Home / Tiêu Điểm / Video: Giáo Hội Năm Châu 14/08/2017: Miến Điện trông đợi chuyến tông du của Đức Thánh Cha

Video: Giáo Hội Năm Châu 14/08/2017: Miến Điện trông đợi chuyến tông du của Đức Thánh Cha

1. Nicolás Maduro quay 179 độ với Tòa Thánh

Hôm thứ Sáu, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã lên tiếng kêu gọi Venezuela đình chỉ việc triệu tập Quốc Hội Lập Hiến nhằm viết lại hiến pháp quốc gia. Phản ứng lại lời kêu gọi này Nicolás Maduro, nói Vatican đã chiều theo bạo lực “chống lại cách mạng Bolivaria, chính phủ hợp pháp của Venezuela và toàn dân Venezuela nói chung.”

Đây là lần đầu tiên Nicolás Maduro công khai bày tỏ thái độ bất mãn với Tòa Thánh.

Nói với đài phát thanh Á Căn Đình, Maduro nói “Tôi nghĩ rằng quan điểm của Đức Hồng Y Pietro Parolin về đất nước tôi thật là đáng tiếc.”

Maduro cho rằng vị Hồng Y cánh tay phải của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chiều theo bạo lực “chống lại cách mạng Bolivaria, chính phủ hợp pháp của Venezuela và toàn dân Venezuela nói chung.”

Y tố cáo hàng giáo phẩm tại Venezuela là “có truyền thống liên minh với những nhóm quyền thế, và đã phá hoại đất nước này gần một thế kỷ”. Maduro đã nói như trên với đài phát thanh Rebelde của Buenos Aires. Đây là một đài phát thanh ít được người ta biết đến.

Các giám mục Venezuela đã công khai phản đối việc thành lập Quốc Hội Lập Hiến. Các ngài coi đó là một hành động “bất hợp pháp và không hợp lệ” chống lại lợi ích cao nhất của nhân dân Venezuela.

Trước thông báo của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào hôm thứ Sáu tuần qua, Vatican luôn cố giữ một thái độ quân bình đối với tình hình tại Venezuela; trong khi các Giám Mục nước này tỏ ra thẳng thắn và quyết liệt hơn đối với chế độ phản dân hại nước của Maduro. Chế độ Maduro khai thác triệt để sự khác biệt này nhằm cáo buộc hàng giáo phẩm Venezuela là quá khích. Giờ đây, tuy công khai bày tỏ bày tỏ thái độ bất mãn với Tòa Thánh, Maduro cũng chỉ mới quay 179 độ, vẫn còn dành lại 1 độ cho Đức Giáo Hoàng. 

Thật vậy, sau khi công kích Đức Hồng Y Pietro Parolin, Maduro nói thêm rằng “có một điều này, đó là, chúng tôi, những người Công Giáo, những người dân của Chúa Kitô; phân biệt một bên là Đức Thánh Cha Phanxicô như là người bảo vệ cho các dân tộc với sự khiêm tốn của ngài, và một bên hoàn toàn khác là hệ thống quan liêu của ngành ngoại giao Tòa Thánh”

2. Tổng Giám Mục Tô Cách Lan dự đoán Giáo Hội tại Mỹ sẽ vấp phải nhiều chống đối

Phát biểu trong cuộc họp với các linh mục trong tổng giáo phận Philadelphia, Đức Tổng Giám Mục Philip Tartaglia Glasgow, Tô Cách Lan, nói người Công Giáo Mỹ nên học hỏi từ những vấn đề Giáo Hội đã phải đối mặt tại Vương quốc Anh.

Tổng giám mục người Scotland dự đoán rằng “một số phiên bản của những vấn đề chúng tôi phải đối mặt hiện nay ở Scotland không sớm thì muộn anh em sẽ phải đối mặt trong tương lai. Đặc biệt, tôi muốn cảnh báo về sự gia tăng lòng thù hận đức tin”.

Đức Tổng Giám Mục Tartaglia cho biết người Công Giáo đang là nhóm tôn giáo hoạt động mạnh nhất ở Scotland, vì Giáo Hội Tin Lành đang ngày càng thu hẹp dần. Do đó, Giáo Hội Công Giáo trở thành người đại diện chính của Kitô giáo và là mục tiêu chính cho những kẻ chống đối đức tin Kitô giáo. Đức Tổng Giám Mục nhận xét rằng toàn cầu hóa đang làm cho những vấn đề Giáo Hội phải đối diện ở một địa phương có nhiều khả năng trở thành những vấn đề toàn cầu.

3. Các nhà lãnh đạo tôn giáo Hàn Quốc kêu gọi hòa bình

Trước các căng thẳng chính trị trên bán đảo Triều Tiên, hôm thứ Ba 8 tháng 8, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã tổ chức một buổi lễ liên tôn ở Seongju để đánh dấu sự kết thúc chiến tranh Triều Tiên và để cầu nguyện cho hòa bình.

“Bán đảo Triều Tiên là một thùng thuốc súng đã sẵn sàng phát nổ để gây ra những cuộc chiến tranh khác”. Đức Cha Hyginus Kim Hee-joong, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hàn Quốc cảnh báo. Ngài lưu ý rằng Chiến tranh Triều Tiên đã được kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn chứ không phải một hiệp ước hòa bình, ngài nói rằng nguy cơ chiến tranh vẫn còn đó và một cuộc xung đột quy mô sẽ “làm sụp đổ toàn bộ Đông Bắc Á.”

Các giám mục Hàn Quốc để phản đối việc triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa đang được Hoa Kỳ lắp đặt nhằm bảo vệ quốc gia này chống lại một cuộc tấn công từ Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. 

Các vị nói trong bản tuyên bố đưa ra hôm 8 tháng 8 rằng:

“Thật là ảo tưởng khi kiến tạo hòa bình bằng vũ khí”.

4. Phản ứng của Tòa Thánh về vụ thảm sát tại một nhà thờ Công Giáo tại Nigeria

Các tay súng đã xông vào một nhà thờ Công Giáo ở bang Ekwusigo, Nigeria hôm Chúa Nhật 6 Tháng Tám, giết chết mười một người và ít nhất làm nhiều người khác bị thương.

Đó là những con số do cảnh sát đưa ra. Tuy nhiên, các nhân chứng tại chỗ cho biết con số thương vong còn cao hơn nhiều. Giáo xứ thánh Philip, nơi xảy ra vụ thảm sát, cho biết có tới 35 người đã bị thiệt mạng.

Thanh tra cảnh sát Garba Umar cho rằng vụ nổ súng này có liên quan đến các băng đảng buôn bán ma túy trong khu vực. Trong khi đó, cha Hygi Aghaulor, là giám đốc truyền thông của giáo phận Nnewi từ chối bình luận về nguyên nhân vụ tấn công. Ngài cho biết giáo phận đang cầu nguyện cho các nạn nhân. Nhiều người cho rằng vụ tấn công có thể là do các thành phần cực đoan Hồi Giáo gây ra.

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gửi một bức điện chia buồn nhân danh Đức Giáo Hoàng đến Đức Giám Mục Hilary Paul Odili Okeke của giáo phận Nnewi, Nigeria, sau vụ tấn công vào nhà thờ Thánh Philip tại Ozubulu.

Trong điện thư, được gửi một ngày sau vụ tấn công, Đức Hồng Y cho biết Đức Thánh Cha đã “vô cùng đau buồn trước sự thiệt mạng và bị thương của nhiều người sau vụ tấn công bạo lực” và “gởi lời chia buồn chân thành đến tất cả các tín hữu của Giáo Phận Nnewi, đặc biệt là gia đình của những người quá cố và tất cả những ai chịu ảnh hưởng bởi thảm kịch này.”

Đức Hồng Y viết thêm: “Đức Thánh Cha khấn xin phép lành của Thiên Chúa ban ơn an ủi và sức mạnh cho toàn thể giáo phận”.

5. Giám mục Chính thống giáo phản đối việc phát mãi các bất động sản tại Jerusalem cho người định cư Do Thái

Một giám mục Chính thống giáo ở Jerusalem đã lên tiếng phản đối một quyết định của tòa án Israel cho phép người định cư Do Thái được mua các bất động sản gần nhà thờ Mộ Thánh.

Đức Tổng Giám Mục Atallah Hanna nói rằng các bất động sản, bao quanh tu viện ở thành phố cổ Jerusalem “được xây dựng bởi các giám mục, linh mục và các tu sĩ,” và hình thành “một phần của di sản của Jerusalem về văn hóa, tinh thần và bản sắc dân tộc. Những người Do Thái định mua các tài sản này không đại diện cho Giáo Hội Ả Rập của chúng tôi, và không nên được đồng hóa với người Chính Thống Giáo”.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng việc phát mãi các tài sản thuộc sở hữu của các tín hữu Chính Thống là nhằm loại bỏ sự hiện diện của Kitô giáo ở Jerusalem.

6. Đức Giáo Hoàng có thể sẽ đến thăm Miến Điện vào tháng 11

Nguồn tin của Giáo Hội Công Giáo Miến Điện cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ viếng thăm Miến Điện vào tháng 11 năm nay.

Trong mấy tháng qua, Tòa Thánh đã thông báo về viễn cảnh một chuyến đi của Đức Giáo Hoàng đến các quốc gia châu Á như Ấn Độ và Bangladesh. Đầu tuần này, Giáo Hội địa phương cho biết Tổng thống Htin Kyaw đã mời Đức Thánh Cha sang thăm Miến Điện, một quốc gia đang thay đổi dần sau những năm dưới sự cai trị của quân đội. Miến Điện và Vatican đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau vào tháng Năm vừa qua.

Nếu chuyến viếng thăm này được thực hiện thì đó sẽ là chuyến đi đầu tiên của một vị Giáo Hoàng đến Miến Điện. Chắc chắn là các nhà lãnh đạo Phật giáo trong cả nước sẽ phản đối chuyến viếng thăm này của Đức Giáo Hoàng. Giới lãnh đạo Phật giáo tại đây đã tỏ ra tức giận sau khi Tòa Thánh kêu gọi sự chú ý đến một chiến dịch bạo lực chống lại nhóm dân tộc thiểu số Hồi giáo Rohingya.

Đức Cha Raymond Sumlut Gam của giáo phận Banmaw nói với UCANews rằng các giám mục nước này đã từng mời Đức Giáo Hoàng đến thăm Miến Điện vào năm 2014. Ngài nói rằng “giờ đây tôi thấy một chuyến tông du như thế là hoàn toàn có khả năng xảy ra.”

Vatican chưa đưa ra lời bình luận nào về diễn biến này.

7. Vatican bổ nhiệm Sứ thần Tòa Thánh đầu tiên tại Myanmar – Miến Điện

Chính phủ Miến Điện vừa chấp thuận việc Vatican bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Paul Tschang In-Nam làm Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Liên bang Miến Điện.

Thỏa thuận này là kết quả của việc Miến Điện và Vatican thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ ngay sau cuộc hội kiến giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Bà Aung San Suu Kyi – Cố vấn quốc gia Miến Điện tại Vatican vào hôm 4 tháng 5 vừa qua.

Sau chuyến viếng thăm đó, Vatican tuyên bố rằng Đức Thánh Cha sẽ bổ nhiệm một sứ thần tới Miến Điện và sẽ nhận một đại sứ từ quốc gia Đông Nam Á này.

Đức Tổng Giám mục Tschang sinh ngày 30 tháng 10 năm 1949 tại Seoul (Nam Hàn), được thụ phong linh mục năm 1976 và được tấn phong giám mục năm 2003 tại Rôma.

Ngài gia nhập ngành ngoại giao Tòa Thánh vào năm 1985 và từng phục vụ trong các Tòa Sứ thần tại El Salvador, Ethiopia, Syria, Pháp, Hy Lạp và Bỉ với nhiều chức vụ khác nhau cho đến năm 2002.

Ngài làm Sứ thần tại Bangladesh từ năm 2003-2007 và Uganda từ năm 2007-2012. Từ năm 2012 cho đến nay, ngài làm Sứ thần tại Thái Lan và Campuchia, kiêm Khâm sứ tại Miến Điện và Lào.

Công Giáo là tôn giáo thiểu số ở Miến Điện trong tổng số dân 51 triệu người mà phần lớn Phật giáo. Có khoảng 700.000 người Công Giáo do 16 giám mục, hơn 700 linh mục và 2.200 tu sĩ phục vụ tại nước này.

Đức Tổng Giám Mục Tschang được cử làm Sứ thần Tòa Thánh tại Miến Điện nhưng Tòa Sứ Thần vẫn đặt tại Bangkok, Thái Lan.

8. Những hoạt động mừng 100 năm ngày sinh Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero

Nhiều người El Salvador đã tham dự cuộc đi bộ 150 cây số trong 3 ngày để kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của Chân phước Tổng Giám Mục Oscar Romero.

Đức Cha Oscar Romero, nguyên là Tổng Giám Mục giáo phận thủ đô San Salvador, nổi tiếng về các hoạt động bênh vực người nghèo và nhân quyền, bị đội quân tử thần của nhóm cực hữu sát hại ngày 24 tháng 3 năm 1980 trong lúc cử hành thánh lễ tại nguyện đường một nhà thương ở ngoại ô San Salvador. Ngài được tuyên chân phước ngày 23 tháng 5 năm 2015 tại thủ đô San Salvador trước sự tham dự của 250 ngàn tín hữu.

Các tham dự viên cuộc đi bộ tưởng niệm sắp tới sẽ khởi hành từ Nhà thờ chính tòa San Salvador ngày thứ sáu 11-8-2017 và sẽ đến thành phố Barrios ngày 13-8, nơi chân phước Oscar Romero sinh ra ngày 15-8 năm 1917.

Cuộc hành hương có chủ đề là “Tiến bước đến nơi sinh của vị ngôn sứ”, và sẽ tiến qua 4 giáo phận là San Salvador, San Vicente, Santiago de Maria và San Miguel.

Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhật của Đức TGM Romero sẽ được Đức Hồng Y Ricardo Ezzati, người Chile, Đặc Sứ của Đức Thánh Cha, chủ tế tại Nhà Thờ Chính Tòa San Salvador.

Nhiều thánh lễ khác cũng sẽ được cử hành tại một số nơi ở El Salvador như thánh lễ ngày 12-8 tại giáo phận Santa Ana, do Đức TGM Leon Kalenga Badikebele, Sứ thần Tòa Thánh tại Congo, và Đức Hồng Y Gregorio Rosa Chavez, người cộng tác thân tín của Chân phước Romero sẽ trình bày về cuộc sống và sự nghiệp của thánh nhân

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

25-11-2024 9-59-18 PM

Lời Chúa – Thứ Ba Tuần XXXIV Mùa Thường Niên 26/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN