Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, NĂM A, CỦA TU SĨ JOS. VINC. NGỌC BIỂN, SSP

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU, NĂM A, CỦA TU SĨ JOS. VINC. NGỌC BIỂN, SSP

 

TRÁI TIM ĐẦY LÒNG XÓT THƯƠNG

 (Ðnl 7, 6-11; 1 Ga 4, 7-16; Mt 11, 25-30)

TTCGSNếu chọn một biểu tượng để diễn tả tình yêu, hẳn nhiều người sẽ chọn biểu tượng trái tim. Vì thế, khi yêu ai, người ta thường tặng cho nhau những hiện vật mang biểu tượng của trái tim, điều đó ngụ ý nói rằng: nếu trái tim là một cơ phận quan trọng trong toàn bộ sự sống của con người, vì nơi trái tim có chức năng sản sinh ra máu để nuôi các cơ phận khác, thì khi trao tặng biểu tượng trái tim, ấy là tôi có ý trao tặng cho bạn cả sự sống của tôi.

Hôm nay, Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, một trái tim con người của Đấng là Con Thiên Chúa, qua đó, Giáo Hội mời gọi con cái mình hướng về Thánh Tâm Chúa Giêsu, để chiêm ngưỡng dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đồng thời, hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi nhìn ra thế giới để thấy được thực trạng vô cảm đáng báo động của nhân loại hiện nay, từ đó, người Kitô hữu sẽ trở nên chứng nhân của trái Tim nhân hậu Chúa Giêsu trong thế giới hôm nay.

  1. Thế giới đang mất dần lòng thương xót

Các nhà khoa học hiện nay rất tự hào về những phát minh khoa học của mình. Người ta đã sáng chế thành công những chú Rôbốt trông rất đẹp và hấp dẫn về nhiều mặt. Nó có thể thay con người để làm một số thứ mà trước kia thuộc về khả năng của con người.

Thế nhưng, mặt trái của những chú Rôbốt này đang khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng và khiếp đảm, bởi vì nó có thể bóp chết ngay cả người làm ra nó nếu vận hành sai quy trình. Nó hoàn toàn vô cảm bởi vì con chíp cảm xúc của những chú Rôbốt này chưa ai phát minh ra được. Đây chính là nguyên nhân khiến cho người ta sợ hãi những chú Rôbốt vô hồn.

Cũng thế, con người ngày nay đang bị cuốn hút vào lối sống hưởng thụ và tự do, từ đó dẫn đến việc người ta ưa lối sống hạt nhân hơn là tập thể. Chính vì vậy, thái độ vô hồn, vô cảm là điều đang rất thịnh hành trong xã hội hôm nay. Nhưng có ai ngờ rằng đây chính là căn bệnh quái ác đang ngày đêm giết chết cảm xúc của con người, khiến trái tim họ không còn rung động trước nỗi khổ đau của anh chị em đồng loại.

Vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy rất nhiều cảnh tượng chém giết lẫn nhau nơi giới trẻ ngày nay, mà đối tượng để chúng hành hung chính là những người ruột thịt hay bạn bè thân thiết của mình. Người ta cũng chẳng quan tâm đủ đến những người cùng khổ, đói rách, bần hàn, nên vẫn sẵn sàng cướp đi miếng cơm manh áo của bà con đồng bào lũ lụt Miền Trung đang ngày đêm oằn mình đối chọi với cái rét và cái đói mỗi khi mùa lũ về.

Vô cảm rất nguy hiểm, bởi lẽ nó có thể làm cho con người mất đi sự nhạy bén với nhau, nó trở nên lạnh lùng và nhất là đánh mất giá trị lương tâm. Khiến con người dần dần trở thành “thú” hơn là “người”.

Ôi một sự băng giá tràn ngập trong những trái tim vô cảm. Đại văn hào Nga, Marsin Gorky đã từng nói: “Nơi lạnh nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”.

Nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự vô cảm, dửng dưng này chính là con người đã không cảm nghiệm được lòng thương xót, nhân hậu của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình, từ đó, họ cũng không biết xót thương ai…

  1. Trái Tim Chúa Giêsu – một trái tim đầy nhân hậu

Vì thế, mỗi khi mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Giáo Hội khao khát con cái của mình hãy có lòng thương xót như Thiên Chúa được cụ thể hóa qua cuộc đời của Chúa Giêsu.

Thật vậy, Trái tim của Chúa Giêsu đã không dửng dưng đối với những người đang khao khát Lời Chân Lý, thế nên, Ngài đã lên tiếng giảng dạy họ (x. Mt 5, 1-12). Ngài cũng không thể không rung động trước sự đói khát của đám dân bần hàn, nên đã hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng (x. Mc 8,1-10). Ngài cũng không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước cảnh đám đông đem chôn một người con trai duy nhất của bà hóa thành Naim, vì thế, Ngài đã cho anh ta sống lại (x. Lc 7,11-17). Ngài cũng đã rơi lệ khi thấy Mátta và Maria khóc thương Lazarô chết (x Ga 11,1-45).

Hơn nữa, trái tim của Chúa Giêsu luôn hướng tới những người tội lỗi để xót thương họ. Điều này đã được chính Chúa Giêsu minh định: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17). Thế nên, chúng ta không lạ gì khi Chúa Giêsu thể hiện hành động cảm thông cho người phụ nữ ngoại tình và nói: “Tôi không kết án chị đâu” . Ngài muốn cho chị có cơ hội làm lại cuộc đời “chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa” (x. Ga 8,11). Hay với  Giakêu và Mátthêu, hai ông bị liệt vào tội bán nước hại dân ngang hang với giá điếm, ấy vậy mà trái tim của Ngài đã đoái thương, nên đã chọn và gọi họ làm môn đệ.

Tình thương ấy còn được biểu lộ qua ánh mắt đầy nhân từ dành cho Phêrô sau khi ông chối Chúa và người trộm lành sau khi đã thống hối ăn năn.

Đỉnh cao của trái tim nhân hậu ấy chính là sự độ lượng đến nỗi sẵn sàng tha cho kẻ làm hại mình: “Lạy Cha xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).

Tắt một lời: vì yêu nên Chúa Giêsu: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế”(x. Cv 10,38). Và cuối cùng là chết cho người mình yêu (Ga 15, 13). Ngày cả giọt nước và máu cuối cùng cũng được trao ban khi lưỡi đòng đâm cạnh nương long của Ngài trúng trái tim (x. Ga 19, 31-37).

  1. Hãy xót thương như Trái Tim Chúa Giêsu

Giờ đây, hơn lúc nào hết, lời mời gọi của Chúa Giêsu lại vang lên rành rọt bên tai mỗi người chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương an hem” (Ga 15, 12). Thật vậy, chúng ta chỉ có thể trở nên bạn hữu của Chúa  nếu chúng ta yêu thương nhau cách chân thành.

Chúng ta không thể sống như những cỗ máy vô tri. Không thể sống theo chế độ hạt nhân. Cũng thế, là người con Chúa, chúng ta không chấp nhận một người vô cảm, dửng dưng với những anh chị em đau khổ xung quanh. Chúng ta cũng không chấp nhận một người chỉ nói về tình thương mà không sống yêu thương, nhưng : “Hãy yêu rồi làm” (thánh Augustinô) là tiêu chí của người Kitô hữu mọi thời. Lời của thánh Têrêxa Calcutta nói với các nữ tu của ngài làm cho chúng ta không thể không suy nghĩ: “Chúng con đã được rước Chúa trong Thánh Thể, bây giờ hãy đi sờ đụng Chúa trong người nghèo”.

Một người môn đệ của Thánh Tâm Chúa Giêsu không thể đứng chỉ tay năm ngón, hay dửng dưng không can hệ đến nỗi đau khổ của con người, hoặc coi thường khinh bỉ những người tội lỗi. Không bao giờ chúng ta được phép tự cho mình có những hành vi ấy, mà ngược lại, phải hiểu rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những người đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu tư và lo âu của cộng đồng môn đệ Đức Kitô” (Gaudium Et Spes, số 1).

Mong sao mỗi khi mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta hãy học nơi Chúa vì Chúa Hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Hãy noi gương Chúa để sống sự liên đới với hết mọi người. Amen.

TU SĨ JOS. VINC. NGỌC BIỂN, SSP

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN