Home / Tiêu Điểm / Video: Giáo Hội Năm Châu 21/08/2017: Australia đòi phạt các linh mục không chịu vi phạm ấn tín giải tội

Video: Giáo Hội Năm Châu 21/08/2017: Australia đòi phạt các linh mục không chịu vi phạm ấn tín giải tội

1. Ủy ban Hoàng Gia Úc đòi trừng phạt các linh mục không chịu vi phạm ấn tín bí tích giải tội

Các linh mục không thông báo cho cảnh sát sau khi được biết về việc lạm dụng trẻ em trong tòa giải tội sẽ phải đối mặt với những cáo buộc hình sự, một Ủy ban Hoàng Gia Úc đã đề nghị như trên.

Ủy ban Hoàng gia về cơ chế phản ứng đối với nạn lạm dụng tình dục trẻ em đề nghị tất cả các tiểu bang và lãnh thổ trong cả nước nên đưa ra những luật trừng phạt các linh mục vì không chịu vi phạm ấn tích bí tích giải tội.

Ủy ban đã viết: “Quyền thực hành niềm tin tôn giáo phải đáp ứng nghĩa vụ của xã hội dân sự nhằm đảm bảo sự an toàn cho mọi người, đặc biệt là sự an toàn của trẻ em trước sự lạm dụng tình dục.”

“Các tổ chức nhắm chăm sóc và cung cấp dịch vụ cho trẻ em, kể cả các cơ sở tôn giáo, phải cung cấp một môi trường nơi trẻ em được an toàn khỏi lạm dụng tình dục. Báo cáo các thông tin liên quan đến việc lạm dụng tình dục trẻ em với cảnh sát là rất quan trọng để đảm bảo sự an toàn của trẻ em.”

Ủy ban Hoàng gia này biết thừa là Giáo Hội sẽ mạnh mẽ phản đối, vì Giáo Hội luôn luôn bảo vệ tính bí mật tuyệt đối trong tòa xưng tội. Tuy nhiên, họ đưa ra điều này với những hậu ý khác.

Theo giáo luật, các linh mục không bao giờ có thể vi phạm ấn tín tòa giải tội, ngay cả dưới sự đe dọa của cái chết. Bất kỳ linh mục nào phá vỡ ấn tín tòa giải tội đều tự động bị dứt phép thông công.

Đức Tổng Giám mục Denis Hart của tổng giáo phận Melbourne nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 14 tháng 8 rằng: “Tòa giải tội trong Giáo Hội Công Giáo là một cuộc gặp gỡ tinh thần với Thiên Chúa qua vị linh mục. Đó là một phần cơ bản của tự do tôn giáo, và nó được công nhận trong Luật của Úc và của nhiều nước khác. Điều này phải được duy trì tại nước Úc này.”

“Ngoài tòa giải tội, tất cả các hành vi phạm tội đối với trẻ em đều phải được báo cáo với chính quyền, và chúng tôi hoàn toàn cam kết làm như vậy.”

2. Trước các nguy cơ chiến tranh, Ðức Thánh Cha phó thác các dân tộc khổ đau cho Mẹ Maria Nữ Vương Hoà Bình.

Ðức Thánh Cha Phanxicô phó thác cho Mẹ Maria Nữ Vương Hoà Bình các dân tộc trên thế giới đang phải đau khổ vì các tai ương thiên nhiên, các cẳng thẳng xã hội hay các cuộc xung đột và ngài xin Mẹ an ủi và ban cho tất cả mọi người một tương lai thanh bình và hoà hợp.

Ðức Thánh Cha đã cầu nguyện như trên trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa 15 tháng 8 năm 2017 lễ trọng kính Ðức Mẹ hồn xác lên trởi. Quảng diễn bài Phúc Âm kể lại biến cố Ðức Mẹ đi thăm bà Elisabét, Ðức Thánh Cha nói: ơn cao trọng nhất mà Ðức Maria mang tới cho bà Elidabét và cho toàn thế giới là Chúa Giêsu, Ðấng đã sống trong Mẹ, và Ngài sống không phải chỉ vì lòng tin và sự chờ đợi, như nơi biết bao phụ nữ thời Thánh Kinh Cựu Ước: nhưng từ Ðức Trinh Nữ Ngài đã nhận lấy thịt xác loài người cho sứ mệnh cứu rỗi của Ngài.

Khi Mẹ Maria tới nhà hai ông bà Elidabét và Dacaria, niềm vui tràn bờ ở nơi trước kia ngự trị sự buồn sầu vì không có con. Giờ đây niềm vui nhảy mừng từ các con tim bởi vì sự hiện diện vô hình nhưng thực sự của Chúa Giêsu khiến cho mọi sự tràn ngập ý nghĩa: cuộc sống, gia đình, ơn cứu độ của dân. Niềm vui tràn đầy ấy được diễn tả ra trong bài thánh thi Magnificat của Mẹ. Ðó là một bài ca chúc tụng Thiên Chúa là Ðấng đã làm các việc trọng đại qua những người khiêm hạ, không được thế giới biết đến, như Mẹ Maria, như thánh Giuse và cả nơi các Ngài sống là Nagiarét. Chúa làm những việc trọng đại trong thế giới với những người khiêm hạ, bởi vì sự khiêm tốn như một khoảng trống dành cho Thiên Chúa…

Biến cố Chúa Giêsu đến trong căn nhà ấy qua Mẹ Maria đã không chỉ tạo ra một bầu khí tươi vui và hiệp thông huynh đệ, mà cũng tạo ra một bầu khí của niềm tin dẫn đưa tới niềm hy vọng, lời cầu nguyện và chúc tụng. Khi cử hành lễ Ðức Maria Rất Thánh hồn xác lên trời chúng ta muốn xin Mẹ, một lần nữa, đem đến cho chúng ta, cho các gia đình và cộng đoàn của chúng ta món qua vô biên, ơn duy nhất mà chúng ta phải luôn luôn xin trước hết và trên hết là Chúa Giêsu Kitô. Khi đem Chúa Giêsu đến cho chúng ta là Mẹ cũng mang đến cho chúng ta một niềm vui tràn đầy ý nghĩa, một khả năng mới băng qua những thời điểm đau khổ khó khăn; Mẹ đem tới cho chúng ta khả năng thương xót, để chúng ta tha thứ cho nhau, hiểu biết nhau và nâng đỡ nhau. Khi chiêm ngưỡng Mẹ Maria hồn xác lên trời, đạt điểm thành toàn lộ trình trần gian của Mẹ, chúng ta cảm tạ Mẹ là môn đệ đầu tiên đã đi trước chúng ta trong cuộc lữ hành của đời sống và niềm tin. Xin Mẹ giữ gìn và nâng đỡ chúng ta nên thánh để một ngày kia chúng ta được gặp Mẹ trên thiên đàng.

3. Chuẩn bị cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Colombia

Hôm Chúa Nhật 13 tháng 8, Hội Ðồng Giám Mục Colombia đã tổ chức một cuộc lạc quyên toàn quốc để tài trợ chi phí tổ chức cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha Phanxicô tại nước này từ ngày 6 đến 10 tháng 9 năm 2017.

Trong thông cáo, Hội Ðồng Giám Mục Colombia và ban tổ chức cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha giải thích rằng: “Mặc dù chính phủ quốc gia và các chính quyền địa phương trợ giúp việc tổ chức cuộc viếng thăm này, nhưng để đạt tới những chủ đích cơ bản của cuộc viếng thăm, Giáo Hội cần chu toàn trách nhiệm về mặt tinh thần và mục vụ, như tiếp đón Ðức Thánh Cha và phái đoàn tháp tùng, huấn luyện mục vụ cho các tín hữu trên toàn lãnh thổ quốc gia, các buổi cử hành phụng vụ, các cuộc gặp gỡ khác tại 4 thành phố nơi Ðức Thánh Cha dừng lại, thông tin cho dân chúng và truyền thông Giáo Hội.. Tuy phần lớn những ngừơi cộng tác với Giáo Hội trong việc chuẩn bị cuộc viếng thăm của Ðức Thánh Cha là những người thiện nguyện, nhưng vẫn có những phí tổn cần trang trải”. 

4. Trùng tu 4 thành phố tại Colombia cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha

Cuối tháng 7 vừa qua, Phó tổng thống Colombia, là Ông Oscar Naranjo, thông báo chính phủ nước này dành 28 tỷ đồng Pesos, tương đương với gần 8 triệu Euro, để giúp 4 thành phố đón tiếp Ðức Giáo Hoàng, tuy nhiên việc phân phối ngân khoản này phải được sự phê chuẩn của các cơ quan kiểm soát.

Một cuộc họp liên ngành được diễn ra vài ngày sau khi có quyết định trên đây của chính quyền trung ương Colombia để quyết định về việc sử dụng ngân khoản tài trợ.

Mặt khác, cũng cuối tháng 7 năm 2017, Hội Ðồng Giám Mục Colombia thông báo Tòa Thánh đã yêu cầu làm sao các phẩm phục phụng vụ Ðức Thánh Cha dùng trong cuộc viếng thăm phản ánh những sắc thái văn hóa bình dân, âm nhạc và màu sắc của các địa phương.

Cha Juan David Muriel Mejia, đặc trách về phụng vụ của Giáo Hội Colombia trong cuộc viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng cho biết các phẩm phục phụng vụ rất đặc sắc để làm nổi bật sự khác biệt và sự phong phú văn hóa của đất nước Colombia.

Các áo lễ đó được nhà vẽ kiểu Pilar và Mercedes Salazar Castano người Colombia sáng tác và được các thợ may địa phương thực hiện. Áo lễ sẽ được thay đổi mỗi ngày, theo các vùng được Ðức Thánh Cha viếng thăm. Ví dụ ngày 9 tháng 9 năm 2017, ngài sẽ ở thành phố Medellín, các áo lễ Ðức Giáo Hoàng mặc phản ánh các nhóm chủng tộc khác nhau trong vùng.

Sau cùng, Muriel Mejia giải thích rằng các mảnh áo lễ cũng nói lên những cơ cực, vui mừng và hy vọng của nhân dân Colombia.

5. Tranh cãi về tiền bạc dẫn đến cái chết của 79 trẻ sơ sinh tại Ấn Độ

“Giáo Hội Ấn độ thương khóc cái chết của các nạn nhân vô tội, cái chết của các trẻ em trong thảm kịch xảy ra tại bệnh viện Gorakhpur”. Ðó là những lời phân ưu chia buồn của Ðức Hồng Y Baselios Cleemis, chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn độ, thay mặt cộng đoàn Công Giáo Ấn độ, gửi đến gia đình của các nạn nhân trong thảm kich xảy ra tại bệnh viện Gorakhpur, một trong những bệnh viện lớn thuộc bang Uttar Pradesh.

Theo tin địa phương, số các nạn nhân tử vong có thể đã lên đến 79. Ðức Hồng Y gọi đây là một mất mát vô cùng lớn lao và ảnh hưởng đến toàn quốc gia. Ngài nói rằng chính quyền lẽ ra phải cung cấp các dịch vụ chăm sóc đầy đủ, và bây giờ phải có những hành động đúng đắn kịp thời.

Thảm kịch xảy ra trong những ngày vừa qua tại khoa nhi sơ sinh và thần kinh. Theo các điều tra viên, các công ty cung cấp các túi oxy đã ngừng phân phối cho bệnh viện do các khoản nợ chưa thanh toán. Giám đốc điều hành của công ty biện minh bằng cách tuyên bố đã thông tin đầy đủ cho ban quản trị bệnh viện.

Cái chết của các trẻ em hướng sự chú ý đến những thiếu sót nghiêm trọng của hệ thống y tế công cộng của Ấn Ðộ. Các chuyên gia trong nước cho rằng việc thay đổi trong chính phủ đã chỉ làm cho tình trạng khó khăn về nhân sự và vật tư thêm tệ hơn.

Ðức Hồng Y Cleemis nói: “Trong thời điểm vô cùng đau này, Giáo Hội cống hiến hỗ trợ cần thiêt cho gia đình các nạn nhân. Chúng tôi cầu nguyện xin Chúa ban cho họ sự an ủi.”

6. Pêru công bố Logo và khẩu hiệu cho chuyến tông du của Đức Thánh Cha

Trong buổi họp báo tại Roma vào chiều ngày 14 tháng 08 năm 2017, các Giám mục Pêru đã trình bày logo và khẩu hiêu cuộc viếng thăm Pêru từ ngày 18 đến 21 tháng 01 năm 2018 của Ðức Thánh Cha Phanxicô.

Logo và khẩu hiệu này đã được các Giám mục Pêru chọn trong khóa họp ngoại thường của Hội đồng Giám mục nước này, được tổ chức từ ngày 02 đến 04 tháng 08 năm 2017, để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm mục vụ của Ðức Thánh Cha Phanxicô.

Khẩu hiệu của chuyến viếng thăm là “Hiệp nhất bởi niềm hy vọng”. Logo có hình ảnh đôi bàn tay nắm một con chim bồ câu ngậm cành ô liu. Logo nói về niềm hy vọng với hình ảnh chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình và cành ô liu là biểu tượng của hy vọng. Logo có màu trắng và đỏ, là hai màu của lá cờ Pêru, và hai màu vàng và trắng, màu cờ của Tòa Thánh. Ðôi bàn tay là biểu tượng của sự hiệp nhất.

Logo không có hình ảnh của Ðức Thánh Cha nhưng có ý nghĩa biểu tượng. 

7. Các giáo phận tại Nhật cử hành 10 ngày cầu nguyện cho hoà bình

Cách đây 72 năm trong hai ngày mùng 6 và mùng 9 tháng 8 năm 1945 hai quả bom nguyên tử đầu tiên đã được thả trên hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bên Nhật Bản, khiến cho 200,000 người chết ngay tại chỗ và 150,000 người bị thương vì chất phóng xạ và chết dần chết mòn trong các năm sau đó kéo dài cho tới nay.

Trong sứ điệp phổ biến nhân “Mười ngày cho hoà bình”, từ mùng 6 tới 15 tháng 8 năm 2017 để tưởng niệm các nạn nhân của vũ khí nguyên tử Hội Ðồng Giám Mục Nhật Bản khẳng định rằng “Hoà bình không thể được xây dựng với sức mạnh quân sự. Vì thế chúng tôi kêu gọi chính quyền Nhật và mọi người thiện chí thực thi đối thoại chân thành và lâu bền để thiết lập hoà bình tại Á châu và trên thế giới, không đáp trả lại các đe dọa của các nước láng giềng hay của phong trào khủng bố phá hoại bằng quân sự. Chỉ qua bất bạo động và tình yêu thương mới vượt thắng được bạo lực. Giáo Hội ủng hộ quyền có một cuộc sống hoà bình, được bảo đảm bởi Hiến pháp Nhật đã có từ 70 năm qua”.

Giáo Hội Nhật Bản cũng nhắc tới kỷ niệm 500 năm phong trào Cải cách do Luther khởi xướng. Biến cố này sẽ được cử hành vào ngày 23 tháng 11 năm 2017 tại nhà thờ chính toà Urakami ở Nagasaki. Ðây cũng là nơi tổ chức diễn đàn đối thoại, do các Giám Mục Công Giáo và Luther cùng bảo trợ. Thông cáo do Ðức Cha Joseph Mitsuaki Takami, chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Nhật Bản ký tên, cũng cho biết: “Nagasaki đã sống kinh nghiệm Kitô giáo bị bách hại và thảm cảnh nguyên tử của thế kỷ XX. Sẽ không phải là điều tuyệt diệu hay sao, nếu giờ đây nó tiếp đón một cuộc gặp gỡ cầu nguyện và đối thoại giữa các kitô hữu, nó cũng cống hiến một mô thức hoà bình trên thế giới?”

8. Các Giám Mục Nhật âu lo về những luật vừa được Quốc Hội thông qua

Tuần qua, Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản đã đưa ra một thông cáo trình bày các quan tâm của các Giám Mục Nhật trước tình hình căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên và một số vấn đề liên quan đến xã hội Nhật.

Đặc biệt, các Giám Mục Nhật Bản cũng đề cập tới luật mới được Quốc Hội Nhật phê chuẩn liên quan tới phạt tội dự tính khủng bố phá hoại và các thứ tội phạm khác. Luật mới cho phép cảnh sát bắt giữ bất cứ ai bị tình nghi là đang chuẩn bị một vụ khủng bố phá hoại. Các Giám Mục viết: “Một luật như thế có nguy cơ dẫn tới một xã hội bị kiểm soát và hạn chế các quyền của công dân. Nhưng trong quá khứ khi quyền bính của chính phủ đã vi phạm sự tự do ngôn luận, tự do tư tưởng và tự do tôn giáo, Nhật Bản đã đi tới chiến tranh. Chúng ta có bổn phận phải để lại cho con cháu chúng ta một xã hội, trong đó các quyền nền tảng con người, bao gồm cả quyền tự do tín ngưỡng và nhân phẩm, được tuyệt đối tôn trọng, không đi tới chiến tranh”

Tiếp tục thông cao các Giám Mục nhấn mạnh rằng: “Nạn khủng bố phá hoại thường xuyên xảy ra tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới này. Nhưng bởi vì các quốc gia dành ưu tiên cho các lợi lộc riêng tư, cho nên mối âu lo đó là việc các nước không cộng tác để giải quyết các vấn đề toàn cầu, như số người di cư tỵ nạn gia tăng, nạn buôn người lan tràn, các lạm dụng khai thác và tàn phá thụ tạo, với các hậu quả nghiêm trọng cho các giai tầng yếu kém nhất như trẻ em, phụ nữ và người già”. Kết thúc thông cáo, các Giám Mục Nhật Bản mời gọi mọi người tha thiết cầu nguyện và hoạt động cho một xã hội hoà bình và công bằng hơn

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN