Home / Chia Sẻ / QUEN và LẠ

QUEN và LẠ

QUEN và LẠKhi một người bị chứng bệnh thể lý trầm kha, người ta sợ bệnh nhân bị sốc về tâm lý nên không dám cho biết ngay, nhưng rồi dù muốn dù không thì cũng vẫn phải cho biết. Khi một người bị chứng bệnh tâm linh trầm kha, người đó không chỉ CẦN biết mà còn PHẢI biết.

Chúa Nhật IV Phục Sinh cũng được gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, và là ngày cầu nguyện cho ơn gọi dâng hiến (linh mục và tu sĩ).

Người ta thường nói: “Cờ đến tay ai người nấy phất”. Chưa cầm được “cờ” thì quyết tâm đủ điều, hứa hẹn đủ thứ; cầm được “cờ” rồi thì chẳng cần chi nữa, trời cũng chỉ nhỏ như nắp bia mà thôi. Người ta “giết” nhau bằng mọi cách (kiểu người đời gọi là “thủ đoạn”).

Kể cũng lạ, người ta có những “chứng sợ hãi” kỳ lạ và vô lý. Chẳng hạn một số hội chứng phổ biến này: Sợ thực phẩm hoặc sợ ăn (sitophobia, citophobia hoặc sitiophobia), sợ hình ngôi sao (siderophobia, astrophobia), sợ sao chổi (cometophobia), sợ hiện tượng vũ trụ (kosmikophobia), sợ khì tượng (meteorophobia), sợ thời gian (chronophobia), sợ không gian (spacephobia), sợ độ cao (acrophobia), sợ đơn độc (isolophobia), sợ cô đơn hoặc sợ bị bỏ rơi (autophobia), sợ tắm rửa (ablutophobia), sợ nước (aquaphobia), sợ mèo (ailurophobia, felinophobia), sợ chó (cynophobia), sợ nói trước đám đông (glossophobia), sợ yêu (philophobia), sợ kết hôn (gamophobia), sợ đàn ông (androphobia), sợ mỹ nhân (venustraphobia),… Có người sợ ma mà lại thích nghe chuyện ma. Oái oăm thế đấy! Tương tự, người ta nói một đàng mà phang một nẻo. Vì thế, cần lắm ơn khôn ngoan: “Trí khôn ngoan là cội rễ không thể nào hư hoại” (Kn 3:15).

Ngày xưa, Thánh vương Sa-lô-môn đã có cách xử độc đáo trong vụ một đứa con và hai người mẹ. Người mẹ thật đồng ý để người mẹ kia làm mẹ vì bà muốn đứa con sống, còn người mẹ giả chấp nhận xẻ đứa con làm đôi chứ không hề động lòng thương của tình mẫu tử. Mục tử thật hoặc giả cũng vậy. Mục tử thật thì yêu thương chiên hết lòng, dám xả thân vì chiên; còn mục tử giả hoặc người chăn thuê thì bỏ mặc chiên, không hề quan tâm chăm sóc chiên.

Trình thuật Ga 10:22-30 cho biết: Một hôm, tại Giêrusalem, người ta đang mừng lễ Cung Hiến Đền Thờ, Đức Giêsu đi đi lại lại trong Đền Thờ tại hành lang Sa-lô-môn. Người Do-thái vây quanh Đức Giêsu và nói: “Ông còn để lòng trí chúng tôi phải thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Đấng Kitô thì xin nói công khai cho chúng tôi biết” (Ga 10:24). Đức Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin. Những việc tôi làm nhân danh Cha tôi, những việc đó làm chứng cho tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đoàn chiên của tôi. Chiên của tôi thì NGHE tiếng tôi; tôi BIẾT chúng và chúng THEO tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10:25-30).

NGHE, BIẾT và THEO là “chiếc kiềng” vững vàng xác định mối quan hệ thật giữa chủ chiên và đàn chiên. Chúa Giêsu là Mục Tử đích thực và nhân lành vì Ngài BIẾT RÕ từng con – dù khỏe hay yếu, biết tên tuổi và biết tính cách mỗi con; Ngài YÊU THƯƠNG mọi con chiên – nhất là những con bệnh tật hoặc yếu đuối; và Ngài DÁM THÍ MẠNG vì chiên. Ba đặc điểm đó xác định “người thật, việc thật”, nếu không thì chỉ là “người làm thuê” mà thôi.

Sống trong xã hội Việt Nam ngày nay, người ta đã chán ngán những người lãnh đạo chỉ NÓI mà KHÔNG LÀM, nói để mị dân, rồi hành động trái ngược. Thấy họ như vậy thì chúng ta không thể theo “phong cách” của họ.

Chúa Giêsu là Mục Tử vô cùng nhân hậu, Thánh Phêrô xác định: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em” (1 Pr 2:24-25).

Vô tri bất mộ. Nhưng đã NGHE và BIẾT rồi thì sẵn sàng THEO ngay. Mục Tử Giêsu đã nêu gương, các mục tử khác không thể khác được. Theo Thầy Giêsu thì không còn lo sợ chi nữa: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (Tv 23:1-3).

Chúa Giêsu là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống, đồng thời Ngài còn là Cửa (Ga 10:9), chính Cửa này dẫn vào Nguồn Sống Viên Mãn của Thiên Chúa: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ” (Ga 10:1-5). Nghe Đức Giêsu nói vậy, người ta không hiểu Ngài nói gì.

Dám nhìn thẳng vào sự thật mới là người yêu sự thật, vì Chúa Giêsu là sự thật. Ngài căn dặn: “Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10:10; Lc 9:3; Lc 10:4). Nhưng thực tế ngày nay, có những linh mục quá “chăm chú” vào vật chất, chỉ gần chiên béo và thích lễ béo, họ làm cho giáo dân thất vọng nên không muốn nghe những gì các linh mục đó nói. Truyền giáo hóa ra phản tác dụng. Nói ra thì bị ghét, không nói thì họ làm tới.

Là Mục Tử Nhân Lành, là Chúa Chiên Lành, Đức Giêsu xác định: “Tôi là CỬA cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là CỬA. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. KẺ TRỘM chỉ đến để ĂN TRỘM, GIẾT HẠI và PHÁ HUỶ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên ĐƯỢC SỐNG và SỐNG DỒI DÀO” (Ga 10:7-10). Mục Tử Nhân Lành là vậy, luôn sống và hành động vì người khác, vì đoàn chiên, chứ không biện hộ hoặc chỉ bảo vệ mình, còn chiên ra sao thì ra.

Mục Tử Giêsu giàu lòng thương xót, yêu thương mọi người đến cùng (Ga 13:1), dù đó là tội nhân – chiên ốm yếu, ghẻ lở, hôi hám. Thật vậy, “ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5:20). Ngài sẵn sàng bỏ 99 con chiên béo tốt, lông dài trắng mịn, để chỉ tìm cho được 1 con chiên đen đủi, xấu xí. Ngài hành động đúng như lời Ngài nói: “Con Người đến để TÌM và CỨU những gì ĐÃ MẤT” (Lc 19:10).

Thật buồn khi thấy có một số linh mục giảng cộc cằn, thô lỗ, gay gắt, chỉ trích, xỉa xói, áp bức,… “Lý của kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”. Về bí tích (xức dầu), gia đình bệnh nhân phải có “phong bì”. Ôi, lạy Chúa, bí tích phải được TRAO BAN, chứ sao lại TRÁO và BÁN như thế?

Chuyện buồn rồi cũng có chuyện vui. Không đâu xa, ngay tại Việt Nam cũng đã có những mục tử nhân hậu như lòng Chúa mong ước, đó là ai? Một ĐGM Cassaigne – quen gọi thân thương là Cha Sanh (1), và một LM P.X. Trương Bửu Diệp (2). Linh mục cho rằng giáo dân chống đối, không hợp tác, nhưng có khi nào họ xem lại chính mình có “nói tiếng lạ” không mà sao chiên không hiểu hoặc không nghe?

Người Pháp có câu thật hay: “Đừng vì kính mến Chúa mà chống đối người khác”. Hãy hiểu theo nghĩa tích cực chứ đừng tiêu cực. Chúng ta cũng không nên thần thánh hóa bất cứ ai, hãy cứ bình thường, và hãy làm người trước khi cách cư xử với tư cách “ông kia, bà nọ”.

ĐGH Phanxicô đã cảnh báo các giám mục: “Mục tử có nguy cơ bị mê hoặc bởi viễn tượng nghề nghiệp, bởi cám dỗ về tiền bạc, và những thoả hiệp theo tinh thần thế gian”. Có lần ngài nhấn mạnh rằng giám mục là người được chọn để phục vụ một Giáo hội duy nhất, vì thế KHÔNG ĐƯỢC tìm kiếm một việc gì khác ngoài việc PHỤC VỤ GIÁO HỘI. Ngài đã nói thẳng: “Nếu tìm kiếm một việc gì khác thì chính giám mục đó đang ngoại tình”. Dịp tấn phong 19 hồng y hồi tháng 2-2014, ĐGH Phanxicô đã nói với các tân chức: “Chư huynh là các tôi tớ chứ không là những nịnh thần” (servants, not courtiers).

Chuyện vui rồi lại có chuyện buồn: Giám mục xa hoa người Đức Franz Peter Tebartz van Elst (bị đình chỉ nhiệm vụ hồi tháng 10-2013) đã bị cáo buộc chi tiêu 31 triệu euro (gần 40 triệu USD, gấp 6 lần so với kế hoạch ban đầu) để nâng cấp và xây dựng mới dinh thự của mình và văn phòng giáo phận, đồng thời cũng bị cáo buộc đã khai sai sự thật trước tòa. Nói ra thì “đụng chạm”. Có người nói rằng sợ “làm gương xấu”. Nếu sợ như vậy thì không là bao che ư? Cái gai nhỏ nhưng dễ sưng tấy và đau nhức, phải chịu đau thì mới có thể nhổ nó ra.

Đi tu không là đi tù, mà là khước từ thế gian để sống vì Nước Trời, nhưng ngày nay có những người coi đó là một “nghề” (như các nghề khác) để được sống ung dung, nhà hạ, sang giàu, thậm chí là “vinh thân phì da”. Nói như vậy, người ta cho là chỉ trích, xoi mói, nhưng đó lại là… sự thật – dù phũ phàng lắm!

Chúa Nhật Chúa Chiên Lành năm 2014, ĐGH Phanxicô nói: “Noi gương Chúa Giêsu mỗi chủ chăn ‘đôi khi đi trước để chỉ đường và nâng đỡ niềm hy vọng của dân chúng, đôi lần mục tử phải đi trước, những lần khác phải ở giữa tất cả với sự gần gũi đơn sơ và lòng thương xót, và trong vài hoàn cảnh phải bước đi đàng sau dân chúng, để trợ giúp những ai ở lại đàng sau” (Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 31). Và ngài nói thêm: “Ước chi tất cả mọi chủ chăn được như thế! Nhưng anh chị em phải quầy rầy các chủ chăn, để các vị trao ban sự hướng dẫn, giáo lý và ơn thánh cho anh chị em”.

Quen – Lạ, một khoảng cách rất mong manh!

TRẦM THIÊN THU

(1) Gm Jean Cassaigne (Pháp quốc, 1895-1973) chết với các bệnh nhân phong Di Linh.

(2) Lm P.X. Trương Bửu Diệp (Việt Nam, 1897-1946) chết thay đoàn chiên.

ĐÔI TÌNH NHÂN CỦA CHÚA

(Chúa Nhật IV PS – Chúa Chiên Lành – cầu cho ơn thiên triệu).

Sinh ra là để yêu Ngài

Sống theo Thánh Ý định rồi từ xưa

Sống vì, sống với, sống cho

Dấn thân phục vụ sớm khuya mọi ngày

Hôn nhân trần thế là hay

Vì là bí tích chính Ngài lập ra

Nhưng còn một thứ cao xa

Hôn nhân thánh đức chính là hiến dâng

Bỏ mình theo Chúa từ nhân

Chuyên tâm vì Chúa dấn thân cứu đời

Hai người dẫu đính hôn rồi (*)

Nhưng nghe lời Chúa gọi mời mạnh hơn

Ra đi một chuyến dấn thân

Cánh đồng truyền giáo rất cần “chuyên gia”

Lúa vàng trĩu hạt từng mùa

Gặt về những bó lúa to cho Ngài

Giêsu – Chủ Ruộng chờ hoài

Nhanh tay gặt lúa mùa này, mùa sau…

TRẦM THIÊN THU

Sáng 20-4-2018

(*) Cùng sinh năm 1977, Lm Javier Olivera và Nt Marie de la Sagesse đã chuẩn bị làm đám cưới, nhưng Chúa muốn khác. Hiện nay, Lm Javier Olivera phục vụ tại Gp San Rafael, Nt Marie de la Sagesse – dòng Chúa Giêsu Thương Xót, phục vụ tại Gp Fréjus-Toulon.

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …