Home / Chia Sẻ / Làm sao đi xưng tội, khi đã bỏ nhiều năm

Làm sao đi xưng tội, khi đã bỏ nhiều năm

Aleteia | Philip Kosloski

Một hướng dẫn thực hành cho những người thấy ngại ngùng trở lại với các bí tích.

h1Đi xưng tội trở lại sau 5, 10, 15, 30 năm, có thể là một chuyện cực kỳ khó làm. Chúng ta biết mình nên đi, nhưng có phần nào đó trong chúng ta vẫn chần chừ, thậm chí là e sợ việc trở lại với bí tích. Ngoài cảm giác xấu hổ, có lẽ đơn giản là chúng ta quên mất cách xưng tội thế nào.

Với những người còn ngại ngần đón nhận lòng thương xót Chúa, tôi xin đưa ra một hướng dẫn với các bước cụ thể để xưng tội trở lại.

Bước một: Xét mình.

Đây là phần cần thiết nhất của xưng tội. Trước khi xưng thú tội của mình, bạn phải biết các tội của mình. Khi đi xưng tội, người ta nói với linh mục các tội mình đã phạm kể từ lần xưng tội trước. Nếu lần xưng tội trước đã cách đây 20 năm, thì có lẽ là khó thật. Điều cần làm là kể với linh mục mọi tội trọng mà mình nhớ được.

Chúng ta thường ghi nhớ những tội “nặng” này, nhưng nếu khó quá, có thể tìm một bản xét mình để thuận tiện hơn. Khi xưng với linh mục, hãy nói ra tội đó và số lần đã phạm, hoặc ít nhất là ước chừng.

Khi nghĩ về các tội này, hãy nhớ rằng vị linh mục đã từng nghe đủ thứ tội rồi. Bạn không khiến cha thấy ngạc nhiên hay sốc đâu.

Và hãy nghĩ đi xưng tội như là đi gặp bác sĩ. Nếu không nói cho bác sĩ biết bạn bị đau ở đâu, làm sao bác sĩ trị được cho bạn. Tương tự như thế, nếu không nói cho linh mục nghe về tội của mình, thì cha không thể ban phép xá giải và giúp chữa lành vết thương linh hồn này được.

Bước 2: Tìm thời gian biểu giải tội của nhà thờ trong vùng, hoặc hẹn gặp linh mục.

Nếu đã lâu không đến với Chúa, tốt nhất bạn nên hẹn gặp riêng với linh mục giáo xứ. Nhưng nếu bạn không quen biết linh mục nào thì cũng khó. Thay vào đó, hãy tìm giáo xứ gần nhất, và tìm hiểu giờ giải tội.

Một chuyện quan trọng nữa, là hãy đến sớm, và cố gắng đứng đầu hàng chờ trước tòa giải tội nhé.

Bước 3: Vào tòa giải tội và bắt đầu xưng tội.

Nếu chưa xưng tội trong nhiều năm, hẳn bạn không biết là nhiều giáo xứ đã không còn dùng các tòa giải tội theo kiểu cũ, mà thay vào đó là các phòng Hòa giải. Trong một căn phòng, bạn vẫn được xưng tội ẩn danh sau một tấm màn, nhưng bạn sẽ ngồi thay vì quỳ. Bạn cũng có thể chọn cách xưng tội mặt đối mặt, đây là một chọn lựa tốt cho những ai quen biết vị linh mục và thường xuyên xưng tội với cha đó, bởi như thế cha có thể cho những lời khuyên thiêng liêng cụ thể hơn. Ở tòa giải tội, mọi người thường chờ theo hàng, và người này ra thì người kia mới vào.

Linh mục thường mở đầu, mời bạn xưng thú tội của mình. Amen.” Rồi bạn bắt đầu xưng tội. Tốt nhất, nên cho linh mục biết, “Thưa cha, con đã xưng tội cách đây….năm rồi. Con đã phạm những tội này….”

Rồi bạn bắt đầu kể các tội của mình. Một cách để bạn dễ dàng nhớ ra đầy đủ các tội của mình là hãy viết ra một mảnh giấy, đem theo mình.

Bước 4: Lắng nghe lời khuyên nhủ của linh mục, và nói lời ăn năn.

Linh mục sẽ nói những lời khích lệ bạn trên con đường đức tin. Rồi cha sẽ cho bạn một “việc đền tội” cụ thể, có thể là 10 kinh Lạy Cha, hay một việc gì đó có liên quan đến tội của bạn. Sau đó, cha sẽ mời bạn đọc một lời cầu nguyện thể hiện lòng sám hối ăn năn. Ở Việt Nam, chúng ta thường dùng kinh Ăn năn tội. Bạn có thể in sẵn ra để đọc.

Bước 5: Thả mình trong lòng thương xót Chúa, và đọc kinh đền tội (nếu có việc đền tội khác ngoài đọc kinh, thì bạn nhớ làm sau khi ra khỏi nhà thờ).

Ở lại trong nhà thờ một lát, tạ ơn Chúa! Chúa vừa xóa sạch tội của bạn! Chúc tụng Chúa và để bình an của Chúa đi vào lòng mình. Cam kết với Chúa, và khi rời nhà thờ, bạn bắt đầu một chương mới trong đời.

Chúa luôn có đó mỗi khi chúng vấp ngã. Hãy tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa, và để ơn Chúa đi vào mọi khía cạnh đời mình. Và bạn nhớ lên kế hoạch xưng tội lại nhé.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Nguồn: Phanxicovn

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …