Home / Chia Sẻ / NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (P.7)

NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG (P.7)

IV. NGƯỜI CON HOANG ĐÀNG TRONG CHIỀU KÍCH TRUYỀN GIÁO
+ Đọc lại đoạn Tin Mừng nói về người con thứ.
Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca
Một người kia có hai con trai.
Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó, anh sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch,
thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp.
Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.
Bấy giờ anh hồi tâm và tự nhủ: Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ”Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha thôi.” Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
Anh ta còn ở đang xa, thì người cha đã trông thấy.

Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để.

Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…”
Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: ”Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, và bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
Và họ bắt đầu ăn mừng.
+ Sau buổi tiệc hôm đó, cuộc sống của người con thứ sẽ ra sao?
Phải chăng lại âm thầm tiếp tục như những ngày tháng trước khi bỏ nhà ra đi?
Phải chăng câu chuyện dừng lại ở đây?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy đọc lại quyết tâm của cậu ta:
“Thôi ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người :
“Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng được gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha thôi”
Một lời cầu xin ân huệ và cũng là một quyết tâm:
“Xin coi con như một người làm công cho cha thôi”.
Trở về và được phục vụ cha như một người làm công, được như thế cũng là mãn nguyện rồi.
Thế là từ nay các quyền lợi, các ưu đãi dành cho một người con trong nhà, anh không dám nghĩ tới nữa. Giờ đây chỉ còn một việc phải làm là phục vụ và phục vụ hết mình.
Quyết tâm này không những làm người cha xúc động, mà nó còn mang một ý nghĩa vô cùng lớn đối với những người làm công.
Với bao chua cay đau xót,
với bao tủi hổ ê chề, khi phải đi chăn heo cho người ngoại bang,
nhờ đó mà giờ đây anh có một cái nhìn khác về cuộc sống.
Nơi nhà cha cậu,
cậu luôn sát cánh bên cạnh những người làm công.
Cậu ân cần thăm hỏi từng người một.
Cậu đồng cảm với những hành vi, trong mỗi cái nhìn, cũng như những phản ứng của những người làm công.
Nhất là cậu giúp những người làm công tìm được một ý nghĩa, một niềm vui trong cuộc sống.
Cuối năm đó tính sổ lại, người cha vô cùng ngạc nhiên,
tại sao cũng một thời gian như nhau,
với một số người làm công như nhau, mà hoa lợi lại tăng nhiều như vậy.
Người cha khám phá ra rằng: chính là do cậu chủ.
Cậu chủ thương mến những người làm công,
Và những người làm công thương mến cậu chủ.
Trước đây, khi làm việc,
những người làm công chỉ mong cho mau hết ngày để tính công,
nhưng giờ đây, họ cố làm cho hết việc chớ không phải hết giờ.
Và với số hoa lợi bỗng nhiên dư ra như vậy,
ông chủ lại chia sẻ cho những người làm công.
Được quan tâm,
được nâng đỡ, những người làm công lại mến chủ hơn.
Càng mến chủ, họ lại càng làm việc tích cực hơn,
và cứ như thế, ông chủ càng ngày càng vui hơn.
Vui hơn không phải vì tài sản càng ngày càng lớn hơn,
nhưng vui hơn, vì giờ đây,
nhờ chính đứa con đi hoang trở về,
anh đã cảm hóa, anh đã biến đổi
những người làm công trở thành những người con thực sự trong gia đình của người cha.
Đây mới là điểm dừng của dụ ngôn “người con hoang đàng”.

Lm.Giuse Đỗ Văn Thụy

HỘI THỪA SAI VIỆT NAM

 

Xem thêm

T2Tuan34TNB

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXIV Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  TOẢ SÁNG “Bà này túng thiếu, lại còn bỏ vào đó tất cả những …