CN 14B TN
Họ vấp ngã vì Người
(Mc 6,1-6)
Ngay khi Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy trong hội đường quê nhà, nhiều người đã có ấn tượng về Người. Tuy nhiên thay vì vui mừng về điều đó họ lại hỏi: “Bởi đâu ông ta được như thế?”…Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxêt, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Và họ đã vấp ngã vì người.(Mc 6,3-4).
Thế đấy. Chính vì họ chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu như một con người bình thường, một con người cụ thể bằng xương bằng thịt, đã từng chung sống với họ; công việc cũng hết sức tầm thường, quanh năm suốt tháng lam lũ với nghề thợ mộc. Thế mà giờ đây, sau một thời gian rời xa quê làng, cái ông thợ mộc này lại làm được những điều “lạ lùng”, thật chẳng thể nào tin được!
Từ cách nhìn và đánh giá thiển cận ấy, dân làng Nazarét đã vấp ngã vì Người.
Họ vấp ngã vì trước mắt họ, Chúa Giêsu chỉ là một người phàm như bao người khác;
Họ vấp ngã vì thân thế của Chúa Giêsu không có gì là nổi nang trong xã hội;
Họ vấp ngã vì họ biết được tất cả gốc gác của Người.
…Và vì thế họ đã khinh thường Người.
Tagore (1861-1941) là một đại thi hào của Ấn Độ, đoạt giải Nobel văn chương năm 1913, có tài làm thơ ngay khi còn nhỏ tuổi.
Lúc còn niên thiếu, thỉnh thoảng Tagore làm một vài bài thơ gửi đăng trên tờ báo do thân phụ của mình đảm trách phần biên tập. Khi thấy những bài thơ gửi đến ký tên con mình, người cha chẳng thèm đọc thơ mà quẳng ngay vào sọt rác vì cho rằng con mình còn nhỏ dại thì biết gì thi ca.
Khi hiểu rõ sự tình, Tagore chép lại những bài thơ mà cậu đã gửi đăng báo, không ký tên thật của mình nữa mà lấy một bút hiệu khác rồi gửi lại cho toà báo.
Lần nầy, thân phụ của Tagore nhận thấy đây là những bài thơ có giá trị và cho đăng ngay lên báo mà không hề hay biết đó chính là những bài thơ của con trai mình, những bài thơ mà trước đây ông đã quẳng vào sọt rác.
Đúng là: “Bụt nhà không thiêng”. Chính Chúa Giêsu cũng phải chịu cùng một số phận như thế.
Con người dễ có định kiến về người khác.
Khi một vĩ nhân trở về quê hương, dân làng thường tìm đến vì tò mò hơn là kính nể. Nếu ai không có những suy nghĩ sâu xa thì sẽ không xem trọng vĩ nhân đó bao nhiêu, nhất là khi người đó xuất thân từ một gia đình nghèo nàn, không có địa vị gì ở quê hương. Chúa Giêsu trở về quê nhà cũng bị dân làng nhìn theo lối đó: Giêsu, con bác thợ mộc Giuse chứ có gì lạ lùng đâu.
Chúa Giêsu biết rõ tâm ý của họ, nên đã nói: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận ở quê hương mình” (Lc 4,24). Chúa Giêsu đã về quê nhà với tư cách là Đấng Messia, loan báo Tin Mừng cho dân làng, nhưng chắng ai thấy được điều đó. Họ đã tự nhốt mình trong định kiến của họ. Họ chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu như một người đồng hương nghèo khó, xuất thân từ làng quê. Tuy họ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, nhưng những thành kiến đã chôn chặt họ không cho họ đi xa hơn. Họ chỉ thắc mắc cách mơ hồ: bởi đâu ông ta được như thế! Họ đến gặp Người với ý định chối từ hơn là tin nhận!
Xét người xưa lại nghĩ đến mình hôm nay. Rất nhiều khi ta phán đoán giá trị của một người dựa trên bằng cấp, địa vị và sự giầu có. Hễ ai có chức có quyền mà nói thì ta cho ngay rằng họ nói đúng. Còn ai nghèo nàn, rách rưới, ít học mà nói thì ta cho ngay rằng lời nói của họ chẳng có giá trị gì. Thực ra, một điều sai trái, dù kẻ nói ra là người có quyền thế, trí thức hay giầu sang tới đâu thì cũng vẫn là sai trái. Còn một điều đúng, thì dù người nói ra là một em bé, một người tầm thường thì điều đó cũng vẫn là một chân lý. Lời nói sai đâu thể biến thành đúng, hay lời nói đúng đâu thể biến thành sai vì trình độ học vấn của người nói ra điều đó.
Điểm cuối cùng trong bài Tin Mừng hôm nay chắc phải làm chúng ta suy nghĩ: “Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó” vì họ không tin. Đức Giêsu có thực hiện được phép lạ hay không, điều đó không tùy thuộc vào quyền năng của Người, nhưng còn tùy thuộc vào lòng tin của chúng ta. Đức Giêsu rất muốn ưu tiên rao giảng và làm phép lạ ở chính quê hương của người, vì thông thường ai cũng yêu mến nơi sinh trưởng của mình, nhưng vì những người đồng hương không tin, nên Người không thực hiện được điều ấy.
Cũng vậy, Thiên Chúa muốn cứu rỗi ta, thánh hóa ta, muốn ta nên thánh, muốn ta được hạnh phúc, và Người sẵn sàng làm tất cả để thực hiện điều đó. Nhưng Người có thực hiện được điều đó hay không còn tùy thuộc vào bản thân chúng ta, như thánh Augustinô nói: “Để dựng nên ta, Thiên Chúa không cần đến ta, nhưng để cứu rỗi ta, Thiên Chúa không thể làm được nếu không có sự cộng tác của ta”. Amen
LM Giuse Đỗ Văn Thụy