Home / Tiêu Điểm / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 31/10/2017: Câu chuyện Cha Piô Năm Dấu Thánh và các linh hồn

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 31/10/2017: Câu chuyện Cha Piô Năm Dấu Thánh và các linh hồn

1. Là Kitô hữu, chúng ta không thể “bình chân như vại”, và không chiến đấu chống lại sự ác. 

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thay đổi đời sống, thay đổi cách sống; Ngài mời gọi chúng ta hoán cải. Thay đổi chính mình là một cuộc chiến đấu chống lại sự ác, cả sự ác ở trong trái tim chúng ta, một cuộc chiến không để cho chúng ta yên thân nhưng lại ban cho chúng ta sự bình an.” Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 26 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.

Giải nghĩa đoạn Tin mừng theo thánh Luca đoạn 12, từ câu 49 đến câu 53, trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng Ngài đã đến để ném lửa vào mặt đất, Đức Thánh Cha giải thích rằng loại lửa mà Chúa Giêsu ném xuống thế gian là loại lửa đòi hỏi chúng ta phải thay đổi. Chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ, thay đổi cách cảm nghĩ. Trước đây trái tim của chúng ta thuộc về thế gian, không thuộc về Thiên Chúa, nhưng bây giờ trái tim chúng ta đã trở thành trái tim của Kitô hữu với sức mạnh của Chúa Kitô. Đó là sự thay đổi và cũng có nghĩa là hoán cải. 

Đức Thánh Cha nói:

Sự hoán cải này là một cuộc hoán cải toàn diện, bao gồm tất cả thân xác và linh hồn. Điều này là một sự hoán cải nội tâm, hoán cải thật sự như Đức Thánh Cha giải thích: “Đó là sự thay đổi nhưng không phải là sự thay đổi hình thức, bên ngoài, giả tạo, mà là sự thay đổi nội tâm, do Chúa Thánh Thần thực hiện và chúng ta phải cộng tác để Chúa Thánh Thần có thể hoạt động. Điều này có nghĩa là chúng ta phải chiến đấu, chiến đấu!” Chúng ta cộng tác với Chúa Thánh Thần, nghĩa là đề cho Ngài đi vào tâm hồn chúng ta, Ngài giúp hoán cải chúng ta. Chấp nhận để Chúa Thánh Thần hoạt động là một cuộc chiến đấu chống lại sự ngủ yên, chống lại chọn lựa ở yên và không muốn thay đổi. Thay đổi đòi chúng ta phải chiến đấu vượt qua con người cũ với lối sống cũ, những suy nghĩ cũ và cách hành động cũ.

Trong lối sống cũ các Kitô hữu cảm thấy an tâm nhưng Đức Thánh Cha nhắc rằng là Kitô hữu chúng ta không thể “bình chân như vại”, cảm thấy yên hàn và không cần chiến đấu mỗi ngày và không phấn đấu chống lại sự dữ. Đó không phải là các Kitô hữu mà là những người dửng dưng, nửa nóng nửa lạnh. Đức Thánh Cha nói rằng người ta có thể tìm thấy sự an bình để ngủ ngon với một viên thuốc, nhưng không có những viên thuốc có thể đem lại sự bình an nội tâm. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể ban sự bình an của tâm hồn và bình an đó mang lại sức mạnh cho các Kitô hữu.

Để kết luận, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cộng tác với Chúa Thánh Thần bằng cách để khoảng trống cho Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mình. Chúa Thánh Thần có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại sự ác của Kitô hữu: “Chúa Thánh Thần giúp chúng ta rất nhiều trong việc kiểm điểm lương tâm, mọi ngày, giúp chúng ta chiến đấu chống lại các căn bệnh của tinh thần mà kẻ thù gieo vãi và là các căn bệnh của thế gian.”

2. Tâm điểm của cuộc đời tôi là gì?

Trung tâm của mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô là thế này: Chúa là Đấng yêu mến tôi và hy sinh mạng sống vì tôi. Để đi vào mầu nhiệm này, chúng ta cần suy niệm cuộc Thương Khó, cần cử hành việc đi đàng thánh giá. Để là người Kitô hữu tốt, chúng ta cần đi vào mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 24 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta

Trong bài đọc trích thư gửi giáo đoàn Roma, thánh Phaolô sử dụng những cặp từ ngữ tương phản: tội lỗi với ân sủng, bất tuân với tha thứ. Thánh nhân cố gắng giúp chúng ta hiểu điều gì đó. Ngài cảm thấy rất khó để diễn tả cho chúng ta điều ngài muốn nói. Đằng sau những giải thích ấy, là câu chuyện về ơn cứu độ. Khi không đủ ngôn từ để giải thích về Chúa Kitô, thánh Phaolô đẩy chúng ta, ném chúng ta vào trong mầu nhiệm của Chúa Kitô, một mầu nhiệm có đầy nghịch lý. Mầu nhiệm ấy rất khó hiểu, bởi lẽ đó là điều hết sức phong phú, bởi lẽ đó là điều không thể hiểu được nếu chỉ bằng những lý lẽ lập luận. Do đó, để có thể hiểu được rằng, Chúa Giêsu Kitô đã làm tất cả vì tôi vì chúng ta, chúng ta cần chìm sâu vào mầu nhiệm ấy.

Ở nơi khác, thánh Phaolô nhìn lên Chúa Giêsu Kitô mà nói: “Người yêu mến tôi và hy sinh mạng sống vì tôi. Cần lưu ý rằng, họa hiếm lắm mới có người dám chết thay cho một người công chính, ấy thế mà chỉ có Chúa Giêsu Kitô mới đi hy sinh tính mạng cho một kẻ tội lỗi như tôi”. Với những lời ấy, thánh Phaolô đã tìm thấy lối đi vào mầu nhiệm Chúa Kitô. Điều ấy không hề dễ dàng, vì đây là một ơn. Không chỉ có các thánh trong Sổ Bộ các thánh của Giáo hội mới hiểu được mầu nhiệm ấy, mà còn có rất nhiều vị thánh trong đời sống thường ngày hiểu được mầu nhiệm của Chúa. Đó là những con người khiêm tốn đặt niềm hy vọng nơi Chúa, một Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Điều ấy dường như thật là điên rồ. Thế mà thánh Phaolô đã nói, nếu được tự hào về điều gì, thì thánh nhân chỉ tự hào về tội lỗi của bản thân và tự hào về Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Thánh nhân không hề tự hào vì được là học trò của bậc thầy lỗi lạc Gamaliele trong hội đường. Thánh nhân cũng chẳng tự hào về những điều gì khác. Điều thánh Phaolô nói quả là nghịch lý. Nghịch lý này dẫn chúng ta đến mầu nhiệm Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh. Nghịch lý này dẫn chúng ta đến cuộc đối thoại với những tội lỗi của bản thân.

Khi đi tham dự thánh lễ, chúng ta biết rằng, Chúa Giêsu đến trong Lời của Chúa. Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại ở Lời mà thôi, thì chưa đủ để đi vào mầu nhiệm cao cả ấy. Để đi vào mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô cách sâu xa hơn, chúng ta cần đi vào vực thẳm của lòng thương xót, ở nơi đó không còn ngôn từ nào nữa, mà chỉ còn sự ấm áp của vòng tay ôm che chở của tình yêu mến. Vì yêu mến mà Chúa đã chết vì tôi. Chúng ta đi xưng tội vì chúng ta đã phạm tội. Đúng như thế. Chúng ta phải từ bỏ tội lỗi, và chúng ta nói: Chúa đã tha thứ tội lỗi cho tôi. Sau đó, chúng ta ra đi và cảm thấy bình an hạnh phúc. Nếu chỉ làm như thế, chúng ta chưa đi vào mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô. Nếu tôi đi xưng tội, nếu tôi đến đó để gặp Chúa Giêsu Kitô, thì tôi mới bước vào mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, để đi vào vòng tay ôm tha thứ của Chúa như thánh Phaolô nói, đi vào ơn tha thứ nhưng không của Chúa.

Khi được hỏi: Tại sao Chúa Giêsu lại làm tất cả những điều ấy vì bạn? Có lẽ bạn sẽ trả lời: Vì Ngài là Con Thiên Chúa. Có lẽ bạn sẽ nói những điều liên quan đến giáo lý. Những điều ấy thì đúng, nhưng điểm trung tâm của mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô là thế này: Chúa yêu mến tôi và hiến mạng sống vì tôi. Việc hiểu biết mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô không phải là vấn đề nghiên cứu, nhưng hoàn toàn là ơn sủng nhưng không.

Do đó, có bài tập để thực hành, đó là đi Đàng Thánh Giá. Đó là cùng đồng hành với Chúa Giêsu trên những nẻo đường. Ở nơi đó, chúng ta được dẫn vào vòng tay ôm tha thứ và hòa bình. Thật là đẹp biết bao khi thực hành Đàng Thánh Giá. Hãy làm điều ấy ngay cả trong gia đình. Hãy suy niệm từng giây phút của cuộc Thương Khó Chúa. Những vị thánh vĩ đại luôn khuyên rằng, để bắt đầu đời sống tâm linh, hãy đến với cuộc gặp gỡ trong mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Thánh Têrêsa khuyên các nữ tu rằng: để tiến tới trong việc cầu nguyện và chiêm niệm, ngay cả những bậc cầu nguyện cao nhất, thì hãy bắt đầu với việc suy niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa. Thánh Giá Chúa Kitô. Chúa Kitô trên thập giá. Hãy bắt đầy suy gẫm. Hãy làm như thế, để có thể hiểu được trong cõi lòng mình rằng: Đấng ấy đã yêu mến tôi và hiến mạng sống vì tôi, Người đã yêu mến cho đến chết vì tôi.

Tôi là một Kitô hữu tốt. Tôi đi tham dự thánh lễ. Tôi làm các công việc bác ái từ bi thương xót. Tôi cầu nguyện siêng năng. Tôi giáo dục con cái tử tế. Những điều ấy rất tốt, nhưng tôi có thể tự hỏi mình rằng: “Này bạn, bạn đã làm tất cả những điều ấy, nhưng bạn có ở trong mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô không?” Điều ấy có lẽ bạn không để ý. 

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy cầu nguyện cùng thánh Phaolô, thánh nhân là nhân chứng đích thật về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy cầu nguyện với thánh nhân, để cùng với ngài, chúng ta nhận được ơn đi vào mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã yêu mến tôi và hy sinh mạng sống vì tôi, vì chúng ta. Đấng đã làm cho chúng ta trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Đấng đã tha thứ cho chúng ta tất cả tội lỗi, ngay cả những mối tội đầu, những nết xấu. Chúng ta hãy nhìn lên Thánh Giá Chúa, là biểu tượng của mầu nhiệm vĩ đại nhất trong công trình sáng tạo. Chúa Kitô chịu đóng đinh là trung tâm của lịch sử, là tâm điểm của cuộc đời tôi.

3. Câu chuyện Cha Piô Năm Dấu Thánh và các linh hồn

Các linh hồn bị người đời quên lãng thì lại có một chỗ đứng quan trọng trong đời của cha Pio. Hàng ngày, ngài luôn cầu nguyện và dâng Thánh lễ với những ý chỉ dành cho các linh hồn. 

Trong một buổi nói chuyện với các tu sĩ về tầm quan trọng của các lời cầu nguyện, cha Pio nói:

“Rất nhiều các linh hồn người chết đang ở luyện ngục và họ thường leo lên núi này để dự thánh lễ mà tôi dâng và họ xin lời cầu nguyện của tôi. Số người chết này đến còn đông hơn là số người còn sống đến dự lễ.”

Câu nói này của cha Pio làm cho nhiều người rợn tóc gáy. Trong suốt 52 năm ngài sống ở vùng San Giovanni Rotondo, hàng triệu người đến viếng ngài. Vậy mà ngài nói rằng linh hồn người chết đến thăm ngài còn nhiều hơn người sống.

Cha thánh Pio cũng đã kể câu chuyện sau đây.

Một buổi tối lúc cầu nguyện một mình nơi nhà nguyện bỗng tôi trông thấy một thầy trẻ tuổi đứng nơi bàn thờ chính. Thầy có vẻ như đang lau chùi các chân nến và sửa lại các bình hoa. Lúc ấy là giờ ăn tối. Tôi đinh ninh người lo bàn thánh chính là thầy Leone nên tôi tiến lại gần và nói:

– Thầy Leone à, đang giờ ăn tối, thầy xuống phòng ăn đi, chứ đâu phải giờ lau bụi và sửa soạn bàn thánh!

Nhưng một giọng nói – không phải của thầy Leone – trả lời:

– Con không phải thầy Leone!

Tôi hỏi lại:

– Vậy thầy là ai?

– Con là tu sĩ cùng dòng với Cha và từng là tập sinh sống ở Tu Viện này. Đức vâng lời dạy con phải luôn luôn giữ gìn bàn thánh thật sạch và thật ngăn nắp. Đáng tiếc, con thường bê trễ trong bổn phận và thiếu lòng tôn kính đối Chúa Giêsu Thánh Thể trong Nhà Tạm. Chính vì tội thiếu tôn thờ cách trầm trọng này mà cho đến nay con vẫn còn bị hình phạt trong Lửa Luyện Hình. Nhưng giờ đây Thiên Chúa Từ Nhân, trong lòng thương xót vô biên của Ngài, cho phép con hiện về với Cha. Chính Cha là người có thể thu ngắn thời gian con phải chịu giam cầm trong Lửa Luyện Ngục. Xin Cha vui lòng giúp con.

Tôi nghĩ mình quả thật quảng đại đối với Linh Hồn đang đau khổ nơi Lửa Luyện Tội khi nhanh nhẹn hứa rằng: “Anh sẽ chỉ còn ở trong Lửa Luyện Tội cho đến sáng mai lúc tôi dâng Thánh Lễ”. Nào ngờ Linh Hồn này thét lên: “Thật là tàn nhẫn!”. Thét xong câu đó Linh Hồn biến đi. Tiếng than khóc kinh khiếp của Linh Hồn như lưỡi gươm đâm xuyên trái tim. Tôi thật đau đớn và mãi mãi như nghe tiếng thét vang vọng bên tai. Tôi, nhờ sự ủy quyền đặc biệt của Thiên Chúa, có thể giúp Linh Hồn đi thẳng về Trời, trái lại, tôi đã kết án giam giữ Linh Hồn ở lại trong Lửa Luyện Ngục thêm một đêm nữa cho tới sáng mai!

4. Thiên đàng là mục tiêu niềm hy vọng Kitô giáo.

Trong buổi tiếp kiến chung 40 ngàn tín hữu hành hương sáng ngày 25-10, Đức Thánh Cha đã trình bày về thiên đàng như mục tiêu niềm hy vọng Kitô giáo.

Mở đầu buổi tiếp kiến, mọi người nghe đọc bài Tin mừng theo thánh Luca tường thuật cho chúng ta cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và một trong hai người tội phạm cùng bị đóng đinh với Ngài mà truyền thống thường gọi là người “trộm lành”, người đã hoán cải trong giờ phút cuối cùng của cuộc đời. “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi nhé!”

Rồi có tiếng đáp lại của Chúa Giêsu, nhanh chóng và như một lời thì thầm: “Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên nước Thiên Đàng”

Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nói về đề tài “Thiên đàng, mục tiêu niềm hy vọng của chúng ta”. Đây là bài thứ 38 và cũng là bài cuối cùng trong loạt bài giáo lý về Đức Hy vọng Kitô giáo. Ngài nói:

“Đây là bài giáo lý cuối cùng về đề tài niềm hy vọng Kitô giáo, đề tài này đã đồng hành với chúng ta từ đầu năm phụng vụ này. Và tôi kết luận qua việc nói với anh chị em về đề tài Thiên đàng, như mục tiêu niềm hy vọng của chúng ta.

‘Thiên đàng’ là một trong những lời cuối cùng được Chúa Giêsu nói lên trên thập giá, khi ngài ngỏ lời với người trộm lành. Chúng ta hãy dừng lại một lát nói về cảnh tượng ấy. Trên thập giá, Chúa Giêsu không cô độc. Cạnh Ngài, bên phải và bên trái, có hai kẻ bất lương. Có lẽ khi đi ngang qua 3 cây thập giá được dựng lên trên đồi Golgota, có người thở phào nhẹ nhõm, nghĩ rằng công lý đã được thực thi khi kết án tử cho những người như thế.

Cạnh Chúa Giêsu có một tội nhân đã thú nhận tội ác của mình: nhìn nhận mình đáng chịu khổ hình như thế. Chúng ta gọi anh ta là “người trộm lành”, anh ta chống lại người kia và nói: “Chúng ta lãnh nhận điều chúng ta đáng chịu vì những hành động của chúng ta” (Xc Lc 23,41)

Trên đồi Canvê, trong ngày thứ sáu bi thảm và thánh thiêng ấy, Chúa Giêsu đi tới tột cùng cuộc nhập thể của Ngài, liên đới với chúng ta là những kẻ tội lỗi. Chính tại đó đã ứng nghiệm điều mà ngôn sứ Isaia đã nói về Người Tôi Tớ đau khổ: “Người bị liệt vào số những kẻ gian ác” (53,12; xc Lc 22,37).

Tại đó, trên đồi Canvê, Chúa Giêsu đã có một cuộc hẹn cuối cùng với một tội nhân, để cũng mở toang cánh cửa Nước Ngài cho anh ta. Đó là lần duy nhất từ “thiên đàng” xuất hiện trong các sách Tin Mừng. Chúa Giêsu đề nghị thiên đàng cho một “kẻ khốn nạn” trên thập giá đã có can đảm ngỏ với Ngài lời khiêm tốn nhất: “Xin Ngài nhớ đến tôi khi vào trong Nước của Ngài” (Lc 23,42). Anh ta chẳng có những công việc lành để biểu dương, chẳng có gì cả, nhưng anh tín thác vào Chúa Giêsu, mà anh nhìn nhận là người vô tội, tốt lành, rất khác biệt với anh (v.41). Chỉ cần một lời khiêm tốn thống ấy ấy cũng đủ đánh động tâm hồn Chúa Giêsu.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

“Người trộm lành nhắc nhở chúng ta về thân phận của ta trước Thiên Chúa: chúng ta là con cái của Ngài, Ngài cảm thương chúng ta, Ngài động lòng mỗi khi chúng ta biểu lộ sự nhớ nhung đối với tình thương của Ngài. Trong các phòng của bao nhiêu nhà thương hoặc các phòng ở nhà tù, phép lạ này tái diễn vô số lần: dù đã sống gian ác thế nào đi nữa, không có người nào chỉ còn lại nỗi tuyệt vọng, ơn thánh không bị ngăn cản đối với một ai.

Trước Thiên Chúa chúng ta đến trình diện với đôi bàn tay không, phần nào giống như người thu thuế trong dụ ngôn, ông ta dừng lại cầu nguyện ở cuối đền thờ (Xc Lc 18,13). Và mỗi lần có một người, khi xét mình lần chót về cuộc sống của họ, khám phá thấy những điều gian ác của mình vượt xa những điều thiện họ làm, họ không nên thất vọng nản chí, nhưng hãy tín thác nơi lòng thương xót của Chúa.

Thiên Chúa là Cha, và Ngài chờ đợi sự trở về của chúng ta cho đến cùng. Và với người con trai hoang đàng trở về, bắt đầu xưng thú các lỗi lầm của mình, người cha bịt miệng anh ta bằng vòng tay ôm (Xc Lc 15,20).

Thiên đàng không phải là một nơi của chuyện huyền thoại, và cũng chẳng phải là vườn thần tiên. Thiên đàng là vòng tay ôm với Thiên Chúa, Đấng là tình yêu vô biên, và chúng ta vào thiên đàng nhờ Chúa Giêsu, Người đã chết trên thập giá vì chúng ta. Nơi nào có Chúa Giêsu, nơi ấy có lòng thương xót và hạnh phúc; không có Chúa thì chỉ có lạnh lẽo và tối tăm. Trong giờ chết, Kitô hữu lập lại với Chúa Giêsu: “Xin Chúa nhớ đến con”. Và cho dù không còn ai nhớ đến chúng ta, Chúa Giêsu vẫn ở đó cạnh chúng ta. Ngài muốn đưa chúng ta vào nơi đẹp đẽ nhất. Ngài muốn đưa vào đó với ít nhiều điều thiện trong cuộc sống chúng ta, để không điều gì bị mất đi khỏi những gì Ngài đã cứu chuộc. Và trong nhà Cha, Ngài cũng mang tất cả những gì ở trong chúng ta cần được cứu chuộc: những thiếu sót và những sai lầm trong trọn cuộc sống. Đó là mục đích cuộc sống của chúng ta: tất cả được hoàn thành, được biến đối trong tình thương.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Nếu chúng ta tin điều đó, thì cái chết không còn làm cho chúng ta sợ hãi nữa và chúng ta cũng có thể hy vọng rời khỏi thế giới này một cách thanh thản, với bao nhiêu lòng tín thác. Ai đã biết Chúa Giêsu, thì không còn sợ hãi gì nữa. Và chúng ta cũng có thể lập lại những lời của cụ già Simeon, cụ cũng đã được phúc gặp gỡ Chúa Kitô, sau trọn cuộc đời chờ đợi: “Giờ đây, lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an, theo lời Ngài, vì mắt con đã thấy ơn cứu độ của Chúa” (Lc 2,29-30).

Sau cùng, chính trong lúc ấy, chúng ta sẽ không còn cần gì nữa, không còn nhìn thấy mờ mờ. Không còn khóc than vô ích, vì tất cả đã qua đi; cả những lời tiên tri, cả những kiến thức. Nhưng tình yêu không qua đi, nó tồn tại. Vì “đức ái không bao giờ chấm dứt” 

5. Thần tiền đã để nhiều trẻ em bị chết đói

Trong thời đại ngày nay, các phương tiện truyền thông cho chúng ta biết tin về rất nhiều thiên tai, rất nhiều bất công, đặc biệt liên quan đến các trẻ em. Chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện nài xin lên Thiên Chúa, để Ngài hoán cải lòng người, để con người biết tôn thờ Thiên Chúa chứ không đi thờ thần tiền. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 23 tháng 10 tại nhà nguyện Santa Marta.

Đức Thánh Cha nói:

Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay kể cho chúng ta nghe câu chuyện về người phú hộ giàu có tiền của. Tiền bạc dễ dẫn chúng ta tới chỗ nương tựa vào chúng, nương tựa vào những thứ phù vân, nương tựa vào của cải thế gian. Trong khi đó, mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa mới là kho báu đích thực.

Đứng trước sự bội thu của hoa lợi, người phú hộ không dừng lại tại đó. Ông không ngừng suy nghĩ về việc mở rộng các cửa hàng, mở rộng các nhà kho. Ông tưởng tưởng về một cuộc sống dài lâu. Điều ấy có nghĩa là của cải nhiều đến mức thừa mứa, mà ông không biết được đâu mới thực sự là an ninh là đảm bảo. Ông ở trong cái vòng xoáy của chủ nghĩa tiêu thụ tràn lan.

Thế nên Thiên Chúa đặt ra hạn định cho những kẻ chỉ ham kiếm tiền, cho những kẻ trở thành nô lệ của tiền bạc. Chúa mắng rằng: “Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để cho ai?”. Đây không phải là truyện cổ tích, nhưng là thực tế. Thực tế là nhiều người vẫn tiếp tục tôn thờ thần tiền. Nhiều người tiếp tục sống cho điều này, sống trong cuộc đời vô nghĩa. Chúa đã mắng những người ấy, là kẻ chỉ biết tích trữ của cải cho mình, mà không biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa.

Ở Buenos Aires, có doanh nhân giàu có nọ, khi biết mình bị bệnh nặng, thế mà vẫn ngoan cố đi mua một căn biệt thự. Ông ta chỉ nghĩ trước mắt, mà không biết đi làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Ngày nay cũng thế, có biết bao người khao khát tiền bạc của cải, trong khi họ không nhìn thấy trước mặt mình có biết bao trẻ em bị đói, không thuốc men, không được giáo dục, biết bao con người bị bỏ rơi. Thế đó, thần tiền đã giết chết lòng hy sinh cống hiến của con người.

Thần tiền đã làm cho nhiều người chết đói. Chúng ta thử nghĩ tới 200 ngàn trẻ em người Rohingya trong các trại tị nạn. Ở đó có 800 ngàn người, và 200 ngàn là các trẻ em. Các em không có gì để ăn. Các em bị suy dinh dưỡng. Các em không có thuốc men. Điều ấy vẫn đang xảy ra. Những điều Chúa nói không phải chỉ cho ngày xưa, mà là cho ngày hôm nay. Ngay hôm nay! Chúng ta cần mạnh mẽ nguyện xin: Lạy Chúa, xin biến đổi tâm hồn của những kẻ thờ thần tiền. Xin Chúa cũng biến đổi tâm hồn con, để con không bị sa ngã vào những cám dỗ mà con đã thấy.

Thần tiền cũng gây ra chiến tranh, ngay cả ở giữa các gia đình. Tất cả chúng ta đều biết, điều gì sẽ xảy ra khi tài sản, khi gia sản bị đe dọa, bị phân chia. Khi ấy gia đình sẽ chia rẽ và rơi vào cảnh hận thù. Chính vì thế, mà Chúa đã nhấn mạnh khi nói rằng, những kẻ ấy không biết làm giàu trước mặt Thiên Chúa. Điều quan trọng không phải là giàu có, nhưng là Thiên Chúa. Ở đây không phải là coi thường coi khinh tiền bạc, không phải thế. Điều nhấn mạnh ở đây là đừng có tham lam, đừng gắn bó với tiền bạc đến nỗi tôn thờ thần tiền. Do đó, chúng ta cần cầu nguyện, cần mạnh mẽ kêu xin, để chúng ta biết kiếm tìm nơi Thiên Chúa nền tảng vững chắc cho cuộc đời chúng ta.

6. Giới răn trọng nhất

Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa Chúa Nhật 29-10 với hơn 30 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu sống trọn giới răn mến Chúa yêu người.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu trong Chúa Nhật thứ 30 thường niên năm A, trong đó Chúa Giêsu trả lời câu hỏi do một người Biệt Phái nêu lên: đâu là giới luật quan trọng nhất.

Đức Thánh Cha nói:

“Chúa Nhật này, Phụng vụ trình bày cho chúng ta một đoạn ngắn của Tin Mừng, nhưng rất quan trọng (Xc Mt 22,34-40). Thánh Sử Matthêu kể lại rằng những người Biệt Phái họp nhau để thử thách Chúa Giêsu. Một người trong họ, tiến sĩ luật, nêu câu hỏi với Ngài: “Thưa Thầy, trong Luật, đâu là giới răn quan trọng nhất” (v. 36). Đó là một câu hỏi cạm bẫy, vì trong Luật Môisê có nói đến hơn 600 giới luật. Trong tất cả những luật đó, làm sao phân biệt giới răn quan trọng nhất. Nhưng Chúa Giêsu không chút do dự và trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết tâm trí ngươi” và ngài thêm: ‘Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình” (v.37.39)”

“Câu trả lời này của Chúa Giêsu không phải là điều hiển nhiên mà có, vì trong nhiều giới răn của luật Do thái, quan trọng nhất là 10 giới răn, được Thiên Chúa trực tiếp thông truyền cho Môise, như những điều kiện của giao ước giữa Chúa với dân. Nhưng Chúa Giêsu muốn cho thấy rằng nếu không có lòng mến Chúa và yêu ngừơi, thì không có sự trung thành đích thực với giao ước với Thiên Chúa. Bạn có thể làm bao nhiêu điều tốt lành, thực thi các giới răn, nhưng nếu bạn không có tình yêu, thì việc làm ấy không hữu ích.

Một đoạn văn khác trong sách Xuất Hành, gọi là “Luật giao ước” đã xác nhận điều đó, trong phần này có nói rằng ta không thể ở trong Giao ước với Chúa mà lại ngược đãi những người được Chúa đặc biệt bảo vệ: đó là góa phụ, cô nhi và người ngoại quốc, người di dân, tức là những người cô độc và dễ bị tổn thương nhất (Xc Xh 22,20-21). Khi trả lời cho những người Biệt Phái chất vấn ngài, Chúa Giêsu cũng tìm cách giúp họ đặt thứ tự trong đời sống đạo của họ, tái lập điều thực sự quan trọng và điều kém quan trọng hơn. Ngài nói: “Toàn thể Luật và các Ngôn Sứ tùy thuộc hai giới răn này” (Mt 22,40). Đó là những giới răn quan trọng nhất, các giới răn khác tùy thuộc hai giới răn đó. Và Chúa Giêsu đã sống như thế: bằng cách rao giảng và thi hành những gì thực sự là quan trọng và thiết yếu, nghĩa là tình thương. Tình thương mang lại đà tiến và sự phong phú cho đời sống và hành trình đức tin: không có tình thương, thì cuộc sống cũng như đức tin sẽ trở nên khô cằn, son sẻ.

Điều mà Chúa Giêsu đề nghị trong trang Tin Mừng này là một lý tưởng tuyệt vời, đáp ứng ước mong chân thực nhất của tâm hồn chúng ta. Thực vậy, chúng ta được dựng nên để yêu mến và được mến yêu. Thiên Chúa là Tình Thương, đã tạo dựng chúng ta để cho chúng ta được tham dự cuộc sống của Ngài, để được Ngài yêu mến và yêu mến Ngài, và cùng với Ngài yêu mến tất cả những người khác. Đó là “giấc mơ” của Thiên Chúa về con người. Và để thực hiện điều đó, chúng ta cần ơn thánh của Chúa, chúng ta cần nhận được nơi mình khả năng yêu mến đến từ chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu hiến mình cho chúng ta trong Thánh Thể chính vì điều đó. Trong Thánh Thể chúng ta lãnh nhận Mình và Máu Chúa, nghĩa là chúng ta đón nhận Chúa Giêu qua biểu hiện tột đỉnh tình thương của Chúa, khi Ngài hiến mình cho Chúa Cha để cứu độ chúng ta”.

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Nguyện xin Đức Mẹ giúp chúng ta đón nhận vào trong cuộc sống của chúng ta “giới răn cao cả”, mến Chúa yêu người. Thực vậy, tuy chúng ta đã biết giới răn này từ khi còn nhỏ, nhưng không bao giờ chúng ta ngưng trở về với giới răn này và thực hành nó trong những hoàn cảnh khác nhau của đời sống chúng ta”

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN