Home / Chia Sẻ / MÙA XUÂN và SỐ 5

MÙA XUÂN và SỐ 5

PHI LỘ – Người Công giáo không mê tín hoặc tin dị đoan. Do đó, tam quả, tứ quả, ngũ quả, thất quả hoặc thập quả cũng không thành vấn đề. Ở đây, chúng ta chỉ tìm hiểu cho vui ngày Tết mà thôi. Vả lại, đây cũng là một nét văn hóa của người Việt trong dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền. Đối với Kitô hữu chúng ta, điều quan trọng là sự xuất hiện của Con Số 5 trong Kinh Thánh.

+ MÙA XUÂN & SỐ 5 [1]II. ĐỜI THƯỜNG

Mâm ngũ quả không nhất thiết phải đủ năm loại trái cây, có thể ít hơn hoặc nhiều hơn 5, nói chung là khoảng chừng vài thứ trái cây khác nhau. Các loại trái cây được trưng bày trên bàn thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi hoặc cách phát âm, màu sắc và cách sắp xếp.

Theo quan niệm người xưa, chọn năm loại quả là “ngũ hành” tương ứng với số mệnh của con người. Chọn số lẻ vì số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi.

Mâm ngũ quả của người Bắc thường bao gồm: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt; hoặc chuối, ớt, bưởi, quất, lê. Có thể thay thế bằng cam, lê-ki-ma, táo, hoặc mãng cầu. Nói chung, người Bắc không có phong tục khắt khe về mâm ngũ quả, hầu như các loại quả đều có thể bày được, miễn là nhiều màu sắc, cứ nhìn “bắt mắt” là được.

Mâm ngũ quả của người Nam thường bao gồm: dừa, đu đủ, mãng cầu Xiêm, xoài, sung – ngụ ý là “cầu sung túc vừa đủ xài”. Theo cách phát âm tiếng Nam, “dừa” là “vừa”. Người Nam xem chừng khắt khe hơn, họ thường kiêng kỵ trưng bày các loại trái có tên mang ý nghĩa xấu (dù đọc “trại” hoặc “chuẩn” âm miền Nam) như chuối (chúi – chúi nhủi), cam (cam chịu), lê (lê lết), sầu riêng (buồn bã), bom (táo), lựu (lựu đạn),… và người Nam không chọn các loại trái có vị đắng, cay, hoặc chát.

Theo triết học cổ Trung Hoa, tất cả vạn vật đều phát sinh từ năm nguyên tố cơ bản và luôn luôn trải qua năm trạng thái được gọi là: Mộc (木), Hỏa (火), Thổ (土), Kim (金), và Thủy (水). Năm trạng thái này gọi là “ngũ hành” không phải là vật chất như cách hiểu đơn giản theo nghĩa đen trong tên gọi của chúng, mà đúng hơn là cách quy ước của người Trung Hoa cổ đại để xem xét mối tương tác và quan hệ của vạn vật.

Học thuyết “ngũ hành” diễn giải sự sinh hoá của vạn vật qua hai nguyên lý cơ bản là Sinh (生) và Khắc (克), còn gọi là “tương sinh” và “tương khắc” trong mối quan hệ tương tác của chúng.

– Trong mối quan hệ Sinh thì Mộc sinh Hỏa, Hỏa sinh Thổ, Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc.

– Trong mối quan hệ Khắc thì Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc.

Năm nguyên tố và các nguyên lý cơ bản của “ngũ hành” đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực hoạt động của người Trung Hoa, kể cả một số quốc gia và vùng lãnh thổ xung quanh như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore,… “Ngũ hành” ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực như hôn nhân và gia đình, âm nhạc, hội họa, kiến trúc, y học cổ truyền, quân sự,…

Ngũ hành được ứng dụng vào Kinh Dịch từ thời nhà Chu (thế kỷ XXII trước công nguyên đến khoảng năm 256 trước công nguyên). Kinh Dịch là cuốn sách được coi là tác phẩm vĩ đại nhất lịch sử Trung Hoa về triết học, trong đó có “bát quái cơ bản” rồi biến ra 64 quẻ của Kinh Dịch.

Kinh Dịch (giản thể: 易 经; phồn thể: 易 經, bính âm: Yì Jīng; La-tinh hóa: I Jing, Yi Ching, Yi King) là bộ sách kinh điển rất lâu đời của người Trung Hoa. Đó là một hệ thống tư tưởng triết học của người Á Đông cổ đại. Tư tưởng triết học cơ bản dựa trên cơ sở của sự cân bằng thông qua đối kháng và thay đổi (chuyển dịch). Lúc đầu, Kinh Dịch được coi là một hệ thống để bói toán, nhưng sau đó được phát triển dần lên bởi các triết gia Trung Hoa. Cho tới nay, Kinh Dịch đã được bổ sung các nội dung nhằm diễn giải ý nghĩa cũng như truyền đạt các tư tưởng triết học cổ Á Đông, và được coi là tinh hoa của cổ học Trung Hoa, được vận dụng vào rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống như thiên văn, địa lý, quân sự, nhân mệnh,…

Kinh Dịch  là gì? KINH (經 – jīng) nghĩa là một tác phẩm kinh điển, trong tiếng Hoa có nguồn gốc từ “quy tắc” hay “bền vững”, hàm ý tác phẩm này miêu tả “các quy luật của Tạo Hóa bất biến theo thời gian”. DỊCH (易 – yì) nghĩa là “thay đổi” hoặc “chuyển động”. Khái niệm ẩn chứa những điều rất sâu sắc. Có ba ý nghĩa cơ bản quan hệ tương hỗ:

a) Giản Dịch: Thực chất của mọi thực thể. Quy luật nền tảng của mọi thực thể trong vũ trụ là hoàn toàn rõ ràng và đơn giản, không cần biết là biểu hiện của nó là khó hiểu hay phức tạp.

b) Biến Dịch: Hành vi của mọi thực thể. Vạn vật trong vũ trụ là liên tục thay đổi. Nhận thức được điều này con người có thể hiểu được tầm quan trọng của sự mềm dẻo trong cuộc sống và có thể trau dồi những giá trị đích thực để có thể xử sự trong những tình huống khác nhau.

c) Bất Dịch: Bản chất của thực thể. Vạn vật trong vũ trụ là luôn thay đổi, tuy nhiên trong những thay đổi đó luôn tồn tại nguyên lý bền vững (quy luật trung tâm), bất biến theo không gian và thời gian.

Tóm lại, vì “biến dịch” mà có sự sống, vì “bất dịch” mà có trật tự của sự sống, và vì “giản dịch” mà con người khả dĩ quy tụ mọi biến động sai biệt thành những quy luật để tổ chức đời sống xã hội khả dĩ ổn định.

+ MÙA XUÂN & SỐ 5 [2]II. TÔN GIÁO

Kinh Thánh không đề cập ngũ quả, nhưng chúng ta có thể liên tưởng tới những con số 5 kỳ diệu ở các dạng khác nhau mà Kinh Thánh đề cập.

a) Cựu Ước

Khi “mặc cả” với Thiên Chúa, Tổ phụ Áp-ra-ham đã can thiệp cho thành Xơ-đôm, một trong các “tiêu chí” là 5 NGƯỜI, ông thưa: “Mặc dầu con chỉ là thân tro bụi, con cũng xin mạn phép thưa với Chúa: Giả như trong số 50 NGƯỜI lành lại thiếu mất 5, vì 5 NGƯỜI đó, Ngài sẽ phá huỷ cả thành sao?” (St 18:27-28). Dĩ nhiên Thiên Chúa vẫn bằng lòng tha thứ.

Sách Thủ Lãnh cho biết: “Con cái Đan sai 5 NGƯỜI dũng cảm trong thị tộc của họ, ra khỏi ranh giới Xo-rơ-a và Ét-ta-ôn, rảo quanh khắp xứ để do thám” (Tl 18:2). Còn sách Sử Biên Niên kể: “Các con của ông De-rác là: Dim-ri, Ê-than, Hê-man, Can-côn, Đa-ra, tất cả là 5 NGƯỜI” (1 Sbn 2:6).

Giuse bị các anh bán. Vào năm đói kém, họ hối hận và gặp “thằng chiêm bao” Giuse. Thật tốt lành khi Giuse nói những lời đầy yêu thương và tha thứ: “Các anh đừng buồn phiền, đừng hối hận vì đã bán tôi sang đây: chính là để duy trì sự sống mà Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em. Thật vậy, đây là năm thứ hai có nạn đói trong xứ, và sẽ còn 5 NĂM nữa không cày không gặt. Thiên Chúa đã gửi tôi đi trước anh em, để giữ cho anh em một số người sống sót trong xứ, và để cứu sống anh em, nhằm thực hiện cuộc giải thoát vĩ đại” (St 45:5-7).

Ông Giu-se vào báo tin cho Pha-ra-ô: “Cha tôi, anh em tôi, cùng với chiên bò và tất cả những gì họ có, đã từ đất Ca-na-an đến, và họ đang ở đất Gô-sen”. Ông chọn 5 NGƯỜI trong số các anh em và dẫn vào yết kiến Pha-ra-ô (St 47:1-2).

Trước khi chia tay, Giuse nhắn các anh về nói với người cha ở quê nhà: “Cha sẽ ở đất Gô-sen và sẽ ở gần con, cha và các con cháu, chiên bò và tất cả những gì cha có. Tại đó con sẽ cấp dưỡng cho cha, để cha khỏi bị thiếu thốn, cha, gia đình cha và mọi người thuộc về cha, vì còn 5 NĂM đói kém nữa” (St 45:10-11).

b) Tân Ước

Sau khi thụ thai Gioan Tẩy Giả, “bà Ê-li-sa-bét ẩn mình 5 THÁNG” (Lc 1:24).

Chắc hẳn chúng ta thấy “lạ” khi Chúa Giêsu nói về chuyện chia rẽ ngay trong gia đình: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, 5 NGƯỜI trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng” (Lc 12:51-53).

Trong dụ ngôn ông nhà giàu và anh La-da-rô nghèo khó, ông nhà giàu đã năn nỉ ông Áp-ra-ham: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn 5 NGƯỜI anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!” (Lc 16:27-28). Dĩ nhiên, lời cầu xin đó là điều không bao giờ hiện thực!

Trong thị kiến của Thánh Gioan Tông Đồ về tiếng kèn thứ năm có nhắc tới số 5: “Chúng không được phép giết họ, mà chỉ được gây khổ hình cho họ trong vòng 5 THÁNG. Khổ hình chúng gây ra không khác gì khổ hình của người bị bọ cạp đốt. Trong những ngày ấy, người ta sẽ tìm cái chết mà không thấy, họ mong chết mà cái chết lại trốn họ” (Kh 9:5-6).

Có lẽ khoảng thời gian 5 THÁNG là khoảng thời gian đặc biệt nên Khải Huyền lại nhắc tới lần nữa: “Chúng có đuôi như đuôi bọ cạp, mang nọc; đuôi chúng có quyền phép làm hại người ta trong vòng 5 THÁNG” (Kh 9:10). Về ý nghĩa tượng trưng của Con Thú và Con Điếm, sách Khải Huyền cho biết: “NĂM VUA đã đổ, một vua hiện còn, một vua khác chưa đến, và khi vua này đến thì phải ở lại ít thời gian thôi” (Kh 17:10).

Khi mọi người oà lên khóc giữa đại hội và lớn tiếng kêu cầu cùng Đức Chúa là Thiên Chúa, ông Út-di-gia nói với họ: “Này anh em, can đảm lên! Chúng ta hãy kiên nhẫn cầm cự 5 NGÀY nữa; trong thời gian ấy, Đức Chúa, Thiên chúa chúng ta sẽ ngoảnh mặt lại thương xót chúng ta, vì Người sẽ chẳng bỏ rơi chúng ta mãi mãi” (Gđt 7:30). Sách Giu-đi-tha cho biết thêm: “Bà Giu-đi-tha nghe được những lời dân chúng ta thán chống lại vị thủ lãnh, vì tinh thần họ đã ra bạc nhược bởi thiếu nước. Bà cũng được nghe tất cả những lời ông Út-di-gia đã nói với họ và lời ông thề sẽ nộp thành cho quân Át-sua sau 5 NGÀY cầm cự. Giả như trong 5 NGÀY ấy, Người không muốn cứu giúp chúng ta, thì vào những ngày Người muốn, Người vẫn thừa sức bảo vệ chúng ta hoặc tiêu diệt chúng ta trước mặt kẻ thù” (Gđt 8:9 & 15).

Còn Thánh Phaolô nói: “Phần chúng tôi, sau tuần lễ Bánh Không Men, chúng tôi xuống tàu rời Phi-líp-phê, và 5 NGÀY sau gặp các ông ấy ở Trô-a và ở lại đó bảy ngày” (Cv 20:6). Khi tổng trấn Phê-lích xử vụ kiện ông Phaolô, sách Công Vụ cho biết: “NĂM NGÀY sau, thượng tế Kha-na-ni-a xuống Xê-da-rê cùng với một số kỳ mục và một trạng sư tên là Téc-tu-lô. Họ đến kiện ông Phao-lô trước toà tổng trấn” (Cv 24:1).

Về số 5, Kinh Thánh nhắc tới nhiều loại: 5 người, 5 ngày, 5 tháng, 5 năm. Nhưng chắc hẳn đặc biệt nhất phải là Con Số 5 của Chúa Giêsu: NĂM VẾT THƯƠNG ở hai chân, hai tay và ngực (trái tim). Vì tuân phục Chúa Cha mà Đức Giêsu Kitô đã chấp nhận chết để cứu độ nhân loại, trong đó có mỗi người chúng ta.

Đón Xuân, ăn Tết, chúng ta hãy tái xác định: “LẠY CHÚA GIÊSU, CON TÍN THÁC NƠI NGÀI – JESUS, I TRUST IN YOU – JEZU UFAM TOBIE”.

TRẦM THIÊN THU

Xem thêm

25-11-2024 9-59-18 PM

Lời Chúa – Thứ Ba Tuần XXXIV Mùa Thường Niên 26/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN