Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?
(Mc 8, 29)
Bài Tin mừng hôm nay đặt ra cho con một dấu hỏi rất lớn “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?”. Có người cho rằng đọan trích của Thánh Macco cho thấy Đức Giêsu là một diễn giả rất đáng khâm phục, một nhà tâm lý lỗi lạc đáng để các nhà sư phạm, những nhà họat động xã hội, những người lãnh đạo một tổ chức trong đạo, ngòai đời noi theo cung cách của Người. Đó là sau một thời gian giảng dạy, họat động thì lui vào một nơi nào đó để chiêm nghiệm, nhìn lại mình. Suy đi nghĩ lại về những việc đã làm, đã nói, đã sống hầu rút ra những bài học kinh nghiệm. Đến miền đất Xê-da-rê Phi-lip-phê, một nơi thị tứ, khi ấy đang nổi lên phong trào xưng danh của những nhân vật đương thời trong xã hội, muốn trở thành các lãnh tụ hầu tranh thủ sự ủng hộ của dân chúng trong vùng. Đức Giêsu đã làm một cuộc thăm dò bỏ túi, Người hỏi các học trò về dư luận của dân chúng, những người đi theo Chúa, những người đang cư ngụ những nơi Người đến rao giảng: “Người ta nói Con Người là ai? ”. Một cách thành thật nhà Đạo, các ông nhanh nhảu phản ánh: “ Kẻ thì nói (Thầy) là Ông Gioan Tẩy giả , người khác lại cho là Ông Êlia hay một trong những vị ngôn sứ “, những vị cao trọng, có uy tín trong dân Israel.
Thực ra Đức Giêsu không làm động tác phỏng vấn theo kiểu trò chơi Games Show: “ Chung Sức “ như trên Truyền hình HTV hôm nay, xem có bao nhiêu người đồng ý về một nhận định nào đó? Người muốn các tông đồ nói lên suy nghĩ của bản thân sau những ngày theo Chúa, được Người dạy dỗ, từng chứng kiến việc Người đã làm, đã sống. Người hỏi các ông: “ Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ?” Một câu hỏi không dễ trả lời. Các ông đã nhận ra Người là đấng có uy quyền. Thiên hạ, những người chỉ đi theo, chỉ nghe tiếng Người, chỉ một vài lần chứng kiến phép lạ Chúa làm mà còn lên tiếng ca ngợi, cho rằng Đức Giêsu, một vị ngôn sứ trong dân ISRAEL đã tái thế. Họ nói dưới nhãn quan của họ. Nếu không phải các bậc xuất chúng, cao trọng trong dân mà họ được biết đến trong kinh Thánh, thì không thể rao giảng và làm những điều lạ lùng như thế. Còn các tông đồ, đại diện là Phêrô, đã nói lên điều ông nhận ra nơi Thầy mình: “ Thầy là Đức Kitô“. Phêrô, một người học trò đã nói lên những gì mà ông cảm nghiệm được sau những ngày tháng theo Thầy. Ông không nói theo cách thậm xưng của người đời, không theo kiểu tâng bốc, xu nịnh, đưa Thầy mình lên cao vút theo cung cách ngôn ngữ thời đại hôm nay, thường gọi là những lời có cánh, nhưng là theo lương tâm chân thật của chính mình. Nhưng khi nghe Thầy chí Thánh là Đức Giêsu thố lộ việc Người sẽ phải trải qua: ”Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” thì thật kinh hòang, lo sợ cho Thầy.Phêrô liền kéo riêng Người ra và can ngăn Thầy mình:”Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy “. Tưởng rằng sẽ được Thầy nghĩ lại, hay ít ra nhận được một lời khen, nhưng không ngờ lại gặp phải phản ứng quá mãnh liệt của Thầy :”Xa tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của lòai người “ .
Lạy Chúa,
Trong cuộc sống trần gian hôm nay, cũng như Phêrô, con luôn tìm cho mình một con đường thông thóang, bằng phẳng, dễ đi. Khi gặp phải sự khó, con vẫn chạy đến cùng Chúa, nhưng thay vì nhìn nhận sự việc, tìm nguyên nhân, tìm phương thế giải quyết thì con lại xin cho con tránh sự khó, đạt điều may. Con lý sự theo cách Phêrô “ xin Chúa thương để con đừng gặp chuyện ấy”. Con luôn nghĩ Chúa như một vị Thần tài, sẵn sàng giúp con giải quyết mọi khó khăn theo ý con.Phải chăng đó là những cám dỗ trong cuộc đời khiến con mất lòng tin nơi Chúa? Con chỉ muốn suy bụng mình ra bụng Chúa, muốn ý con là ý Chúa.
Xin cho con biết đón nhận Lời Chúa hôm nay :”Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập gía mình mà theo. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”.
Lạy Chúa ! Xin tha thứ những lầm lỗi của con, xin cho biết từ bỏ chính mình, vác thập giá mỗi ngày theo Chúa. AMEN.
Fx Đỗ Công Minh
.