LỄ CHÚA THĂNG THIÊN
“HÃY LÀ CHỨNG NHÂN CỦA THẦY”
Hôm nay, Giáo Hội hân hoan mừng lễ Đức Giêsu lên trời. Việc Đức Giêsu lên trời đã chấm dứt cuộc đời trần thế và sứ mạng của Ngài trên trần gian theo ý muốn của Chúa Cha.
Tuy nhiên, sứ mạng ấy tiếp tục được chuyển trao cho các Tông đồ là những chứng nhân của tất cả những gì đã thấy và đã cảm nghiệm, để các ông ra đi làm chứng nhân cho Ngài.
Sứ mạng ấy cũng được trao phó cho mỗi người chúng ta trong vai trò là người thuộc về Đức Kitô.
- Ý nghĩa của việc Đức Giêsu lên trời
Sự kiện Đức Giêsu về trời cho chúng ta thấy: Ngài đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha. Đã chu toàn sứ mạng cứu độ con người qua cái chết trên thập giá. Ngài đã sống lại để làm chứng những lời Ngài đã loan báo. Và, hôm nay, Ngài lên trời để đem lại cho chúng ta niềm hy vọng mai ngày cũng được về trời với Ngài như lời Ngài đã nói: “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy, và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó” (Ga 12,26).
Việc Đức Giêsu lên trời cũng là lúc kết thúc những cuộc gặp gỡ bằng xương bằng thịt và mở ra một cuộc gặp gỡ thiêng liêng, vượt lên trên không gian và thời gian. Sự kiện này không chấm dứt mọi hoạt động của Ngài trên trần thế. Nhưng qua đó, Đức Giêsu hiện diện cách phổ quát: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Ngài hiện diện nơi Lời của Ngài và trong Bí tích Thánh Thể, qua Giáo Hội và nơi các chứng nhân. Vì thế, Đức Giêsu trở về với Chúa Cha, nhưng Ngài lại khai mở ra cho các Tông đồ và Giáo Hội một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của việc cảm nghiệm, loan báo và làm chứng về Đấng Phục Sinh.
- Sứ mạng của các Tông đồ sau khi Chúa Giêsu lên trời
Đức Giêsu về trời, Ngài trao ban sứ mạng truyền giáo cho Giáo Hội, khởi đi từ các Tông đồ. Lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), để “muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19), phải là lời mời gọi, một lệnh truyền cấp thiết hơn bao giờ hết! Bởi lẽ: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (x. Ga 17,18; 20,21).
Vì thế, khi Đức Giêsu đã lên trời, thì cũng là lúc các Tông đồ phải xuống núi, phải ra đi để đến với muôn dân như lời Ngài đã truyền. Các ông ra đi để tuyên xưng niềm tin của mình vào Đấng đã chết và đã phục sinh; Đấng là đường, là sự thật và là sự sống; Đấng đã yêu thương con người, đã chết và đã sống lại vì hạnh phúc và phần rỗi của con người. Đấng ấy đã lên trời để đem lại niềm hy vọng cho những ai tin vào Ngài cũng được lên trời như các ông đã thấy Ngài lên trời.
Chính trong giây phút này, các ông nhận lãnh sứ mạng xây dựng Giáo Hội, một Giáo Hội có Thiên Chúa là Chủ và có nhau là anh em; một Giáo Hội yêu thương, hiệp nhất; một Giáo Hội công bằng, nhân ái.
- Sứ mạng loan báo Tin Mừng của mỗi chúng ta
Lời của Đức Giêsu khi xưa nhắn gửi các Tông đồ: “Anh em hãy là nhân chứng cho Thầy đến tận cùng trái đất” (x. Cv 1,8) cũng là lời mời gọi cho mỗi người Kitô hữu hôm nay.
Ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta thuộc về và nhận lãnh sứ mạng ngôn sứ từ nơi Đức Giêsu. Công cuộc ấy chẳng mấy tốt đẹp theo kiểu con người suy nghĩ. Vì thế, Đức Giêsu đã tiên báo: “Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét” (Lc 21,17). Và “hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: “Tôi tớ không hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,29). Nhưng hãy học nơi các Tông đồ: càng bị sỉ nhục, bắt bớ và tù đày, các ông lại càng “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41). Bởi xác tín rằng “… trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33; x. Rm 8,35-37).
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm chèo thuyền ra chỗ “nước sâu” để thả lưới…; cũng như tiến ra những vùng “ngoại biên” để đem Ánh Sáng Lời Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa.
“Nước sâu” ở đây chính là những nơi tội lỗi, gian tham, lọc lừa. Nó cũng là thái độ của những con người thù ghét, cấm cách, bắt bớ những người tin vào Đức Giêsu hay là một thái độ thờ ơ, lãnh đạm với niềm tin Kitô Giáo.
Còn “ngoại biên” chính là những người vô gia cư; trẻ em mồ côi, những cụ già không nơi nương tựa… những người đói khát bần cùng, những người không có tiếng nói…
Những nơi ấy, rất cần các Kitô hữu can đảm, trung thành, bất chấp khó khăn, thử thách, để sẵn sàng làm chứng cho sự thật, công bằng. Mặt khác, nơi tâm hồn người tông đồ phải luôn mang trong mình trái tim của chính Thiên Chúa, để lòng thương xót của Ngài được lan tỏa đến những con người kém may mắn đang sống ở bên lề xã hội.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay Chúa về trời, Chúa đã trao phó cho các Tông đồ và Giáo Hội phải loan báo Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Xin Chúa cho mỗi chúng con ý thức được điều đó và sẵn sàng ra đi làm chứng cho Tin Mừng của Chúa trong lòng xã hội hôm nay, dầu có phải chịu đau khổ, thử thách. Amen.
Tu sĩ: jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.