“Hoa thắm nở đẹp đồng nội xa, mùa hoa về hương ngát trời bao la.
Con yêu Mẹ nhiều hái về một đóa, để mà tiến dâng.
Dâng Mẹ một đóa Mân Côi, màu hoa đỏ máu cuộc đời.
Cuộc đời con, đã trọn vẹn hiến dâng,
Xin Mẹ vui nhìn, màu hoa thắm nồng tình yêu…”
(Khúc hát dâng hoa-Hải Triều)
Tháng 5, tháng hoa của người Công Giáo, tháng dành riêng mừng kính Mẹ Maria, cùng với tháng 10-tháng Mân Côi, lại trở về với chúng ta như một dịp đẹp và thuận tiện nhất để tất cả chúng ta, mọi tầng lớp con cái loài người cùng tỏ lòng kính yêu Mẹ Maria. Bằng những bó hoa tươi cũng như hoa thiêng, bằng những lời kinh nguyện sốt sắng và tâm tình thảo hiếu biết ơn dâng lên Mẹ hiền qua tràng chuỗi Mân Côi và các bài Thánh Ca về Mẹ trong các Giờ Chầu, Giờ Ðền Tạ tại tư gia hay trong các nguyện đường. Dĩ nhiên, lòng tôn sùng kính yêu Mẹ Maria của chúng ta vẫn sốt sắng trải dài từng ngày trong suốt năm. Nhưng tháng 5 lại mang mầu sắc đặc biệt của nó: Với khí trời ấm áp tươi dịu, cảnh vật thiên nhiên, cỏ cây hoa lá, v.v… sau giấc ngủ dài trong những ngày tháng mùa đông giá lạnh, nay cùng bừng tỉnh dậy, cùng đua nở khoe sắc, tô điểm cả vũ trụ cho thêm phần gấm vóc. Tất cả như cùng lên tiếng mời gọi, thúc đẩy chúng ta hái về dâng Mẹ những bông hoa đầu mùa thanh khiết. Vâng, bàn thờ kính Mẹ trong tháng 5 phải đầy hoa tươi, biểu tượng cho lòng tôn sùng biết ơn của chúng ta dâng về Mẹ, biểu tượng cho sự đổi mới cuộc đời của mỗi người chúng ta sau những tháng ngày chôn vùi trong “mùa đông” của những lỗi lầm sa ngã, của sự xa lìa “mặt trời” ơn thánh Chúa, và bắt đầu cùng chớm nở khoe tươi dưới “nắng ấm” của ân sủng Thánh Linh.
Chính đó là ý nghĩa trọn vẹn của Tháng Hoa: Hoa thiên nhiên đồng nội cuộn lẫn với hoa lòng, hoa thánh thiện, hoa mầu nhiệm của Ơn Thánh tươi nở trong linh hồn chúng ta. Tất cả cùng bốc hương thơm và khoe sắc trên bàn thờ kính Mẹ (theo LM Nguyễn hữu Thy).
Đối với người Công Giáo Việt Nam, tháng hoa mang nhiều ý nghĩa. Việt Nam thuộc vùng nhiệt đới, khí hậu phân chia hai mùa rõ rệt: từ tháng 11 đến tháng 4, gió bấc từ Trung Hoa thổi xuống cho nên có ít mưa được coi như mùa nắng nóng; từ tháng 5 đến tháng 10, gió nam hay gió nồm từ biển thổi vào cho nên có mưa nhiều, quen gọi là mùa mưa. Thực ra, vào những ngày từ trung tuần tháng 4 trở đi, nhiệt độ trung bình đã giảm đi nên đã có những cơn mưa đầu mùa, tuy không nhiều nhưng cũng đủ để đất khô được tắm mát. Cây cỏ từ đó được hồi sinh, nảy mầm, hoa lá đâm chồi. Màu xanh của cây lá đã bắt đầu xuất hiện nhiều. Người người ra đồng, lên rẫy gieo hạt, cắt tỉa. Thi sĩ Lê Đình Bảng đã ghi lại những kỷ niệm về mùa hoa tại Thái Bình quê ông:
Cứ mỗi mùa hoa con lại nhớ
Đồng chiêm đang vào vụ trăng non
Ngang qua xóm ngõ thơm mùi đất
Hương của tầm xuân hay lúa non?
Mùa hoa tháng 5 thể hiện rất rõ tại các xứ đạo miền Bắc. Sau mùa Phục Sinh mừng Chúa sống lại, học sinh chuẩn bị bước vào nghỉ hè. Các cháu đồng nhi nữ, sau những ngày tham gia đội dâng hạt mùa thương khó tại các xứ họ đạo, các ông bà quản giáo lại chiêu mộ đội hoa. Mỗi họ, xóm giáo (khu) đều có đội hoa được tập dâng hoa mỗi tuần đôi ba buổi. Các bài vãn hoa được truyền khẩu qua nhiều đời mang âm hưởng dân ca các miền được tập cho các cháu hát thuộc lòng, cùng những cử điệu khoan thai, cung kính, bái lạy nhịp nhàng được điều khiển qua tiếng trống khẩu. Những âm thanh “Tung tung, cắc cắc” là những hiệu lệnh cho đội hoa lúc bái gối, khi cúi đầu, lúc dâng nến, khi tiến hoa. Các đội hoa được tập dượt nhuần nhuyễn, xếp hình, xếp chữ nhịp nhàng với trang phục trông thật đơn sơ, tinh khiết; thường là bộ quần áo dài trắng, đội lúp trắng, cài vương miện hoa theo màu xanh, đỏ, hồng, vàng, tím…
Đền vàng quì trước dâng hoa
Trông lên tháp báu thấy tòa Ba Ngôi
Mười hai nhân đức gương soi
Kính dâng Đức Mẹ đời đời ngửa trông (x. nt)
Đội hoa mỗi tuần dâng hoa 2 lần vào chiều thứ năm, thứ bảy trong giờ kinh nguyện (Những năm 50-60 chưa có Thánh Lễ ban chiều mà chỉ có giờ kinh chiều hoặc Chầu Thánh Thể chiều thứ Năm, khấn Đức Mẹ chiều thứ bảy mỗi tuần). Thường thì các xứ, họ làm giờ khấn Đức Mẹ Hằng Cứu giúp trước, trong đó dâng chục kinh Mân Côi, kinh cầu Đức Mẹ Hằng Cứu giúp, mà đến nay lứa tuổi 50, 60 trở lên vẫn thuộc nằm lòng. Kinh đó như sau:
“Lạy Mẹ Hằng Cứu giúp, xin che chở mọi kẻ thuộc về con, cho Đức Giáo Hoàng, cho Hội Thánh, cho Nước con, cho gia đình con, cho kẻ tình nghĩa, kẻ thù ngịch và hết mọi kẻ khốn khó. Sau hết cho các linh hồn trong luyện ngục. Thánh Maria Mẹ hằng cứu giúp, xin cầu bầu cho con. Lạy Thánh An Phong Sô là quan thày bàu chữa con, trong những khi thiếu thốn, biết chạy đến cùng Đức Bà Maria”.
Tháng 5, có truyền thống dâng hoa kính Đức Mẹ, Tháng 10, tháng lần hạt Mân Côi. Trong tháng 5, hầu hết các giáo xứ, giáo họ đều tổ chức rước kiệu Đức Mẹ, kiệu Thánh Cả Giuse, kiệu hoa vào chiều ngày Lễ Thánh Giuse lao động cũng là ngày đầu tháng hoa 1/5. Các đội con hoa cùng giáo hữu, mỗi người một bông hoa tươi cầm theo đi rước. Cuối tháng, ngày 31/5, ngày “Giã hoa” (giã từ mùa hoa) cũng rước kiệu Đức Mẹ, kiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu để bước vào Tháng Kính Thánh Tâm Chúa và kiệu hoa. Giáo hữu còn bày tỏ lòng tôn kính và yêu mến Mẹ qua việc làm giờ khấn mỗi ngày, theo ý chỉ của những người xin khấn, được một vị quản kinh (thường là bà quản) xướng lên mỗi ngày, trong đó có đọc chục kinh Mân Côi, Kinh khấn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp theo ngày trong tuần, hát một bài Thánh ca kính Đức Mẹ
Ðối với chúng ta, những người Việt Nam Công Giáo, vốn mang nặng giòng máu trọng tình mẫu tử, tháng 5, tháng hoa kính Đức Mẹ, càng là dịp thôi thúc chúng ta thêm lòng kính yêu Mẹ trên Trời, càng là dịp nhắc nhở chúng ta gẫm suy tình Mẹ bao la trời biển, đã từng giơ tay cứu vớt, dắt dìu chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống và hãy thưa với Mẹ:
”Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria, là Mẹ rất nhân từ, xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Ðức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp mà Ðức Mẹ từ bỏ chẳng nhận lời. Nhân vì sự ấy, con lấy lòng trông cậy than van chạy đến sấp mình xuống dưới chân Ðức Mẹ là Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh, xin Ðức Mẹ đoái đến con là kẻ tội lỗi. Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế, xin chớ bỏ lời con kêu xin, một dủ lòng thương mà nhận lời con cùng. Amen” (Kinh Hãy nhớ) .
Xin cho chúng con nhân tháng Hoa về dâng kính Mẹ, không chỉ tham dự các buổi dâng hoa, hiệp lòng dâng Mẹ những bông hoa thơm ngát tươi xinh, mà còn là những bông hoa của sự hy sinh, hãm mình, làm việc bác ái, thăm viếng người cô đơn, đau yếu, tật bệnh. Biết mỗi ngày, không chỉ trong tháng hoa, dâng Mẹ những đóa hoa của lòng mến, biết quên mình phục vụ như Mẹ Maria đã sống “Xin Vâng và Phục vụ” Thiên Chúa và mọi người.
Fx Đỗ Công Minh