Home / Tiêu Điểm / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 20/11/2017: Câu chuyện: Vui Ðể Ðợi Chết

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 20/11/2017: Câu chuyện: Vui Ðể Ðợi Chết

1. Cuối cùng chúng ta tất cả đều phải chết. Anh chị em đã chuẩn bị cho ngày ấy chưa

Suy tư về ngày thế mạt và ngày cuối cùng của mỗi người chúng ta là lời mời gọi mà Giáo hội ngày hôm nay muốn nói với chúng ta qua đoạn Tin mừng thánh Luca chương 17 từ câu 26 đến câu 37. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 17 tháng 11 tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài Tin mừng thuật lại cuộc sống bình thường của những người nam nữ trước đại hồng thủy và trong thời ông Lot. Họ ăn uống, mua bán, cưới vợ lấy chồng …, nhưng rồi mọi sự đều thay đổi trong tích tắc. Giáo hội, Mẹ của chúng ta, muốn mỗi người chúng ta suy nghĩ về những thay đổi bất ngờ và sâu xa hơn là về chính cái chết của mình.

Tất cả chúng ta đều quen thuộc với sự bình thường đều đặn của cuộc sống, giờ giấc, công việc, nhiệm vụ, nghỉ ngơi và chúng ta nghĩ rằng cuộc sống sẽ luôn luôn như thế. Nhưng rồi một ngày, Chúa Giêsu sẽ gọi chúng ta “hãy đến!”. 

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

Với một số người, tiếng gọi của Chúa sẽ bất ngờ như sét đánh ngang tai, còn đối với những người sau một thời gian dài nằm bệnh, có thể điều ấy không bất ngờ lắm đối với họ. Tiếng gọi của Chúa sẽ đến. Tiếng Chúa gọi sẽ là một sự ngạc nhiên, nhưng rồi sẽ có một ngạc nhiên khác của Chúa, đó là sự sống đời đời. Bởi thế, Giáo hội trong những ngày này nói với chúng ta: dừng lại một tí đi, dừng lại đi để suy nghĩ về cái chết.

Ngày nay việc tham dự các đám tang tại nhà hiếu, hay ngay cả tại nghĩa trang, đôi khi trở thành một biến cố xã hội. Người ta đi đến đó, nói chuyện với những người khác, về những chuyện làm ăn mua bán, chuyện trên trời dưới biển, có khi không liên quan chút gì đến người quá cố, nói cười, ăn uống vui vẻ. Nó trở thành dịp hội họp, gặp gỡ thêm các đối tác làm ăn, để không phải suy nghĩ về cái chết. Ngày hôm nay, Giáo hội, với sự tốt lành của mình, nói với mỗi người chúng ta: Hãy dừng lại, dừng lại, không phải mọi ngày sẽ luôn như hôm nay. Đừng trở nên quen thuộc với suy nghĩ rằng cuộc sống hôm nay sẽ là vĩnh cửu. Sẽ có một ngày anh chị em sẽ bị mang đi, người khác sẽ ở lại, còn anh chị em sẽ bị mang đi, anh chị em sẽ bị mang đi và đi với Thiên Chúa. Hãy nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta sẽ có kết thúc. Nghĩ như thế là điều tốt.

Nó là điều tốt vì ví dụ, trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới, chúng ta có thể suy nghĩ: Hôm nay có thể là ngày cuối cùng, tôi không biết, nhưng tôi sẽ làm công việc thật tốt. Và chúng ta làm tốt như thế, trong các mối liên hệ trong gia đình và xã hội.

Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với những lời khích lệ này:

Suy nghĩ về cái chết không phải là một suy tư tồi tệ. Tồi tệ hay không, tùy thuộc ở tôi, tôi nghĩ đến nó như thế nào. Nhưng bất kể tôi có nghĩ thế nào, hay chẳng nghĩ gì cả, nó sẽ đến, cái chết sẽ đến. Và ở đó sẽ là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, và điều này sẽ là nét đẹp của cái chết. Cái chết sẽ thật đẹp nếu đó là cuộc gặp gỡ giữa anh chị em với Thiên Chúa, trong đó Ngài nói: “hãy đến, hãy đến, kẻ được Ta chúc phúc, hãy đến với Ta.”

Khi Chúa gọi thì sẽ không còn thời giờ để sắp xếp mọi vấn đề của chúng ta. Chúng ta cố gắng làm tất cả phần vụ của mình trên cuộc sống dương thế này nhưng luôn luôn suy tư về thời khắc đó, về ngày mà Thiên Chúa sẽ đến để đưa tôi đến với Ngài.

2. Câu chuyện: Vui Ðể Ðợi Chết

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Theo giai thoại của người Trung Hoa thì ngày xưa có một người tên là Vinh Khải Kỳ tỏ ra là một bậc tiên ông đạo cốt, mình mặc áo lông cừu, lưng thắt dây, ngày ngày ngao du ở sơn thủy, vui thú cầm ca chậm rãi rảo bước, tay đánh đàn miệng ca hát không ngừng. Một hôm, đức Khổng Tử đi dạo gặp Vinh Khải Kỳ, ngài mới hỏi ông: “Tiên sinh làm thế nào mà thường vui vẻ ca hát như thế?”.

Khải Kỳ thưa: “Trời sanh muôn vật, loài người cao quý nhất. Ta đã được làm người, đó là điều đáng vui. Người ta sinh ra có người đui què, có người non yếu… mà ta thì khỏe mạnh sống lâu, thế là hai điều đáng vui. Còn cái nghèo là sự thường của thế gian, cái chết là hết sự đời. Ta nay biết vui với cảnh đời để đợi cái chết thì còn gì lo buồn nữa?”.

Lạc quan, vui sống là đức tính cơ bản nhất của người Kitô. Người Kitô nhận ra phẩm giá cao cả của mình và tiếp nhận mọi sự xảy đến như một hồng ân của Chúa. Cây cỏ đồng nội, muôn thú trên rừng không nhọc công tích trữ mà còn được Chúa che chở nuôi nấng, huống chi con người là hình ảnh của Người… 

Khi ấy Chúa Giêsu nói cùng các môn đệ:

“Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống, lấy gì mà ăn, cũng đừng lo cho thân thể lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn và thân thể chẳng trong hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho, thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học, chúng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà , Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống chi là anh em, ôi những kẻ kém tin. Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai, ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Mỗi ngày có những niềm vui và nỗi khổ của nó. Hãy quẳng gánh lo đi và vui sống từng phút giây như một ân ban của Chúa, đó là bí quyết để giúp ta được hạnh phúc ở đời này.

3. Thánh Lễ là cuộc gặp gỡ tình yêu với Thiên Chúa.

Thánh lễ là lời cầu nguyện cao trọng nhất và tuyệt vời nhất, đồng thời cũng cụ thể nhất. Thật vậy, đó là cuộc gặp gỡ tình yêu với Thiên Chúa qua Lời và Mình Máu của Chúa Giêsu. Bí tích Thánh Thể là tiệc cưới, trong đó Chúa Giêsu Phu Quân gặp gỡ sự yếu hèn giòn mỏng của chúng ta để đưa chúng ta trở về với ơn gọi đầu tiên của chúng ta: ơn gọi là hình ảnh của Thiên Chúa và giống Thiên Chúa.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với mấy chục ngàn tín hữu và du khách hành hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư 15 tháng 11 năm 2017. 

Trong bài huấn dụ Ðức Thánh Cha đã quảng diễn đoạn Phúc Âm đầu chương 11 của thánh sử Luca viết rằng: “Có một lần Ðức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Nước Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” (Lc 11,1-4).

Ðức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta tiếp tục các bài giáo lý về Thánh Lễ. Ðể hiểu vẻ đẹp của việc cử hành Thánh Thể tôi muốn trình bầy một khía cạnh rất đơn sơ: Thánh lễ là cầu nguyện, là lời cầu nguyện tuyệt hảo, cao vời nhất và cũng cụ thể nhất. Vì qua Lời, Mình và Máu Chúa Giêsu nó là cuộc gặp gỡ tình yêu với Thiên Chúa. Nhưng trước hết phải hỏi lời cầu nguyện là gì?

Ðức Thánh Cha trả lời như sau:

Trước hết nó là cuộc đối thoại, là tương quan cá nhân với Thiên Chúa. Con người đã được tạo dựng như là bản vị tương giao chỉ tìm thấy việc thực hiện trọn vẹn chính mình trong cuộc gặp gỡ với Ðấng Tạo Hoá. Con đường cuộc sống là hướng về cuộc gặp gỡ vĩnh viễn với Chúa.

Sách Sáng Thế khẳng định rằng con người đã được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa và giông giống Thiên Chúa, là Cha và Con và Thánh Thần, một tương quan tình yêu hoàn hảo là sự hiệp nhất. Từ đó chúng ta có thể hiểu rằng chúng ta tất cả đã được tạo dựng để bước vào trong một liên hệ tình yêu toàn thiện, trong một trao ban chính mình liên tục và nhận lãnh chính mình để có thể tìm ra bản thể trọn vẹn của chúng ta.

Tiếp tục bài huấn dụ về Thánh Lễ là cầu nguyện, Ðức Thánh Cha nói: Khi ông Môshê nhận được tiếng gọi của Thiên Chúa trước bụi gai cháy, ông đã hỏi Ngài tên là gì thì Chúa trả lời làm sao? : “Ta là Ðấng Ta là” (Xh 3,1-4) . Kiểu nói này, trong nghĩa nguyên thuỷ của nó, diễn tả sự hiện diện và ân huệ, và thực vậy Thiên Chúa nói thêm ngay sau đó:”Chúa, Thiên Chúa của cha ông người, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Igiaác, Thiên Chúa của Giacóp” (c. 15). Cũng thế khi Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ Ngài, Ngài gọi họ để họ ở với Ngài. Vì thế đây là ơn thánh lớn lao nhất: có thể kinh nghiệm rằng Thánh Lễ, Thánh Thể là lúc đặc ân để ở với Chúa Giêsu, và qua ngài ở với Thiên Chúa Cha và các anh em khác.

Cũng như mọi cuộc đối thoại thực sự khác cầu nguyện cũng là biết ở trong thinh lặng – trong các cuộc đối thoại, có những lúc thinh lặng- ở trong thinh lặng cùng với Chúa Giêsu. Và khi chúng ta đi tham dự Thánh Lễ, có lẽ chúng ta tới năm phút trước và bắt đầu nói chuyện bép xép với người bên cạnh. Nhưng đây có phải là lúc bép xép đâu: đây là lúc thinh lặng để chuẩn bị đối thoại. Ðây là lúc cầm lòng cầm trí để chuẩn bị gặp gỡ Chúa Giêsu. Sự thinh lặng quan trọng biết bao! Anh chị em hãy nhớ điều tôi đã nói tuần vừa qua: chúng ta không đi dự một buổi trình diễn văn nghê, chúng ta đi gặp gỡ Chúa và sự thinh lặng chuẩn bị và đồng hành với chúng ta. Ở trong thình lặng cùng với Chúa Giêsu. Từ sự thinh lặng nhiệm mầu của Thiên Chúa nảy sinh ra Lời Ngài vang lên trong con tim chúng ta.

Chính Chúa Giêsu dậy cho chúng ta biết làm thế nào để thực sự ở với Thiên Chúa Cha, và chứng minh điều đó cho chúng ta với lời cầu nguyện của Ngài. Các Phúc Âm cho chúng ta thấy Chúa Giêsu rút lui vào các nơi thanh vắng để cầu nguyện. Khi trông thấy tương quan thân tình của Ngài với Thiên Chúa Cha các môn đệ cảm thấy ước muốn có thể tham dự vào đó và xin với Ngài: “Lậy Chúa, xin dậy chúng con cầu nguyện” (Lc 11.1). Chúng ta đã nghe trong bài đọc đầu buổi tiếp kiến. Chúa Giêsu trả lời rằng điều cần thiết đầu tiên để cầu nguyện là biết nói “Lậy Cha”. Chúng ta hãy chú ý: nếu tôi không có khả năng nói “Lậy Cha” với Thiên Chúa, thì tôi không có khả năng cầu nguyện. Chúng ta phải học nói “Lậy Cha”, nghĩa là đặt mình vào trong sự hiện diện của Ngài với lòng tin tưởng con thảo. Nhưng để có thể học, cần khiêm tốn nhìn nhận rằng chúng ta cần được dậy dỗ và đơn sơ nói rằng: “lậy Chúa, xin dậy con cầu nguyện”.

Ðức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ:

Ðây là điểm đầu tiên: khiêm tốn, thừa nhận mình là con, nghỉ ngơi trong Thiên Chúa Cha, tín thác nơi Ngài. Ðể vào Nước Trời cần trở nên bé nhỏ như các trẻ em. Trong nghĩa các trẻ em biết tín thác , chúng biết rằng có ai đó lo lắng cho chúng, lo cho chúng ăn, lo cho chúng mặc (x. Mt 6,25-32). Ðây là thái độ đầu tiên: tin tưởng và tín thác như trẻ em đối với cha mẹ: biết rằng Thiên Chúa nhớ tới bạn và lo lắng cho bạn, cho bạn, cho tôi, cho chúng ta tất cả.

Thái độ thứ hai cũng là thái độ của các trẻ em là để cho mình kinh ngạc. Trẻ em luôn luôn đặt ra hàng ngàn câu hỏi bởi vì nó ước ao khám phá thế giới và kinh ngạc cả trước các vật bé nhỏ, bởi vì tất cả đều mới mẻ đối với nó. Ðể vào Nước Trời cần để cho minh kinh ngạc – tôi xin hỏi – chúng ta có đề cho mình kinh ngạc hay chúng ta nghĩ rằng cầu nguyện là nói với Thiên Chúa như các con vẹt? Không, đó là tín thác và rộng mở con tim để cho mình kinh ngạc. Chúng ta có để cho Thiên Chúa luôn luôn là Thiên Chúa của các ngạc nhiên gây kinh ngạc không? Bởi vì cuộc gặp gỡ với Chúa luôn luôn là một cuộc gặp gỡ sống động. Nó không phải là một cuộc gặp gỡ của viện bảo tàng. Nó là một cuộc gặp gỡ sống động, và chúng ta đi tham dự Thánh Lễ chứ không phải đi thăm viện bào tàng. Chúng ta đi tới một cuộc gặp gỡ sống động với Chúa.

Phúc Âm cũng nói tới một ông Nicôđêmô nào đó (Ga 3,1-21), một cụ già, một người quyền thế trong dân Israel, đến gặp Chúa Giêsu để hiểu biết Ngài hơn, và Chúa nói với ông về sự cần thiết “phải tái sinh từ trên cao” (c. 3) Nhưng điều này có nghĩa là gì? Có thể tái sinh không? Có thể có trở lại sự yêu thích, niềm vui, sự kinh ngạc của cuộc sống, kể cả trước các thảm họa hay không? Ðây là một câu hỏi nền tảng của lòng tin và đây cũng là ước mong của mọi tín hữu đích thật: ước mong tái sinh, niềm vui bắt đầu trở lại. Chúng ta có mong ước này không? Mỗi ngưòi trong chúng ta có ước mong luôn luôn tái sinh để gặp Chúa không? Anh chị em có mong ước này không? Thật ra, chúng ta có thể mất nó một cách dễ dàng vì biết bao hoạt động, biết bao chương trình cần thực hiện, sau cùng chúng ta có ít thời giờ còn lại, và chúng ta mất đi điều nền tảng là cuộc sống của con tim, cuộc sống tinh thần của chúng ta, cuộc sống chúng ta là một cuộc gặp gỡ với Chúa trong lời cầu nguyện.

Đức Thánh Cha kết luận bài huấn đức của ngài như sau:

Chúa khiến chúng ta kinh ngạc bằng cách chỉ cho chúng ta thấy rằng Ngài yêu thương chúng ta cả trong các yếu hèn của chúng ta nữa. “Chúa Giêsu Kitô là tế vật đền bù tội lỗi chúng ta; không phải chỉ tội lỗi của chúng ta, mà cả tội lỗi của toàn thế giới nữa” (1 Ga 2,2). Ơn đó, suối nguồn của sự an ủi đích thật – Chúa luôn luôn tha thứ cho chúng ta – điều này an ủi, là một an ủi thật, là một ơn đã được ban cho chúng ta qua Thánh Thể, là tiệc cưới, trong đó Phu Quân gặp gỡ sự giòn mỏng của chúng ta. Tôi có thể nói rằng khi tôi rước Chúa trong Thánh Lễ, Chúa gặp gỡ sự giòn mỏng của tôi không? Có, chúng ta có thể nói điều đó, bởi vì nó thật! Chúa gặp gỡ sự giòn mỏng của chúng ta để đưa chúng ta trở về với ơn gọi đầu tiên của chúng ta: ơn gọi là hình ảnh của Thiên Chúa và giông giống Thiên Chúa. Ðó là môi trường của Thánh Thể, đó là lời cầu nguyện.

4. Nước Trời phát triển nhờ Chúa Thánh Thần, không phải nhờ các kế hoạch.

Nước Thiên Chúa không phải là cuộc trình diễn, càng không phải là lễ hội, cũng chẳng thích hợp cho những cuộc quảng cáo. Chính Chúa Thánh Thần là Ðấng làm cho Nước Trời phát triển, chứ không phải các kế hoạch mục vụ. Ðức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng thứ Năm 16 tháng 11 tại nhà nguyện Marta.

Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay (Lc 17,20-25), người Pharisêu hỏi Chúa Giêsu rằng: Khi nào Nước Thiên Chúa đến? Câu hỏi đơn sơ này xuất phát từ những người thiện tâm, và câu hỏi ấy xuất hiện nhiều lần trong Tin Mừng. Ví dụ, thánh Gioan Tẩy Giả khi bị giam trong tù với những đau khổ, đã sai các môn đệ của mình đi hỏi Chúa Giêsu rằng: Thầy có là Ðấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác? Hoặc là trong cuộc Thương Khó, có câu hỏi rất táo bạo và đầy thách thức được đặt ra cho Chúa Giêsu trên thập giá: Nếu ông là Ðấng Kitô, thì hãy xuống khỏi thập giá đi? Luôn luôn có nghi ngờ như thế. Luôn có sự tò mò muốn biết khi nào Nước Thiên Chúa đến.

Chúa Giêsu trả lời thật rõ ràng: Nước Thiên Chúa đang ở giữa anh em. Ðó cũng là tin mừng, là tin vui mà Chúa loan báo trong hội đường Nazaret, sau khi Người đọc đoạn sách ngôn sứ Isaia. Lần đó, sau khi gấp sách lại, Chúa Giêsu nói: Hôm nay ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.

Nước Trời tựa hạt giống được gieo xuống, phát triển từ bên trong, phát triển âm thầm trong chúng ta và giữa chúng ta. Nước Trời cũng giống như kho báu hoặc viên ngọc quý được chôn giấu. Luôn luôn như thế, Nước Trời ở trong sự khiêm nhường bé nhỏ.

Thế nhưng ai làm cho hạt giống lớn lên, ai làm cho cây mọc lên? Ðó là Thiên Chúa, là Chúa Thánh Thần, Ðấng ở trong chúng ta. Chúa Thánh Thần là thần khí của sự dịu hiền, của khiêm nhường, của tinh thần vâng phục, của sự đơn sơ giản dị. Chính Chúa Thánh Thần là Ðấng làm cho Nước Trời lớn lên từ bên trong. Chúa Thánh Thần là tác nhân, chứ không phải các kế hoạch mục vụ, không phải những điều to tát… Không, không phải những điều ấy, mà chính Chúa Thánh Thần âm thầm hoạt động. Ngài hoạt động làm cho hạt giống nảy mầm, cây mọc lên, và sinh hoa kết trái.

Ví dụ về anh trộm lành, ai là người đã gieo hạt giống Nước Trời trong lòng anh ta? Có thể là mẹ của anh, cũng có thể là bậc thầy nào đó trong hội đường. Có lẽ thế, và hạt giống ấy từng bị quên lãng. Thế nhưng, chính Thần Khí làm cho hạt giống ấy lớn lên. Thế đó, trong Nước Thiên Chúa luôn luôn có sự ngạc nhiên, bởi vì đó chính là quà tặng đến từ Thiên Chúa.

Nước Thiên Chúa không đến để thu hút sự thị hiếu của người ta, càng không phải theo kiểu những cuộc quảng cáo. Nước Trời không đến như một điều có thể quan sát được, và người ta sẽ không nói: Ở đây này, hay ở kia kìa. Nước Trời không phải là cuộc trình diễn, hay tệ hơn nữa, nhiền lần Nước Trời được người ta nghĩ tựa như lễ hội.

Nước Trời không được nhận thấy với sự kiêu hãnh tự hào. Nước Trời không thích hợp với những quảng cáo. Nước Trời rất khiêm tốn, ẩn giấu và âm thầm phát triển. Tôi nghĩ về thời khắc người ta nhìn Ðức Mẹ đứng dưới chân thập giá, người ta nói: Nhìn kìa, đó là mẹ của ông ta, Mẹ Maria đứng đó, người phụ nữ thánh thiện và âm thầm đứng đó. Chẳng ai hiểu mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, nhưng Mẹ thì hiểu, Mẹ hiểu sự thánh thiêng của Nước Trời. Khi Mẹ đứng gần thập giá của Con Mẹ

Để kết luận, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

Nước Trời luôn phát triển âm thầm vì Chúa Thánh Thần hoạt động trong chúng ta. Ngài hoạt động và làm cho Nước Trời sinh hoa kết trái. Tất cả chúng ta được kêu gọi thực thi con đường Nước Trời. Ðó là ơn gọi, là ơn ban, và quà tặng nhưng không, không phải do mua bán đổi chác, nhưng là ơn phúc Thiên Chúa tặng ban cho chúng ta. Tất cả chúng ta đã chịu phép rửa, chúng ta có Chúa Thánh Thần trong tâm hồn. Mối tương quan giữa chúng ta và Chúa Thánh Thần như thế nào? Chúa Thánh Thần hoạt động ra sao trong tâm hồn tôi, để có thể làm cho Nước Trời lớn mạnh? Có câu hỏi rất hay mà mỗi người chúng ta có thể tự hỏi lòng mình: Tôi có tin điều ấy không? Tôi có thực sự tin Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta không? Tôi thích một Nước Trời âm thầm hay là những cuộc trình diễn?

Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban ơn cho mỗi người và cho Giáo Hội, để Ngài làm cho hạt giống Nước Trời trong lòng mỗi người và trong lòng Giáo Hội, được nảy sinh và phát triển thành cây lớn, đủ sức trú ẩn cho nhiều người và để nảy sinh những hoa trái thánh thiện.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN