Home / Chia Sẻ / ĐỆ NHẤT THÁNH NỮ

ĐỆ NHẤT THÁNH NỮ

(Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm)

HỒNG ÂN CAO CẢ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

THÁNH MẪU GIỮ MÌNH TRINH KHIẾT TRỌN ĐỜI

ĐỆ NHẤT THÁNH NỮ 1Vô nhiễm là một trong tứ ân đặc biệt mà Thiên Chúa dành riêng cho Đức Mẹ (*), thụ tạo đặc biệt của Thiên Chúa – Đệ Nhất Thánh Nữ với nhiều thánh hiệu được Giáo hội tôn vinh (x. Kinh Cầu Đức Bà). Theo ngữ nghĩa “nhiễm” là “nhuộm” – nghĩa bóng là lây lan, thấm sang, vương, vướng, dính – nhưng thường được dùng ở thể thụ động và mang nghĩa xấu. Nói ngắn gọn, “vô nhiễm” nghĩa là không bị nhiễm. Qua Tông sắc “Ineffabilis Deus” (Thiên Chúa Bất Khả Ngộ) ban hành ngày 8-12-1854, ĐGH Piô IX đã công bố Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Trong cuộc sống đời thường có nhiều dạng “nhiễm”: Nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nhiễm độc, nhiễm xạ, nhiễm bệnh,… Về thể lý, chắc chắn không ai miễn nhiễm, nghĩa là ai cũng đã từng bị bệnh, bị nhiễm một dạng virus nào đó, với mức độ khác nhau. Vì thế, người ta rất cần bảo vệ hệ miễn nhiễm của cơ thể, đặc biệt là cố gắng làm mạnh sức đề kháng. Thật kỳ diệu là đối với một số người Phi châu, họ miễn nhiễm với HIV (Human Immunodeficiency Virus), người ta gọi là “căn bệnh thế kỷ”, thường nói theo Pháp ngữ là SIDA (Anh ngữ là AIDS –  Acquired Immune Deficiency Syndrome), Việt ngữ gọi là “bệnh liệt kháng”. Đó là một dạng thiếu khả năng miễn nhiễm của cơ thể. Tuy nhiên, có một số người Phi châu không bị nhiễm HIV, đúng là dạng “vô nhiễm” rất kỳ lạ!

Theo giáo sử, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm đã có tại Ðông phương từ giữa thế kỷ VII và VIII. Các vị giảng thuyết đã nói về sự Vô Nhiễm, thai sinh thánh thiện, nhưng không nêu lên vấn đề gì khác. Thời Trung cổ, lễ này được đưa vào Tây phương, rồi nhiều dòng tu ở Ðức và Rôma cũng đã mừng lễ này từ thế kỷ IX.

Các tu sĩ đưa lễ này vào Anh quốc năm 1060, rồi lễ này được lan rộng khắp Âu châu trong thời gian 1127-1128, dù Thánh Bênađô vẫn tỏ ra dè dặt trước “sự mới lạ” đó. Lúc đầu, đó là một phong trào sùng kính sốt sắng nhưng thiếu suy tư, nhất là bị ảnh hưởng những ý kiến mù mờ của thời đó.

Sau đó, cùng với Thánh GM TS Augustinô, người ta cho rằng việc giao hợp vợ chồng là hành động trác táng lưu truyền tội tổ tông. Như vậy, Đức Maria sinh bởi sự giao hợp của cha mẹ thì cũng không thoát khỏi “định luật thông thường” đó. Vả lại, thời đó người ta có quan niệm phi khoa học về việc thai sinh, như thể xác được cưu mang trước rồi linh hồn đến trong khoảng thời gian sau: Linh hồn con trai trước 40 ngày, linh hồn con gái phải lâu hơn mới hợp với thể xác vì bản tính con gái yếu kém. Ui da!

Trong cái “vòng lẩn quẩn” đó, các thần học gia cũng không biết làm sao thoát khỏi với điều này: Chúa Kitô là Ðấng cứu chuộc hết mọi người. Như vậy, nếu nói rằng Ðức Mẹ không vướng mắc tội lỗi, dù chỉ nói đến tội tổ tông, thì Chúa Kitô không còn là Ðấng cứu chuộc toàn thể nhân loại. Các nhà thần học thế kỷ XIII, kể cả Thánh TS Thomas Aquinô, đều cho rằng Ðức Mẹ vẫn có phần lệ thuộc tội lỗi, ít nhất là về thể lý trong thời gian mang thai.

Đến cuối thế kỷ XIII, thần học gia tu sĩ Gioan Duns Scott và tu sĩ William Ware (Dòng Phanxicô) đã có công tìm hiểu và đảo ngược lý luận trên. Chân phước tu sĩ Duns Scott lý luận rằng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Mẹ chẳng những không làm tổn thương đến vinh dự Đức Kitô và Công Cuộc Cứu Chuộc của Ngài, nhưng càng làm tỏ rạng sự sung mãn của công cuộc ấy. Nhân loại thực sự được thoát khỏi Nguyên Tội khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Nơi Đức Maria, công việc của Chúa Giêsu có sức ngăn ngừa tội lỗi. Vì Ðấng Cứu Chuộc hoàn hảo phải là Ðấng không chỉ có thể CHỮA LÀNH tội lỗi mà còn NGĂN NGỪA tội lỗi. Lý luận thật tuyệt vời, và Thánh Ý Chúa thật là mầu nhiệm! Thật vậy, vào ngày 25-3-1858, chính Đức Mẹ đã hiện ra với Thánh nữ Bernadette tại Lộ Đức và xác nhận: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Điều này cho thấy Chúa Thánh Thần thực sự tác động mạnh trong đời sống Giáo hội Lữ hành và minh chứng ơn bất khả ngộ của Đấng kế vị Thánh Phêrô, vì lúc đó Giáo hội mới công bố tín điều Mẹ Vô Nhiễm được gần 4 năm.

Qua trình thuật St 3:9-15, chúng ta thấy đó là một cuộc “xưng tội công khai” của Ông Bà Nguyên Tổ trước Tôn Nhan Thiên Chúa.

Sách Sáng Thế cho biết: Thuở hồng hoang, Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?”. Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn”. Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?”. Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?”. Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”. Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”.

Lạy Chúa tôi, con người thật chua ngoa và tồi tệ! Đó là một dây-chuyền-tội-lỗi: Ông đổ lỗi cho bà, bà đổ lỗi cho con rắn. Cuộc đời người ta “chết” vì những cái VÌ, BỞI, TẠI, NẾU, GIÁ MÀ, GIẢ DỤ,… và không phục thiện. Thật nguy hiểm vô cùng!

ĐỆ NHẤT THÁNH NỮ 2Chàng Adam được Thiên Chúa ban cho “mỹ nhân” (chắc là xinh đẹp và dễ thương lắm) nên chàng Adam nhà ta khoái chí lắm, liền đặt tên cho “vợ yêu” là Eva – tên này có nghĩa là “mẹ của chúng sinh” (St 3:20). Như một chuỗi lô-gích liên quan lẫn nhau, người ta có một câu danh ngôn thú vị thế này: “A-xít làm CHÁY tiền, tiền làm CHÁY tim đàn bà, nước mắt đàn bà làm CHÁY tim đàn ông”. Ôi chao, thú vị mà cay cú, nhưng cũng chí lý đấy chứ!

Người ta gọi phụ nữ là “liễu yếu đào tơ”, nhưng đôi khi quên rằng phụ nữ mềm mà cứng, yếu mà mạnh. Quả thật, chính sự yếu mềm đó lại chính là thế mạnh của họ, nhất là họ vừa trẻ vừa đẹp, ngày nay còn “chân dài” nữa, nó “khoèo” một cái là lũ đàn ông té hàng loạt như bão mạnh thổi tung vậy. Khốn thay! Thật vậy, giọng cô ả chỉ “nhựa” một chút và ẻo lả một chút khi nói “Anh ơi!”, thì hỡi ôi, chàng chợt mềm nhũn như bún thiu ngay thôi. Chẳng thế mà Samson khỏe như voi cũng “chết ngắc” chỉ vì một phụ nữ, đường đường là một quốc vương như Đa-vít mà cũng “tiêu” chỉ vì một phụ nữ, và rồi gã Hê-rô-đê cũng sẵn sàng “làm liều” chỉ vì một phụ nữ, dám “thí” nửa nước như một món đồ chơi vậy. Đúng vậy, chỉ MỘT phụ nữ mà quý ông đã “tiêu diêu miền tình ái” chứ chưa cần nhiều phụ nữ đâu. Thật khủng khiếp quá chừng!

Xưa nay người ta vẫn ví von thế này: “Phụ nữ muốn là trời muốn”. Và người ta cũng so sánh: “Nhất vợ, nhì trời,…”. Trời còn đứng hàng thứ chứ nói gì phàm phu tục tử. Đáng sợ là khoảng giữa “cái có” và “cái không” ở phụ nữ thì dù một sợi tóc cũng không thể lọt vào. Tinh vi quá đỗi! Đàn ông là sóng cồn nhưng đàn bà là sóng ngầm. Sóng ngầm không thấy mà tránh và có sức cuốn mất hút dù trời không hề giông bão.

Tuy nhiên, Thiên Chúa không làm ngơ. Chỉ vì một phụ nữ tội lỗi mà nhân loại chịu kiếp đọa đày, đó là Bà Cố Tổ Eva; nhưng lại nhờ một phụ nữ thánh thiện, nhu mì và tuân phục, mà nhân loại được giải án tuyên công, người đó chính là Đức Maria. Thật diễm phúc cho phàm nhân chúng ta!

Khi đã thực sự nhận ra “cái may” to lớn như thế thì người ta phải biết tạ ơn chân thành và không ngừng. Thật vậy, Thánh Phaolô đã bày tỏ tâm tình đó: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1:3). Không chỉ vậy, Thánh Phaolô còn xác định chi tiết: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1:4-6). Rất rõ ràng, mạch lạc, và dễ hiểu.

Và rồi Thánh Phaolô còn nói thêm: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người” (Ep 1:11-12). Quả thật, hồng ân Thiên Chúa quá bao la, cao vời và khôn ví. Chúng ta chỉ còn biết suốt đời cúi đầu mà cảm tạ liên lỉ từng phút, từng giây, trong suốt cuộc đời này.

Ơn là ơn, ân sủng là ân sủng, hồng ân là hồng ân, chúng ta không thể xác định ơn nào to hay nhỏ – đại ân hoặc tiểu ân. Chỉ có Thiên Chúa mới là người xác định mức độ, vì chỉ một mình Ngài là người thi ân giáng phúc. Đức Mẹ và các thánh chỉ là những người cầu thay nguyện giúp, đại diện cầu xin thay cho chúng ta (vì họ “uy tín” hơn chúng ta), họ là “ống dẫn” để chuyển ơn thánh từ Thiên Chúa tới chúng ta.

Trình thuật Lc 1:26-38 nói về cuộc Truyền Tin, ngày khởi đầu quan trọng đối với công trình cứu độ. Thánh sử Luca kể: Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Maria.

Vừa gặp Trinh Nữ Maria, Sứ thần liền nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, Cô Maria rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần biết Cô Maria đang lo lắng nên trấn an ngay: “Cô Maria ơi, xin đừng sợ, vì Cô đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây Cô sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.

Chu choa, răng mà kỳ vậy hè? Người ta đã khấn giữ đồng trinh mà tự dưng nói chuyện mang thai và sinh sản. Kỳ ghê đi, mắc cỡ thí mồ, ngại hết sức! Thế nên Cô Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”. Sứ thần liền giải thích cặn kẽ và minh chứng cụ thể: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.

Thì ra là thế! Nói đến Thiên Chúa thì miễn bàn, vì Cô Maria hết lòng tin kính Ngài. Thế là hai năm rõ mười. Tỏ rõ khúc nhôi. Chắc hẳn Cô Maria nhà ta thở phào nhẹ nhõm. Và rồi Cô Maria dịu dàng nói ngay với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa CỨ LÀM cho tôi như lời sứ thần nói”. Nghe vậy, sứ thần cũng “an tâm” mà từ biệt ra đi…

Alleluia! Thế là “chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người”, và ở cùng chúng ta… Ngài chính là Đấng Thiên Sai, mệnh danh Emmanuel (Is 7:14; Mt 1:23). Đức Maria tự nhận là một Nữ Tỳ hèn mọn nhưng lại thật là vĩ đại, đã trở thành Đấng Theotókos (Θεοτόκος – God-Bearer – Người-Mang-Thiên-Chúa). Xin kính chào Đấng Emmanuel, và xin “kính mừng Maria đầy ơn phước”… Tạ ơn Thiên Chúa – Deo gratias!

Ly M Maria

Đấng Vô nhim Nguyên ti

Luôn tin yêu tuyt đối

Nơi Thiên Chúa tình yêu

M sáng rc ngàn sao

Trng trong như Bch Hu

Nêu gương cho hu du

Trinh nguyên c xác hn

Ly Thánh Mu t nhân

Xin ch che, nâng đỡ

Du đời bao sóng gió

Vn mt lòng tin yêu

Lạy Thiên Chúa quan phòng và tiền định, xin làm mạnh hệ miễn nhiễm tâm linh để con đủ sức đề kháng cái xấu. Lạy Thánh Nữ Vô Nhiễm, xin giúp con can đảm khi noi gương Mẹ sống khiêm nhu và tuân phục vô điều kiện. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) 1. Thánh Mẫu Thiên Chúa [01-01], 2. Mông Triệu [15-08, Hồn Xác Lên Trời], 3. Đồng Trinh Trọn Đời [22-08, Maria Trinh Vương], 4. Vô nhiễm Nguyên tội [08-12].

+ Thánh Ca Đức Mẹ:

  1. MẸ VÔ NHIỄM: https://www.youtube.com/watch?v=9zPvmPWaLcg
  2. CON HÁT MẸ NGHE (phổ thơ Paul Claudel): https://www.youtube.com/watch?v=Na9elYGC55g

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN