Trong một bữa tiệc cưới được diễn ra vào hôm thứ bảy 27.1, sau trận chung kết bóng đá giữa đội tuyển U23 Việt Nam với đội tuyển U23 Uzbekistan.Trận đấu kết thúc, kết quả 2-1 nghiêng về đội U23 Uzbekistan. Vị linh mục được mời lên phát biểu thánh hóa bữa ăn. Ngài ứng khẩu vài lời với đôi bạn trẻ thành hôn cùng gia đình hai bên.
Ngài nói những lời làm cho người viết suy nghĩ về tình yêu bạn trẻ và cuộc sống gia đình hiện nay.
Vi linh mục chia sẻ: “Chúng ta vừa chứng kiến một trận bóng tuyệt vời, nhiều pha đưa bóng đứng tim. Kết thúc trận đấu, đội tuyển U23 Việt Nam không đạt thành tích vô địch. Nhưng đội tuyển U23 đã chiến đấu hết mình, các bạn thắng cuộc trong trái tim mọi người cổ động viên. Và đôi bạn trẻ kết ước hôn nhân cũng đang chiến thắng, chiến thắng chính mình, đến với nhau trong tình yêu hôn nhân. Đôi bạn là những người chiến thắng, “khi hai ta chung một nhà”, cuộc sống gia đình cũng là những phút giây chiến đấu, làm sao các bạn luôn có nhau, dù tóc bạc da mồi, chân đau gối mỏi không còn đi lại được nữa, U 80, 90 vẫn bên nhau chiến đấu”.
Vị linh mục ví von trong ngày thành hôn của đôi bạn trẻ là ngày chiến thắng, hai bạn chiến thắng trước sự chứng kiến của cha mẹ, bà con, họ hàng thân tộc. Chiến thắng và tiếp tục chiến đấu trong cuộc sống gia đình để gìn giữ tình yêu của hai bạn luôn gắn bó thủy chung.
Thế nên, ở góc độ nào đó, có được tình yêu là cuộc chiến cam go thử thách. Chiến thắng chính mình để hai con người đến với nhau, dù có những khác biệt, kết ước với nhau, đi chung con đường đời phía trước.
14.2, ngày Tình yêu các bạn trẻ dành cho nhau những quà tặng, hoa hồng, những bức thư tình ướt át và có kẹo sôcôla.
Ngày tình yêu lan tràn khắp các thành phố lớn của Việt Nam. Sài gòn trong ngày này, các bạn trẻ tay trong tay dắt dìu nhau, bên đường những bạn trẻ bán hoa tranh thủ kiếm thêm thu nhập, bong bóng hoa hồng và những gói quà tặng đủ kiểu bày bán.
Có một ngày để tôn vinh Tình yêu, tình yêu đôi lứa, cần lắm thay. Nhờ đó, chúng ta nhắc nhở nhau rằng: “Hãy yêu nhau đi, yêu nhau dài lâu, cho dù có mưa to gió lớn, rét đậm rét hại, thậm chí có cơn bão số 10 trong năm đi ngang qua, cho dù gió giật cấp 9.
Trong nhà đạo mình, chúng ta thường nghe câu nói của Thánh Augustinô: “Hãy yêu đi rồi làm gì thì làm” (ama et fac quod vis). Tình yêu của đôi bạn trẻ thật đẹp, lãng mạn, êm đềm như những buổi chiều lang thang trên phố. Hai người chân thành yêu nhau, đi từ sức hút của giới tính, hai người cảm thấy cần có nhau, bổ sung cho nhau. Ngồi hằng giờ tâm sự, hai người cũng chẳng thấy chán, vẫn xem là ít.
Đối với các bạn trẻ đang yêu, thời gian như ngừng trôi, hai trái tim hòa chung nhịp đập, trong những giây phút hẹn hò tâm sự. Anh chở em trên chiếc xe đạp vòng quanh khắp phố phường Sài Gòn.
Làm sao tình yêu của hai bạn trẻ đẹp như lời ca khúc Xe đạp của nhạc sĩ Ngọc Lễ và Phương Thảo:
“Nhớ khi xưa anh chở em trên chiếc xe đạp cũ.
Áo ướt đẫm mồ hôi những trưa hè
Nhớ khi xưa mộng mơ trên chiếc xe đạp
Dưới cơn mưa cùng nhau dắt qua cầu”.
Mối tình nghèo đơn sơ quá, vất vả quá nhưng vẫn một lòng yêu nhau son sắt. Có những đoạn đường mà anh không thể chở em qua cầu được, hai người đành phải dắt bộ xe đạp qua cầu.
Tình yêu đó đẹp không phải vì nghèo khó, túng thiếu, càng không phải vì không gian lãng mạn như hồ nước mùa thu, nhưng vì sự mộc mạc chân thật, trong khó nghèo, trong mồ hôi và nước mắt.
Tình yêu của bạn trẻ không phải là tình yêu vụ lợi, có qua có lại, nhưng các bạn cảm thấy cần có nhau trong cuộc sống, đôi bạn lấp đầy cho nhau, cùng nhau xây dựng tổ ấm hạnh phúc.
Tình trạng “ăn cơm trước kẻng” hiện nay khá phổ biến trong xã hội hiện nay, ngay cả với những bạn trẻ Công Giáo, những bạn trẻ xuất thân từ trong những gia đình được xem như nề nếp đạo đức, những gia đình nhìn bên ngoài có thể là mẫu mực cho cả cộng đoàn giáo xứ.
Gia đình phải là thành lũy bảo vệ con cái trước sức tấn công của lối sống thực dụng hưởng thụ, những cám dỗ thỏa mãn nhục dục khoái lạc, phô diễn thân xác, tìm kiếm thành tích, phong trào “yêu cuồng sống vội” lan rộng, không cân nhắc trách nhiệm và nghĩa vụ của chúng ta.
Nhất là các bạn trẻ phải xa gia đình, thiếu thốn tình cảm, mưu sinh ở thành phố, các bạn không có thời giờ để hẹn hò làm quen, trở nên “ngại yêu” và khi có được đối tượng thì “yêu vội” và “kết thúc sớm” bằng hôn nhân cho cha mẹ khỏi hối thúc.
Chuẩn bị cho các bạn trẻ kết hôn lập gia đình, nhiều Giảng viên Giáo Lý Hôn nhân và các linh mục gặp phải những câu hỏi kiểu như: “Ở giáo xứ có lớp giáo lý hôn nhân khoảng 1 tháng hoàn tất không? Càng ngắn ngày càng tốt, chúng con không có thời giờ đi học Giáo Lý, chúng con đi làm theo ca ở khu Công nghiệp…”.
Các mục tử đau lòng vô cùng khi phải giải quyết Giáo Lý Hôn Nhân cho các đôi bạn trẻ “ăn kem trước cổng”, các ngài vẫn thu xếp ban huấn từ trang bị hành trang đủ cho các bạn ấy bước vào đời sống hôn nhân gia đình.
Một vị linh mục kể chuyện:
Mới đây, mình gặp anh chàng thuộc diện “con ông cháu cha” làm thủ tục lấy vợ. Anh ta năm nay 21 tuổi, học đủ thứ nghề mà chẳng đi làm việc gì, nghề gì anh ta cũng học, nhưng bỏ nửa chừng, công ty nhận anh ta vào làm cũng chỉ 1 năm thôi. Anh ta chê lương ít không đủ sống, công việc nặng nhọc không chịu nổi. Gia đình khấm khá, có ông anh linh mục ở một giáo xứ lớn, một bà chị đi tu. Theo lời anh ta kể, mọi chuyện trong nhà đã có ông anh làm cha “bọc lót” hết, anh ta chẳng cần đi làm, tiền tiêu xin ông anh làm linh mục, du lịch thăm viếng đó đây suốt, bố mẹ cũng vậy. Anh ta nói ông anh làm ra tiền nhưng không có điều kiện xài tiền, nên phải giúp gia đình. Ông cha bận rộn không đi đâu làm sao xài hết tiền. Anh ta kết hôn với một cô bạn gái. Cô này cũng không vừa, con nhà giàu, điệu đà làm đẹp từ nhỏ, không chịu đi làm, cô ta chỉ đi chơi sau 9 giờ tối. Anh chị đến nhà xứ xin đăng kí một khóa học giáo lý ngắn ngày, vì anh chị “ăn kem trước cổng”. Tôi hỏi thẳng anh ta trong khi làm thủ tục kết hôn. “Chúng con lấy nhau về sẽ sống bằng nghề gì”. “Bố mẹ chúng con sẽ mua nhà cho hai đứa, rồi sẽ cho tiền mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Bố mẹ hai bên của chúng con có tiền, có điều kiện mà”. Nghe anh chàng nói thế, tôi đành pó tay, đúng là gia đình có điều kiện. Những gia đình nghèo vợ chồng làm ngày làm đêm vẫn thiếu trước hụt sau. Còn anh chị tình yêu và hạnh phúc gia đình đã được cài đặt lập trình sẵn, cứ thế mà chạy.
Vợ chồng trong cuộc sống gia đình phải cùng nhau chiến đấu, công ăn việc làm ổn định cũng là nền móng cho việc tạo lập gia đình hạnh phúc. Nhưng trên hết vẫn là tình yêu vợ chồng dành cho nhau, đừng làm khổ người bạn đời của mình, khi túng thiếu, cùng nhau lao động chăm chỉ lo cho các con được ăn học tử tế, cũng như lo giáo dục về lòng đạo, bổn phận phải thờ phượng Chúa.
Vợ chồng cùng nhau tìm kiếm hạnh phúc, đừng ai làm khổ nhau, hay xúc phạm nhau bằng lời ăn tiếng nói chì chiết, đừng cố gắng bới móc những tật xấu của người bạn đời. Chúng ta phải giữ mãi hình ảnh đẹp về người chồng, người vợ của mình như ngày mới về, ngày chúng ta chung đôi kết ước trong Bí tích Hôn Nhân, luôn rộng lượng tha thứ mọi lầm lỗi của người bạn đời.
Các bạn trẻ ngày nay được chiêu đãi đại tiệc vũ điệu các cô gái tiếp tân chân dài, mặc áo bikini như ngày người ta đón các bạn đội tuyển bóng đá U23 về nước, lấy gì mà các bạn không bị cám dỗ, và tình trạng sống thử dẫn đến quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Giuse Nguyễn Bình An