Home / Chia Sẻ / LÊN ĐỈNH CAO

LÊN ĐỈNH CAO

Lên cao bao giờ cũng khó hơn xuống thấp, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cuộc đời có nhiều đỉnh cao mà người ta muốn lên tới nơi để biết, để thưởng ngoạn, để mãn nguyện, để thỏa lòng mơ ước, hoặc vì mục đích nào đó. Đơn giản chỉ là một tòa nhà cao tầng hoặc một ngọn núi nhỏ cũng được người ta mơ ước lên một lần cho biết. Nói chung, người ta muốn chinh phục các đỉnh cao đẩ chứng tỏ bản lĩnh của mình.

Đường lên đỉnh cao nào cũng gian nan, càng cao càng khó, càng cao càng khổ, chẳng hạn lên đỉnh đỉnh núi Olympus (Ólympos, Hy Lạp, 2.917m), Fansipan (Việt Nam, 3.143m), đỉnh núi tuyết Mai Lý (Meili Xue Shan, Trung quốc, 6.740m), các đỉnh trong dãy núi Himalayas (Malaysia, các đỉnh cao khoảng 8.000m), đỉnh núi Everest (Nepal, 8.850m),… Có một “đỉnh ảo” (nhưng lại là thật) mà Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức thi hằng tuần là chương tình “Đường Lên Đỉnh Olympia”, tất nhiên cũng rất gian nan, đòi hỏi kiến thức rộng, mệt óc lắm!

ĐHY Fulton J. Sheen đã viết cuốn “Đỉnh Cao Thập Giá”, nói về 7 di ngôn của Chúa Giêsu nói trên Thập Giá. Chắc hẳn “Đỉnh Cao Thập Giá” là đỉnh khó chinh phục nhất, gian khổ nhất, và khó lên nhất. Và đó chính là Đỉnh Cao của Ơn Cứu Độ, là Đỉnh Cao Đức Kitô.

Muốn lên đỉnh nào cũng phải qua nhiều chặng đường đầy gian khổ, đầy trắc trở, thậm chí là nguy hiểm tới tính mạng; muốn lên Đỉnh Cao Cứu Độ cũng phải qua nhiều chặng, Giáo hội tóm gọn là “14 Chặng Đàng Thánh Giá”.

Việc sùng kính Thánh Giá qua việc Đi Đàng Thánh Giá vẫn được cho là bắt nguồn từ Thánh Phanxicô Assisi, được phong trào Phan Sinh về sau phổ biến rộng rãi và tồn tại đến hôm nay. Thánh giá xuất hiện vào lúc khởi đầu cuộc đời hoán cải của Thánh Phanxicô là giấc mơ về những vũ khí in hình Thập Giá ở Spô-lê-tô, khi ngài đang trên hành trình tìm mộng công danh như bao chàng trai khác, với tư cách là hiệp sĩ. Kể từ đó, ngài chọn con đường Thập Giá, và Thập Giá đã theo ngài suốt cuộc đời. Vào năm cuối đời, Thánh Phanxicô được in năm dấu thánh trên thân thể ngài, tại đỉnh núi Alverna.

Phim “Cuộc Khổ nạn Của Chúa Giêsu” (The Passion of the Christ, thường gọi tắt là The Passion) đầy kịch tính của đạo diễn Mel Gibson sản xuất năm 2004, diễn viên thủ vai chính Jim Caviezel trong vai Chúa Giêsu. Phim được đạo diễn Mel Gibson tổng kết các chi tiết từ 4 Phúc Âm (theo các Thánh sử Matthêu, Maccô, Luca và Gioan), ngoài ra ông còn lồng vào các chi tiết khác của tác giả Anne Catherine Emmerich.

Phim thuật lại 12 giờ cuối đời của Chúa Giêsu, bắt đầu từ nỗi thống khổ cô độc của Chúa Giêsu trong Vườn Dầu và kết thúc bằng sự phục sinh vinh thắng của Ngài.

Xem phim, có những cảnh thật xúc động, diễn như thật, những người nhạy cảm có thể khóc được – ví dụ cảnh Chúa Giêsu ngã xuống đất và Đức Mẹ chạy đến muốn nâng Con dậy. Chúng ta thường nhắc đến động thái nhát đảm của các tông đồ là “bỏ của chạy lấy người”, nhất là việc Phêrô chối bỏ Thầy vì sợ liên lụy. Nhưng chúng ta lại ít chú ý sự can đảm của ông Simon, người Kyrênê, vác Thập Giá đỡ cho Chúa Giêsu một đoạn, đặc biệt là sự can đảm của một phụ nữ, đó là hành động của bà Veronica đã không sợ bọn thủ ác mà dám lấy khăn lau máu trên khuôn mặt tiều tụy của Chúa Giêsu.

Ước gì mỗi chúng ta cũng có được lòng can đảm như ông Simon và bà Veronica!

CUTUD – LEN ĐINH CAOThứ Sáu Tuần Thánh là Thứ Sáu Tốt Lành, người dân Cutud gọi là Maleldo. Hằng năm, tại ngôi làng nhỏ San Pedro Cutud (gọi tắt là Cutud) thuộc TP San Fernando, tỉnh Pampanga (Philippines), cách thủ đô Manila 70 km, có “lễ hội đóng đinh” diễn lại cảnh Chúa Giêsu chịu đóng đinh, không phải là diễn kịch mà người ta chịu đóng đinh thật cả hai chân và hai tay.

Tục lệ này được ông Ricardo Navarro khởi xướng từ năm 1955, nhưng rồi bị gián đoạn, đến năm 1962 được ông Artemio Anosa  khôi phục và chính thức hoạt động cho tới nay. Người chịu đóng đinh cũng phải tự vác thập giá nặng 50 kg đi đến nơi “hành hình”. Anh Ruben Enaje (sinh 1961) là người đã bị đóng đinh thật (đinh dài 5 cm) hằng năm, kể từ năm 1985, nhiều người khác trong đoàn rước cũng tự cầm roi đánh vào thân thể mình cho rách thịt và rỉ máu ra.

Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2013, ba người chịu đóng đinh là Ruben Enaje, Fernando Mamangun, Danilo Ramos và Melchor Montoya. Đáng khâm phục sự can đảm của những người Philippines sùng đạo thật!

Trên đường dẫn lên Đồi Sọ, đỉnh cao của sự ác, nhưng cũng chính là đỉnh cao của sự lành, nhiều người đã mủi lòng mà khóc lóc vì thấy thương Chúa Giêsu, nhưng Ngài dừng lại và nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu” (Lc 23:28). Đó cũng là những lời Chúa Giêsu căn dặn mỗi chúng ta vậy!

Tuần Thánh, đặc biệt là Thứ Sáu, đỉnh cao của Thập Giá cứu độ, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện như Thánh nữ Bernadette: “Con không xin cho mình khỏi đau khổ, nhưng xin Ngài đừng bỏ con trong lúc đau khổ”.

TRẦM THIÊN THU

Xem Lễ Hội Cutud Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh

  1. https://www.youtube.com/watch?v=ymAv0L9Q2G8
  2. http://www.youtube.com/watch?v=ef_kE0AfGsg
  3. https://www.youtube.com/watch?v=Up3Qt43wNtI

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN