GIA ĐÌNH
CHỨNG NHÂN LÒNG THƯƠNG XÓT
Theo nguyện ý của Đức Thánh Cha Phanxico, Ngài kêu gọi toàn thể con cái giáo hội hoàn cầu hiệp ý cầu nguyện cho các gia đình trong tháng 8 này. Sự việc này đang cho thấy gia đình đang có vấn đề về mọi mặt trong thế giới hôm nay.
Gia đình là tế bào căn bản của xã hội và là Hội thánh tại gia (GH 11) đang bị lạm dụng phục vụ cho những nhu cầu riêng của những cá nhân hay những tổ chức khác. Gia đình đang chịu tác động từ nhiều phía: chính trị, kinh tế, văn hóa, luân lý, bối cảnh xã hội và đà tiến của khoa học kỹ thuật, cùng với những thành tựu mà con người đạt được. Khi có cuộc khủng hoảng về kinh tế, con người lo sợ thất nghiệp, đói ăn,… kéo theo nhiều hệ lụy khác. Nhưng khi khủng hoảng về gia đình, về nếp sống gia đình, con người không mấy lưu tâm và cũng không có những biện pháp kịp thời để giải quyết. Người xưa nói: phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng gia đình lâm vào cảnh bi đát rồi mà cũng không có cách chữa, huống chi nói đến việc phòng gia đình tan vỡ.
Đời sống gia đình nhân loại nói chung và đời sống gia đình Công giáo nói riêng cũng cần phải quy chiếu trước hết vào Thiên Chúa – Đấng sáng tạo, nhưng cũng chính Thiên Chúa, Ngôi Lời Thiên Chúa lại được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhân loại. Tin mừng theo thánh Luca đã viết lại những ngày thơ ấu của Ngôi Lời Thiên Chúa là Đức Giêsu thật hay và ý nghĩa. Chỉ một câu ngắn “Con Trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người” (Lc 2, 40) chúng ta sẽ biết được nền tảng gia đình đã góp phần thế nào để Con Trẻ phát triển toàn diện.
Nhờ cha mẹ tốt lành mới để đức cho con. Cây có tốt thì mới sinh quả ngon ngọt. Vai trò của người cha mẹ không ai có thể thay thế được. Với lòng thành tín của người cha nuôi, Thánh Giuse đã chẳng quản ngại trời đông giá rét, đêm tối đường xa. Người vội vã đem Hài Nhi và mẹ người trốn sang Ai Cập.
Hình ảnh người cha hiền, người chồng trung tín luôn yêu thương bảo vệ gia đình của Thánh Giuse phản ánh tính tuyệt vời của Thiên Chúa, của Ðức Giêsu đối với Giáo Hội, đối với nhân loại.
Với lòng dịu hiền của người mẹ, Đức Maria đã không quản ngại và đón nhận tất cả theo thánh ý Chúa để truyền lại cho con một đức tính tự nhiên không ai sánh bì.
Hình ảnh người Mẹ tốt lành đã giữ lửa yêu mến, nối chặt chẽ với Thiên Chúa để dù cuộc sống có thăng trầm thì sự nối bền chặt ấy vẫn không tách khỏi.
Dù gia đình không thể hoàn hảo, nhưng mỗi ngày gia đình cần NÊN THÁNH qua những việc nhỏ trong nhà, qua chăm sóc và sống đúng vai trò với trách nhiệm và bổn phận, qua cách cư xử với tha nhân. Gia đình thánh là gia đình trong Thiên Chúa.
Thánh Tông đồ Phaolô đã diễn tả gia đình trong Thiên Chúa như thế này: “Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện… tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha”. (Cl 3, 12-13.21).
Cũng thế, giáo huấn về hôn nhân và gia đình nhất thiết phải được gợi hứng và biến đổi dưới ánh sáng của lời loan báo yêu thương và dịu dàng; nếu không, giáo huấn ấy sẽ trở thành sự bảo vệ đơn thuần cho một giáo điều lạnh lùng và thiếu sinh khí. Quả thật, người ta không thể hiểu trọn vẹn mầu nhiệm gia đình Kitô giáo nếu không nhìn trong ánh sáng tình yêu vô hạn của Chúa Cha, được biểu lộ nơi Đức Kitô, Đấng đã tự hiến mình cho đến cùng và vẫn sống giữa chúng ta. Vì thế ước muốn chiêm ngắm Đức Kitô hằng sống, Đấng có mặt trong biết bao câu chuyện tình yêu, và khẩn cầu ngọn lửa Thần Khí xuống trên mọi gia đình của thế giới này (Trích Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu – số 59).
Người ta không được phép coi thường hôn nhân. Con người cần khám phá lại ý nghĩa đích thực của hôn nhân và canh tân nó. Sức mạnh của gia đình “nằm chủ yếu ở khả năng yêu thương và dạy biết yêu thương. Dẫu có bị tổn thương thế nào thì gia đình vẫn luôn có thể lớn lên khởi đi từ tình yêu” (Trích Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu – số 53).
Chúng ta hãy cầu nguyện thật nhiều cho gia đình của mình. Nài xin lòng thương xót của Chúa bao phủ trên từng người và từng gia đình chúng ta.
Để chống gia đình tan vỡ và chống khủng hoảng gia đình, chúng ta phải làm sao?
Việc áp dụng cụ thể dựa theo thư chung của HĐGMVN vào dịp Mùa Chay 2017 khi nói về giờ kinh gia đình và bữa cơm gia đình rằng:
Để gia đình trở thành dấu chỉ Lòng Thương Xót của Chúa, mọi thành phần của gia đình cần có giờ gặp gỡ nhau và cùng nhau gặp gỡ Chúa. Vì vậy, tôi mời gọi các gia đình hãy thực hiện GIỜ KINH GIA ĐÌNH và BỮA CƠM GIA ĐÌNH.
Chương trình Thánh lễ kính Lòng Thương Xót
Tại Gx. Tân Triều, thứ Sáu, ngày 07/9/2018
(thứ Sáu sau CN XXII TN)
Chương trình tổng quát (Sáng):
7g00’ – 7g30’: Đón tiếp
7g30’ – 8g00’: Giờ kinh LCTX
8g00’ – 8g45’: Bài chia sẻ của Cha Đặc trách HH.LCTX giáo hạt Biên Hòa
8g45’ – 9g00’: giải lao
9g00’ – 9g45’: bài chia sẻ của Đức Cha
9g45’ – 9g55’: giải lao
10g00’ – 11g30’: Thánh lễ (Đức Cha chủ sự)
– Kết thúc.
Ban Tổ Chức xin trân trọng kính mời
Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu sỹ và cộng đoàn
Cố gắng và mau chân tiến về Gx. Tân Triều, giáo hạt Biên Hòa tham dự buổi sinh hoạt này.
Hãy cảm nghiệm và loan báo Lòng Thương Xót của Chúa cho anh chị em.
Nhờ lời chuyển cầu của các thánh Tử đạo Việt Nam, thánh Phaolô Hạnh, chúng ta sống tinh thần tử đạo mỗi ngày.
Kính chúc quý vị sống tín thác vào Lòng Thương Xót Chúa Giêsu.
LM. Mart. Hoàng – Xuân Lộc.