CHÚA THÁNH THẦN, NGÔN NGỮ CỦA TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
Hiện nay trong các hội nghị quốc tế, chẳng hạn như hội nghị Minh Ước Bắc Đại Tây Dương ở Paris, hay tại Liên Hiệp Quốc ở New York, các đại biểu trong hội nghị chỉ cần đưa máy nghe lên tai thì tức khắc họ sẽ nghe diễn giả đang nói tiếng Ba Tư nói thành tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Ý… tòan thể bài diễn văn được dịch ra và chuyền lại cho các thính giả nghe.
Nhưng cách đây hơn hai ngàn chính Chúa Thánh Thần đã làm được công việc này trong ngày lễ Hiện Xuống. Lúc các tông đồ còn đang lo âu sợ sệt vì Đức Giêsu đã chết và lên trời. Họ đóng cửa ở lại trong phòng. Rồi một buổi sáng nọ, bỗng nhiên Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình lưỡi lửa đậu trên đầu các ngài. Các tông đồ trở nên vững tâm và mạnh dạn. Các ông mở cửa ra ngòai và bắt đầu rao giảng.
Trước mặt họ là một đám đông dân chúng hỗn độn, từ 15 nước và nói 15 thứ tiếng khác nhau, thế mà khi tông đồ nói, mỗi người đều nghe như các tông đồ đang nói tiếng bản xứ của mình.
Cha Ronald Rolheiser, OMI kể về cha Lorenzo Rosebaugh như sau:
Lúc đó cha Lorenzo vừa trở về sau một chuyến đi truyền giáo dài ở châu Mỹ La Tinh, nơi mà trong nhiều năm cha đã sống với người nghèo trên đường phố của Recife. Sau đó cha được gởi qua Pháp nhưng lại không nói được tiếng Pháp. Thế mà chưa đầy một tháng, người ta đã thấy cha ngồi trên bậc tam cấp nhà thờ gần khu dân cư với hơn chục người vô gia cư xúm quanh. Họ đang chia sẻ bữa ăn và đang trò chuyện với nhau, trông giống như một cuộc píc-níc trong công viên vậy.
Cha Lorenzo không nói được một từ tiếng Pháp và những người quây quần quanh cha cũng không nói được tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, nhưng rõ ràng họ đang giao tiếp với nhau, và giao tiếp một cách thân tình và sôi động.
Làm thế nào mà họ có thể làm được như thế?
Đó chính là Chúa Thánh Thần.
Lần đầu tiên mô tả Lễ Hiện Xuống, thánh Luca kể cho chúng ta rằng sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các môn đồ đầu tiên của Chúa Giêsu đi ra ngoài công chúng và bắt đầu nói, và tất cả mọi người, hết thảy mọi người, dù sắc tộc hay ngôn ngữ của họ thế nào, đều nghe những lời các tông đồ nói như nghe bằng ngôn ngữ của họ.
Hàng rào ngôn ngữ ngăn cách cũ không còn cản trở việc nghe thấy hay hiểu được.
Ngôn ngữ cất lên từ tâm hồn đã vượt lên trên mọi sắc tộc và tiếng mẹ đẻ.
Như vậy ngôn ngữ có nhiều cấp độ khác nhau
– Ở cấp độ rõ ràng nhất, ngôn ngữ phụ thuộc vào từ ngữ nói ra, mà lời nói thì luôn luôn phải là một ngôn ngữ cụ thể, ví dụ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, hay tiếng Việt Nam. Ở cấp độ này, lời nói chỉ có một sức mạnh tương đối, nhưng chúng cũng có thể trở thành lừa dối và gian trá. Lời nói không phải lúc nào cũng chính xác phản chiếu tâm hồn. Và có lúc chúng ta không thể diễn tả bằng lời như trước cảnh đau thương chết chóc
hay khi bị phản bội trắng trợn.
– Nhưng chúng ta còn có một thứ ngôn ngữ khác: ngôn ngữ của cơ thể. Cơ thể của chúng ta còn có thể diễn tả được nhiều hơn và trung thực hơn lời nói của chúng ta. Qua cơ thể, qua điệu bộ, qua cử chỉ và từng dáng vẻ của cơ thể, chúng ta nói một cách sâu sắc hơn và chân thực hơn so với khi chúng ta nói bằng lời.
– Và chúng ta còn một thứ ngôn ngữ sâu sắc hơn nữa: đó là ngôn ngữ của tâm hồn, ngôn ngữ của con tim, ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần, một thứ ngôn ngữ xuyên qua lời nói và ngôn ngữ của cơ thể chúng ta.
Chúa Thánh Thần không chỉ là một bản vị thiêng liêng trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Trái lại Thánh Kinh nói với chúng ta rằng Chúa Thánh Thần lại rất cụ thể như niềm vui, bình an, kiên nhẫn, lòng tốt, sự chịu đựng, trung tín, dịu dàng và trong sạch.
Dù có mặt hay vắng mặt, tất cả cất tiếng nói với chúng ta rất to và rõ ràng hơn bất kỳ lời nói hay cử chỉ, điệu bộ nào của chúng ta.
Đó chính là ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần, ngôn ngữ đó đã được thể hiện trong trường hợp của cha Lorenzo.
Khi làm việc ở châu Mỹ La Tinh, cha Lorenzo Rosebaugh chỉ bập bẹ nói thứ tiếng Tây Ban Nha sai bét và thứ tiếng Bồ Đào Nha cũng sai bét. Vậy mà người nghèo ở đó vẫn nghe được và hiểu những gì cha Lorenzo nói. Cha không hề biết tiếng Pháp mà cha vẫn có thể ngồi trên bậc tam cấp nhà thờ ở Pháp và quây tụ quanh mình những người vô gia cư chỉ nói được tiếng Pháp – và họ hiểu cha một cách rõ ràng như thể đang nghe ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Đó là ngôn ngữ của con tim,
Ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần,
Ngôn ngữ của Tình Yêu Thiên Chúa.
Đó chính là ngôn ngữ của Lễ Hiện Xuống mà chúng ta mừng kính hôm nay. Amen[1]
LM Giuse Đỗ Văn Thụy
[1] Phỏng theo cha Ronald Rolheiser, OMI, trong sách « Biên tập lại đời mình » trg.120-124