Home / Cầu Nguyện Với Chúa Mỗi Ngày / Suy niệm Tin mừng các ngày trong tuần 32 Thường niên, của Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

Suy niệm Tin mừng các ngày trong tuần 32 Thường niên, của Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

THỨ HAI

SỐNG CHỨNG NHÂN HƠN THẦY DẠY

(Lc 17, 1-6)

Xem thêm CN 26 TN B và thứ Năm tuần 7 TN -CN 23 và 24 TN A – thứ Ba tuần 3 MC, thứ Tư và thứ Năm tuần 19 TN

Trong Tông Huấn Evangelii Nuntiandi, số 41 của Đức Thánh Cha Phaolô VI, có viết: “Người đương thời sẵn sàng lắng nghe những nhân chứng hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dậy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những nhân chứng”. Như vậy, chúng ta có quyền nghĩ rằng: nếu đời sống chứng nhân có tác dụng rất tốt trong việc loan báo Tin Mừng, thì ngược lại, không có gì nguy hại cho bằng đời sống phản chứng nơi người Kitô hữu!

Thật thế, Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng đề cao đời sống chứng nhân nơi người môn đệ khi Ngài dùng phương pháp phản biện để làm toát lên tính quan trọng của gương sáng. Ngài nói: “Vô phúc cho kẻ nào gây ra gương xấu. Thà nó bị cột cối đá vào cổ mà ném xuống biển còn hơn là làm gương xấu cho một trong những trẻ nhỏ này”. Nêu gương xấu là điều tắc trách, nhưng gây nên cho những trẻ nhỏ, những người bé mọn, người kém đức tin là một tội ác vì tính chất nguy hiểm khôn cùng của nó! 

Gương xấu được ví như một thứ ôn dịch và có nguy cơ lây lan rất cao.

Gương sáng thì khó làm, khó sống, nhưng gương xấu thì quá dễ làm, dễ bắt chước. Làm gương sáng cần phải có một sự cố gắng cao với nhiều hy sinh, từ bỏ. Nó được ví như một người leo núi với tất cả sự cố gắng, hy sinh…. Còn gương xấu thì thực sự chẳng khác gì một người buông mình xuống núi, chúng ta không cần phải cố gắng thì vận tốc rơi xuống cũng sẽ nhanh chóng. 

Như vậy, với bản tính của con người, chúng ta dễ hướng chiều về điều xấu hơn điều tốt. Dễ làm điều bất chính hơn điều thiện. Vì thế, tội lỗi luôn có cơ hội len lỏi vào trong suy nghĩ và hành động của chúng ta hơn là điều tốt. 

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần nhớ lại ánh sáng đức tin ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội để sống cuộc đời nhân chứng cho xứng đáng với ơn đã lãnh nhận. Cần làm cho hình ảnh Đức Kitô hiền lành, dễ thương, giàu lòng thương xót ngay trong cuộc sống, qua lời nói, hành động và việc làm của chúng ta. 

Lạy Chúa Giêsu, nhiều khi chúng con đã trở nên những người gây ra gương mù gương xấu cho người khác. Xin tha thứ cho chúng con. Xin cũng ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con can đảm, trung thành sống cuộc đời chứng nhân. Amen. 

THỨ BA

ĐẾN ĐỂ PHỤC VỤ

(Lc 17, 7-10)

Xem thêm CN 27 TN C

Qua những nguồn tin trên các trang mạng, chúng ta thấy: Đức Thánh Cha Phanxicô đang được cả thế giới tôn vinh và khen ngợi. Nhân loại ca ngợi ngài không phải ở khả năng tri thức vượt trội, cũng không phải vì những triết thuyết cao siêu, hay uy tín vốn được gắn với tước vị Giáo hoàng từ bao đời…! Nhưng người ta kính nể vì Đức Giáo Hoàng là một con người bình dân. Ngài sẵn sàng xuống đường để ôm hôn một người dị tật, lắng nghe một em bé đang muốn tâm sự. Sẵn sàng bốc phone gọi cho một ông thợ sửa giày, một ông bán báo…. Ngài cũng khước từ những điều sang trọng cần có đối với một vị lãnh tụ tinh thần của Giáo Hội. Ngài cũng không ngần ngại đứng xếp hàng để nhận cơm tại một quán ăn và cũng không có khoảng cách khi cùng ngồi ăn với những công nhân sửa ống nước tại Vatican. Ngài còn là một người sống tinh thần nghèo khó khi lựa chọn những phương tiện đơn giản nhất, hoặc công cộng để di chuyển….

Tất cả những điều đó cho thấy: Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ưa được dành quyền đặc lợi cho mình, mà sẵn sàng trong thái độ của người phục vụ…. Ngài đã làm những chuyện đó là vì ngài muốn làm mọi việc cho vinh quang Chúa chứ không phải cho mình được nổi trội. 

Thực ra trong thế giới hôm nay, sự mong muốn được an thân, khao khát được sung sướng và thái độ cầu an cũng như mong muốn được phục vụ đang kéo dần người Kitô hữu đi theo như cơn lũ bão…. Nhưng thử hỏi: liệu những cung cách đó có làm cho khuôn mặt của Đức Giêsu được sáng tỏ hay không? Phải chăng nó đã làm cho Ngài bị lu mờ qua những cái bóng của sự tự kiêu, ích kỷ….

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cố gắng sống tốt đúng với tư cách là môn đệ của Chúa. Luôn noi gương Chúa đến để phục vụ chứ không phải để được người khác phục vụ. Luôn yêu mến đời sống đơn giản vì ích lợi cho mình và người khác. Luôn chu toàn bổn phận của mình trong tư cách là người tôi tớ.

Cần nhớ một điều rằng: chỉ khi nào chúng ta từ bỏ mình, sống tinh thần phục vụ, chúng ta mới trở nên mình hơn và giống hình ảnh của một vị Thiên Chúa đến để phục vụ vì ích lợi của con người. 

Chính Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế “Vui Mừng Và Hy Vọng” đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: “Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi”. Điều này cũng được thánh Phanxicô Assisi đã tâm nguyện qua kinh hòa bình: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức được vai trò của người môn đệ, và xin cho chúng con biết can đảm lựa chọn trong tinh thần của người tôi tớ. Amen.

THỨ TƯ

HÃY TẠ ƠN CHÚA

(Lc l 7, l l- 19)

Xem lại CN 28 TN C.

Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu trước khi được lành bệnh, ông là một người ngoại đạo. Lúc thập tử nhất sinh, ông đã được giới nghệ sĩ chuẩn bị tang lễ cho ông cách chu đáo. Tuy nhiên, khi có người Công Giáo đến thăm và gợi ý đưa ông đến đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của Dòng Chúa Cứu Thế để cầu khấn Đức Mẹ, ông đã đồng ý. Khi đến nơi, kỳ lạ thay, ông không xin cho mình được khỏi bệnh, nhưng ông lại xin đức tin. Thật nhiệm mầu, không những ông được ơn đức tin, mà ông còn được lành luôn căn bệnh xơ gan cổ trướng của mình. Sau đó, ông đã được đón nhận Bí tích Thánh Tẩy và dành thời gian còn lại để tạ ơn Chúa bằng việc sống đạo thật tốt, làm nhiều việc từ thiện bác ái.

Trong cuộc sống của chúng ta hôm nay, hẳn ít có ai dán can đảm để xin ơn đức tin như Lê Vũ Cầu! Bởi vì khi xin ơn đức tin, chúng ta phải thay đổi đời sống, dám chấp nhận lội ngược dòng để làm chứng cho đức tin mà mình đã lãnh nhận.  

Ngược lại, chúng ta thường chạy đến với Chúa, Mẹ và Các Thánh để xin cho mình những ơn như: giàu sang, chức vị, sức khỏe…. Xin những điều đó là tốt, tuy nhiên, xét về cấp độ trong ân sủng thì ơn đức tin là cao trọng nhất, vì nếu có đức tin, chúng ta dễ dàng an vui và hạnh phúc trong hoàn cảnh hiện tại, miễn sao danh Chúa được cả sáng và thánh ý Chúa được thực hiện. 

Thật vậy, khi có đức tin, chúng ta sẽ nhận ra tất cả là hồng ân, vì thế, cần phải tạ ơn Chúa và yêu thương anh chị em mình. 

Lời Chúa hôm nay thuật lại cho chúng ta thấy mẫu gương đức tin của người phong cùi xứ Samaria. Chính nhờ lòng tin mà ông được chữa lành. Cũng nhờ lòng tin mà tâm tình đầu tiên của ông là tạ ơn Chúa. Thái độ này của người Samaria ngược lại hẳn với 9 người Do Thái cùng bị phong cùi. Họ đã được lành bệnh, nhưng không một ai quay lại để cám ơn Chúa! 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cần có thái độ yêu mến Thiên Chúa, tin tưởng vào Ngài. Mặt khác, Lời Chúa còn nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng: nếu những người trong Tin Mừng hôm nay đã mắc phải những căn bệnh ghê sợ là bệnh cùi, thì hẳn mỗi người chúng ta cũng có những căn bệnh cùi tâm linh đáng sợ hơn rất nhiều, vì cùi tâm linh nó có thể hủy diệt cả tâm hồn chúng ta. Tuy nhiên, nhờ đức tin, chúng ta có hy vọng được Thiên Chúa chữa lành và ban ơn cứu độ cho chúng ta. Khi được Thiên Chúa yêu thương, chúng ta phải biết cám ơn Ngài và thay đổi đời sống nhờ hồng ân đức tin soi dẫn.

Thực ra, Thiên Chúa đâu cần con người phải cám ơn thì Ngài mới được vinh quang, nhưng việc chúng ta tạ ơn Ngài lại đem lại ơn cứu độ cho mình và mọi người nữa. Đồng thời, khi cám ơn Chúa, chúng ta đón nhận được lòng khiêm tốn và tôn nhận Thiên Chúa là Đấng quyền năng. Như vậy, khi ta biết tỏ lòng tri ân Thiên Chúa thì “ơn lại thêm ơn”. Còn khi không biết cám ơn Chúa, thì “ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi” vì đã không biết sử dụng ơn Chúa cho hữu ích… 

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con ơn sám hối để đáng được Chúa chữa lành bệnh cùi tâm linh của chúng con. Amen. 

THỨ NĂM

HÃY SÁM HỐI ĐỂ GẶP ĐƯỢC CHÚA

(Lc 17, 20-25)

Trong một lớp giáo lý dự tòng cho người lớn tuổi, một hôm, thầy giáo lý viên hỏi mọi người rằng: “Tại sao lại theo đạo Công Giáo?”. Lúc đó, có một chị đã trả lời: “Con theo đạo để xin Chúa cho con khỏi đau khổ, bệnh tật…!”. Thầy giáo đó trả lời: “Việc thoát khỏi đau khổ và bệnh tật không phải là lý do chính, việc quan trọng chính là bạn tin nhận Chúa làm chủ cuộc đời của mình, sống phó thác nơi Thiên Chúa và đón nhận cũng như khám phá ra ý nghĩa của đau khổ trong cuộc sống hiện tại, mặt khác, khi theo đạo, bạn được mời gọi bước theo Đức Giêsu trên con đường hy sinh, quên mình vì người khác, thực hành những điều Ngài dạy. Có thế, bạn mới được bình an thực sự”. 

Ngày xưa, người Do thái đương thời với Đức Giêsu cũng luôn mong đợi một Đấng Thiên Sai oai phong lẫm liệt, Ngài đến để thiết lập một triều đại hùng cường, mở mang bờ cõi và đem lại cho dân tộc họ một cuộc sống ấm no, hạnh phúc theo kiểu bề ngoài. 

Niềm hy vọng như thế đã làm chủ suy nghĩ của họ, nên khi Đức Giêsu đến, họ không nhận ra Ngài và khước từ những đặc tính của Nước Trời mà Đức Giêsu loan báo. Nguyên nhân sâu xa chính là lòng dạ sắt đá của họ. Sự cứng lòng tin đã làm cho tâm hồn họ trở nên u tối, mê muội, nên khó chấp nhận ánh sáng là chính Đức Giêsu. Vì thế, họ đã đang tay giết luôn cả Đấng mang Nước Trời đến cho mình. 

Vì biết rõ tâm hồn họ, nên Đức Giêsu đã mời gọi: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, vì Nước Trời đã gần đến”. Nước Trời mà Đức Giêsu loan báo ở đây không thể hiểu theo nghĩa vật lý, tức là mắt thấy, tay sờ được…. Nhưng Nước Trời ở đây là chính Ngài. Thực hành những lời Đức Giêsu dạy chính là đi vào mối tương quan thân tình với Ngài và được ở trong Ngài. Sống lời Ngài dạy và đem ra thực hành chính là làm cho Nước ấy được lan rộng. 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta muốn được nhận ra Chúa thực sự thì phải trở nên nhỏ bé, khiêm nhường. Cần phải lột bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới với những suy nghĩ và hy vọng mới theo tinh thần Tin Mừng thì mới có thể gặp được Nước Trời. 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm nhường, hiền hậu và yêu thương để được Nước Chúa làm gia nghiệp. Amen.

THỨ SÁU

TỈNH THỨC TRONG NIỀM VUI

(Lc 17, 26-37)

Xem CN 1 MV A

Mỗi khi nói đến ngày chung thẩm, ngày Chúa đến với mọi người, ngày phán xét, hẳn đã làm cho nhiều người lo sợ. Lo sợ vì họ đang sống trong cảnh sa đọa, nên ngày đó đến, họ sẽ gặp phải sự bất hạnh. Nhưng ngược lại, nhiều người lại hân hoan vui mừng. Tại sao vậy? Thưa những người vui mừng chính là họ đang sống hết mình với Chúa, với tha nhân: dám hy sinh tất cả dù phải mất cả mạng sống mình vì Nước Trời. 

Tuy nhiên, muốn có được niềm vui thực sự, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa đến. Giờ của Chúa có thể đến như kẻ trộm, như ông chủ đi xa về, như tia chớp từ trời xuống, như trận lụt thời ông Noe…. 

Ngày hôm nay, con người ưa sống trong cảnh nhung lụa, ăn chơi, trần tục. Họ luôn bám vào những giá trị trần gian mà quên đi thực tại Nước Trời với những giá trị của Nước này. Vì thế, chúng ta không lạ gì khi con người trong xã hội hôm nay vẫn nhởn nhơ và ung dung sống trong tội. Không màng chi đến công bằng, nhân ái và tình thương…. 

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy luôn sẵn sàng, hãy tỉnh thức trong tâm tình cầu nguyện và làm những việc lành, hy sinh và bác ái. 

Luôn biết gắn bó cuộc đời của mình trong sự an bài quan phòng của Thiên Chúa. Thực thi Lời Chúa dạy trong cuộc sống hằng ngày. Nhất là luôn biết tỉnh thức trong đời sống cầu nguyện. 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết gắn bó cuộc sống của chúng con với Chúa. Luôn sống trong tâm tình cầu nguyện để tìm gặp Chúa trong cõi sâu thẳm của lòng chúng con. Amen. 

THỨ BẨY

CẦU NGUYỆN LÀ BẢN CHẤT CỦA ĐỜI KITÔ

(Lc 18, l-8)

Xem lại CN 29 TN C

Cầu nguyện là điều cần thiết trong cuộc sống. Không cầu nguyện, chúng ta không thể có sự sống thần linh trong tâm hồn. Cầu nguyện được ví như cá cần nước, như cành cần nhựa sống từ thân cây, như con người cần hơi thở…. Tuy nhiên, điều ta cầu xin đôi khi cũng phải xem lại vì có những lời cầu xin của chúng ta không đẹp lòng Chúa. Hoặc cũng có đôi khi Chúa muốn kéo dài thời gian để tăng thêm niềm trông cậy của chúng ta…. 

Lời Chúa hôm nay đề cao sự kiên trì trong cầu nguyện. Hình ảnh bà góa nghèo toát lên thái độ đó khi bà xin ông thẩm phán xử oan cho bà. Mặc cho ông thẩm phán có lạnh nhạt, bất công và không sợ gì ai hết, nhưng cuối cùng, ông ta sợ sự kiên trì của bà góa…. 

Thái độ này cho chúng ta thấy kết quả của niềm tin và phó thác vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Ngài không bao giờ bỏ qua lời con cái nài xin. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không kiên trì đủ hay cũng có khi lời cầu nguyện của chúng ta không đẹp lòng Thiên Chúa. Vì thế Ngài không ban cho đúng ý ta xin hoặc Ngài ban những ơn khác tốt đẹp hơn, và đôi khi Ngài muốn kéo dài thời gian để củng cố sự kiên trì của chúng ta, bởi vì: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”; “Ai trung thành đến cùng sẽ được cứu”.

Trong thực tế, nhiều khi chúng ta trách móc Chúa dường như không màng chi đến những lời cầu nguyện của chúng ta. Nhưng chúng ta đâu biết rằng: công lý của Thiên Chúa thì hoàn toàn khác xa tâm tưởng của con người. Sự khôn ngoan của Ngài vượt trội suy đoán và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Tư tưởng của Ngài thì toàn diện, nên không bị giới hạn vào không gian hay thời gian… Nhưng chung quy lại thì Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta cách đặc biệt bằng một thứ tình yêu cao cả. Phần còn lại của chúng ta là kiên trì, trung thành, khiêm tốn để để đón nhận ơn lành của Ngài trong lòng mến cũng như biến cải đời sống hằng ngày cho tốt hơn mà thôi.  

Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Người luôn trung thành với lời đã hứa và luôn luôn nhận lời những ai cầu xin với lòng tin tưởng vững chắc. Xin lắng nghe tiếng van xin của chúng con, nhất là trong cơn thử thách của cuộc đời trần thế này. Amen.

Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …