Home / Chia Sẻ / BUÔNG BỎ

BUÔNG BỎ

9-1-2018 5-31-15 PM Ai ơi! Làm thinh chớ nói nhiều

Để nghe tiếng lòng dâng khúc hát

Để lắng lòng tìm lại chính bản thân

Để biết trân trọng từng hơi thở

Để tâm bén nhạy lòng tỉnh thức

Để sống cho trọn kiếp nhân sinh

                            – Hoa Dại –

Cuộc sống có nhiều khoảng lặng để gọi tên. Sau những vất vả với cuộc mưu sinh, ta thích lắng lòng theo những dòng suy tưởng. Một góc NGẪM bình yên, ta muốn tìm về sau những ngày tất bật, để ngẫm về cuộc đời trong kiếp nhân sinh.

Bên ly cà phê tôi cảm nhận được vị lạnh của đá, vị đắng của cà phê. Tôi ngồi một mình, một mình đối diện với chính mình, ngồi để ngẫm về sự đời. Ngồi miên man, mân mê ly cà phê, tôi lại nhớ đến câu chuyện mà tôi đã từng được nghe:

Một cô gái đến tìm một nhà sư, cô hỏi:

  • Thưa thầy, con muốn buông bỏ một vài thứ mà không thể, con mệt mỏi quá.

Nhà sư đưa cho cô gái một cốc nước và bảo cô cầm, đoạn ông liên tục rót nước nóng vào cốc, nước chảy tràn ra cả tay, làm cô bị nóng quá, cô buông tay làm vỡ cốc.

Lúc này nhà sư từ tốn nói:

  • Đau rồi tự khắc sẽ buông!

“Đau” trong câu chuyện về cô gái là chỉ những khổ đau, tổn thương, những vấp ngã gây ra cho tâm hồn. Đôi khi những việc này xảy đến sẽ tạo động lực để người ta buông bỏ đi những điều trĩu nặng lên tinh thần như tham vọng, u sầu, vị kỷ, nóng giận…

Không phải ai cũng đủ dũng cảm, đủ vững vàng để bước qua những nỗi đau. Nhưng một khi tim đã không thể còn đau thêm nữa, nước mắt đã không thể chảy thêm nữa thì đã đến lúc ta phải học cách buông bỏ chúng để yêu thương lấy chính mình.

Hạnh phúc nào rồi cũng tàn. Phù phiếm, xa hoa nào rồi cũng tan. Cảm xúc nào rồi cũng chai sạn. Có chăng một thứ hư vô nào đó là vĩnh cửu?

Cuộc sống luôn chật vật giữa yêu và buông; bởi có yêu thì mới có buông, có buông mới biết mình có yêu. Yêu và buông cứ như hai sợi dây vô hình đan vào nhau, thắt lại tạo một mớ bòng bong để con người ta ngụp lặn trong đó không biết lối ra. Người ta thích nắm hơn buông, mặc dù trên nguyên tắc buông dễ hơn nắm. Những ai biết buông – hoặc biết cách nắm như thế nào cho đúng cách – sẽ không phải chìm trong đau khổ. Nắm đúng cách chính là sự tinh tế của kiếp nhân sinh. Buông đúng lúc, nắm đúng cách ta mới mới có được sự quân bình, an lạc. Nói thì dễ, nhưng thực hành mới khó làm sao! Mà khó nhất chính là làm sao buông được để rảnh tay mà nắm đúng!

Một thầy giáo hỏi học sinh: “Giả dụ các em nhóm bếp để đun một nồi nước nhưng khi mới đun được một nửa thì củi đã sắp hết. Lúc đó, các em sẽ làm thế nào?” Có em nói sẽ sang hàng xóm xin ít củi, có em trả lời sẽ ra ngoài mua thêm. Thầy giáo nghe vậy, liền nói: “Sao không ai nghĩ đến chuyện đổ bớt nước trong nồi đi nhỉ?”

Tương tự như vậy, mọi chuyện trên đời này có được ắt có mất, chứ không thể lúc nào cũng suông sẻ, viên mãn được. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ phải chấp nhận đánh đổi để đạt được mục đích của mình.

Với nhịp sống hối hả này, tôi và bạn đã quá mệt mỏi. Lúc này, ta cần làm không phải là gồng mình lên gắng gượng mà là thả lỏng bản thân, cho phép mình được thư giãn. Khi cảm thấy đã nghỉ ngơi đủ thì mới nên tiếp tục làm những việc còn đang dang dở, kết quả sẽ có thể tốt đến không ngờ. Ngược lại, nỗ lực một cách cố chấp thì sẽ chỉ càng làm hỏng việc mà thôi.

Tôi nhận ra một điều: Tôi được sinh ra không phải để sống cho quá khứ hay sống cho tương lai mà sống cho hiện tại này, như vậy là quá đủ rồi. Có lẽ tôi chưa đủ kiến thức để hiểu, chưa đủ lớn để nhận thức được nhiều vấn đề nan giải nhưng có một điều đơn giản “Sống là để học cách yêu thương, biết che lấp nỗi đau, nỗi buồn và tự tìm cho mình một niềm vui trong cuộc sống này.” Như Oprah Winfrey đã từng nói: “Hít thở. Bước tiếp. Và nhắc nhở bản thân rằng giây phút này là của riêng bạn.”

Một đời người trong cõi nhân sinh!

Cát bụi trở về cát bụi…còn lại gì?

 

Giuse Phạm Minh Thành, mf

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …