Home / Chia Sẻ / Khao khát, ước ao và hình ảnh của Chúa

Khao khát, ước ao và hình ảnh của Chúa

Ronald Rolheiser, 2010-12-05

“Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng trông mong được gần Ngài, lạy Chúa.”  “Suốt đêm trường, hồn con khao khát Chúa.”

Tất cả chúng ta đều đã nghe và cầu nguyện với lời thánh vịnh này, trong những giây phút chiêm nghiệm sâu đậm, chúng ta đã thật sự nói lên như vậy, nhưng phần lớn, trái tim chúng ta làm ngược lại. Chúng ta không thật sự, ít nhất không phải là trong những suy nghĩ và cảm xúc có ý thức sâu hơn của chúng ta, đã khao khát Chúa một cách mãnh liệt, và hằng đêm vào giờ đi ngủ, linh hồn chúng ta thường thao thức vì một người nào đó chứ không phải là Chúa. Nhưng chúng ta không cần phải xin lỗi vì điều này.

Chúng ta là những con người, không phải là thiên thần, và cả thiên tư và bản năng chúng ta đều kết hợp lại để hướng mối quan tâm và ước muốn của chúng ta về thế gian trần tục này. Hơn nữa, những khát khao của chúng ta thì bao la và pha tạp. Chúng ta ước mong đến ray rứt rất nhiều điều, mặc dù những khao khát mãnh liệt nhất của chúng ta phần lớn liên quan tới mong mỏi có bạn tâm tình và tới sự viên mãn về cảm xúc và tình dục.

Những khao khát đó, ít nhất khi thoạt nhìn, thường không có vẻ thiêng liêng hay hướng thượng gì cả. Trên thực tế, có vẻ còn ngược lại. Những gì chúng ta khao khát một cách vô cùng mãnh liệt và những gì linh hồn hằng đêm thao thức hướng về, phần lớn là hường về một người nào đó hay một điều gì đó trần tục và mang tính dục tình hơn là những gì chúng ta gắn với Chúa. Ví dụ, khi thấy một người đẹp mê hồn hay khi cảm nghiệm một sức hút tình dục mạnh mẽ, trong lòng chúng ta cảm thấy gì trước hào quang rực rỡ đó? Lúc đó linh hồn chúng ta thao thức vì ai? Chúng ta khao khát điều gì?

Chúng ta không dám gắn những gì cảm thấy lúc đó với tình cảm thiêng liêng mà chúng ta thể hiện trong các bài thánh ca và cầu nguyện của mình. Và chính vì vậy mà chúng ta trở nên nghèo nàn đi, cả về mặt tôn giáo lẫn con người. Trước hết, niềm ao ước đó, vốn không hề thiếu lành mạnh, trên thực tế là một dấu hiệu của tình trạng sức khỏe bình thường. Cái đẹp là để được tôn vinh; chúng ta phải cảm thấy sức hút và sức lôi cuốn mạnh mẽ đó, kể cả phần tình dục. Dĩ nhiên, cái đẹp còn là để được tôn trọng và không bị xâm phạm. Khả năng tôn vinh cái đẹp của chúng ta là một dấu hiệu của tình trạng sức khỏe bình thường, và khả năng không xâm phạm cái đẹp đó của chúng ta là một phép thử tình trạng sức khỏe đó, dù đó không phải là điều muốn nói ở đây.

Điều muốn nói ở đây là, dù có ý thức hay trong tiềm thức, chúng ta đều hiểu những sức hút trần tục và dục tình mạnh mẽ này đưa chúng ta ra xa khỏi Chúa và là điều chúng ta cần từ bỏ nhằm tiến tới được gần Chúa hơn. Ao ước của chúng ta đối với Chúa và những ước ao trần tục và dục tình của chúng ta được coi là hai kẻ đối nghịch, không thể nào tương thích với nhau, đòi hỏi chúng ta chỉ được chọn một trong hai. Quan niệm sai lầm đó làm hại chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng.

Tại sao? Bởi vì mọi thứ đẹp và hấp dẫn, dù có trần tục và gợi tình, đều được bao hàm trong Chúa. Chúa là vị sáng thế của tất cả những gì đẹp đẽ, hấp dẫn, đầy sắc màu, gợi tình, thông thái dí dỏm, tài giỏi và thông minh. Tất cả những gì thu hút chúng ta trên trần gian này, kể cả vẻ đẹp quyến rũ chúng ta về mặt tình dục, cũng đều được thấy bên trong Chúa, và những điều hấp dẫn và khao khát của chúng ta đối với vẻ đẹp đó trên trần gian này, rốt cùng, là khao khát Chúa. Linh hồn của chúng ta cần thao thức ở một cấp độ sâu sắc hơn.

Đó là những gì mà nhiều bậc thánh và nhà thần bí trực nhận khi họ cảm thấy một khao khát mãnh liệt muốn hiệp thông với Chúa. Tất cả những gì đẹp và hấp dẫn được thấy bên trong Chúa, và được thấy ở đó dưới một dạng thức vượt quá hiện nghiệm của chúng ta ở đây. Các bậc thánh và các nhà thần bí trực cảm đúng rằng Chúa là thú vị hơn, đẹp đẽ hơn, gợi tình hơn bất kỳ ai hay bất kỳ điều gì trên thế gian này. Vì vậy khao khát Chúa của họ thật sự có thể được ví như một con hươu đang khao khát uống nước từ một dòng suối mát lành. Chúng ta cũng trực nghiệm những khao khát đó với cùng mức độ mãnh liệt như vậy, trừ việc chúng ta chưa bao giờ gắn những cảm xúc đó với Chúa, mặc dù chúng ta nên gắn như vậy. Nỗi ray rứt thiết tha mà chúng ta cảm nhận trong lòng trong nỗi ám ảnh, trong ước muốn dục tình mãnh liệt, và trước một vẻ đẹp choáng ngợp, rốt cùng, là lòng mong mỏi Chúa, bởi vì mọi thứ chúng ta khao khát, cho dù rất con người, xác thịt, hay đầy dục tình, đều ở trong Chúa, vị sáng tạo ra tất cả những gì tốt đẹp. Linh hồn của chúng ta cũng khát khao Chúa và thao thức hằng đêm vì Chúa, mặc dù phần lớn là chúng ta không nhận thức được điều đó.

Nhưng chúng ta chưa bao giờ thật sự nhận ra điều này. Nếu chúng ta nhận ra, thì, giống như các bậc thánh và nhà thần bí ngày xưa, chúng ta sẽ chịu cái ám ảnh về Chúa, thay vì chỉ bị ám ảnh bởi những gì chúng ta thấy là hấp dẫn trên thế gian này. Một số người trong chúng ta chịu ám ảnh bởi cái đẹp, một số chịu ám ảnh với việc tìm một người tri kỷ, một số bị ám ảnh bởi tình dục, một số chịu ám ảnh bởi chân lý, một số chịu ám ảnh bởi công lý, và một số trong chúng ta chịu ám ảnh bởi năng lượng, màu sắc và lạc thú của thế gian này. Nhưng rất ít người trong chúng ta chịu ám ảnh về Chúa, hay kể cả là quan tâm nhiều đến Chúa, người sáng tạo ra vẻ đẹp, dục tình, tình thân thiết, chân lý, công lý, năng lượng, sắc màu và lạc thú.

Tại sao chúng ta không quan tâm mong muốn nhiều hơn đến Người Duy Nhất mà tất cả những chuyện khác chỉ là hình ảnh phản chiếu nhợt nhạt của Người?

J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn: phanxicovn

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …