Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật I mùa Vọng, năm B, của Trầm Thiên Thu

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật I mùa Vọng, năm B, của Trầm Thiên Thu

KHÁT MƯA GIÊSU

ĐỨC CÔNG CHÍNH THẮT LƯNG LUÔN KHUYA SỚM

LÒNG TÍN THÀNH BUỘC BỤNG SUỐT THÁNG NGÀY

[Vọng I] KHÁT MƯA GIÊSUTân Niên Phụng Vụ khởi đầu, có thể coi đây là “Ngày Tết” Công giáo, là thời điểm khởi đầu một khoảng thời gian mong chờ Ngôi Hai giáng thế để giao hòa trời đất và cứu độ nhân loại.

Bắt đầu năm Phụng Vụ mới cũng là lúc đất trời vào Đông, chút se lạnh buổi sáng chợt khiến lòng người lắng xuống, một cảm giác lạ, chút bâng khuâng thường có trong tình trạng chờ đợi, nhưng với người Công giáo thì sự chờ đợi đó mang ý nghĩa linh thiêng: Khát khao Mưa Giêsu. Khoảng mong chờ này không u buồn mà tràn đầy niềm hy vọng, vì Kinh Thánh đã nói: “Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (Is 7:14). Và Giáo hội thiết tha cầu xin: Veni Veni Emmanuel – Xin Ngự Đến, Lạy Đấng Emmanuel” (*).

Không nói rõ là niềm khát khao, nhưng danh họa Michelangelo (1475–1564, Ý) đã khéo léo nhận xét: “Mối nguy lớn nhất đối với hầu hết chúng ta không phải là mục đích của chúng ta quá cao và không đạt tới, mà là mục đích của chúng ta quá thấp và chúng ta đạt được”. Khi thao thức mong chờ, Thánh Vịnh gia than thở: “Ngày khốn quẫn, tôi tìm kiếm Chúa, tay vươn lên không biết mỏi lúc đêm trường, hồn tôi nào có thiết lời an ủi! Tưởng nhớ Chúa, tôi thở vắn than dài, suy gẫm hoài nên khí lực tiêu hao” (Tv 77:3-4). Vâng, “lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!” (Kh 22:20b).

  1. KHÁT KHAO – MONG CHỜ

Niềm khát khao và nỗi mong chờ liên quan lẫn nhau. Vì khát khao mà mong chờ, và ngược lại. Nắng lâu ngày hóa hạn hán, không khí oi bức, đất đai khô cằn, cây cối héo úa,… Vì thế mà mọi vật đều khao khát mưa. Khao khát và mong chờ. Cuộc đời luôn có vô số điều khao khát khiến chúng ta mong chờ nối tiếp mong chờ. Càng mong chờ càng khao khát: “Lạy Đức Chúa, tại sao Ngài lại để chúng con lạc xa đường lối Ngài? Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ Ngài? Vì tình thương đối với tôi tớ là các chi tộc thuộc gia nghiệp của Ngài, xin Ngài mau trở lại” (Is 63:17).

Khi thời tiết khô hạn, mọi người không ngừng vang lên điệp khúc “cầu mưa” như một dạng cầu xin, nhưng người Công giáo mong đợi một loại Mưa “viết hoa”, loại Mưa này vô cùng đặc biệt: Mưa Hồng Ân, Mưa Cứu Độ, Mưa Đấng Thiên Sai, Mưa Đức Giêsu Kitô. Như vậy, cầu nguyện là trách nhiệm chung, và cũng là bổn phận riêng của mỗi người. Khi cầu nguyện, có thể chúng ta cảm thấy như không có gì biến chuyển, nhưng chính lúc “không thấy động tĩnh gì” mới là lúc cầu nguyện hiệu quả. Thực ra không phải không có gì xảy ra, vì Thánh Phaolô đã xác định: “Anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mạc khải vinh quang của Người” (1 Cr 1:7). Thật vậy, “Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Cr 1:9). Ngài là Thiên-Chúa-Tình-Yêu, chắc chắn Ngài không thể bỏ mặc chúng ta trong nỗi khát khao và mòn mỏi mong chờ điều thiện hảo.

Đối với xã hội loài người và trong cuộc sống đời thường, người ta thường lý luận: “Không còn tình cũng còn nghĩa”. Đúng vậy, thế nhưng đôi khi cái nghĩa còn trọng hơn cái tình. Cũng với tâm tình đó, Thánh vịnh gia đã tha thiết van xin: “Lạy Chúa Tể càn khôn, xin trở lại, tự cõi trời, xin ngó xuống mà xem, xin Ngài thăm nom vườn nho cũ” (Tv 80:15). Đó là lòng khát khao và nỗi mong chờ triền miên đêm ngày.

Chúng ta phải miệt mài mong chờ như vậy chắc chắn không phải Chúa “ác ý” hay “đùa dai”, mà Ngài muốn chúng ta thực sự đừng xao lãng khi mong chờ, nghĩa là phải toàn tâm toàn ý với Ngài, khát khao Ngài thành tâm chứ không “bắt cá hai tay”, đồng thời phải nhận ra “khoảng trống vắng” trong lòng mình như hai người yêu nhau và tương tư nhau, để rồi chân thành khấn hứa với Chúa: “Chúng con nguyền chẳng xa Chúa nữa đâu, cúi xin Ngài ban cho được sống, để chúng con xưng tụng danh Ngài” (Tv 80:19). Hứa rồi thì chớ quên!

Vừa mặc nhiên vừa minh nhiên, cuộc sống luôn có những “chuỗi” lô-gích. Khi KHAO KHÁT điều gì thì người ta luôn HY VỌNG và MONG CHỜ, khi MONG CHỜ thì phải TỈNH THỨC. Đó là quy trình rất tự nhiên. Chí lý!

  1. CANH THỨC – SẴN SÀNG

TTTĐộng thái canh thức và sẵn sàng cũng có hệ lụy lẫn nhau. Canh thức thì phải sẵn sàng, không thể ngồi đó canh thức rồi suy nghĩ vu vơ, gặp chăng hay chớ. Trình thuật Mc 13:33-37 (tương đương Mt 24:36-44) là chuyện kể về một người sắp đi xa, để lại nhà cửa và tài sản, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa PHẢI CANH THỨC, cũng có nghĩa là PHẢI SẴN SÀNG.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay ngắn gọn, chỉ có 5 câu, nhưng việc canh thức hoặc tỉnh thức được Chúa Giêsu đề cập tới 4 lần với động từ PHẢI (bắt buộc) ở thể mệnh lệnh cách:

  1. Phải coi chừng, PHẢI TỈNH THỨC, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến (Mc 13:33).
  2. PHẢI CANH THỨC, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng (Mc 13:35).
  3. Anh em PHẢI CANH THỨC, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ (Mc 13:36).
  4. Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: PHẢI CANH THỨC! (Mc 13:37).

Như vậy, sự tỉnh thức rất quan trọng, và cũng chứng tỏ sự nhắc nhở của dành cho chúng ta: “Cẩn tắc vô ưu”. Nghe nói về sự canh thức hoặc tỉnh thức, chúng ta thấy có vẻ “nghiêm trọng” hoặc cho là “đao to, búa lớn”, nhưng thực ra cũng là điều rất tự nhiên. Trong cuộc sống đời thường, hàng ngày có rất nhiều điều khiến chúng ta PHẢI COI CHỪNG – tức là canh chừng, canh thức hoặc tỉnh thức: Người mẹ vừa làm việc vừa phải trông chừng đứa con kẻo nó gặp nguy hiểm – ngày nay còn phải đề phòng “bị bắt cóc”; người bà phải trông chừng đứa cháu kẻo nó té vô nồi nước sôi bà vừa nấu xong; bạn để chiếc điện thoại trên bàn cũng phải “mắt trước, mắt sau” khi chạy vô nhà trong lấy vật gì đó; dùng bếp ga cũng không biết nó “thở mạnh sảng” lúc nào; bạn đi đường luôn phải “mở mắt to” vì tai nạn luôn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào; dù chỉ là đóng một cây đinh thì bạn cũng phải coi chừng búa đập vào tay; và còn vô vàn những thứ rất đời thường như vậy mà người ta luôn phải tỉnh thức… Chắc chắn động thái cảnh giác rất cần thiết, không bao giờ thừa!

Thật gần gũi và thú vị đối với hình ảnh Chúa Giêsu đưa ra, bởi vì rất cụ thể: Sự trở về bất ngờ của chủ nhân và sự đột nhập bất ngờ của kẻ trộm.

Kinh nghiệm cho chúng ta biết về tình trạng bất ngờ. Dĩ nhiên chẳng ai biết chủ nhân về lúc nào, dù chủ có gọi điện báo trước là 3 giờ về thì cũng không biết kém mấy phút hoặc hơn mấy phút, nhất là đường xá dễ kẹt xe như ngày nay, ngay cả máy bay cũng thường xảy ra trường hợp phải hủy chuyến bay vì lý do này hoặc nguyên nhân nọ. Nghĩa là mọi thứ đều khó có thể chính xác về thời gian, mà khi người ta buồn ngủ rồi thì chỉ lệch 1 giây cũng có thể ngủ quên và chủ sẽ bắt gặp đầy tớ đang say giấc. Thế thì tiêu, không thể biện hộ!

Tương tự, đối với kẻ trộm hoặc kẻ cướp thì càng bất ngờ và nguy hiểm hơn, khỏi chứng minh thì ai cũng biết chắc là thế. Chỉ trong nháy mắt có thể tiêu tan cả sự nghiệp hoặc nguy hiểm tính mạng, nhất là xã hội ngày nay cướp giật như rươi, vì “mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành” (2 Tx 2:7) trong mọi lĩnh vực, cách riêng với xã hội Việt Nam hiện nay.

Xét cho cùng, lúc nào cũng có thứ để chúng ta phải tỉnh thức, thậm chí vợ chồng hoặc người thân quen cũng còn phải “canh chừng” nhau kia mà. Nói vậy xem chừng có vẻ tiêu cực, nhưng thực tế là thế đấy!

Tuy nhiên, tình trạng tỉnh thức quan trọng nhất vẫn là chúng ta “không biết giờ nào Con Người đến”, tức là Giờ G, giây phút Cánh Chung, thời điểm Chúa Giêsu Quang Lâm. Nhưng tận thế có hai dạng: Tận cùng thế gian và tận cùng đời mình. Tận thế thì quá hiển nhiên, nhưng chưa chắc chúng ta có được diễm phúc chứng kiến giây phút trọng đại đó. Còn “tận thế đời mình” thì ai cũng đích thân “chứng kiến”, vì đó là lúc trút hơi thở cuối cùng của cuộc đời mình. Dẫu biết rằng ai cũng phải chết, bệnh cũng chết mà khỏe cũng chết, chẳng tránh đâu được. Biết chắc như thế mà ai cũng thấy lo và sợ. Bởi vậy mới PHẢI TỈNH THỨC!

Khi mong chờ, khoảng thời gian đó sẽ là niềm vui nếu chúng ta quan niệm rằng “sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1:21). Có câu chuyện xưa kể thế này…

Trước khi chết, ngài Alexander Đại Đế cho triệu tập các quan trong triều đình đến để truyền đạt ba ý nguyện cuối cùng của mình. Ngài truyền “di chúc” để quần thần tuân thủ:

  1. Quan tài của ông phải được CHÍNH CÁC VỊ NGỰ Y GIỎI NHẤT KHIÊNG ĐI.
  2. TẤT CẢ VÀNG BẠC CHÂU BÁU của ông phải được RẢI DỌC CON ĐƯỜNG ĐẾN HUYỆT MỘ chôn ông.
  3. ĐÔI BÀN TAY ông phải được để THÒ RA NGOÀI QUAN TÀI cho mọi người đều thấy.

Một cận thần rất đỗi ngạc nhiên về những điều yêu cầu kỳ lạ này nên hỏi ngài tại sao lại muốn như thế. Ngài Alexander giải thích:

  1. Ta muốn chính các vị ngự y giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng MỘT KHI PHẢI ĐỐI MẶT VỚI CÁI CHẾT thì chính họ, dù là những người tài giỏi nhất, cũng KHÔNG THỂ CỨU CHỮA.
  2. Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trên mặt đất để mọi người thấy rằng CỦA CẢI VẬT CHẤT mà ta gom góp được sẽ MÃI MÃI Ở LẠI TRÊN THẾ GIAN NÀY khi ta nhắm mắt xuôi tay từ giã cõi đời.
  3. Ta muốn bàn tay của ta đong đưa ngoài quan tài để mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với HAI BÀN TAY TRẮNG, khi chúng ta rời khỏi thế giới này cũng chỉ có HAI BÀN TAY TRẮNG.

Có nhiều loại kho tàng quý giá, nhưng kho tàng quý giá nhất đời này là Tình Yêu Thương, đó cũng là thứ chúng ta nợ Thiên Chúa và nợ nhau: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13:8). Thánh Phaolô đã minh định: “Đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại. Nhưng đức mến là quan trọng nhất” (1 Cr 13:13).

Biết sẵn sàng là biết tỉnh thức, biết tỉnh thức là biết mong chờ, biết mong chờ là biết khát khao Chúa. Khi khát khao Chúa cũng là khát khao nên công chính – một trong Bát Phúc (Mt 5:6). Mùa Vọng không chỉ là mong chờ mà còn là ngưỡng vọng, hy vọng – hy vọng nơi Đức Kitô, đồng thời cũng tín thác vào Lòng Thương Xót của Ngài. Và chúng ta cùng trao nhau điều tốt lành này: “Chúc mọi người được đầy ân sủng của Chúa Giêsu” (Kh 22:21). Ước mong mảnh-đất-tâm-hồn-khô-hạn của mỗi chúng ta đều được thỏa niềm khát khao nhờ Cơn-Mưa-Giêsu!

Lạy Thiên Chúa quan phòng và tiền định, xin giúp con biết ngưỡng vọng Đấng là Chính Lộ, Chân Lý và Sự sống (Ga 14:6), luôn miệt mài hướng thượng, kiên trì tỉnh thức và hân hoan mong chờ Ngôi Hai ngự đến. Con cầu xin nhân danh Đức Kitô Giêsu, Thiên Chúa Ngôi Lời và Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Thánh Ca VENI VENI EMMANUEL – XIN NGỰ ĐẾN, LẠY ĐẤNG EMMANUEL

https://www.youtube.com/watch?v=xRi1GDoaQu4&list=PLON7sHF7N5PdB0aAU2dcqn2N4bR9JyxlR&feature=share&index=3

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN