Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XI Thường Niên, năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật XI Thường Niên, năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Chúa Giêsu thích dùng Dụ Ngôn

(Mc 4,26-34)

   mc42634b Từ thời Giáo Hội sơ khai, người ta gọi dụ ngôn là loại chuyện Chúa Giêsu kể để minh giải lời giảng dạy của Người. Theo gốc Hy Lạp, từ ngữ parabolê có ý tưởng so sánh. Thực vậy, tinh thần Đông Phương thích nói và dạy dỗ dưới hình thức so sánh; họ cũng dùng ẩn ngữ để khêu gợi tính tò mò, khích lệ việc tìm tòi; chúng ta thấy âm hưởng của sở thích đó trong Sách Thánh, đặc biệt trong những châm ngôn của các bậc hiền triết (Cn 10, 26; 12,4; Qa 14,14). Tuy nhiên đó không phải là điều cốt yếu để cắt nghĩa thể văn dụ ngôn này: ta phải hiểu dụ ngôn như là việc dàn cảnh những biểu tượng, nghĩa là các hình ảnh rút ra từ những thực tại trần thế để chỉ các thực tại được Thiên Chúa mạc khải và những thực tại này thường phải được cắt nghĩa sâu xa.[1]

Chúa Giêsu thích dùng dụ ngôn

Mầu nhiệm Vương Quốc và con người Chúa Giêsu quá mới lạ đến nỗi chỉ có thể được biểu lộ dần dần và theo sức hấp thụ khác nhau của thính giả. Chính vì thế trong giai đọan đầu cuộc đời công khai, Chúa Giêsu dặn bảo mọi người giữ bí mật về Đấng Massia mà thánh Marcô đã làm nổi bật (Mc 1,34.44; 3,12; 5,43…). Vì vậy Chúa Giêsu cũng thích nói bằng dụ ngôn, và các dụ ngôn dù đưa ra ý tưởng đầu tiên giáo thuyết của Người, chúng buộc thính giả phải suy nghĩ và cần phải giải thích, nếu họ muốn thấu hiểu chúng. Như thế chúng ta gặp một lời giảng dạy có hai cấp bậc được thánh Marcô nhấn mạnh rõ ràng (4, 33-34): dựa theo các chủ đề cổ điển (Vua, tiệc cưới, vườn nho, chủ chăn, hạt giống. . .) các thính giả đều có thể đoán ý nghĩa dụ ngôn nhưng các môn đệ có quyền xin Chúa Giêsu giúp đào sâu giáo thuyết… Như thế các dụ ngôn xuất hiện như trung gian cần thiết để lý trí đến gần đức tin: người tín hữu càng thấu suốt mầu nhiệm mạc khải, họ càng hiểu rõ các dụ ngôn; trái lại người nào càng từ khước sứ điệp của Chúa Giêsu càng thấy các dụ ngôn về Nước Trời khó hiểu. Các thánh sử nhấn mạnh sự kiện này, vì họ xúc động khi thấy nhiều người Do Thái cứng lòng trước Tin Mừng, nên họ trình bày việc Chúa Giêsu trả lời cho các môn đệ bằng một câu trích trong Isaia: các dụ ngôn làm nổi bật sự mù quáng của những kẻ cương quyết từ chối đón nhận sứ điệp của Chúa Kitô (Mt 13, 10-15ss). Tuy nhiên bên cạnh các dụ ngôn có liên quan đến thể văn khải huyền, cũng có những dụ ngôn rõ ràng hơn nhằm dạy luân lý mà ai cũng có thể lĩnh hội được (như Lc 8, 16tt ; 10, 30-37 ; 11,5-8)[2]

J.Hervieux định nghĩa dụ ngôn như sau: “Dụ ngôn là một câu chuyện rút ra từ thiên nhiên hay trong đời sống thường nhật. Với hình thức rất đơn giản và tính cách lạ thường, dụ ngôn dễ làm cho người nghe chú ý và khiến họ phải suy nghĩ đến điều mà dụ ngôn có ý nhắm tới thông qua những hình ảnh”[3]

Dụ ngôn hạt giống trong bài Tin Mừng hôm nay

Dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nói: “Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy cũng không biết.” (Mc 4,26-27).

Đức Giêsu kể một dụ ngôn nói về sự phát triển từ những cái nhỏ bé. Dụ ngôn này đem lại rất nhiều sức nâng đỡ, ủi an, nếu ta biết sống đúng chân lý của dụ ngôn ấy. Thật vậy, nhiều khi vì lòng nhiệt thành mà ta lại phải chuốc lấy lo âu phiền muộn. Khi ta mệt mỏi phần nào vì trông cho Nước Chúa trị đến, nên có lẽ vì sự mệt mỏi đó, mà ta đòi hỏi phải có ngay và thấy được sự thành tựu. Đó cũng là điều tự nhiên. Thế nhưng thái độ đó thật nguy hiểm. Vì rốt cuộc nó sẽ làm cho ta ngờ rằng chính ta là những tác giả, là những người thợ kiến tạo Nước Trời. 

Trong những thời kỳ khủng hoảng chúng ta đang trải qua trong Giáo Hội, thiết tưởng ta nên coi trọng dụ ngôn này. Những xao xuyến, bồn chồn, cuồng nhiệt của ta sẽ chẳng thêm gì hơn cho Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa chỉ cần ta góp phần vào một việc là người gieo hãy làm công việc của mình cách trung thực. Đành rằng công việc gieo vãi này, ta phải chu toàn. Nhưng hãy ở đúng vị trí của mình, chứ đừng bao giờ lấn sang chỗ không phải là của ta. Hạt giống mọc lên không tùy thuộc ở ta mà hoàn toàn tùy thuộc ở Chúa. Nếu tình hình hiện nay của Giáo Hội cho phép ta hiểu biết khá hơn chân lý này, thiết tưởng cũng là điều hữu ích vậy, nhưng chúng ta phải tâm niệm một điều đó là “Chính Thiên Chúa mới là tác giả của Nước Trời”. Amen

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

 

[1] Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Tập I, trg.443

[2] Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh, Tập I, trg.446-447

[3] “L’evangile de Marc”, Centurion, trg. 65

Xem thêm

St. THOMAS

Suy niệm Tin Mừng KÍNH THÁNH TÔMA TÔNG ĐỒ,Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên – 03/7, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

TRỞ LẠI VỚI CỘNG ĐOÀN “Tám ngày sau, các môn đệ lại có mặt trong …