Home / Suy Niệm Lời Chúa / Các Bài Suy niệm Tin mừng Thứ Năm Tuần Thánh, năm B, của Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

Các Bài Suy niệm Tin mừng Thứ Năm Tuần Thánh, năm B, của Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

 

THÁNH LỄ TIỆC LY

ĐỈNH CAO CỦA MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ LÀ TÌNH YÊU

(Ga 13, 1 – 15)

Rua ChanTrong cuộc sống, nơi các gia đình, nhất là văn phong của Việt Nam, chúng ta rất coi trọng bữa ăn. Nơi bữa ăn, niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại, thường hay được chia sẻ. Có những bữa ăn để chia tay; có những bữa ăn để lên đường. Chia tay hoặc lên đường thường hay để lại nhiều kỷ niệm nơi người đi và kẻ ở!

Hôm nay, Đức Giêsu quy tụ các Tông đồ là những người thân tín với Ngài trong suốt chặng đường rong ruổi loan báo Tin Mừng. Ngài quy tụ họ, để trao lại cho họ một tặng phẩm thần linh là Bí tích Thánh Thể và truyền cho các ông hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Ngài. Qua đó, như một sự hiện hữu sau khi chết, để khi còn sống, Đức Giêsu ở cùng với các ông thế nào, thì ít ngày nữa thôi, Ngài cũng hiện diện và ở lại với các ông cách vô hình nhưng trọn vẹn nơi Bí tích cao trọng là chính Thánh Thể Ngài. Mặt khác, qua bữa tiệc này, phần cuối cùng của bữa tiệc, Đức Giêsu hành động và trăng trối những lời tâm huyết để xây dựng cộng đoàn Giáo Hội đó là: “Luật yêu thương”.

  1. Một tặng phẩm cao quý được trao tặng

Nếu trong cuộc sống, hai người yêu nhau, họ thường có những lời lẽ chân tình, ấm áp để thể hiện tình yêu của mình cho người mình yêu. Khi đi xa, người ta hay trao tặng cho nhau những kỷ vật trân quý, để dù xa mặt chứ lòng thì không. Qua món quà đó, với người đón nhận thì tặng vật đó không chỉ đơn thuần là một kỷ niệm, nhưng nó còn là sự hiện hữu của chính người tặng quà.

Cũng vậy, khi Đức Giêsu biết “giờ” của mình sắp trở về với Thiên Chúa Cha, nên Ngài đã yêu thương họ đến cùng khi trao ban chính thân mình làm của nuôi sống môn sinh.

Chiều hôm nay, chúng ta kỷ niệm việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Đây là Bí tích cao trọng nhất trong 7 Bí tích. Cao trọng bởi vì qua Bí tích này, Đức Giêsu hiến dâng thân mình làm của ăn của uống để nuôi sống nhân loại và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài yêu thương và yêu hết mình. Yêu đến nỗi bằng lòng chịu chết để miễn sao người mình yêu được hạnh phúc.

Thật vậy, Ngài đã trao ban chính Thân Mình làm bảo vật, để mỗi khi các Tông đồ cũng như những người tin, cử hành và tưởng nhớ, thì Ngài hiện diện cách trực tiếp nơi mầu nhiệm cử hành. Khi đó, Đức Giêsu trở nên đồng hình đồng dạng với người đón nhận, để từ đây, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Ôi, còn gì cao quý và hạnh phúc cho bằng ta được thông phần vào bản tính Thiên Chúa với Đấng là Thiên Chúa nhưng lại chia sẻ thân phận con người với chúng ta!

Lời cầu nguyện của Đức Giêsu với Chúa Cha làm toát lên đặc tính kỳ diệu này:“ … như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21). Giáo Hội tiếp diễn ý nghĩa hiệp thông với mọi thành phần khi đã liên kết với Đức Giêsu, qua Kinh Tiền Tụng Thánh Thể: “Chúng con nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần”. 

Qua Bí tích này, mỗi người được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa thông qua bản thể Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, đồng thời cũng được liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một thân thể.

  1. Một dấu tích sống động được tiếp diễn

Sau khi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, ngài đã thiết lập Bí tích Truyền Chức liền sau đó như một sự liên hệ, liền mạch và mật thiết với nhau. Đúng thế, không thể có Thánh Thể nếu không có người cử hành Thánh Thể. Vì thế, Đức Giêsu đã trao ban thừa tác vụ đặc biệt cho các Tông đồ, để sau này, các ông sẽ đảm trách những việc làm như Đức Giêsu vừa làm cho đến ngày tận thế.

Thoạt mới nghe, chúng ta dễ tưởng lầm là Bí tích này chỉ có liên hệ hay dành riêng cho các linh mục? Nhưng không! Bí tích này liên hệ chặt chẽ với cộng đoàn, bởi vì Bí tích này thuộc về nhóm Bí tích xây dựng cộng đoàn.

Thật thế, chức vụ linh mục không phải cho bản thân mình, vì các ngài không thể tha tội cho mình, các ngài cũng không thể ban phát các Bí tích cho mình. Vì thế, linh mục là của mọi người, cho mọi người và vì mọi người.

Nếu Đức Giêsu trước kia đã đến để cho con chiên được sống dồi dào, thì ngày nay các linh mục cũng được trao ban trách vụ như thế. Ôi huyền nhiệm và cao quý vô lường! Qua Bí tích Truyền Chức, Đức Giêsu hiện diện cách trực tiếp khi các linh mục cử hành phụng vụ trong vai trò đại diện cho Đức Giêsu là Đầu của thân thể. Và, như thế, mỗi người chúng ta luôn được các ngài chăm sóc, nên không bị rơi vào tình cảnh bơ vơ, mồ côi vì không người chăn dắt. Các ngài sẽ thay mặt Chúa, thi hành việc của Chúa trong vai trò lãnh đạo, phục vụ và thánh hóa vì tình yêu.

  1. Một lời trăng trối tâm huyết muôn đời nhớ mãi

Cũng chiều hôm nay, mỗi chúng ta quây quần nơi đây, để nghe đọc lại di ngôn và lệnh truyền của Đức Giêsu về tình yêu. Lệnh truyền này mang tính cấp bách và quan trọng. Vì thế, đòi hỏi người môn đệ một sự bất khả từ, bởi lẽ, đây là điểm sáng, là cốt lõi, là bản chất thiết yếu của người mang danh Đức Kitô trong mình.

Thật vậy, Đức Giêsu không chỉ trao ban chính Thân Mình để nuôi sống nhân loại, mà Ngài còn dạy cho các Tông đồ bài học về tình yêu, để đưa các ông vào qũy đạo của chính Ngài là “yêu và yêu đến cùng”.

Ngài nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Yêu như Thầy là yêu như thế nào? Thưa yêu như Thầy chính là trở thành người tôi tớ phục vụ, là chấp nhận chết cho người khác được sống. Không những dạy các ông bằng lời, mà Ngài còn làm gương cho các ông noi theo. Vì thế, ngay lập tức, Ngài đứng lên, cởi áo choàng, thắt lưng, lấy nước rửa chân cho từng Tông đồ trước sự ngỡ ngàng của các ông. Ngỡ ngàng là phải, vì hành vi rửa chân là việc làm của người nô lệ dành cho ông chủ. Nhưng hôm nay, Đức Giêsu đã làm đảo lộn vai trò và vị trí khi tự làm những việc dành cho người hầu hạ, và các Tông đồ trở nên những ông chủ.

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Đức Giêsu nói tiếp: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 14-15). Qua hành động rửa chân cho các Tông đồ, Đức Giêsu để lại cho các ông bài học về đức khiêm nhường và phục vụ. Tuy nhiên, để thực hiện được hai nhân đức này thì cần phải có tình yêu làm động lực.

Tình yêu thương được hiện lên như một ngọn hải đăng giữa biển khơi tăm tối, giúp cho mọi người nhận ra đường để đi và đi đến nơi an toàn. Vì thế Đức Giêsu đã dạy cho các ông biết trước viễn cảnh trong tương lai khi nói: “… mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).

  1. Sống linh đạo Thánh Thể và thực hiện lời trăn trối của Đức Giêsu

Thánh Phaolô nói: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết”  (1 Cr 11, 26).

Là người kitô hữu, chúng ta tin Chúa, yêu Chúa và đều mong muốn được ơn cứu độ, thì không có lẽ gì chúng ta không sống linh đạo Bí tích này.

Nếu muôn ngàn hạt lúa kết thành tấm bánh, bao trái nho ép thành chén rượu, tượng trưng cho sự hiệp nhất của con cái Chúa, thì mỗi người chúng ta cũng phải hiệp nhất với nhau như vậy.

Muốn được như thế, tinh thần sống mầu nhiệm tự hủy của hạt lúa, trái nho luôn mời gọi và thôi thúc chúng ta thi hành.

Trong đời sống gia đình, người chồng phải là người chồng mẫu mực, sẵn sàng hy sinh gánh vác vì tình yêu với vợ và các con. Người vợ hãy hết lòng lo cho con cái, chăm lo cho chồng và con tử tế. Con cái biết ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ… Làm được như thế, ấy là chúng ta đang thực hiện di ngôn của Đức Giêsu trong tinh thần hy sinh và phục vụ.

Nếu không yêu thương nhau, thì chẳng khác chi hạt lúa mì trơ trọi một mình, không sinh hoa trái. Nhưng yêu thương những người lân cận với mình thôi thì chưa đủ, mà phải yêu thương hết mọi người như Đức Giêsu đã yêu. Ngài đã không loại trừ Giuđa là kẻ rồi đây sẽ bán mình; không bỏ lại Phêrô là người sẽ thề sống thề chết không biết mình; không lên án và trách móc những người hại mình, mà: “Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)

Mong sao sứ điệp Lời Chúa hôm nay luôn ở bên tai, qua hành động và trong trái tim của chúng ta, để chúng ta yêu và yêu không giới hạn như Đức Giêsu. 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa đã để lại cho chúng con Bí tích kỳ diệu là chính Thánh Thể Chúa làm của ăn của uống cho mỗi chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến, tin tưởng và mau mắn loan truyền cho tới khi Chúa đến trong vinh quang. Xin cũng cho mọi suy nghĩ và hành động của chúng con được tình yêu làm căn cốt và thúc đẩy, để như Chúa, chúng con yêu rồi mới làm. Amen.

 

VÌ YÊU, NÊN CHẤP NHẬN TẤT CẢ

(Xh 12, 1-8. 11-14; 1 Cr 11, 23-26; Ga 13, 1-15)

 

jesusChiều hôm nay, chiều mà Giáo Hội cử hành thánh lễ Tiệc Ly. Trong thánh lễ này, chúng ta thấy toát lên vẻ trầm buồn bởi cảnh ly biệt của người đi và kẻ ở!

Đức Giêsu sẽ ra đi để chịu chết chuộc tội thiên hạ. Các môn đệ sẽ ở lại để rồi mai đây sẽ tiếp bước trên con đường mà Thầy Giêsu đã đi.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở cảnh sầu ly chia ngả, nhưng nó còn đi xa hơn nữa để thấy được tình yêu của người ra đi và sự phản bội, bất trung của nhiều kẻ ở lại! Từ đó, chúng ta nhận ra lòng thương xót của Đấng là Chúa và là Thầy thì lớn lao vô bờ, trong khi đó, sự vô ơn, nhát đảm dẫn đến sự phản bội của người môn sinh lại cứ dần leo thang!

  1. Điều tốt và xấu luôn tồn tại

Trong cuộc sống của con người, sự bất trung, vô ơn, phản bội, có lẽ luôn tồn tại song song với thời gian. Những thái độ, hành vi và lựa chọn tiêu cực ấy lại được diễn ra đây đó giữa cha mẹ với con cái; giữa vợ với chồng; giữa bạn bè, đồng nghiệp với nhau; giữa thầy với trò…, và, nhất là giữa con người với Thiên Chúa là Đấng luôn yêu thương ta. 

Họ bội ước quên thề và phản bội với nhau có thể do động lực tiền bạc, tình cảm và chức quyền gây nên. Những sự vô ơn và phản bội như thế, dân gian người ta gọi những hạng người đó là kẻ: “Ăn cháo đá bát”; “lừa thầy phản bạn”; “qua cầu lướt ván…”.

Với Đức Giêsu, từ khi đón nhận bản tính nhân loại nơi mình, Ngài cũng là con người giống như bao người, vì thế, Đức Giêsu cũng đã từng nếm trải những chuyện như: vô ơn, phản phúc, đổi trắng thay đen, nói không thành có… đến từ những người mà Ngài làm ơn làm phúc; những người mà Ngài đã cứu sống, và, nhất là đến từ các môn đệ là những người được chính Ngài tuyển lựa để ngày đêm ở với Ngài và được Ngài dạy dỗ nhiều điều!

Sự thật cay đắng này diễn ra trong bữa Tiệc ly buổi chiều năm xưa, mà hôn nay chúng ta đang tưởng niệm.

Điều này được thấy qua những nghi thức phụng vụ, nhất là Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay.

Kinh Thánh diễn tả buổi chiều hôm nay là một buổi chiều ly biệt giữa Thầy và trò.

Khung cảnh trầm buồn ấy cộng thêm những nét chấm phá hết sức ấn tượng diễn tả sâu sắc tình yêu thương của Thầy dành cho trò. Tuy nhiên, mặt trái của bức tranh tình yêu đó lại bị những vết đen phản bội, vô ơn và bất trung xen lấn, làm cho họa tiết lộ rõ sự hỗn độn, khiến cho người thưởng thức không khỏi khó chịu và xót xa!

  1. Tất cả vì tình yêu

Câu chuyện diễn tả bản chất của Thiên Chúa là tình yêu, được khởi đi từ việc Đức Giêsu muốn ăn bữa tiệc vượt qua sau cùng với các môn đệ trước khi lên đường hy sinh mạng sống để cứu chuộc nhân loại. Vì thế, đây là một bữa tiệc mang nhiều ý nghĩa thâm sâu.

Đỉnh điểm của buổi họp mặt hôm nay giữa thầy và trò, đó là việc Đức Giêsu loan báo: Một người trong anh em sẽ phản bội. Một trong anh em sẽ chối Thầy, và, đêm nay anh em sẽ vấp phạm vì Thầy.

Từ lời loan báo trên, Đức Giêsu đã nói rất rõ ràng cho các môn đệ biết về sự vô ơn, hèn nhát và thiếu trung thành của các ông đối với Ngài.

Nhưng ngay lúc này, các ông rất hoang mang và nhiều người không thể ngờ được là: tại sao trong nhóm của mình lại có những kẻ “được cá bẻ đăng”, rồi hèn nhát và thiếu trung thành đến vậy…!

Chính vì thế, mà họ bắt đầu nhao nhao hỏi Đức Giêsu: “Thưa thầy, có phải con không?”. Đức Giêsu không nói rõ ai sẽ là người phản bội mình, Ngài chỉ đưa ra hành động ám chỉ: Thầy chấm miếng bánh trao cho ai, thì đó là người ấy. Rồi Giuđa là kẻ đã lĩnh miếng bánh trước mặt anh em. Sau khi đã nhận miếng bánh ân tình, ma quỷ đã nhập vào y và y đã quyết định rời khỏi nơi chốn tình yêu, không gian ánh sáng để tiến về vùng tối tăm của sự ác!

Đọc tiếp trang Tin Mừng, chúng ta còn thấy sự bất trung của các môn đệ khác được tìm thấy trong biến cố tại Vườn Cây Dầu. Các môn đệ đang ở với Đức Giêsu, khi thấy toán lính đến bắt Thầy mình, thế là họ đã bỏ chạy hết. Rồi sự hèn nhát của Phêrô, vị Tông đồ trưởng được diễn ra trong dinh Thượng tế, ông đã trối Thầy trước sự đe loi của đám lính.

Tuy nhiên, dù tội lỗi của các ông có lớn thế nào đi chăng nữa, thì ngay tại phòng tiệc ly, Đức Giêsu làm một loạt những hành vi và lời nói nhằm diễn tả tình yêu của vị Thầy khả kính dành cho môn sinh, qua đó giúp cho các ông tin và đi vào mối tương quan tình yêu với Ngài.

Chính vì yêu và yêu họ đến cùng, nên Đức Giêsu đã không ngần ngại, trao ban, hiến tặng tất cả, ngay cả mạng sống của mình cho con người. Điều này được thể hiện qua việc Ngài thiết lập Bí tích Thánh Thể. Không dừng lại ở đó, Đức Giêsu còn muốn ở lại với loài người mọi ngày cho đến tận thế, nên liền ngay sau đó, Ngài đã thiết lập thiên chức linh mục.

Để tình yêu thương được cụ thể, nên vào cuối bữa ăn, Đức Giêsu đã làm một hành động ngược đời đến kỳ quặc, đó là quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Đây là hành động của nô lệ rửa chân cho ông chủ, trò rửa chân cho thầy. Khi làm ngược lẽ tự nhiên như vậy, Đức Giêsu muốn dạy các ông bằng hành động chứ không chỉ lời nói. Điều này đã gây nên sự ngỡ ngàng tột độ, khiến Phêrô đã phải thốt lên: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?”;  “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”.

Tuy nhiên, Đức Giêsu nói với ông: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. 

Sau đó Ngài đã dạy các ông: “Nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau”.

Như vậy, việc Đức Giêus rửa chân cho các ông, Ngài muốn làm một cử chỉ sâu xa để diễn tả tình yêu của Thiên Chúa với nhân loại.

Bên cạnh đó, Ngài muốn gột rửa tâm hồn các ông thực sự. Bởi vì nơi các ông vẫn còn nhiều vấn vương bụi đời. Nào là tranh dành quyền lực; thích được phục vụ; ăn trên ngồi trước. Nào là chia rẽ nội bộ; nhát đảm, sợ sệt, ham tiền, hám lợi và phản bội….

  1. Sứ điệp Lời Chúa

Ngày nay, vẫn còn đó những con người chẳng khác gì các môn đệ là bao. Họ vẫn mang trong mình những sự kiêu ngạo, ích kỷ, chia rẽ và thiếu trung thành, phản bội và vô ơn…!

Vẫn còn đó những kẻ chỉ vì miếng cơm manh áo mà bán đứng anh em của mình cho sự ác.

Lại có kẻ miệng thì nói tin Chúa, sống chết với đức tin, đạo giáo. Nhưng khi có lợi đến, hay bị thử thách, họ sẵn sàng từ chối thuộc về Chúa để được yên thân.

Và, cũng không thiếu những kẻ “khi hay thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì lìa nhau ra”. Họ tin và theo Chúa chẳng khác gì trẻ con. Họ rất giống những người thiếu lập trường và bị hiệu ứng đám đông điều khiển!

Sứ điệp Lời Chúa và phụng vụ ngày lễ hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết cảm tạ hồng ân của Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Luôn sống tâm tình biết ơn Thiên Chúa ngang qua sự kiên trì và trung thành với đức tin của mình.

Cuối cùng, hãy sống bản chất của Bí tích Thánh Thể là Bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái; đồng thời luôn biết yêu thương nhau thật lòng như Chúa đã yêu, đó là một tình yêu bằng hành động, hướng tha, hy sinh và phục vụ.

Lạy Chúa Giêsu, hôm nay, Chúa đã thể hiện tình yêu trọn vẹn của Chúa dành cho nhân loại. Xin Chúa ban cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu ấy và ra sức thi hành trong cuộc sống qua các mối tương quan với Chúa và tha nhân. Amen.

 

Tu sĩ: Jos. Vinc. Ngọc Biển, S.S.P.

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …