Home / Chia Sẻ / ĐIẾC VÀ NGỌNG

ĐIẾC VÀ NGỌNG

3“Con người là một sinh vật xã hội.”  Đây là tiền đề của triết gia Bergson khởi xướng một hệ phái triết học.  Ông ta cũng phần nào có lý khi cho rằng con người không thể sống cô lẻ một mình, nhưng phải sống với những tương quan xã hội.  Sống trong một cộng đồng và tiếp cận với những người khác, chúng ta cần phải có hai kỹ năng: nghe và nói.  Không nói được và không nghe được, không đơn thuần chỉ là khuyết tật về thể lý, nhưng là nỗi bất hạnh lớn nhất vì chúng ta bị cắt đứt khỏi những tương giao với cận nhân.  Câu chuyện trong Tin mừng hôm nay kể lại sự kiện Chúa chữa lành một người bị điếc và ngọng, mang chở nhiều chiều kích: chiều kích nhân học cũng như chiều kích thần học.  Nhưng trên hết, thánh sử Marcô muốn chúng ta chiêm ngắm dung mạo cứu thế nơi Đức Giêsu.  Ngài đến trần gian để mở tai, giúp chúng ta nghe được những gì Chúa nói.  Ngài cũng dùng quyền uy để mở miệng, giúp chúng ta biết nói về Chúa, và rao giảng Tin mừng của Chúa cho mọi người.

Giêsu, “vị lang băm” kỳ diệu 

Văn phong của Marcô khá dung dị và mộc mạc.  Người bình dân thời bấy giờ rất dễ hiểu.  Marcô mô tả Đức Giêsu chẳng khác gì một lang băm miền quê.  Vị lang băm này “đặt ngón tay vào lỗ tai, và nhổ nước miếng xuống đất, bôi vào lưỡi anh” (Mc 7,23).  Có lẽ khi vừa nghe thoáng qua, không ít người khó chịu trước kiểu chữa bệnh xem ra mất vệ sinh và phản khoa học như thế.  Ngài lại còn lẩm bẩm đọc một “câu thần chú”: Ep-pha-ta tựa như trong câu truyện thần thoại Aladin và cây đèn thần.  Chúng ta đừng quá ngây thơ một cách thô thiển nhìn vào câu chuyện với nhãn quan quá hẹp hòi như thế.  Đây chỉ là những biểu tượng nơi phép lạ của Đức Giêsu nhưng mang chở ý nghĩa rất sâu xa.

Chắc chắn Đức Giêsu không phải là một lang băm nhà quê, càng không phải là một thầy bùa chuyên chữa bệnh bằng cách niệm thần chú.  Ngài là một Thiên Chúa đầy quyền lực.  Khi đến trần gian, Ngài sống kiếp con người rất con người, nhưng Đức Giêsu vẫn là một Thiên Chúa rất Thiên Chúa.  Ngài chữa lành các bệnh nhân để bày tỏ tình yêu vô bờ bến dành cho con người, đặc biệt những người cùng khổ và bất hạnh.  Điều con người không thể làm được, nhưng Thiên Chúa vẫn có thể làm được (Mt 19,26).  Đức Giêsu là Đấng quyền năng có thể làm được mọi sự, và chúng ta đừng bao giờ đơn sơ nghĩ tưởng Ngài chỉ là một lang băm quê kệch và dốt nát.

Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện, xuất phát từ một trái tim yêu thương.  Ngài đồng cảm trước nỗi đau của con người.  Câm không nói được và điếc không nghe được, vẫn là nỗi bất hạnh lớn nhất.  Những dạng thức bất hạnh đó có liên đới với tội lỗi.  Đức Giêsu đến “giải phóng” con người khỏi những cột trói của Satan và hỏa ngục.  Theo não trạng của dân Do Thái thời xưa, bệnh tật là sự khống chế của ma quỷ nhưng là hậu quả của tội lỗi do con người gây ra, đặc biệt tội của chính bệnh nhân.  Đức Giêsu phá bỏ quan niệm hẹp hòi này, rõ nhất khi Ngài chữa một người mù bên hồ Silôác mà Tin mừng Gioan thuật lại.  Ngài đến trần gian để giải cứu con người một cách toàn diện.  Trong thơ Rôma, thánh Phaolô đã viết: “Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian và tội lỗi gây nên sự chết thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người sẽ được công chính hóa (Rm 5, 12-21).  Đức Giêsu không phải là một lang băm nhà quê, nhưng Ngài là Đấng Cứu thế, Đấng Công chính hóa.  Ngài chính là vị “Anh hùng Giải phóng” toàn diện và đúng nghĩa nhất.

Điếc và ngọng trong tâm hồn 

Bệnh nhân được Chúa Giêsu chữa lành mà Tin mừng hôm nay nói tới, có lẽ bị điếc ngay từ nhỏ.  Vì điếc, anh ta không thể nghe người khác nói để bắt chước, nên dần dần anh ta bị ngọng.  Lưỡi anh ta vẫn có thể nhúc nhích, anh vẫn nói được, nhưng chỉ lờ lợ và chẳng ai hiểu anh ta muốn nói gì.  Đây là hai khiếm khuyết song đôi: điếc và ngọng.  Về mặt tâm linh, chúng ta cũng dễ mắc phải hai khuyết tật này, không phải do bẩm sinh nhưng do sự xói mòn đức tin trong tâm hồn.  Cậu bé Samuel ngủ trong đền thờ với thầy Hêli giữa đêm khuya đã nghe tiếng Chúa gọi, nhưng cậu không nhận ra tiếng gọi của Chúa, bởi vì cậu chưa từng gặp Chúa.  Cũng vậy, có thể chúng ta không phải là người điếc, nhưng chúng ta sẽ không nghe được tiếng Chúa nói nếu không tiếp cận Ngài, không đi sâu vào tương quan thân tình với Ngài.  Chúa nói với chúng ta qua nhiều dạng thức.  Ngài ngỏ lời với chúng ta qua những biến cố trong cuộc sống đời thường.  Ngài nói qua sự nhắc nhở của lương tâm, qua các cử hành phụng vụ, khi chúng ta đọc hay nghe Kinh thánh.  Ngài nói với chúng ta qua từng người chúng ta gặp gỡ, qua một cụ già ốm yếu đang quặn đau nằm trên giường bệnh, qua một đứa bé mặt mũi lem luốc đang bới rác tìm cái gì để ăn, qua một bạn trẻ ngồi trên xe lăn với tay chân không còn lành lặn.  Mẹ Têrêsa Calcutta đã nghe được rất rõ tiếng Chúa Giêsu đang rên la thảm thiết trên Thánh giá trước khi Ngài tắt thở: Ta khát.”  Đức Thánh Cha Phanxicô luôn mời gọi chúng ta ra tận “vùng ven” để gặp Đức Giêsu ở đó.  Ngài hiện diện nơi những con người sống dở chết dở trong một nền “văn hóa loại trừ”, một thứ văn hóa vô thần mà những con người ích kỷ hôm nay đang tạo ra.  Ngài vẫn đang nói, đang thét gào trong đau đớn, nhưng nhiều khi chúng ta “bưng tai bịt mắt, không thèm nhìn cũng chẳng nghe” giống dân Israel ngày xưa (Is 42,20).  Đó là bệnh điếc kinh niên, một thứ bệnh nan y mãn tính và rất khó chữa.  Muốn được chữa lành, chúng ta phải ý thức mình đang điếc để khiêm tốn đến với Chúa Giêsu giống như bệnh nhân trong Tin mừng hôm nay.

Bệnh câm hay ngọng cũng thế.  Thánh Tôma Aquinô đã nói: “Một con chó câm không biết sủa, thì chỉ đáng đưa lên mâm.”  Cũng vậy, một Kitô hữu không biết mở miệng để nói có khác gì một kẻ câm.  Nhưng điều quan trọng là chúng ta nói cái gì. “Đàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà miệng rộng cãi ngang phè phè.”  Đây là hai câu thơ trào phúng mang tính dân gian, nhưng nó cũng gợi nhắc cho ta điều mà thánh Giacôbê nhấn mạnh: “Mỗi người hãy mau nghe đừng vội nói” (Gac 1,19).  “Ai cho mình đạo đức mà không biết kiềm chế miệng lưỡi, đó chỉ là đạo đức hão.  Ai không vấp ngã về miệng lưỡi, ấy là người hoàn hảo” (1,26).

Một câu ngạn ngữ phương tây đã viết: “Có một thanh gươm không bao giờ rỉ sét đó là cái lưỡi con người.”  Có lẽ, rất ít người trong chúng ta bị câm về thể lý, nhưng xét về mặt thiêng liêng, chúng ta lại giống như một người không biết nói, hoặc nói ngọng nói ngịu.  Có nghĩa là, chúng ta cứ thích nói những gì chúng ta không nên nói, nhưng lại không biết nói những gì chúng ta cần phải nói.  Nhiều khi chúng ta lại còn dùng miệng lưỡi như một thanh gươm không han gỉ để sát hại lẫn nhau một cách ác tâm và phũ phàng.  Vậy, chúng ta phải nói những gì?  Chúng ta nhìn lại thái độ của chàng thanh niên trong Tin mừng hôm nay, dù Đức Giêsu cấm không được kể chuyện đó với ai, nhưng Người càng cấm họ càng đồn ra (c. 36b).  Tin tức tốt lành được loan đi, chắc chắn do người thanh niên này trước tiên.  Anh ta kể lại câu chuyện anh được chữa lành cho người khác, và cứ thế Tin mừng được nhân rộng, lây lan đến mọi người.

Điều chúng ta cần nói, chính là Tin Mừng. “Anh em hãy đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân” (Mc16,15).  Rao giảng Tin mừng tức là kể lại những câu chuyện về Chúa cho người khác, nhất là những câu chuyện liên quan tới chúng ta.  Chúng ta không thể thực hiện công việc này, nếu chúng ta không tiếp cận với Chúa Giêsu, không gặp gỡ Ngài, không cảm thấu được tình yêu của Ngài, không để Ngài cuốn hút, và không để Ngài viết nên câu chuyện lịch sử trong đời sống của chúng ta.  Nếu không thực hiện được điều ấy, chúng ta chỉ là những người vừa câm vừa điếc, và giả như không bị câm, thì có nói, cũng chỉ biết nói ngọng nói ngịu chẳng ra thể thống gì.

Các anh em tu sĩ dòng Đaminh được gọi là các anh em giảng thuyết (Ordo predicatorum).  Châm ngôn của thánh phụ Đaminh là: “Hãy chiêm niệm và chuyển giao những điều chiêm niệm cho người khác” (contemplari et comtemplata aliis tradere).  Nguyên tắc này rất đơn giản: Không ai có thể cho người khác cái mà mình không có.  Không ai có thể dạy người khác điều mình không biết.  Phải chiêm niệm Lời Chúa, phải để cho Lời Chúa thẩm thấu vào tâm hồn, chúng ta mới có thể rao giảng Lời Chúa cho người khác.  Nếu không cắm sâu vào mầu nhiệm Đức Giêsu, Ngôi Lời của Chúa Cha, chúng ta không thể nói về Ngài, và loan báo Tin mừng của Ngài cho mọi người.

Nói và nghe bằng cõi lòng

Năm 1974, Giám mục giáo phận Beauvais bên Pháp truyền chức phó tế vĩnh viễn cho Thầy Jacques Lebreton.  Thầy bị mù hai mắt và cụt hai tay.  Người ta thắc mắc, một con người khuyết tật như thế làm sao có thể thi hành sứ vụ phó tế, nhất là giảng Lời Chúa.  Đức Cha trả lời: Thầy ấy không còn đôi mắt, không còn đôi tay, nhưng còn trái tim.  Chúng ta nghe lại tâm sự của Thầy được kể lại trong buổi hành hương Lộ Đức năm 1982:

“Cách đây khá lâu, tôi là một quân nhân.  Trong một trận đánh ở El Alamen, tôi và một vài người bạn khác làm nhiệm vụ gỡ mìn.  Một anh bạn cầm trái mìn, vô tình mở chốt và trao cho tôi, không hiểu sao tôi lại cầm lấy.  Trái đạn nổ tung.  Tôi thấy tối tăm mặt mũi, và dường như tôi đang chết.  Tôi đã vĩnh viễn mất đi đôi tay và cặp mắt, mình mẩy đầy các mảnh đạn.  Tỉnh dậy trong bệnh viện, tôi toan tính tự tử.  Một tu sỹ đến săn sóc cho tôi và giúp tôi cầu nguyện vì tôi đã bỏ đạo từ lâu.  Tôi làm theo và cuộc đời tôi đã biến đổi.  Tôi đã gặp lại Đức Giêsu và cùng với Ngài, tôi cầu xin tha thiết: “Lạy Cha nếu có thể, xin hãy cất chén này xa con, nhưng đừng theo ý con, mà chỉ xin theo ý Cha mà thôi.”  Tại Evreux, tôi gặp một người đàn bà toàn thân bất toại đến nỗi bà ta không thể nói được, cũng không cử động được.  Duy nhất chỉ có ngón chân cái là còn có thể nhúc nhích.  Bà đã dùng ngón chân ấy viết trên một tấm bảng nhỏ để nói chuyện với mọi người.  Bà cũng dùng ngón chân ấy viết tặng tôi một bài thơ với tựa đề “Nụ cười.”  Tôi cũng gặp một người đàn ông khác bị điếc từ năm 14 tuổi, và bị mù chỉ 2 năm sau đó. Trên giường bệnh, người đàn ông 87 tuổi này vẫn nở một nụ cười mãn nguyện và nói với mọi người: “Tôi đã trải qua một cuộc đời rất tốt đẹp.  Tôi cám ơn Chúa và xin cám ơn mọi người”.

Thầy phó tế Jacques Lebreton kết luận: “Cuộc đời của tôi, dù không còn mắt cũng chẳng còn tay, vẫn là một cuộc đời tốt đẹp trong sự yêu thương của Chúa.  Cuộc đời chỉ thực sự bất hạnh khi chúng ta cắt đứt tương giao với Chúa, khi chúng ta không còn thiết tha cầu nguyện để gặp gỡ Ngài và đi sâu vào sự thân tình với Ngài.”

Có gặp gỡ Chúa, chúng ta mới nghe được tiếng nói của Ngài.  Có nghe tiếng của Ngài, tâm hồn chúng ta mới có thể mở ra.  Khi tâm hồn được mở ra, đến lượt chúng ta, chúng ta mới có thể nói về Chúa cho người khác.  Nếu không, chúng ta chỉ là những kẻ vừa điếc vừa ngọng.  Điều này cần thiết cho mọi tín hữu, nhất là cho các anh em linh mục.  Nếu không biết mở miệng nói về Chúa, chúng ta chỉ là những người câm.  Nếu không để Lời Chúa thẩm thấu vào tâm hồn, dù có đứng trên bục giảng để khua tay múa chân và thao thao bất tuyệt, cuối cùng chúng ta cũng chỉ là những tên ngọng mà thôi.  Vừa điếc lại vừa ngọng, là nỗi bất hạnh lớn nhất nơi mỗi người.

Lm GB Văn Hào SDB

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …