biết rằng Thiên Chúa toàn năng, toàn trí, nhân từ, yêu thương vô điều kiện và giàu lòng thương xót, Ngài chỉ muốn những gì tốt lành nhất cho chúng ta, dù đôi khi trái ý chúng ta. Dù là một người tốt bình thường cũng không thể muốn điều xấu cho người khác kia mà. Thánh Phaolô cho biết: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người” (Ep 1:11-12).

Trình thuật Lc 1:26-38 nói về việc Sứ thần Gáprien loan báo Hỉ Tín cho Trinh nữ Maria, một Thôn nữ đoan trang, duyên dáng, nết na và thùy mị.

Theo lời kể của Thánh Luca, Bà Êlisabét có thai được sáu tháng thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một chính nhân là Giuse, thuộc dòng dõi Hoàng tộc Đavít. Đó là trinh nữ Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Vâng, Thôn nữ Maria rất khiêm nhường, thế nên rất ngại khi được người khác đề cao mình, nói mình là người nhân đức.

Ngay lúc đó Sứ thần nói: “Thưa Chị Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. Cái “vụ” kia đã thấy ngại rồi, cái “vụ” này còn ngại hơn. Kỳ dữ nghen! Cái bụng đánh lô-tô quá chừng, thế nên Cô Maria ngạc nhiênvà phân trần: “Mèn ơi! Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”. Nhưng Sứ thần minh định ngay lập tức: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Chị, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Chị. Vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa,Cô Êlisabét, người họ hàng với Chị, tuy già rồi mà cũng đang cưu mang một người con trai: Cô ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”. Thật lạ lùng!

Ôi chao, nghe xong thấy nhẹ cả người. Vâng,Thôn nữ Maria hiền thục và luôn một niềm tín thác nơi Thiên Chúa. Bấy giờ,Trinh nữ Maria không cần đắn đo, nói ngay: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Thế là hoàn thành sứ vụ, rồi sứ thần từ biệt ra đi…

Đọc trình thuật này cảm thấy như một thước phim hay, chúng ta đã biết rõ và quá quen thuộc, hầu như thuộc lòng, thế mà vẫn không chán và không khỏi ngạc nhiên vì mọi sự vô cùng kỳ lạ!

Trong tâm tình kính mừng Đức Mẹ Vô Nhiễm, ước gì mỗi chúng ta cũng tự nhủluôn tín thác vào sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa để có thể mau mắn “xin vâng” như Đức Mẹ, vâng lời ngay trong những đoạn đường tối tăm gian khổ nhất của cuộc đời. Khi sự việc xảy ra, con người cảm thấy “bất ổn” hoặc “xui xẻo”, nhưng Thiên Chúa có kế hoạch của Ngài dành cho mỗi chúng ta, chắc chắn không thể bất lợi cho chúng ta.

Lạy Thiên Chúa, chúng con chân thành cảm tạ Ngài đã ân ban cho chúng con một Người Mẹ Thánh tuyệt vời hơn chúng con tưởng, xin giúp chúng con luôn biết noi gương Đức Mẹ là tuân phục Thánh Ý Ngài mọi nơi, mọi lúc, và mọi hoàn cảnh.

Lạy Đức Mẹ Vô Nhiễm, xin cầu thay nguyện giúp chúng con còn lữ hànhtrần gian, nơi thung lũng nước mắt này, xin che chởvà làm cho chúng con cũng được “miễn nhiễm” với mọi thứ xấu xa, và xincho chúng con được bám chặt áo Mẹ đến hơi thở cuối cùng. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …