Home / Chia Sẻ / SỬA LỖI CHO NHAU

SỬA LỖI CHO NHAU

ACon người luôn có lầm lỗi.  Ai nên khôn mà không dại một lần.  Và chắc chắn là không chỉ một lần mà rất nhiều lần trong cuộc đời.  Phạm lỗi cũng không dừng lại ở lứa tuổi nào mà ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể phạm lỗi.  Có điều là chẳng mấy ai trong chúng ta dám nhận mình có lỗi.  Chẳng mấy ai dám thú nhận về những lầm lỗi của bản thân.

Đó là điều mà chúng ta cần phải được người khác sửa lỗi.  Nếu không được người khác sửa sai thì mình sẽ không bao giờ đứng lên làm lại cuộc đời.  Một đứa bé để có thể nói đúng, nói không sai chính tả cần được cha mẹ sửa giọng nhiều lần mới có thể nói không bị ngọng.  Về nhân bản con người cũng phải được người khác dạy bảo, sửa lỗi thì mới hoàn thiện chính mình.

Như vậy, sửa lỗi là bổn phận của cha mẹ, của thầy cô, của bạn bè và nhận được sự chỉ dạy là của từng người chúng ta.  Nếu chúng ta không sửa lỗi cho anh em là chúng ta đang có lỗi với chính mình vì chúng ta chưa sống tròn bổn phận của mình với tha nhân.  Đôi khi còn bị người mà mình đã không dậy dỗ oán trách lại chúng ta.

Có một đứa trẻ từ nhỏ đã thích ăn trộm.  Một hôm, nó đi học về, trong cặp có thêm một chiếc bảng học sinh.  Mẹ nó hỏi:

– Sao con lại có tới hai chiếc bảng?

Đứa con đáp:

– Một cái là của bạn cùng lớp với con.  Con đã lén lấy cho vào cặp đấy.

Bà mẹ vui mừng nói:

– Con của mẹ thật thông minh.  Hai cái bảng chắc chắn là tốt hơn một cái rồi.

Ít lâu sau, đứa con lại mang về một cái áo da, trị giá 50 quan tiền.  Đứa con đưa chiếc áo da cho mẹ, mẹ nó khen:

– Con trai của mẹ thật là giỏi, biết hiếu thảo với mẹ.  Ra mẹ thơm một cái nào.

Đứa con trai ngày một lớn lên, càng ngày càng lấy trộm những thứ có giá trị hơn.  Hôm nay ăn trộm bò, ngày mai ăn trộm ngựa, ngày hôm sau trộm vàng bạc châu báu.  Bà mẹ luôn luôn khen ngợi con, trong nhà thiếu thứ gì, liền bảo với con trai để nó đi trộm về.

Có một lần, đứa con ăn trộm đồ bị người ta bắt quả tang, giải lên quan phủ.  Vì hắn trộm quá nhiều thứ nên bị phạt tội chết.  Tên trộm bị trói hai tay ra sau lưng, giải ra pháp trường.  Mẹ hắn đi theo sau, khóc lóc thảm thiết.  Tại pháp trường, tên trộm xin quan cho hắn được nói với mẹ vài lời.  Khi bà mẹ bước tới gần, hắn liền cắn mạnh vào tai mẹ.  Mẹ hắn đau quá kêu toáng lên, lớn tiếng mắng con:

– Mày thật là đồ bất hiếu, tự mình phạm tội chết còn chưa đủ hay sao mà còn muốn làm mẹ thành tật à?

Đứa con giận dữ nói với mẹ hắn:

– Lần đầu tiên tôi ăn trộm cái bảng về, nếu bà đánh tôi một trận và dạy bảo tôi thì tôi không đến nỗi như ngày hôm nay và đã không bị xử tội chết.

Hóa ra không dạy dỗ người khác có khi dẫn đến “gậy ông đập lưng ông.”  Dạy người khác sửa sai là giúp mình được sống bình an hạnh phúc.  Không dạy người khác sửa sai là mình đang “nuôi ong trong tay áo”, hậu quả sẽ là mình bị ong chích đầu tiên.  Thế nên, khi làm điều sai trái, dù là cái sai rất nhỏ, thì cũng phải kịp thời sửa chữa.  Nếu không, cứ để nó lớn dần lên thành cái sai nghiêm trọng thì có thể khiến mình phải hối hận cả đời.

Hôm nay Chúa nhắc chúng ta phải sửa lỗi cho nhau.  Sửa lỗi không phải chỉ trích.  Chỉ trích là công kích nhau, là rêu rao lỗi lầm của nhau.  Chỉ trích thường thiếu bác ái, thiếu tinh thần xây dựng cho nhau. Sửa lỗi đòi tế nhị, kín đáo, thông cảm với yếu đuối lỗi lầm của nhau.  Sửa lỗi là một bổn phận, là bác ái mà chúng ta phải thực thi cho tha nhân.  Sửa lỗi trái ngược với bỏ mặc, và thiếu trách nhiệm với tha nhân.  Trong tinh thần bác ái và yêu thương chúng ta phải có bổn phận sửa lỗi cho nhau.  Cha mẹ sửa lỗi cho con cái.  Vợ chồng sửa lỗi cho nhau.  Thầy cô sửa lỗi cho học trò.  Bạn bè sửa lỗi cho nhau.  Tất cả phải có bổn phận giúp nhau thăng tiến.  Không bỏ mặc nhau nhưng luôn dìu nhau tiến bước.

Sửa lỗi cho nhau không chỉ với tội lớn mà ngay cả tội nhỏ cũng cần được nhắc nhở, được giúp cải thiện.  Bởi vì “nhỏ ăn trộm dây cột bò, lớn sẽ ăn trộm cả con bò”.  Vì phạm tội sẽ thành thói quen.  Phạm tội một lần thì sợ hãi, nhưng nhiều lần thì lương tâm đã chai lì, đánh mất sự sợ hãi lo âu.

Chúa Giê-su dạy ta cách sửa lỗi tiệm tiến với tình yêu thật tế nhị.  Sửa lỗi cách kín đáo bằng lời chân tình góp ý thẳng ngay với nhau.  Nếu thất bại cần thêm lời của nhân chứng để người được sửa lỗi càng nhận biết lỗi lầm của mình hơn.  Nếu vẫn thất bại thì cần đến cộng đoàn để nhờ sức mạnh của cộng đoàn giúp kẻ có lỗi ăn năn sửa đổi.

Xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm sửa lại những lỗi lầm.  Biết bỏ đi tính tự ái, cố chấp để lắng nghe lời góp ý chân thành của tha nhân.  Xin đừng vì cố chấp mà trở thành kẻ ngang bướng làm hại đến cộng đoàn.  Amen.

Lm Giuse Tạ Duy Tuyền

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN