Home / Tiêu Điểm / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 02/10/2017: Câu chuyện nước Nga trở lại

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 02/10/2017: Câu chuyện nước Nga trở lại

1. Người thiết nghĩa với Chúa Giêsu là người tự do.

Tất cả những ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa, thì là người thiết nghĩa với Ngài. Họ là những người con tự do trong gia đình của Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Ba 26 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta.

Gia đình của Chúa là cộng đoàn các môn đệ, cộng đoàn của những người anh chị em bạn bè với nhau, chứ không phải là cộng đồng những người có cùng một kiểu học thức, càng không phải là một cộng đồng những người xã giao trên môi mép với nhau.

Trở thành người thân của Chúa Giêsu, là bước vào nhà của Chúa, là bước vào bầu không khí của mái nhà ấy, là hít thở bầu không khí của mái ấm ấy. Khi sống dưới mái nhà Chúa, chúng thấy mình tự do. 

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Ai sống trong nhà Chúa thì đều là người tự do, và là những người thiết nghĩa cùng Ngài. Tuy nhiên, Kinh Thánh cũng sử dụng từ ngữ “con của người nô lệ”. Ðó là những Kitô hữu không dám đến gần Chúa, không dám làm quen với Chúa. Họ trở thành con cái của nô lệ, vì họ luôn giữ khoảng cách với Chúa.

Còn những ai thân quen với Chúa, thiết thân với Chúa, thì trở thành những vị thánh vĩ đại. Các vị thánh ấy là người ở bên Chúa, nhìn Chúa, lắng nghe Lời Chúa, cố gắng thực hành Lời Chúa, và luôn nói chuyện với Chúa. Những cuộc nói chuyện ấy chính là cầu nguyện. Có những lời cầu nguyện dọc đường như: “Nhưng, Chúa ơi, Chúa đang nghĩ gì thế?” Lời cầu nguyện này thật đơn sơ và thân tình. Có vị thánh rất đặc biệt với cách cầu nguyện đơn sơ ấy, đó là Chị Têrêsa. Chị nói chuyện với Chúa cách đơn sơ và thật tuyệt vời. Chị nói chuyện với Chúa mọi lúc mọi nơi. Chị thân quen với Chúa trong mọi nơi mọi lúc, ngay cả khi ở nhà bếp. Ðó chính là trở thành người thân với Chúa.

Thân quen với Chúa cũng có nghĩa là ở lại với Chúa. Giống như khi Thánh Gioan Tẩy Giả tuyên xưng: “Ðây Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian!”, thì hai anh em Anrê và Gioan đã đi theo Chúa, và sau đó, họ đến xem chỗ Chúa ở, và ở lại với Chúa suốt ngày hôm ấy.

Trong phần kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Thật không tốt khi là một tín hữu Kitô mà lại giữ khoảng cách với Chúa Giêsu theo kiểu: Chúa cứ ở đó nhé, còn con thì ở đây. Anh chị em hãy bỏ thái độ xa cách ấy đi. Hãy thân quen với Chúa Giêsu. Cả trên xe buýt hay trên xe điện ngầm, cả trong những vấn đề này nọ, chúng ta hãy nói thầm thì với Chúa. Hay ít nhất, hãy biết rằng Chúa đang nhìn mình, biết rằng Chúa rất gần mình. Ðó chính là cách gần gũi thân thiết với Chúa. Ðó chính là cách trở thành người thân, trở thành người nhà của Chúa.

Chúng ta hãy cầu xin ơn ấy cho từng người, để chúng ta có thể hiểu được con đường làm người sống trong nhà Chúa. Nguyện xin Chúa ban cho ta ơn sủng này.

2. Bệnh giả điếc làm ngơ.

Chúng ta đừng sợ nói sự thật về cuộc sống của mình, nhưng hãy can đảm nhìn nhận tội lỗi, xưng thú với Chúa, để đón nhận ơn tha thứ. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 28 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta.

Bài Tin Mừng theo thánh Luca nói đến phản ứng của Hêrôđê trước việc Chúa Giêsu rao giảng. Có người nói Chúa Giêsu chính là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì nói Ngài là ngôn sứ Elia, hoặc là một ngôn sứ nào đó. Trước những nhận định ấy, Hêrôđê không biết phải nghĩ cách nào, nhưng ông cảm thấy có điều gì đó không ổn trong lòng. 

Đức Thánh Cha nhận xét rằng:

Có lẽ không chỉ là tò mò, nhưng còn là điều gì đó bất an. Và Hêrôđê tìm Chúa Giêsu để có thể trấn an tâm hồn. Ông muốn nhìn thấy phép lạ Chúa Giêsu làm, nhưng trong lần gặp mặt trước cuộc Thương Khó, Chúa không làm gì trước mặt Hêrôđê, Chúa không trở thành chú hề trong “gánh xiếc biểu diễn” cho ông xem. Thế nên, Hêrôđê trả Chúa Giêsu lại cho Philatô, và sau đó, Chúa bị kết án tử hình. Hêrôđê đã có thể nghe thấy điều gì đó trong nội tâm, nhưng ông phớt lờ. Ðó là một căn bệnh.

Căn bệnh ấy chúng ta mắc phải khi làm điều gì đó xấu xa. Căn bệnh ấy rất khó nhìn thấy. Căn bệnh ấy chúng ta mang lấy và bị gây mê trong đó. Khi làm điều sai trái, chúng ta không chỉ ý thức về hành động sai trái ấy, mà còn cảm thấy điều gì đó hối hận, cảm thấy điều gì đó trong cơ thể, trong tâm hồn, trong cuộc sống. Nhưng căn bệnh ở chỗ: có cám dỗ làm cho chúng ta phớt lờ tất cả những cảm nhận ấy, làm cho chúng ta giả điếc làm ngơ.

Thật là hồng ân lớn khi chúng ta cảm thấy rằng, lương tâm đang lên tiếng, đang buộc tội chúng ta, đang nói điều gì đó với chúng ta. Chẳng ai trong chúng ta thánh thiện cả, vì tất cả đều có tội, và chúng ta thường có xu hướng nhìn thấy tội người khác chứ không phải là tội của bản thân mình. Căn bệnh ấy, xu hướng tệ hại ấy, là bệnh dịch.

Nhưng anh chị em có biết được bệnh dịch này nằm ở đâu không? Làm thế nào để tống khứ bệnh dịch ấy khỏi chúng ta? Trước hết, hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi! Thiên Chúa sẽ lắng nghe lời chị em nguyện cầu. Sau đó hãy nhìn vào cuộc sống của mình. Nếu tôi không nhìn thấy bệnh dịch nằm ở đâu trong con người mình, nếu tôi không thấy cách thức mà bệnh dịch ấy hoạt động, thì tôi cần sự trợ giúp từ người khác. Tôi cần gọi tên cụ thể căn bệnh trong con người tôi. Tôi cần nhận biết các triệu chứng của nó. Sau khi tôi tìm thấy, tôi hối tiếc về điều xấu mình làm, một cách hết sức cụ thể. Sự cụ thể rõ ràng ấy, chính là lòng khiêm tốn thực sự trước mặt Chúa. Khi các trẻ em xưng tội. Các em nói rất cụ thể về những gì các em làm. Các em nói sự thật, và vì vậy, các em được chữa lành.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em hãy khôn ngoan, khôn ngoan buộc tội chính bản thân mình. Hãy cảm nhận nỗi đau của các vết thương. Hãy nhận biết các triệu chứng của bệnh dịch trong tâm hồn. Hãy làm mọi cách để tìm ra gốc rễ của bệnh dịch ấy. Sau đó, hãy nhìn nhận và tự buộc tội chính mình. Ðừng sợ ăn năn sám hối, vì đó là dấu hiệu của ơn cứu rỗi. Hãy biết sợ, khi đang tìm cách che giấu tội lỗi. Nếu chúng ta sám hối ăn năn, Chúa sẽ chữa lành chúng ta.

Xin Chúa ban ơn sủng, để chúng ta có đủ can đảm tự buộc tội chính mình, để chúng ta can đảm sám hối ăn năn, để chúng ta có đủ sức mạnh bước vào con đường tha thứ mà Chúa muốn tặng ban.

3. Câu chuyện nước Nga trở lại

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trưa ngày 13 tháng Năm 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã dâng Thánh Lễ trọng thể kính dâng Đức Mẹ Fatima cho khoảng 500,000 khách hành hương.

Trong bài giảng lễ, Đức Thánh Cha nhắc cho mọi người nhớ lại những thời điểm gần kề Đệ Nhất Thế Chiến (1914-1918) khi chủ nghĩa Bolshevik đang hùng bá một phương trời và lôi kéo đông đảo các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia vốn có truyền thống Công Giáo.

“Lúc ấy Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra với ba em nhỏ chăn cừu đơn sơ và trao ban cho họ một thông điệp khẩn thiết: Đức Mẹ Maria kêu gọi mọi người mau hoán cải và sám hối và đền tội.” 

Đức Thánh Cha trân trọng nhắc lại lời Đức Trinh Nữ Maria đã phán hứa năm xưa là “cuối cùng Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ sẽ thắng. Nước Nga sẽ trở lại.”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lời hứa của Đức Mẹ đã là một hiện thực. Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa và toàn Nga đã nhận xét như trên khi khánh thành ngôi nhà thờ mới kính Đức Mẹ tại Astrakhan hôm 26 tháng 9 vừa qua.

Trước mặt quý vị và anh chị em là những người nông dân mà trên khuôn mặt của họ không che dấu được những nét lam lũ và nghèo khổ.

Tuy nhiên, những người nông dân nghèo ấy là những người rất mộ đạo. Cùng nhau, họ đã xây cất được một ngôi nhà thờ thật là huy hoàng để tôn kính Đức Mẹ với tước hiệu Theotokos, nghĩa là Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa.

Ba đứa trẻ này lần lượt nói với Đức Thượng Phụ.

Xin Đức Thượng Phụ ban phép lành cho mảnh đất của chúng con.

Xin ngài cầu cùng Chúa cho chúng con

Xin ngài cầu cùng Đức Trinh nữ Maria cho chúng con

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Miền Akhtubinsk này trước đây được những người Bolsheviks coi là vùng trắng, nghĩa là, mọi hình thức tôn giáo đều bị xóa sạch, nhiều linh mục, giáo dân đã chịu tử đạo.

Máu các vị tử đạo đã gieo mầm những hạt giống đức tin mới, trổ sinh nhiều hoa trái.

Nước Nga thực sự đã trở lại.

4. Ðừng đánh mất niềm hy vọng

Thiên Chúa đã tạo dựng chúng ta để sống trong niềm vui và hạnh phúc. Vì thế điều quan trọng là chúng ta giữ gìn con tim mình chống lại các cám dỗ coi đời là vạn ngày sầu; nhìn cuộc sống như một chuỗi dài những bất hạnh và cuối cùng bị cướp mất niềm hy vọng.

Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư 27 tháng 9.

Mở đầu bài huấn đức dành cho các tín hữu và khách hành hương , Đức Thánh Cha Phanxicô đã quảng diễn lời thánh Phaolô khuyên Timôthê nơi chương 4 trong Thư thứ nhất: “Con hãy luyện tập sống đạo đức; vì luyện tập thân thể thì lợi ích chẳng là bao, còn lòng đạo đức thì lợi ích mọi bề, bởi Chúa hứa ban sự sống hiện tại cũng như tương lai cho người có lòng đạo đức. Ðó là lời đáng tin cậy và đáng cho mọi người đón nhận. Thật vậy, chính vì mục đích ấy mà chúng ta phải vất vả, phải chiến đấu, bởi chúng ta đã đặt hy vọng vào Thiên Chúa hằng sống, Ðấng cứu độ mọi người, nhất là các tín hữu.” (1 Tm 4,7b-10). 

Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay tôi muốn cùng anh chị em suy tư về các kẻ thù của niềm hy vọng. Vì giống như mọi sự thiện, niềm hy vọng cũng có các kẻ thù của nó. Và tôi nghĩ tới huyền thoại cổ xưa liên quan tới cái bình của bà Pandora. Chuyện do thi sĩ Esiodo kể lại rằng Zeus là thần mặt trời cho bà Pandora một cái bình và dặn đừng bao giờ mở nó ra. Bà Pandora vì tò mò nên đã mở bình, từ đó phát xuất ra mọi sự dữ tung hoành trên thế giới này, chỉ còn lại có niềm hy vọng chưa kịp ra, thì bình bị đóng lại. Trước đó loài người sống tự do khỏi mọi sự dữ và bất tử như các thần linh, không vất vả mệt nhọc và lo lắng. Ðức Thánh Cha nói: việc mở bình ra đã khiến cho biết bao tai ương xảy ra trong lịch sử thế giới, nhưng có một món quà bé mọn xem ra chiến thắng trước mọi sự dữ lan tràn. Bà Pandora người phụ nữ đã giữ cái bình đó nhận ra cuối cùng: người Hy lạp gọi nó là elpis: niềm hy vọng.

Huyền thoại này cho chúng ta biết tại sao niềm hy vọng lại quan trọng đối với nhân loại như vậy. Câu người ta thường nói “cho tới khi nào còn sự sống thì còn có hy vọng” không đúng. Ðúng chăng là điều trái lại: chính niềm hy vọng giữ cho sự sống còn đứng vững, niềm hy vọng che chở nó, giữ gìn nó và làm cho nó lớn lên. Nếu con người đã không vun trồng niềm hy vọng, nếu họ đã không được niềm hy vọng nâng đỡ, thì họ đã không bao giờ ra khỏi các hang đá, và đã không để lại dấu vết trong lịch sử thế giới. Và có cái gì thiên linh hơn trong trái tim con người.

Một thi sĩ người Pháp, là ông Charles Péguy, đã để lại cho chúng ta các trang tuyệt vời về niềm hy vọng (x. Il portico del misero della seconda virtù). Thi sĩ nói một cách văn thơ rằng Thiên Chúa không kinh ngạc bao nhiêu vì niềm tin của con người, và cũng không ngạc nhiên về tình bác ái của họ; nhưng điều thực sự khiến cho Ngài tràn đầy kinh ngạc và xúc động là niềm hy vọng: Charles Péguy viết “ Ước chi các đứa con tội nghiệp này có thể thấy các việc xảy ra như thế nào và tin rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn”. Hình ảnh thi sĩ dùng nhắc tới các gương mặt của biết bao nhiêu người đã đi qua trên thế giới này – nông dân, người nghèo, thợ thuyền, người di cư đi tìm một tương lại tốt đẹp hơn – những người đã chiến đấu kiên trì mặc dù nỗi cay đắng của ngày hôm nay, khó khăn, tràn đầy biết bao thử thách, nhưng được linh hoạt bởi sự tin tưởng rằng con cái họ sẽ có một cuộc sống công bằng và thanh thản hơn.

Niềm hy vọng là sức thúc đẩy nơi con tim của người đã bỏ nhà cửa, đất đai, đôi khi gia đình và người thân, để tìm kiếm một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, xứng đáng hơn cho mình và cho người thân của mình. Nó cũng là sức đẩy trong con tim của người tiếp đón: ước mong gặp gỡ, hiểu biết, đối thoại… Niềm hy vọng là sức đẩy chia sẻ hành trình cuộc sống như Phong trào bác ái mà chúng ta khai mào hôm nay. Anh chị em, chúng ta đừng sợ hãi chia sẻ hành trình! Chúng ta đừng sợ hãi chia sẻ niềm hy vọng.

Tiếp tục bài huấn dụ Ðức Thánh Cha nói: niềm hy vọng không phải là nhân đức cho con người có chiếc dạ dầy no thỏa. Ðó là lý do tại sao từ muôn thuở những người nghèo là những người đầu tiên mang trong họ niềm hy vọng. Ðể bước vào thế giới Thiên Chúa đã cần tới các ngài: thánh Giuse và Mẹ Maria, các mục đồng Bếtlêhem. Trong đêm Giáng Sinh đã có một thế giới ngủ say, nằm trên biết bao nhiêu sự chắc chắn đã chiếm hữu được. Nhưng những người khiêm tốn chuẩn bị trong kín ẩn cuộc cách mạng của lòng nhân lành. Họ nghèo nàn về tất cả mọi sự, ai đó trôi nổi một chút trên ngưỡng cửa của sự sống còn, nhưng họ đã giầu của cải quý báu nhất có đuợc trên đời, nghĩa là ước muốn thay đổi.

Ðôi khi, có đầy đủ tất cả trong cuộc sống này lại là một điều không may. Anh chị em hãy nghĩ tới một bạn trẻ đã không được dậy nhân đức chờ đợi và kiên nhẫn, đã không phải đổ mồ hôi cho sự gì cả, đã đốt cháy các chặng và khi 20 tuổi đã biết thế giới đi như thế nào. Bạn trẻ đó đã được định đoạt cho sự kết án tồi tệ nhất: việc kết án không ước mong gì nữa. Xem ra đó là một người trẻ mà mùa thu đã xuống trên con tim.

Có một tâm hồn trống rỗng là chướng ngại tệ hại nhất của niềm hy vọng. Ðó là một nguy cơ mà không ai có thể nói mình bị loại trừ, bởi vì bị cám dỗ chống lại niềm hy vọng cũng có thể xảy ra khi ta đi trên con đường của cuộc sống kitô. Các đan sĩ thời xưa đã tố cáo một trong những kẻ thù tệ hại nhất của lòng sốt sắng: đó là “con quỷ giữa ngày” đi bên cạnh một cuộc sống dấn thân, chính trong lúc mặt trời nung nấu trên cao. Cám dỗ này đột kích chúng ta, khi chúng ta không ngờ tới nhất: các ngày sống trở thành đều đều, buồn chán, không có giá trị nào nữa xem ra đáng vất vả để có được. Ðó là sự lơ là – như các giáo phụ định nghĩa – gặm mòn cuộc sống từ bên trong cho tới chỗ bỏ nó đi như một cái vỏ trống.

Khi điều này xảy ra, kitô hữu biết rằng phải chống lại điều kiện ấy và không bao giờ được nằm dài chấp nhận nó. 

Để kết luận, Ðức Thánh Cha khẳng định như sau:

Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta để sống yên vui và hạnh phúc, chứ không phải để chúng ta bị chôn kín trong mồ mả của các tư tưởng buồn sầu. Vì thế thật quan trọng là anh chị em hãy giữ gìn con tim chống lại các cám dỗ xem đời là vạn ngày sầu. Tư tưởng bi quan yếm thế ấy chắc chắn không đến từ Thiên Chúa. Khi nó xảy đến, chúng ta hãy chạy đến cùng thánh danh Chúa Giêsu. Chúng ta có thể lập lại lời cầu đơn sơ, mà chúng ta thấy rất nhiều trong các Phúc Âm và nó đã trở thành nền tảng cho biết bao nhiêu truyền thống tu đức Kitô: “Lậy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!”.

Chúng ta không cô đơn khi chiến đấu chống lại sự tuyệt vọng. Nếu Chúa Giêsu đã chiến thắng thế gian, thì Ngài có khả năng chiến thắng nơi chúng ta tất cả những gì chống lại sự thiện. Nếu Thiên Chúa ở cùng chúng ta, thì sẽ không ai có thể lấy đi nhân đức mà chúng ta tuyệt đối cần có để sống. Sẽ không có ai ăn cắp được niềm hy vọng của chúng ta.

5. Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài để giải thoát họ

Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài. Ðiều ấy rất quan trọng. Vì trong lịch sử cứu độ, mỗi lần Chúa viếng thăm, là mỗi lần Ngài giải phóng dân khỏi ách nô lệ. Mỗi lần Chúa viếng thăm, là mỗi lần Chúa cứu độ dân. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Hai 25 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta

Mỗi lần Chúa viếng thăm chúng ta, là Người ban cho chúng ta niềm vui, ban cho chúng ta ơn an ủi. Ðiều ấy làm cho chúng ta vui mừng. Vâng, chúng ta khóc lóc đau thương, nhưng giờ đây, Chúa an ủi chúng ta và ban cho chúng ta ơn an ủi. Ơn an ủi không phải chỉ là một lúc nào đó mà thôi, nhưng là ơn trong đời sống của người tín hữu. Toàn bộ Kinh Thánh chỉ cho chúng ta điều ấy.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Điều cần thiết là chúng ta cần chờ đợi giây phút Chúa viếng thăm mỗi người chúng ta. Bởi vì, tuy có những lúc mạnh yếu khác nhau, nhưng Chúa luôn giúp chúng ta cảm thấy và nhận biết rằng, Chúa luôn hiện diện bên ta, luôn ban ơn an ủi thiêng liêng, luôn ban cho chúng ta niềm vui.

Do đó, đợi chờ trong hy vọng có lẽ là nhân đức “khiêm tốn nhất trong các nhân đức”. Ðức cậy có lẽ là luôn là “nhân đức bé nhỏ”. Tuy bé nhỏ, nhưng kỳ thực, đức hy vọng tựa như than hổng ẩn kín dưới lớp tro. Nhìn thì có vẻ như đống tro tàn, nhưng thực ra là than hồng rực cháy bên trong. Thế nên, các Kitô hữu luôn sống trong sự hiện diện của Chúa, hướng về cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Nếu Kitô hữu không sống như thế, thì họ đang đóng kín cuộc sống, và sẽ không biết mình phải làm gì.

Tuy nhiên, chúng ta cần biết nhận ra đâu là ơn an ủi. Bởi lẽ, có những thứ an ủi giả tạo, vì chúng dường như muốn níu kéo chúng ta ở lại trong niềm an ủi nào đó, nhưng kỳ thực là đang lừa dối chúng ta. Ơn an ủi đích thật mang lại cho chúng ta loại niềm vui không thể mua bán đổi chác.

Ơn an ủi của Thiên Chúa chạm vào tâm hồn chúng ta, biến đổi con tim chúng ta, thúc đẩy linh hồn chúng ta mạnh mẽ trong đức mến, đức tin, đức cậy, cũng như giúp chúng ta biết khóc lóc vì tội lỗi bản thân. Chúng ta cũng hãy nhìn vào Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó. Hãy khóc cùng Chúa Giêsu. Ơn an ủi của Thiên Chúa nâng linh hồn chúng ta hướng về những điều trên Trời, những điều thuộc về Thiên Chúa. Ơn an ủi của Thiên Chúa ấp ủ chúng ta trong bình an của Chúa. Tất cả những điều vừa kể là niềm an ủi đích thực. Tuy nhiên, ơn an ủi không phải là điều gì đó vui nhộn. Sự vui nhộn không có gì là xấu cả, nếu điều vui nhộn ấy là tốt đẹp, vì chúng ta đều là con người, và chúng ta cũng cần vui nhộn. Nhưng ơn an ủi ở đây thì khác điều gì đó vui nhộn, vì ơn an ủi được ban cho chúng ta, giúp chúng ta cảm thấy và nhận biết sự hiện diện của Chúa, giúp chúng ta khám phá ra rằng: Ðây chính là Chúa.

Để kết luận, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy cầu nguyện, hãy tạ ơn Chúa. Tạ ơn Chúa vì Chúa vượt xa ngàn trùng đến viếng thăm chúng ta, vì Chúa đã vác Thập Giá vì chúng ta. Tạ ơn vì Chúa giúp chúng ta tiến về phía trước trong hy vọng. Chúng ta cần gìn giữ ơn an ủi đã nhận được. Ơn ấy được ban trong giây phút nào đó, lúc mạnh lúc không, nhưng đều để lại dấu vết. Chúng ta hãy nhận biết ơn ấy và khắc ghi những dấu vết. Ghi tâm khắc cốt giống như dân Israel đã nhớ biến cố Thiên Chúa giải phóng họ. Chúng ta hãy đợi chờ ơn an ủi, nhận biết ơn an ủi và gìn giữ ơn an ủi. Ðiều gì còn lại sau những giây phút được an ủi mãnh liệt? Ðó là bình an. Cấp độ cao nhất của ơn an ủi chính là bình an.

6. Các thiên thần được sai đến đồng hành với chúng ta trong cuộc đời

Chúng ta và các thiên thần có cùng ơn gọi. Đó là cùng nhau cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Sáu 29 tháng 9 tại nhà nguyện Santa Marta, lễ kính ba Tổng lãnh thiên thần: Micae, Raphael, và Gabriel.

Các thiên thần luôn ở trước mặt Chúa, để phụng sự và ca khen Chúa. Các ngài luôn ngắm nhìn vinh quang Thiên Chúa. Các ngài là những bậc chiêm niệm vĩ đại. Các ngài ngắm nhìn Thiên Chúa. Các ngài sống trong phục vụ và chiêm niệm. Và Chúa cũng sai các ngài ra đi, để đồng hành với chúng ta trên mỏi nẻo đường đời.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Ba Tổng lãnh thiên thần: Micae, Gabriel, và Raphael có vai trò đặc biệt trong công trình Thiên Chúa cứu độ chúng ta. Tổng lãnh thiên thần Micae đã chiến thắng trong cuộc chiến với ma quỷ, đã chiến thắng con mãng xà, chiến thắng con rắn xưa. Ngài chiến thắng những tên cám dỗ trong cuộc sống. Có tên cám dỗ ví như con rắn xưa: một mặt nó cám dỗ bà Evà, mặt khác nó tố cáo và buộc tội.

Con rắn nói với bà Evà: Hãy ăn trái cây ấy, điều đó tốt mà, bà sẽ biết rất nhiều điều… Con rắn đã bắt đầu như thế. Nó dụ dỗ, quyến rũ chúng ta. Và khi chúng ta rơi vào cạm bẫy của nó, nó sẽ đi tố cáo và buộc tội chúng ta trước tòa Thiên Chúa. Nó sẽ nói về bạn trước mặt Chúa rằng: Đây là một kẻ tội lỗi, và kẻ ấy thuộc về tôi. Như thế, ma quỷ muốn dành quyền sở hữu trên bạn. Nó muốn cám dỗ bạn, muốn làm chủ bạn, muốn tước đoạt bạn, muốn tố cáo bạn. Trong hoàn cảnh ấy, thiên thần Micae bước vào cuộc chiến. Ngài giúp chúng ta chiến thắng tên cám dỗ. Ngài giúp chúng ta đi từ cuộc sống này lên thiên đàng. Ngài giúp chúng ta thoát khỏi cơn cám dỗ.

Như thế, Tổng lãnh thiên thần Micae có vai trò bảo vệ Giáo hội và bảo vệ từng người chúng ta. Còn với Tổng lãnh thiên thần Gabriel, ngài là vị đưa tin tốt lành. Ngài truyền tin cho Trinh nữ Maria, truyền tin cho ông Dacaria, truyền tin cho thánh Giuse. Sứ thần Gabriel đưa tin về ơn cứu độ mà Thiên Chúa muốn ban tặng cho con người. Thậm chí, sứ thần Gapriel luôn đồng hành và ở bên chúng ta trên từng bước đường đời. Ngài nhắc chúng ta, mỗi khi chúng ta quên Tin Mừng của Chúa Giêsu. Ngài nhắc chúng ta nhớ rằng: Chúa Giêsu đã đến ở cùng chúng ta để cứu độ chúng ta.

Vị thứ ba là sứ thần Raphael. Ngài cùng nhịp bước với chúng ta, giúp chúng ta trong hành trình cuộc sống, để nâng đỡ chúng ta. Chúng ta cần bàn hỏi với ngài, cần nhờ ngài trợ giúp, để chúng ta không bị quyến rũ mà đi sai đường lạc lối.

Như thế, ba thiên thần ấy là bạn đồng hành của chúng ta trong cuộc sống này. Hãy cầu nguyện với các vị bằng những lời nguyện đơn sơ. Lạy các tổng lãnh thiên thần, xin các ngài luôn đi cùng con và nâng đỡ con.

Lạy sứ thần Micae, xin hãy giúp con trong cuộc chiến đấu thiêng liêng. Để con biết nhận ra những vấn đề trong cuộc chiến thường ngày. Để con biết phân biệt đâu là vấn đề chính. Để con biết nhận ra dấu chỉ của ơn cứu độ. Để cùng với sự trợ giúp của ngài, con có thể chiến thắng. Lạy sứ thần Gabriel, xin mang đến cho chúng con tin vui, Tin Mừng của ơn cứu độ, rằng Chúa Giêsu ở cùng chúng con, rằng Chúa Giêsu cứu độ chúng con và ban cho chúng con niềm hy vọng. Lạy sứ thần Raphael, xin cầm tay dẫn lối con đi, xin giúp con trên từng bước đường đời, để con không lầm đường lạc lối, xin giữ gìn con.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN