Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXIV TN, năm B, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật XXIV TN, năm B, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚANHẬT XXIV QUANH NĂM

(Is 50, 5-9a; Gc 2, 14-18; Mc 8, 27-35)

“Thầy là Đấng Kitô,

Con Người phải chịu đau khổ nhiều”

 

Mc 8, 27-35Tin mừng Marco 8, 27-35:

Đức Giêsu và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”. Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó”. Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô”. Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.

Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Rồi Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.

Suy niệm:

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày cho chúng ta: Đức Giêsu là Đấng Messia, tôi tớ phải chết thay cho muôn người. Tin mừng ghi lại những nhận định về dung mạo của Đức Giêsu: “Người ta bảo con người là ai?”. Đa số dân Do Thái cũng như các tông đồ đều có quan niệm về một Đấng Messia vinh quang, ưu phiền. Họ mong chờ Ngài đến để giải phóng dân Do Thái khỏi ách thống trị của ngoại bang.

Dư luận quần chúng nhìn nhận Đức Giêsu là một ngôn sứ, là một vĩ nhân làm được nhiều việc lạ lùng phi thường. Nhận thức của quần chúng chưa xác thực về Đấng Messia. Sau khi nghe dư luận của dân chúng, Đức Giêsu muốn thẩm định lập trường, ý kiến của các tông đồ “Còn các con bảo Thầy là ai?”. Phêrô đại diện anh em tông đồ tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô”. Đây là lời tuyên xưng chính xác về Đức Giêsu Đấng Cứu Thế. Nhưng Phêrô không hiểu Đấng Kitô là ai? Vì thế khi nghe Chúa Giêsu loan báo về cuộc tử nạn và phục sinh: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị giết, rồi sau ba ngày sẽ sống lại”. Phêrô không hiểu và không chấp nhận một Đấng Messia phải chịu đau khổ, nên ông có phản ứng theo kiểu trần tục và cản nngăn Chúa Giêsu đi vào con đường khổ nạn, con đường Thập giá. Đức Giêsu đã quở trách Phêrô rất nặng lời: “Satan hãy lui đi, vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

Chúa trách mắng Phêrô là vì cuộc khổ nạn của Người là ý định cứu độ của Thiên Chúa. Cản ngăn Người là xúi giục Người bất tuân ý Thiên Chúa. Sự xúi giục chống lại ý định của Thiên Chúa chỉ có thể là công việc của Satan muốn phá đổ công trình cứu độ của Thiên Chúa. Như thế Phêrô không hiêỷ biết việc Thiên Chúa và phản ứng hoàn toàn theo kiểu loài người.

Sau khi loan báo về cuộc khổ nạn và phục sinh, Đức giêsu bắt đầu giảng dạy dân chúng và các môn đệ về con đường Ngài phải đi là con đường Thập Giá. Môn đệ theo Chúa cũng phải đi vào con đường Thập Giá mà Thầy mình đã đi: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta”. Đức Giêsu đã đưa ra hai điều kiện cho những ai muốn đi theo Chúa:

– Từ bỏ mình nghĩa là dám từ bỏ tất cả: cha mẹ, của cải, danh vọng, địa vị, ý riêng, từ bỏ những điều xấu để trung thành với Thiên Chúa, để làm theo thánh ý Thiên Chúa.

– Vác thập giá là bước đi theo Chúa trên con đường khổ nạn: hy sinh, quên mình, vui nhận mọi đau khổ, thất bại, sự bắt bớ, mọi khó khăn, bệnh tật… để thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Đức Giêsu đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại, một tình yêu cao cả: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu dám chết cho người mình yêu”. Mọi sự sống đều ngang qua sự chết. Đau khổ là hy sinh không tunhf yêu. Hy sinh là đau khổ kèm theo tình yêu. Không có tình yêu thì thập giá không là thánh giá. Chính Chúa Giêsu đã chết treo trên thập giá vì yêu thương nhân loại, để từ đó thập giá trở thành Thánh Giá, dấu chỉ tình yêu cứu độ.

Xã hội hôm nay dồi dào của cải vật chất, đầy đủ mọi tiện nghi, sống chủ trương hưởng thụ, sống hiện sinh, Vì thế vui nhận thập giá, chấp nhậ hy sinh đau khổ là một điều khó hiểu… Ai cũng muốn sống sung sướng. Cuộc sống gian khổ thiếu thốn là điều bất đắc dĩ.

Sống ở đời không ai được miễn chuẩn thập giá. Thập giá luôn bám chắc con người như bóng với hình. Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa nhắc bảo người Kitô hữu chúng ta:

– Khi gặp gian nan thử thách, chúng ta nhìn lên thập giá Chúa Giêsu chịu đóng đinh để phát hiện ra tình thương cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giêsu, Đấng đã chết vì yêu thương chúng ta, để dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.

– Khi gặp tai ương hoạn nạn, đau yếu, bệnh tật, chúng ta nhìn lên thập giá Chúa Kitô để noi gương Đức Kitô, can đảm vui nhận thập giá cuộc đời.

– Khi chán nản thất vọng, không còn biết cậy trông vào ai, hãy nhìn lên Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá để xác tín rằng con đường thập giá là con đường dẫn đến vinh quang Nước Trời.

– Khi gặp bách hại, vu khống, đối xử bất công, hãy nhìn lên Đức Giêsu chịu đóng đinh để tin rằng qua sự chết mới tới được nguồn sống đích thực và tin rằng mình được thông phần vào cuộc khổ nạn của Đức Giêsu Kitô.

Đi theo Đức Giêsu là phải từ bỏ cính mình, vác thập giá sống mầu nhiệm tự hủy như Đức Giêsu Kitô: từ bỏ ý riêng, tính ích kỷ, hận thù, kiêu căng, tự mãn, tính hư nết xấu để luôn vâng phục thánh ý Thiên Chúa như Đức Giêsu Kitô: “Vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá” (Phil 2,8).

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …