Home / Cầu Nguyện Với Chúa Mỗi Ngày / Suy niệm Tin mừng các ngày trong tuần 7 Phục Sinh, của Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

Suy niệm Tin mừng các ngày trong tuần 7 Phục Sinh, của Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

 

THỨ HAI

CAN ĐẢM LÊN, THẦY ĐÃ THẮNG THẾ GIAN

(Ga 16, 29-33)

Đọc lại lịch sử Giáo Hội Việt Nam, chúng ta thấy suốt 300 năm đầu, cha ông ta lớn lên trong thử thách. Một cuộc thử thách triền miên và kéo dài! Còn ngày nay, tuy rất ít hình khổ như  gông cùm, đòn roi và cái chết được trưng ra để tra tấn các Kitô hữu. Tuy nhiên, người Kitô hữu hôm nay phải đối diện với một thử thách mới, một cuộc thử thách mang tính vĩ mô và sâu xa đánh vào tận lương tâm của con người. Phải chăng đây là những thử thách tinh vi và người Kitô hữu khi sống đúng những giá trị của Tin Mừng thì cũng không khác gì một cuộc tử đạo liên lỉ, dai dẳng và kéo dài!

Hôm nay, Đức Giêsu tiên báo cho các môn đệ biết rằng: các ông là những người đi theo Chúa, không có lý do gì các ông không bị bách hại như chính Ngài. Nhưng liền sau đó, Ngài khích lệ các ông: “Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).

Vững tin vào Lời Chúa phán cùng với sứ mạng đã đón nhận là hãy đi loan báo Tin Mừng khắp thế gian, nhất là sự xác tín vào niềm vui Nước Trời sau cuộc sống trần gian, các môn đệ đã không sợ gì nguy khốn, các ngài đã băng rừng, vượt suối và chấp nhận mọi sự đau khổ, ngay cả cái chết để loan báo về Tin Mừng tình thương, chân lý và sự sống cho mọi người, để ai tin và đón nhận thì cũng được hưởng niềm vui, hạnh phúc như mình.

Trong cuộc sống của người Kitô hữu ngày nay, hẳn mỗi người cũng đều cảm thấy khó khăn trong việc sống đạo! Thật thế, hơn bao giờ hết, chúng ta đang phải đối diện với những trào lưu tục hóa trên diện rộng, mọi nơi và mọi lúc. Trào lưu đó có thể là một hệ tư tưởng; có thể vì giá trị đạo đức bị đảo lộn; cũng có thể vì miếng cơm manh áo… mà người ta bắt chúng ta phải tin và hành động theo…

Những lúc như thế, Lương Tâm lên tiếng và chúng ta được mời gọi sống những giá trị Tin Mừng ngay trong những thực tại đó. Vẫn biết đây là khó, nhưng hãy cam đảm lên, vì Chúa đã thắng.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, chúng con là những người môn đệ của Chúa còn đang loay hoay giữa biển đời. Theo Chúa lên đường để về nơi phúc thật là hành trình xa xôi và vất vả. Xin giúp chúng con biết chạy đến cùng Ngài để đón nhận sự bình an và can đảm mỗi khi mỏi mệt đơn côi. Xin giúp chúng con chiến thắng con người yếu đuối, nặng nề của mình, để chúng con lên đường trong thanh thản và an vui. Amen.

 

THỨ BA

“GIỜ” ĐỨC GIÊSU ĐƯỢC TÔN VINH

(Ga 17, 1-11a)

Sự sống ai cũng quý và đều mong sao cho sự sống của mình được kéo dài bao nhiêu có thể. Từ đó, ta có thể kết luận rằng, cái chết thì không ai thích! Chính vì thế, mà nhiều người khi đứng trước cái chết đã tỏ ra rất sợ hãi.

Hôm nay, bài Tin Mừng cho thấy, Đức Giêsu nói đến  “Giờ” của Ngài đã chu toàn sứ mạng mà Chúa Cha đã trao phó.

“Giờ” mà Đức Giêsu nói đến ở đây chính là “Giờ”  của cuộc tử nạn. Nhưng cũng là “Giờ”  của chiến thắng, “Giờ”  của vinh Quang và “Giờ”  Thiên Chúa Cha được tôn vinh.

Như vậy, Đức Giêsu mặc khải cho chúng ta thấy rằng: mỗi Kitô hữu, chúng ta cũng đều trải qua “Giờ”  đó trong cuộc đời. Phải có “Giờ”  khởi đầu, có “Giờ”  thi hành và có “Giờ”  kết thúc. Hay nói cách klhác, phải trải qua “Giờ”  của đau khổ thì mới được vào vinh quang. Phải qua “Giờ” của hiện tại, hữu hạn thì mới có “Giờ”  của vĩnh cửu trên Thiên Quốc. Tuy nhiên, “Giờ” của hiện tại phải được chu toàn cách trung thành, thì “Giờ”  của tương lai trên Thiên Quốc mới được đảm bảo.

Mong sao, mỗi người chúng ta biết chuẩn bị cho “Giờ” chết của mình thật xứng đáng và ý nghĩa, để sau cái chết, chúng ta được hạnh phúc vính cửu trên Thiên Đàng.

Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con biết đi theo Chúa trên con đường mà chính Chúa đã đi. Xin cho chúng con biết chu toàn sứ vụ mà Chúa trao cho chúng con, để đến “Giờ” của Chúa đến, chúng con hân hoan đón nhận trong niềm vui và hạnh phúc. Amen.

 

THỨ TƯ

NGÀY 31-05

LỄ  ĐỨC MARIA THĂM VIẾNG BÀ ÊLISABETH

KHÔNG KHIÊM NHƯỜNG, KHÔNG BIẾT TẠ ƠN!

(Xp 3, 14 -18a hoặc Rm 12, 9-16b; Lc 1,46-56)

 

Ngày 04-10-2006, giáo dân của Giáo Phận Bắc Ninh tập trung rất đông đủ tại nhà thờ Chính tòa Giáo Phận để cử hành thánh lễ An táng cho Đức Cha Giuse Nguyễn Quang Tuyến. Trong phần tiễn biệt, người ta rất ấn tượng với những dòng di chúc của Đức Cha. Nói đúng hơn, đây là lá thư mục tử cuối cùng của cuộc đời ngài trên dương thế. Tâm thư này được viết trước khi lên bàn mổ để các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật mà ngài đã được báo cho biết là 95% sẽ chết, chỉ có 5% là sống sót.

Trong bức tâm thư đó, ngài viết cho mọi thành phần trong gia đình Giáo Phận. Tuy nhiên, người ta chú tâm hơn với phần viết cho các nữ tu của Tu hội Con Đức Mẹ Hiệp Nhất. Nội dung đại khái như sau: “Các con yêu quý, khi ở trong Giáo Phận, cha thấy các con thua kém chị em của các hội dòng khác. Nhiều dòng khác họ trổi trang hơn chúng con về nhiều mặt, nào là: kiến thức, khả năng mục vụ, giáo tiếp, nhan sắc… Tuy nhiên, cha nhận thấy nơi chúng con tấm lòng đơn sơ, chân thành. Đây chính là nét đẹp nơi tâm hồn chúng con. Cha thiết nghĩ có khi lớ ngớ như chúng con lại dễ vớ Thiên Đàng nhanh hơn cha”.

Khi viết cho các nữ tu như vậy, có lẽ Đức Cha muốn nói lên một điều, đó là Chúa thương những người hiền lành, đơn sơ, chân thành, nhất là khiêm nhường.

Tại sao vậy? Thưa, bởi vì người khiêm nhường là người thuộc về Thiên Chúa nên dễ dàng đi vào mối tương quan mật thiết với Người.

Ngược lại, người kiêu ngạo là người không thuộc về Thiên Chúa, và đương nhiên, không thể hiệp thông được với Người. Nói cách khác, khiêm nhường là con đẻ của Thiên Chúa. Kiêu ngạo là con đẻ của ma quỷ. Chính vì vậy mà Thiên Chúa bênh đỡ và bảo vệ người khiêm nhường, còn kẻ kiêu ngạo thì sẽ bị Người tiêu diệt như lời thánh Phêrô đã nói: “Thiên Chúa chống lại kiêu kiêu ngạo” (1 Pr 5,5).

  1. Mẹ Maria, Người Nữ Tỳ khiêm hạ

Phụng vụ Lời Chúa trong thánh lễ Đức Maria viếng thăm bà Êlisabeth hôm nay làm toát lên vẻ đẹp của sự chia sẻ và khiêm nhường nơi Mẹ Maria.

Trang Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, thánh sử Luca giới thiệu cho chúng ta một người phụ nữ tuyệt vời: ngài là người tràn đầy ân sủng; là người có phúc hơn hết mọi người phụ nữ và nơi cung lòng của ngài sẽ xuất hiện Đấng Cứu Chuộc mà muôn dân mong đợi.

Tuy nhiên, với những ơn cao trọng lớn lao như vậy, tác giả lại cho thấy được xảy ra nơi một nữ tỳ hèn mọn và rất đỗi khiêm nhường, người đó chính là Mẹ Maria.

Thật vậy, chắc chắn Mẹ là người biết rõ Người Con mà mình đang cưu mang là ai? Người Con ấy quyền thế cao sang biết chừng nào? Hơn nữa, lời ca tụng của bà chị họ là Êlisabeth lại càng làm nên sự uy nghi, tự hào, bà nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ […] Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi” (x. Lc 1, 42-43)

Tuy nhiên, Mẹ Maria đã không tự kiêu để nhận những vinh dự đó về cho mình, ngược lại, Mẹ đã dâng nó lại cho Thiên Chúa trong tâm tình khiêm nhường của một người nữ tỳ hèn mọn.

Quả thật, nếu không khiêm nhường, thì khi Mẹ được những ơn cao trọng có một không hai trong lịch sử nhân loại như vậy, Mẹ phải hãnh diện đến tự kiêu. Nếu không khiêm nhường, thì khi Mẹ biết mình có phúc hơn mọi người phụ nữ trên trần gian, ắt Mẹ sẽ vỗ ngực xưng tên để huênh hoang, tự đắc với đời. Và như một hệ quả, nếu không khiêm nhường tuyệt đối, Mẹ sẽ phá hoại chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa trong sự kiêu ngạo.

Vì thế, nơi Mẹ Maria, Mẹ đã đón nhận hồng ân của Thiên Chúa trong tâm thế của một người môn đệ, một nữ tỳ khiêm nhu. Điều này đã được chứng minh khi Mẹ cất lên lời kinh Magnificat để ca ngợi Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu mà Người đã làm trên phận nữ tỳ hèn mọn của mình.

Cất lên lời kinh Magnificat, ấy là Mẹ lội ngược dòng lịch sử cứu độ để nhận thấy bàn tay uy quyền và thương xót của Thiên Chúa đã cứu và giải thoát dân khỏi biết bao nguy biến.

Cất lên lời kinh Magnificat, ấy là Mẹ Maria đã gia nhập vào dòng người thánh thiện để ca ngợi sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa khi Người đưa cánh tay mạnh mẽ để hạ gục kẻ kiêu căng, truất bỏ những người quyền thế, để người giàu có trở về tay không, còn người nghèo khổ, thấp hèn lại được đầy dư.

Cuối cùng, cất lên lời kinh Magnificat, Mẹ Maria đã cùng với muôn người ngóng trông ơn cứu độ để cất lên lời tạ ơn Thiên Chúa, bởi vì Người đã thực hiện lời hứa với các Tổ phụ và Tiên tri để trao ban Con Một của Người xuống trần gian cứu chuộc con người.

  1. Sứ điệp Lời Chúa

Dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta cũng cùng nhau lội ngược dòng để đọc lại lịch sử cuộc đời của mình dưới tâm thức của người thụ ơn để thấy được những điều kỳ diệu mà Chúa đã làm trên cuộc đời chúng ta.

Những ơn đó là: ơn được sinh ra làm người trong một gia đình. Được lớn lên với biết bao ân cần, lo lắng của mọi người mà Chúa gửi đến để chăm sóc cho ta. Ngài cũng cứu chúng ta biết bao lần qua những cơn bạo bệnh. Ngài che chở ta và giải thoát ta khỏi biết bao nguy biến, tai ương… nhất là ơn được sống tới ngày hôm nay. Rồi sức khỏe, trí thông minh, và rất nhiều khả năng khác mà Thiên Chúa không ngừng ban cho chúng ta…

Tuy nhiên, khác với Mẹ Maria, nhiều khi chúng ta chưa đủ nhạy bén hay vô tình mà quên đi nghĩa vụ của người thụ ơn với Thiên Chúa. Hoặc cũng có lúc chúng ta có thái độ giảm nhẹ mầu nhiệm để thay vào đó là khái niệm tự nhiên có, nên việc biết ơn có vẻ cũng vì đó mà bị giảm nhẹ theo!

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể do sự kiêu ngạo, lạnh nhạt, khô khan, nên chưa khiêm nhường đủ để nhận ra ân sủng của Thiên Chúa trên cuộc đời mình.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta khi đứng trước hồng ân lớn lao như vậy, hãy có tâm tình của Mẹ Maria để cất cao lời ngợi khen Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu Người đã làm trên và trong cuộc đời mỗi người. Đồng thời, noi gương Mẹ, chúng ta cũng hãy chia sẻ niềm vui với những anh chị em xung quanh, nhất là sẵn sàng giúp đỡ những ai cần đến chúng ta, để vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người hôm nay cũng là những mối ưu tư và lo lắng của chúng ta.

Mặt khác, luôn sống tâm tình khiêm nhường và tín thác nơi Thiên Chúa, biết nhạy bén như Mẹ Maria để không chỉ cám ơn, chúc tụng cho chính mình, mà còn cho cả mọi người trong tư cách là dân Thiên Chúa.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, đường lối khiêm nhường là cách thức Thiên Chúa thể hiện quyền năng. Xin Chúa ban cho chúng con biết noi gương khiên nhường của Đức Trinh Nữ Maria để sống sao cho đẹp lòng Thiên Chúa và để thánh ý của Thiên Chúa được thực hiện nơi chúng con.

Xin cũng cho chúng con biết quan tâm, lo lắng cho mọi người, nhất là những người khổ đau, nghèo đói đang cần đến chúng con. Amen.

 

THỨ NĂM

HIỆP NHẤT ĐỂ YÊU THƯƠNG

(Ga 17, 20-26)

Trong thời gian qua, lòng con dân Nước Việt luôn thể hiện lòng yêu mến quê hương đất nước và mong sao cho quê hương được thanh bình, không có chiến tranh. Lòng yêu mến đó được chứng minh qua sự can đảm, bất chấp mọi khó khăn… sẵn sàng đứng lên để đấu tranh cho sự thật, công lý và hòa bình trên Biển Đông. Qua những gì vừa xảy ra, hẳn ai cũng hiểu được rằng: chỉ có hiệp nhất, chung lòng thì mới có thể chiến thắng được ngoại xâm.

“Xin cho chúng nên một”. Đây là lời nguyện khẩn thiết của Đức Giêsu dâng lên Chúa Cha cho các môn đệ của mình. Đức Giêsu cũng nêu lên mẫu gương hiệp nhất giữa Chúa Cha và Ngài. Và như thế, Đức Giêsu cũng mời gọi các môn đệ cũng hiệp nhất với nhau như Chúa Cha và Chúa Con là một. Qua đó, mọi người sẽ nhận ra chúng ta là môn đệ của Thầy, đó là chúng ta yêu thương nhau.

Ngày nay, người Kitô hữu chúng ta sống sự hiệp nhất ấy qua lời cầu nguyện, bằng  hành vi đức tin và sự liên đới. Sự hiệp nhất chỉ có thể có khi chúng ta chấp nhận “hiệp nhất trong đa dạng”. Biết lắng nghe, thông cảm và tôn trọng mọi người.

Lời cầu nguyện và mong muốn của Đức Giêsu khi xưa cho các môn đệ được hiệp nhất, cũng chính là lời cầu nguyện và mời gọi của Ngài dành cho chúng ta hôm nay.

Lạy Cha, ơn cứu độ Cha ban cho chúng con không chỉ dành riêng cho người Kitô hữu, nhưng là cho toàn thể nhân loại. Xin cho chúng con biết loan báo lời của Con Cha cho mọi người không phân biệt, và biết làm chứng cho Cha trong sự hiệp nhất của chúng con. Amen.

 

THỨ SÁU

CÓ YÊU THÌ MỚI CHU TOÀN

(Ga 21, 15-19)

Khi nói về tình yêu, nhạc sĩ Nguyễn Duy đã có một bài hát mang tên: “Xin định nghĩa tình yêu”, trong đó có đoạn:

“Yêu là chết đi, là đóng đinh, là biết hy sinh cho người mình yêu […]. Yêu: xin đừng dối gian, xin đừng trái ngang, dù lắm lo toan, xin đừng ly tan. Hãy yêu như Giêsu, chết đi cho dương gian, đóng đinh cho người mình yêu mến. Hãy yêu trong an vui, thủy chung trong đau thương, sống trong cuộc đời đầy mến yêu”.

Lời bài hát trên mang đậm chữ “yêu”. Thật vậy, con người nếu không có tình yêu, hỏi rằng chúng ta có thể sống có ý nghĩa được chăng? Thưa không! Chỉ có tình yêu, con người mới làm cho cuộc đời này chan chứa niềm vui, dẫu vẫn còn đó khổ đau, bất hạnh, hiểu lầm…

Trước khi về trời, Đức Giêsu đã trao phó quyền chủ chăn cho Phêrô. Biết được vai trò, sứ mạng và những khó khăn mà ông sẽ đón nhận từ mình, nên Đức Giêsu đã cật vấn ông tới ba lần: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?”. Có lẽ Đức Giêsu hỏi ông như thế là vì muốn ông từ nay phải trở nên người trưởng thành thực sự chứ không phải như những lần trước, vừa mới thề sống chết với Thầy, rồi sau đó lại chối Thầy vì sợ liên lụy. Ý thức được điều đó, nên ông đã tỏ ra buồn rầu và xấu hổ.

Tuy nhiên, sứ vụ mà ông sắp đón nhận là một cuộc hành trình đầy cam go, cần phải có tình yêu đủ lớn thì mới có thể chung chia sứ vụ với Thầy được.

Thật vậy, Phêrô đã ý thức điều đó, và ông đã tuyên xưng mạnh mẽ với đầy tràn tình yêu và Thần Khí Thiên Chúa trong mình: “Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy“.

Ngày nay, Chúa cũng trao sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Ngài cho các mục tử trong Giáo Hội, chúng ta hãy cầu nguyện cho các ngài trở nên những mục tử “như lòng Chúa mong ước”. Trở nên những mục tử không chỉ “biết” mà còn “ngửi thấy mùi chiên”.

Bên cạnh đó, trong chức tư tế phổ quát, mỗi người chúng ta cũng đều là mục tử khi được tham dự vào chức tư tế độc nhất của Đức Giêsu qua Bí tích Rửa Tội, vì thế, chúng ta cũng không ngừng vươn tới mẫu gương của Đức Giêsu là mục tử nhân lành để noi theo và sống ơn gọi bằng cách chu toàn bổn phận của mình trong lòng mến.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho hết mọi thành phần dân Chúa, dù trong vai trò gì, cũng luôn biết lấy tình yêu làm lẽ sống, để qua đó, mỗi người sẽ được sống trong một tình yêu lớn hơn, đó là tình yêu của Chúa. Amen.

 

THỨ BẨY

CẢM NGHIỆM VÀ LÀM CHỨNG

(Ga 21, 20-25)

Trên các trang báo điện tử thời gian gần đây  đăng tin: Một nữ tu “cháy hết mình” trên sân khấu The Voice của Ý.

Nữ tu đó chính là Cristina Scuccia, 25 tuổi, thành viên của Dòng các chị em Ursuline Thánh Gia. Chị đã xuất hiện trên sân khấu của chương trình The Voice tại Ý. Khi sơ xuất hiện, các giám khảo và mọi người thật sự ngỡ ngàng khi thấy trang phục của thí sinh đặc biệt này.

Khi các giám khảo quay lại nhìn sơ Cristina, họ đã không tin vào mắt mình khi thấy một nữ tu trẻ đang hát “No One”, bài hát ruột của Alicia Keys.

Sau khi nghe sơ Cristina hát, Carra là một trong 4 vị giám khảo đã hỏi sơ có thật là một nữ tu không và tại sao sơ chọn tham gia cuộc thi này?

“Vâng, tôi đích thực là một nữ tu,” sơ Cristina trả lời.

“Tôi đến đây bởi vì tôi có một món quà và tôi muốn chia sẻ món quà đó. Tôi đến đây để loan báo Tin Mừng”.

Thánh Gioan hôm nay hiện lên trên trang Tin Mừng như một người chứng về tất cả những gì ngài đã viết trong Tin Mừng của mình về Đức Giêsu. Ngài đã trở nên chứng nhân cho tất cả những gì đã viết là bởi vì ngài đã được ở với Đức Giêsu, được nghe lời dạy, và cảm nghiệm được tình yêu đặc biệt mà Thầy đã dành cho mình. Như vậy, muốn hiểu phải yêu, và khi đã yêu thì phải làm chứng và lời chứng của người đó mới thật.

Như vậy, phụng vụ hôm nay muốn mời gọi chúng ta rằng: hãy yêu mến Chúa tha thiết, lắng nghe lời Ngài và hãy trở nên chứng nhân cho Đức Giêsu đến tận cùng trái đất.

Tuy nhiên, không có một mẫu số chung nào cho mọi người, vì thế, mỗi người mỗi cách, miễn sao cho Tin Mừng được loan báo và hợp với tinh thần của Giáo Hội.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu Chúa hết lòng, để từ đó cũng sẵn sàng trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng cách sống động trong cuộc sống hiện tại của chúng con. Amen.

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN