I. Phép rửa của Gioan Tẩy Giả và Phép rửa của Chúa Giêsu
Nhân dịp lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa, chúng ta thử tìm hiểu về Bí tích Thánh Tẩy dựa theo bài tường thuật của Thánh Luca về việc Chúa Giêsu chịu Phép rửa tại sông Giodan (Lc 3, 15-16. 21-22).
1. Chúa Giêsu chen lấn với đám đông đến với Gioan Tẩy Giả để xin chịu Phép rửa. Sau khi chịu Phép rửa xong, Thánh Luca cho biết “Người đang cầu nguyện” (Lc 3, 21). Chúa Giêsu thưa chuyện với Cha của Ngài. Chúng ta tin chắc: Không những Chúa Giêsu nói với Cha về mình mà còn nói về chúng ta, về mỗi người trong chúng ta nữa.
2. Thánh Luca kể tiếp:“Trời mở ra trên Chúa Giêsu đang cầu nguyện”. Chúa Giêsu đang tiếp kiến với Chúa Cha và trời mở ra trên Người. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng khi chúng ta chịu phép Thánh Tẩy, thì trời mở ra trên chúng ta. Thật vậy, qua Bí tích Thánh Tẩy, trời mở ra trên chúng ta. Khi chúng ta càng sống liên kết với Chúa Giêsu bao nhiêu, thì trời càng mở ra trên chúng ta bấy nhiêu. Chúng ta hãy trở lại với bài Tin Mừng Luca: “Ngày hôm đó, một tiếng phát ra từ trời nói về Đức Giêsu: “Con là Con Ta” (Lc 3, 22). Khi chúng ta chịu Phép rửa tội, Chúa Cha trên trời cũng lập lại những lời nói ấy với từng người trong chúng ta: “Con là Con Ta”.
3. Bí tích Thánh Tẩy thừa nhận ơn làm nghĩa tử của chúng ta và tháp nhập chúng ta vào trong gia đình của Thiên Chúa, vào trong sự hiệp thông với Ba Ngôi cực thánh, nghĩa là trong sự thông hiệp với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì thế Bí tích Thánh Tẩy phải được cử hành nhân danh Chúa Ba Ngôi cực thánh. Những lời nói này đánh dấu giây phút chúng ta được tái sinh làm con Thiên Chúa – là con cái của Cha Mẹ trần gian, chúng ta cũng trở nên con cái của Thiên Chúa trong Người Con của Thiên Chúa hằng sống.
4. Trong thánh lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa, Thánh Phaolô cũng nói với chúng ta qua bài đọc 2: “Chúng ta được cứu thoát nhờ Phép rửa của sự tái sinh và đổi mới trong Thánh Thần” (Titô 3, 5). Phép rửa không chỉ liên hệ đến linh hồn mà thôi mà còn liên hệ đến cả hồn lẫn xác. Vì hành động của Thiên Chúa trong Đức Kitô là một hành động mang tính hữu hiệu phổ quát. Đức Kitô đảm nhận lấy nhục thể và điều này vẫn còn tiếp tục trong các Bí tích, mà qua đó, vật chất được đảm nhận và tham dự vào hành động của Thiên Chúa.
5. Giờ đây chúng ta tự hỏi, tại sao nước lại là dấu hiệu của cả vật chất lẫn tinh thần?
Vì nước là yếu tố của sự phong nhiêu. Chẳng có nước thì chẳng có sự sống. Nên nước được xem như biểu tượng của tình mẫu tử, của sự phong nhiêu. Đối với các giáo phụ thì nước trở nên biểu tượng của lòng mẹ Giáo hội. Văn sĩ Tertulianô nói: “Đức Kitô không bao giờ hiện hữu mà không có nước”. Có nghĩa là Đức Kitô không bao giờ có mà không có Giáo hội: Chúng ta được làm nghĩa tử trong gia đình mà Chúa Cha thiết lập, cũng có một người mẹ. Đó là mẹ Giáo hội. Là con cái Thiên Chúa, trong gia đình của Giáo hội, chúng ta được coi như là anh chị em của nhau. Lúc đó, chúng ta mới có thể thưa với Cha của chúng ta: “Lạy Cha chúng con”.
6. Giờ đây chúng ta hãy trở lại với bản văn Tin Mừng Luca: Thánh Gioan Tẩy Giả nói: “Phần tôi, tôi rửa anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền năng hơn tôi… sẽ rửa anh em trong “Thần Khí và lửa” (Lc 3, 16) – Lửa ám chỉ gì? Để trả lời, chúng ta hãy so sánh Phép rửa của Gioan Tẩy Giả và Phép rửa của Chúa Giêsu:
– Phép rửa của Gioan Tẩy Giả là một cử chỉ của con người, là một động tác ăn năn, là một động tác của con người tiến về Thiên Chúa để cầu xin ơn tha tội và để có thể bắt đầu một cuộc sống mới. Đó chỉ là một ước muốn của con người, một chuyển động hướng về Thiên Chúa bằng sức lực của riêng mình. Như thế chưa đủ.
– Còn Phép rửa do Chúa Kitô thiết lập. Chính Chúa Kitô hành động qua Thánh Thần. Trong Phép rửa Kitô giáo, có sự hiện diện của ngọn lửa Thần Khí. Chính Thiên Chúa hành động, chứ không phải chỉ mình chúng ta hành động. Ngày chịu phép Thánh Tẩy, chính Thiên Chúa đảm nhận và biến chúng ta thành con cái của Ngài. Dĩ nhiên, Thiên Chúa không hành động một mình mà Người mời gọi chúng ta hợp tác với lửa của Chúa Thánh Thần. Cho nên mãi mãi, phép Rửa tội là món quà của Thiên Chúa trao tặng trong suốt cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa đóng dấu của Người lên tâm hồn chúng ta và Ngài mời gọi sự hợp tác của chúng ta để nói lên tiếng “Xin vâng” làm cho hành động của Thiên Chúa trở nên hữu hiệu.
II. Bổn phận của người con Thiên Chúa.
1. Noi gương Chúa Giêsu là người con yêu dấu của Cha, người con của Thiên Chúa phải luôn tìm ý Cha mà thực hiện, lấy ý Cha làm lương thực hằng ngày của mình. Chúa Giêsu đã vâng lời Cha cho đến chết (Pl 8, 8).
Hiến chế Giáo hội: “Để chu toàn thánh ý của Cha, Chúa Kitô khai nguyên Nước Trời nơi trần gian, mạc khải cho chúng ta Mầu Nhiệm của Ngài và thực hiện việc cứu thế, bằng sự vâng phục Chúa Cha” (GH 3a).
2. Ý của Chúa Cha là muốn chúng ta tham gia công việc cứu chuộc các linh hồn.
3. Thiên Chúa cần mỗi người chúng ta như cần từng viên gạch xây nên lâu đài, từng hạt lúa làm nên cánh đồng lúa, từng nốt nhạc làm nên bản nhạc, từng chữ làm nên trang sách, từng giọt nước làm thành biển cả.
LM GB. Võ Văn Ánh