CHÚA NHẬT XXXI QUANH NĂM
(Ml 1, 14b-2; 2b.8-10; 1Tx 2, 7b-9.13; Mt 23, 1-12)
“Người làm lớn hơn cả,
phải là người phục vụ anh em”
Tin mừng Matthêu 23, 1-12:
1 Bấy giờ, Đức Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: 2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.
8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
Suy niệm:
Phục vụ trong yêu thương và khiêm hạ là nội dung chính của bài Tin mừng Chúa nhật XXXI quanh năm hôm nay: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống. Ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23, 12).
Đức Giêsu cảnh giác dân chúng và các môn đệ trước những gương xấu, thái độ giả hình, ngôn hành bất nhất, nói một đàng làm một nẻo của các luật sĩ và biệt phái. Họ là những người thông hiểu Kinh thánh, luật Torah của Mosê. Họ có bổn phận dạy dỗ dân chúng, giải thích luật cho mọi người. Họ “ngồi trên tòa Môsê”, nghĩa là thầy dạy muôn dân. Hãy nghe những gì họ nói và đừng noi theo hành vi, lối sống của họ vì “họ nói mà không làm. Họ dạy những điều hay lẽ phải, nhưng họ không thực hành”. Lời nói và việc làm của họ không đi đôi với nhau. Hơn nữa, các luật sĩ, biệt phái thường hay kiêu căng tự mãn, ham chức quyền, địa vị danh vọng, thích ngồi chỗ nhất ở nơi công cộng, thích khoe khoang công đức trước mọi người: “Nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo”, thích mọi người gọi là thầy. Họ bất công đối với anh em “buộc bó nặng trên vai người ta”. Nói tóm lại là các luật sĩ và biệt phái là những người giả nhân giả nghĩa“khẩu Phật tâm xà” “khẩu mật phúc kiếm” “khẩu tâm bất nhất” “miệng Nam Mô Bồ Tát, giấu giáo mác sau lưng” “miệng Nam Mô, bụng dao găm”.
Lời Chúa hôm nay nhắc bảo chúng ta: quyền bính, chức vụ, địa vị, tài năng là để phục vụ. Càng làm lớn càng phải phục vụ mọi người. Chỉ có hành động phục vụ trong yêu thương, trong khiêm hạ, xã hội, gia đình mới tồn tại trong sự an bình và hạnh phúc.
Đức Giêsu đã làm gương một cách cụ thể và ấn tượng khi Ngài rửa chân cho các tông đồ trong bữa tiệc ly:
“Vậy, nếu Thầy là Chúa, mà Thầy còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 14-15).
Chính Đức Giêsu đã khẳng định với các tông đồ: “Thầy đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ, và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc muôn người”.
Câu nói của K. Marx về câu hỏi của người con gái: “Hạnh phúc là gì?” “Hạnh phúc chính là phục vụ”. Hạnh phúc là kết quả của những hành vi đạo đức trong gia đình và xã hội. Cha mẹ đem lại hạnh phúc cho con cái, cho gia đình. Khi cha mẹ trở nên tôi tớ của mọi thành viên trong gia đình và con cái cũng phải trở nên tôi tớ của cha mẹ qua việc nhiệt tình phục vụ.
Xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu quá nhiều bất ổn, đời sống đạo đức xuống cấp… bởi vì các nhà lãnh đạo dân: thượng tế, biệt phái, luật sĩ đều là những người tham quyền cố vị, ham danh lợi, địa vị, bất công, không có tinh thần phục vụ nhân dân, thiếu thiện tâm, ích kỷ, kiêu căng, chỉ lo cho mình mà không quan tâm tới lợi ích của nhân dân. Đúng như người xưa đã nói: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”.
Qua lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu muốn chúng ta phải biết phục vụ tha nhân trong yêu thương và khiêm hạ để đem lại an vui, hạnh phúc cho mọi người, càng làm lớn trong xã hội phải nhiệt tình phục vụ anh em, trở nên tôi tớ của mọi người noi gương Đức Giêsu: “Đến để phục vụ và hiến thân làm giá cứu chuộc muôn người”. Như thế hạnh phúc chính là phục vụ trong yêu thương và khiêm hạ.
LM Giuse Nguyễn Văn Nam