Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật VII Phục Sinh, năm A, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật VII Phục Sinh, năm A, của LM Antôn Nguyễn Văn Độ

Xin Cha Danh Thánh Chúa Được Cả Sáng

(Ga 17, 1-11)

h4_resizeBước vào Chúa nhật thứ VII Phục Sinh, Phụng vụ Giáo hội chuẩn bị tâm hồn chúng ta mừng Đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Trước khi về trời, Đức Giêsu đã hứa với các môn đệ trong bữa tiệc ly là không bỏ chúng ta mồ côi, Người sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến, để trong mọi sự con người tôn vinh Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô.

Các thánh Tông Đồ đã qui tụ bên Đức Maria để cầu nguyện, noi gương các ngài, chúng ta cũng hãy hăng hái chuẩn bị sẵn sàng, cầu nguyện và thực hành đức bác ái, đón Chúa Thánh Thần, Đấng từ Chúa Cha hiện xuống trên chúng ta, và thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con kêu lên cùng Chúa, xin Ngài lắng nghe, alléluia ; hồn con thưa cùng Chúa: mắt con tìm kiếm thánh nhan Ngài, lạy Chúa, con tìm kiếm Chúa, xin đừng ẩn mặt, alléluia, alléluia”.

Toàn bộ Phúc Âm thánh Gioan chương 17 là diễn từ ly biệt, được kết thúc bằng kinh nguyện vô cùng cảm động của Chúa Giêsu dâng lên Cha. Kinh nguyện mở đầu bằng lời khẩn cầu danh Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (câu 1-5). Chúa Giêsu xin  “Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17, 1).

Hôm nay, Chúa Giêsu nói với chúng ta về vinh quang mà Người đã chia sẻ từ đời đời với Chúa Cha; vinh quang mà Chúa muốn chia sẻ với chúng ta cũng như các môn đệ của mình qua cái chết và sự phục sinh của Chúa. Cách đây ít ngày, chúng ta đã mừng lễ Chúa lên Trời, và tuần sau chúng ta sẽ mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta được mời gọi suy tư về mọi điều Chúa Giêsu đã dạy khi Người còn tại thế và cầu xin Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các thánh Tông Đồ. Chúa Giêsu luôn làm gương cho chúng ta noi theo: “Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất. Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con” (Ga 17, 4); mọi thành phần trong Giáo hội phải tiếp tục công việc tương tự trên trần gian.

Chúa Giêsu từ Chúa Cha mà đến để hoàn thành công việc mà Chúa Cha đã trao phó, cụ thể là cứu chuộc loài người, được các môn đệ biết đến. Đối với các ông, chắc chắn Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người: “Chúng biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17, 8).

Nên Chúa Giêsu xin cho các môn đệ : “Con cầu xin cho chúng; Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con” (Ga 17, 9). Người cầu xin cho cả chúng ta là những kẻ nhờ các môn đệ mà tin vào Chúa. Chúng ta có mở lòng mình ra và tin chắc như thế không ? Với đức tin vững vàng, chúng ta sẽ tham dự vào vinh quang của Thiên Chúa. Thánh Ignatio Loyaga khuyên chúng ta: “Nếu anh em yêu mến vinh quang, thì hãy tìm kiếm trong sự thật duy nhất là Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu được tôn vinh và nay trở về cùng Cha, tuy nhiên, Người sẽ không bỏ chúng ta mồ côi và Người sẽ xin Chúa Cha gửi Chúa Thánh Thần xuống trên chúng ta. Chúa Giêsu Kitô, Đấng bầu cử cho các môn đệ sẽ luôn hiện diện trong Hội Thánh, chúng ta sẽ tiếp tục công việc của Người và Người sẽ giúp chúng ta trong những lúc khó khăn mà chúng ta gặp phải trong thế gian.

Thánh Công Đồng Vaticanô II nhắn nhủ chúng ta rằng, muốn thi hành ý muốn của Chúa Giêsu, việc cần thiết phải làm là hiệp nhất : “Vì ngày nay ở nhiều nơi trên thế giới, nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, rất nhiều cố gắng nhằm tiến tới hiệp nhất đầy đủ theo ý muốn của Chúa Giêsu Kitô đang được thực hiện bằng kinh nguyện, lời nói, việc làm, nên Thánh Công Ðồng này khuyến khích tất cả mọi người công giáo hãy nhận ra các dấu chỉ thời đại để khéo léo tham gia vào công cuộc hiệp nhất.

Phải hiểu danh từ “phong trào hiệp nhất” là những hoạt động và sáng kiến được phát động và tổ chức nhằm cổ võ sự hiệp nhất các Kitô hữu, tùy theo những nhu cầu khác nhau của Giáo Hội và những thời cơ thuận tiện. Trước hết như là mọi cố gắng loại bỏ những lời nói, phán đoàn và việc làm không đúng với hoàn cảnh của các anh em ly khai xét theo công bình và chân lý, vì nếu không sẽ gây thêm khó khăn trong việc giao tiếp với họ. Thứ đến là trong các buổi hội thảo với tinh thần tôn giáo giữa các Kitô hữu thuộc nhiều Giáo Hội hay Cộng Ðoàn khác nhau, có sự “đối thoại” giữa các nhà chuyên môn thấu triệt vấn đề, và mỗi người sẽ giải thích cặn kẽ giáo lý của Cộng Ðoàn mình và trình bày minh bạch những nét độc đáo của giáo lý ấy. Có đối thoại như thế mọi người mới hiểu biết đúng hơn và tôn trọng đúng mức giáo lý cũng như đời sống của mỗi Cộng Ðoàn; cũng nhờ đó mà các Cộng Ðoàn dần dần hợp tác được với nhau rộng rãi hơn trong mọi công cuộc mưu ích chung mà lương tâm Kitô hữu nào cũng đòi hỏi; lại cũng nhờ đó, họ hợp nhau cầu nguyện chung mỗi khi có cơ hội thuận tiện. Sau cùng mọi người hãy kiểm điểm coi mình có trung thành với ý muốn của Chúa Kitô về Giáo Hội không, để rồi hăng hái tiến hành việc canh tân và cải tổ đúng như bổn phận đòi hỏi.

Khi các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo khôn ngoan và kiên nhẫn thực hiện tất cả các điều ấy dưới sự giám sát của các chủ chăn tức là họ đã đóng góp cho việc thực hiện công bình và chân lý, sự hòa thuận và hợp tác, tình huynh đệ và đoàn kết. Với đường hướng này, khi đã vượt được mọi trở ngại ngăn cản sự hiệp thông hoàn toàn của Giáo Hội, dần dần mọi Kitô hữu sẽ đoàn tụ qua việc cử hành Phép Thánh Thể duy nhất, hiệp nhất trong một Giáo Hội độc nhất; sự hiệp nhất mà Chúa Kitô từ ban đầu đã rộng ban cho Giáo Hội của Người. Chúng tôi tin rằng sự hiệp nhất ấy tồn tại mãi trong Giáo Hội Công Giáo và hy vọng rằng mỗi ngày sẽ bành trướng thêm cho đến tận thế”. (Công Đồng Vaticanô II Sắc Lệnh về Hiệp Nhất, Unitatis redintegratio số 4)

 Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cầu xin cho chúng con, xin cử Chúa Thánh Thần đến, để Ngài giúp chúng con thực hành những điều Chúa muốn. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN