Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng lễ “Chúa Jesus chịu phép rửa” năm A của LM.Antôn Nguyễn Văn Tiếng

Suy niệm Tin Mừng lễ “Chúa Jesus chịu phép rửa” năm A của LM.Antôn Nguyễn Văn Tiếng

SỐNG ĐẸP LÒNG CHÚA

Trong bối cảnh Chúa Giê-su chịu phép rửa, con người được mạc khải về Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi, và đồng thời là hình ảnh Thiên Chúa Tình Thương đến với nhân loại thật rõ ràng và ngắn gọn.  

Tuy không hiểu nhiều về thần học cao siêu như những nhà chuyên môn, con người bình dị cũng có thể đáp lại Tình Yêu Chúa Ba Ngôi bằng cuộc sống đời thường của mình chỉ đơn giản là sống đẹp lòng Thiên Chúatheo mẫu mực của Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng là “Thiên Chúa làm người và ở cùng chúng ta”, vì Đấng ấy là con Thiên Chúa và luôn “sống đẹp lòng Thiên Chúa”. 

Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”(Mt.3,17).

1. Nhận ra Thiên Chúa là Cha 

Cuộc sống này cực kỳ quý giá, vì đó là món quà của Thiên Chúa ban tặng. Có thể tìm ra một điều gì quý giá trên cuộc đời này hơn sự sống không? Không có sự sống là vô nghĩa. 

Sự sống đến từ Thiên Chúa. Ngài trao ban cho con người và Ngài muốn con người gìn giữ nó. Ai trao tặng cho ta một món quà quý giá lại vui lòng để ta đánh mất sao ? 

Nhưng, đớn đau thay,  dục vọng và tội lỗi đã làm cho con người đánh mất sự sống và làm mờ nhạt đi, thậm chí có khi xóa mất hình ảnh Thiên Chúa Tình Yêu trong tâm trí con người. 

Có thể dừng lại ít phút giây để ta suy gẫm thêm về vấn đề này qua câu chuyện “Tình Phụ Tử” sau đây: 

Trong ký ức của D’Antoni, cha cậu chỉ là một người què, tất cả những việc làm của ông đều rất tầm thườngkhông có gì đáng nói. Cho nên, cậu ta luôn tự hỏi, tại sao mẹ lại có thể kết hôn cùng với con người đó?

Một lần, trong thành phố tổ chức thi đấu bóng rổ dành cho học sinh trung học. D’Antoni là người chủ lực trong đội. Cậu tìm mẹ và mong muốn mẹ đi cổ vũ. Mẹ cậu cười và nói: “Đương nhiên rồi. Có điều sao con không nói ba con cùng đi”. D’Antoni nghe xong lắc đầu nói: “Con không muốn cha đi, con chỉ muốn mẹ đi thôi”. Người mẹ ngạc nhiên hỏi, cậu miễn cưỡng cười và nói: “Con cho rằng một người tàn tật đứng bên sân bóng sẽ khiến cho bầu không khí ở đấy không vui”. Người mẹ buồn, nói: “Con chê ba của con sao?”. Ngay lúc này người cha vừa đi đến, ông nói: “Mấy hôm nay tôi đi công tác luôn, có việc gì mẹ con bàn bạc với nhau là được rồi”.

Trận đấu nhanh chóng kết thúc. Đội của D’Antoni được giải quán quân. Trên đường về nhà, người mẹ rất vui và nói: “Nếu ba của con biết được tin này, ba con nhất định sẽ rất vui”. D’Antoni sầm mặt xuống nói: “Bây giờ chúng ta không nhắc đến ông ấy nữa được không?”. Người mẹ không chịu nổi lời nói của con, bà thét lên:“Con phải cho mẹ biết là tại sao?”. D’Antoni không biết phải làm sao, cười nói: “Không sao cả, có điều bây giờ con không muốn nhắc đến ông ấy”. Người mẹ sa sầm mặt: “Con, lời này mẹ vốn dĩ không muốn nói ra, nhưng nếu mẹ tiếp tục giữ im, rất có thể con sẽ tiếp tục làm tổn thương đến cha con. Con biết chân của cha con tại sao bị què không? D’Antoni lắc đầu nói: “Con không biết! Mẹ nói đi!”. “Năm đó con mới 2 tuổi, ba con dẫn con đi hoa viên chơi. Trên đường về nhà, con chạy nhảy lung tung, thình lình, một chiếc xe hơi chạy đến rất nhanh, vì cứu con, chân trái của của cha con bị bánh xe cán nát”. D’Antoni đờ người ra: “Làm sao có thể như thế được?”. Người mẹ nói: “Tại sao không? Có điều, nhiều năm rồi, cha con không cho mẹ nói cho con biết”.

Hai mẹ con vừa đi từ từ, người mẹ lại nói tiếp: “Còn một việc rất quan trọng mà có thế con chưa biết, ba con chính là Willam, nhà văn mà con thích nhất!”. D’Antoni quá kinh ngạc đến nỗi khuỵu xuống, nói: “Mẹ nói sao? Con không tin!”. Người mẹ nói: “Thực ra, việc này ba của con cũng không muốn mẹ nói cho con biết. Nếu con không tin thì có thể hỏi thầy giáo của con”. 

D’Antoni vội chạy đến trường. Sau khi nghe xong câu hỏi, thầy giáo cười, “Đấy là sự thật, cha con không muốn các thầy tiết lộ cho con biết, vì sợ ảnh hưởng đến sự trưởng thành của con, nay nếu con đã biết rồi thì thầy không ngại nói, cha của con là một người vĩ đại”.

Hai ngày sau, người cha về. D’Antoni hỏi cha mình: “Ba chính là Willam tiếng tăm lẫy lừng?”. Người cha ngẩn ra một lúc, vừa cười vừa nói: “Ba chính là nhà văn Willam”. D’Antoni lấy ra một quyển sách, nói: “Thế thì ba cho con xin chữ ký nhé!”. Người cha nhìn con mình trong khoảnh khắc, sau đó rút viết ra, viết trên trang bìa thứ hai:“Tặng D’Antoni, cuộc sống kỳ thực quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Willam”.

Nhiều năm sau, D’Antoni trở thành một ký giả rất xuất sắc. Nếu có ai hỏi anh ta giới thiệu con đường thành công của chính mình, anh ta đều lập lại lời nói của cha mình: Cuộc sống kỳ thực quan trọng hơn bất cứ thứ gì”.

Vâng, cuộc sống kỳ thực quan trọng hơn bất cứ thứ gì”. Chắc ai cũng hiểu điều đó. Nhưng, Ở đâu ra sự sống? Ai ban cho ta sự sống? Khi nào ta mất sự sống? Có thể nào ta có lại sự sống? Làm sao con người có thể trả lời được những câu hỏi đó nếu chưa nhận biết Thiên Chúa, Đấng là nguồn sự sống và là Cha của con người, luôn muốn con người được thông phần sự sống của Ngài mãi mãi. 

2. Sống theo gương Chúa Giê-su

“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”(Mt.3,17).

Một lần nữa, Thiên Chúa tái tạo sự sống cho con người, sau khi con người đánh mất nó vì chạy theo ý riêng mình chứ không theo ý Chúa.

Thiên Chúa ban tặng cho con người chính con một của Ngài, để con người được “sống lại”, chỉ với điều kiện con người nghe và làm theo gương Chúa Giê-su, người con mà Ngài “yêu dấu” và ‘hài lòng”. 

“Đây là con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt.17,5).

Hãy vâng nghe lời Người, vì Người chính là sự sống đang hiện hữu và đồng hành với nhân loại. Đây không phải là niềm tin mơ hồ mà chính là hồng ân vĩ đại mà Thiên Chúa ban phát chỉ vì quá yêu nhân loại. Hồng ân phục sinh cho con người không đơn giản từ một lời phán đầy quyền lực của Đấng Toàn Năng, mà phải trải qua con đường thập giá vô cùng thê lương để cứu chuộc nhân loại. Tình yêu đòi hỏi một dấu chứng mạnh mẽ, còn dấu chứng nào lớn lao, rõ ràng hơn, thuyết phục hơn, hơn dấu chứng Thập Giá ? 

“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga.11,25).

3. Một đời sống được thánh hóa nhờ Chúa Thánh Thần.

Ông Gioan trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa”. (Lc.3,16). 

Cuộc sống cứ đều đều trôi qua theo ngày tháng, lập đi lập lại một cách nhàm chán, con người quen dần và hành động một cách máy móc tự lúc nào không hay.

Tôi có một người anh bà con, vài năm xa quê, về gặp lại anh, tôi hỏi: “Anh lúc này được mấy cháu rồi?”. Anh ngẫm nghĩ một lúc, rồi trả lời: “Hình như 6, 7 đứa gì đó”. “Trời! Con mình mấy đứa mà hổng nhớ sao?”. “Ối! Mình lo chạy gạo, nay đầu này, mai đầu kia, lúc có ở nhà, lúc vắng, lâu lâu nghe bả có bầu, rồi sanh, rồi rửa tội, rồi đi học, thì vậy chứ sao, vợ lo…Nội cái việc mình chạy gạo không đã hết hơi rồi, nhớ không nổi đâu!”. 

Thực tế, anh ấy có 9 đứa con, mấy gái mấy trai tôi không nhớ. Con anh ấy bây giờ vài đứa đã lập gia đình. Có đứa thì có làm phép hôn phối, có đứa thì rối, có đứa là gái theo người ta, có đứa là trai chưa lập gia đình, không biết có “lưỡng tính” không, thấy nhập băng với mấy chú bê-đê, đeo bông tay lòng thòng, ăn nói chưởi thề liền tiếng rất sành điệu! 

Tôi tiếc cho anh, khi còn trai anh rất tốt. Trong gia đình anh rất ngoan. Giỏi mọi việc trong gia đình, một tay giúp cha mẹ rất đắc lực. Dòng đời nhiều đổi thay, anh cũng đổi thay nhiều quá… Anh không có thời giờ dừng lại, hay anh không muốn dừng lại, để nhìn lại những việc đã làm, để xem xét những việc đang làm, để định hướng những việc sẽ làm, để lắng nghe nội tâm, để xin ơn thánh hóa gia đình… Anh cứ buông xuôi theo dòng đời…

Và biết bao mảnh đời cứ thế. Chính ta phải chọn bến bờ chứ dòng đời đâu chọn cho ta…

Mỗi cá nhân đều có hoàn cảnh riêng, nhưng hướng đi của Đức Tin thì chỉ một. 

Ngày xưa, trong quân đội miền nam, có chiến dịch “Mỗi quân nhân một Tân Ước”. Trong thời điểm lúc bấy giờ, cuốn Tân Ước in như vậy là đẹp nhứt rồi. Một lần tôi ghé chơi ở nhà một người anh bà con, nhằm lúc anh đi công tác gần đó, nên anh ghé thăm nhà. Khi soạn đồ ở ba-lô ra, thấy có cuốn Tân Ước, tôi hỏi anh: “Đem theo như vậy mà có đọc không anh?”. Anh cười cười rồi trả lời: “Ít có giờ đọc lắm, nhưng có cuốn Tân Ước trong ba-lô, anh cảm thấy ấm lòng”.

Có nhiều cách để ta suy niệm Lời Chúa, qua những việc đời thường, qua những biến cố đời ta… Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng để ta nhận ra Thánh Ý Thiên Chúa trong đời ta. Đó là những cơ hội để ta thánh hóa công việc của mình, thực tế, bình dị và nhẹ nhàng. 

Không có Ơn Chúa Thánh Thần, Lời Chúa đi vào quên lãng trong cuộc sống bề bộn của ta, ta trở nên nguội lạnh. Không có Lời Chúa soi sáng, việc làm của ta mất đi phương hướng, mất đi ý nghĩa. 

Ơn Chúa Thánh Thần luôn đổi mới lòng ta. Cho ta sức sống tươi trẻ, mạnh mẽ, niềm tin yêu và hy vọng, vì Chúa Thánh Thần soi sáng để ta hiểu được Lời Chúa, để tìm ra Thánh Ý Chúa can thiệp trong cuộc đời ta. Chính nhờ đó, ta có thể “sống đẹp lòng Chúa” như Chúa hằng luôn chờ đợi ta.

“Nhưng Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga.14,23-19).

Lạy Chúa, 

Cuộc sống kỳ thực quan trọng hơn bất cứ thứ gì
là khi con biết “sống đẹp lòng Chúa”. 

Con không dám mơ rằng “Chúa hài lòng về con
Nhưng con luôn tin rằng “Chúa luôn yêu thương con

Không phải vì con xứng đáng,
Mà vì Chúa yêu thương,
Nên Chúa hài lòng về con,
khi con cố gắng “sống đẹp lòng Chúa” 

Lạy Chúa, 

Con luôn muốn “sống đẹp lòng Chúa
nhưng con yếu đuối,
xin nâng đỡ con…
Chúa biết con luôn cần đến Chúa. Amen.

Lm. Antôn NGUYỄN VĂN TIẾNG

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN