Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Lễ Mình Máu Chúa Kitô, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Lễ Mình Máu Chúa Kitô, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

LỄ MÌNH MÁU CHÚA KITÔ

(Đnl 8, 2-3.14a-16a; 1Cr 10, 16-17; Ga 6, 51-58)

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” 

Tin mừng Gioan 6, 51-58:

h1Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng dân Do Thái rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh Tôi sẽ ban tặng, chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống”.

Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Đức Giêsu nói với họ: “Thật, Tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt Tôi thật là của ăn, và máu Tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”.

Suy niệm:

Phụng vụ lời Chúa hôm nay hướng chúng ta về Bí tích Thánh Thể. Bài đọc I, sách Đệ Nhị Luật thuật lại sự việc Thiên Chúa nuôi dân Do Thái trong sa mạc bằng Manna bởi trời và nước từ tảng đá chảy ra, Manna là hình bóng chỉ Bí tích Thánh Thể. Bài đọc II, thánh Phaolô nhắc tín hữu Côrintô ý thức rằng họ cùng ăn một bánh và cùng uống một chén, lãnh nhận Thánh Thể, thì phải đoàn kết yêu thương nhau.

Bài Tin mừng ghi lại bài diễn văn về bánh hằng sống của Chúa Giêsu tại hội đường Caphanaum, sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi 5.000 người trong sa mạc. Chính Chúa Giêsu, từ bánh nuôi thể xác, Ngài hướng mọi người đến một thứ lương thực cao quý hơn, đó chính là Mình và Máu Ngài, là Thánh Thể.

“Tôi là bánh trường sinh… Bánh Tôi sẽ ban chính là thịt Tôi để cho thế gian được sống.. Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi sẽ được sống muôn đời”.

Đức Giêsu vì yêu thương nhân loại, đã thiết lập bí tích Thánh Thể vào Thứ Năm Tuần Thánh trước khi Ngài hy sinh hiến thân trên thập giá để cứu độ muôn người.

Sách Giáo lý Công giáo số 1323 dạy về bí tích Thánh Thể: “Đang khi ăn bữa tiệc ly, trong đêm Người bị nộp. Đấng Cứu Độ chúng ta đã thiết lập hy lễ Thánh Thể bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó hy tế thập giá trương tồn qua các thời đại cho tới khi Người đến. Và Chúa Giêsu đã ủy thác cho Hội Thánh việc tưởng nhớ sự chết và sống lại của Người”.

Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch, tột đỉnh của đời sống Giáo hội, của đời sống Kitô giáo, bởi vì tất cả các bí tích đều quy về bí tích Thánh Thể chứa đựng toàn bộ của cải thiêng liêng của Giáo hội và chính Đức Giêsu Kitô.

Các thánh Giáo phụ dạy rằng Bí tích Thánh Thể là bản toát yếu, bản tổng luận của đức tin chúng ta; ai hiểu biết bí tích Thánh Thể là hiểu biết tất cả giáo lý đạo Công Giáo. Ai sống bí tích Thánh Thể là sống tất cả giáo lý của đạo, bởi vì bí tích Thánh Thể là mầu nhiệm của tình thương, đạo Công Giáo là đạo bác ái, đạo tình yêu.

Bí tích Thánh Thể là bí tích tình yêu: Đức Giêsu trong bí tích Thánh Thể người trở nên một với con người, Ngài trở nên thần lương nuôi sống chúng ta để chúng ta được sống muôn đời, Ngài bảo đảm cho ta được sự sống đời đời “Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời”.

Vậy sống bí tích Thánh Thể là phải trở nên tấm bánh cho mọi người như Chúa Giêsu, nghĩa là phục vụ anh em trong yêu thương: cha mẹ trở nên tấm bánh cho con cái, hết tình phục vụ, yêu thương và làm cho con cái được những điều may lành. Con cái yêu thương giúp đỡ cha mẹ. Vợ chồng yêu thương phục vụ nhau. Trong đời sống xã hội, người Kitô hữu phải trở nên tấm bánh cho anh em, cho mọi người, nghĩa là biết hy sinh, giúp đỡ, chia sẻ, thông cảm với anh em, nhất là những anh em đang đau khổ, nghèo đói, bệnh tật.

Hãy siêng năng tham dự thánh lễ, nhất là thánh lễ Chúa nhật, đừng bao giò bỏ lễ Chúa nhật khi không có lý do chính đáng. Trong thánh lễ, chúng ta được nuôi dưỡng bằng hai của ăn thiêng là lời Chúa và Thánh Thể. Về đời sống thể xác, con người cần phải ăn uống, cần thực phẩm mới sống. Đời sống thiêng liêng cũng vậy, cần được nuôi dưỡng bằng lời Chúa và Thánh Thể, chính là lương thần nuôi dưỡng chúng ta, bảo đảm sự sống đời đời.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …