Trong cuộc sống, không ai không chịu sự chi phối bởi quy luật muôn thuở: Sinh – Lão – Bệnh – Tử. Con người sinh ra, lớn lên, rồi lão hóa dần theo thời gian, sau cùng là phải chết. Chính vì thế, các vua chúa thời xưa đã bỏ biết bao tâm huyết để cố đi tìm cho được loại thuốc “chống lại sự chết” – nghĩa là làm cho con người ta sống muôn đời, nhưng tất cả đều… “bó tay”.
Đối với người tin vào Chúa Giêsu Kitô, cái chết chỉ là điểm khởi đầu cho sự sống vĩnh cửu. Và muốn được hưởng sự sống vĩnh cửu, con người cũng cần phải tìm cho mình một phương cách để “chống lại cái chết” – tức là tiêu diệt tội lỗi, nguyên nhân gây ra cái chết cho con người.
Linh mục George W. Kosicki, C.S.B., trong quyển “Thần Dược Lòng Chúa Thương Xót” (chuyển ngữ: LM Matthias M. Ngọc Đính, C.R.M.), đã liệt kê ra mười hai chứng tật thường gặp, làm cho con người phải chết. Cha đã giới thiệu một loại thần dược cung cấp những phương thuốc đặc trị cho những chứng tật này, đó chính là LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT (LCTX). Chị thánh Faustina cũng đã xác quyết điều này: “Chúa Giêsu là thần dược cho tất cả” (NK số 447).
Lòng Thương Xót của Chúa đã có từ khi Ngài tạo dựng nên con người. Thời Cựu Ước, mỗi khi dân Chúa gặp nguy khốn, Thiên Chúa thường phái những ngôn sứ đến để dẫn đưa dân Ngài về đường ngay nẻo chính. Thời Tân Ước, Lòng Thương Xót được biểu lộ rõ nét và trọn vẹn nhất qua hình ảnh Đức Giêsu Kitô.
Chúa Giêsu đã chỉ ra bảy phương thế để con người có thể tiếp cận Lòng Thương Xót của Ngài. Một trong những phương thế đó chính là Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót. Đây là Đại lễ hết sức trọng đại của Giáo hội Công giáo toàn cầu, được cử hành vào Chúa nhật sau Lễ Phục Sinh. Ngày lễ này do chính Chúa Giêsu yêu cầu: “Ta ước ao có một lễ kính thờ Lòng Thương Xót của Ta… vào Chúa Nhật đầu tiên sau lễ Phục Sinh; Chúa Nhật đó sẽ là ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Ta” (NK số 49).
Thánh GH Gioan Phaolô 2 đã mô tả về ngày Lễ Kính LCTX như sau: “Theo một cách đặc biệt, đây là ngày Chúa Nhật dành để tạ ơn về lòng thương xót mà Thiên Chúa đã tỏ ra cho chúng ta trong suốt mầu nhiệm Phục Sinh của Ngài”.
Vào ngày Lễ Kính này, tất cả mọi cánh cửa về ơn huệ của Thiên Chúa sẽ được mở rộng ra cho tất cả. Để nhận được hồng ân đặc biệt này, Thánh nữ Faustina cho biết cần phải có sự chuẩn bị thật tốt: “Chúa truyền cho tôi phải đọc chuỗi kinh này (kinh Thương Xót) trong một tuần Cửu nhật trước đại lễ LCTX, bắt đầu từ Thứ Sáu Tuần Thánh. Với tuần Cửu nhật này, Ta sẽ ban mọi ân sủng có thể cho các linh hồn” (NK số 769).
Thể theo lời dạy của Đức Giêsu, các đoàn viên Cộng đoàn LCTX TGP Sài Gòn, trước khi bước vào Đại lễ, đã thực hiện Tuần Cửu Nhật từ Thứ Sáu Tuần Thánh, 14/4/2017, tại nhà thờ Huyện Sỹ.
Đại lễ kính LCTX năm nay diễn ra vào Chúa nhật 2 Phục Sinh, 23/4/2017, và là lần thứ 10 được tổ chức tại quảng trường Trung tâm Mục vụ TGP Sài Gòn.
Thời tiết Sài Gòn hiện đang trong mùa nắng nóng, nhưng trước giờ khai mạc, trời đổ cơn mưa nhẹ, nhiệt độ ngoài trời giảm đi rõ rệt, góp phần thuận lợi cho Ban tổ chức lẫn người tham dự Đại lễ.
14g30, chương trình bắt đầu bằng lời chào của người dẫn chương trình, Sœur Lucia Cao Thị Xuân Trang, OP. Tiếp theo, đội kèn tây giáo xứ Gò Mây tấu bài “Hành Trang Người Trẻ” và hồi trống vang dội của đội trống giáo xứ Tân Thái Sơn. Kết thúc phần khai mạc là điệu múa minh họa bài hát “Hãy Có Lòng Thương Xót Như Chúa Cha” do 9 Sœur Dòng Đa Minh Tam Hiệp biểu diễn.
15g00, Cộng đoàn bước vào giờ kinh Thương Xót. Đúng 3 giờ chiều, một giờ rất quen thuộc và hàm chứa nhiều ý nghĩa với người Kitô. Giờ mà Chúa Giêsu đã hứa một cách chắc chắn: “Ta nhắc cho con nhớ rằng mỗi khi nghe đồng hồ điểm ba giờ, con hãy dìm mình hoàn toàn trong Lòng Thương Xót của Ta để thờ lạy và tôn vinh… Vì vào giờ phút ấy, lượng tình thương được mở ra cho mọi linh hồn… Đó là giờ ân sủng cho toàn thế giới – Lòng Thương Xót vinh thắng phép công thẳng” (NK 1572).
Chuỗi kinh Thương Xót có tầm mức hết sức quan trọng và cần thiết cho Kitô hữu. Vì thế, trong nhật ký Thánh nữ Faustina, Chúa Giêsu đã nói với các Linh mục của Ngài: “Các linh mục hãy giới thiệu chuỗi kinh ấy cho các tội nhân như niềm trông cậy sau cùng cho ơn cứu rỗi. Một tội nhân dù chai đá cứng lòng đến mấy, nhưng nếu đọc chuỗi kinh này, dù chỉ một lần duy nhất mà thôi, cũng sẽ nhận được ơn thánh do lòng lân tuất vô cùng của Ta” (NK 687).
Sau 30 phút, Cộng đoàn kết thúc chuỗi kinh Thương Xót bằng lời tuyên tín qua bài hát “Chúa Giàu Lòng Xót Thương”.
Chương trình được tiếp nối với tiểu phẩm “Lòng Thương Xót của Chúa trên những thảm hoạ môi trường”, do Quý Sœur Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi Chí Hòa và các thiếu nhi giáo xứ Tân Phước trình diễn. Kịch bản dàn dựng rất công phu, với gần 150 vai diễn, tạo thành vở diễn nguyện hoành tráng, gồm 3 phần:
– Mặc dù Thiên Chúa đã cảnh cáo, nhưng con người vẫn tiếp tục phạm tội, không chịu sám hối, thậm chí phản bội Thiên Chúa để tôn thờ các ngẫu tượng. Và trời nổi cơn giông tố, nhận chìm họ trong cơn lụt Đại hồng thuỷ.
– Ngày nay, con người đang liên tiếp gây ra những thảm hoạ thiên nhiên, những thảm hoạ môi trường xã hội, như nạn phá thai, nạn buôn người, khủng bố,… Những giá trị cao cả như lòng nhân ái, sự chân thật, lòng chung thuỷ, và cả những giá trị nhân bản đang bị hạ thấp, xói mòn,… Thế giới này nếu cứ bị tội lỗi tràn ngập thì chắc chắn sẽ tự huỷ diệt, con người sẽ phải chết vì những tội lỗi mình đã phạm.
– Chính vì thế, con người phải chạy đến với Chúa, càng sớm càng tốt, nhưng phải thật lòng sám hối và tin tưởng tuyệt đối vào Lòng Xót Thương của Chúa.
Đại lễ năm nay vui mừng đón nhận sự hiện diện của Linh mục Thừa Sai LTX Giuse Đào Nguyên Vũ. Phần chia sẻ (1) của Cha bắt đầu với cách đặt vấn đề: Chúa có thực sự thương xót con không? Nếu Chúa thương xót con người thì con bị bệnh, Chúa phải chữa lành; con đau khổ, Chúa phải lau sạch nước mắt; con bất hạnh, Chúa phải làm cho con sung sướng. Nhưng, Thiên Chúa là ai?
Cha Giuse trả lời: Là Đấng chấp nhận chịu đóng đinh, chấp nhận chịu treo trên thập giá, chấp nhận chịu chết để dẫn đưa chúng ta thoát khỏi sự đau khổ ở đời này. Do đó, việc tôn sùng LCTX không có nghĩa là sẽ đạt được mục đích không bệnh tật, không gặp đau khổ, không gặp thất bại, nhưng làm sao để những đau khổ này trở thành khí cụ của LTX.
Đề cập đến Bí tích Hòa Giải, Cha nhắc lại lời ĐTC Phanxicô: “Bí tích Hòa Giải không phải là chiếc máy giặt. Mà ở nơi đó, Thiên Chúa muốn hướng con người đến sự công bằng”.
Sứ điệp LTX mà Chúa Giêsu gởi đến cho thánh Faustina phải là sứ điệp khởi đi từ cuộc sống hàng ngày.
Trong quyển sách “Danh Ngài là Thương Xót”, một nhà báo đặt câu hỏi với ĐTC Phanxicô: “Nếu bảo LTX cần phải có trải nghiệm, thì làm sao có thể dạy cho các em nhỏ trong gia đình hiểu về LTX?”. ĐTC trả lời: “Hãy nói với các em về Chúa, giúp cho các em làm quen với những câu chuyện của Tin mừng, mà ở trong Tin mừng đó, Thiên Chúa mạc khải tình yêu vô biên và vô điều kiện cho con người. Hãy làm gương cho các em bằng chính đời sống xót thương của mỗi người”.
Khi ban hành Thư Chung chủ đề Mục vụ Gia đình cho ba năm (2016-2019), Giáo hội Công Giáo Việt Nam muốn nhắc cho chúng ta nhớ đức tin là hành động chứ không phải lời nói. LTX phải được diễn tả bằng cách sống chứ không bằng khẩu hiệu.
Chúng ta hãy đón nhận sứ mạng trở thành LTX cho thế giới. Không cần phải làm những việc vĩ đại, làm những việc nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày thôi. Sống được như vậy, chúng ta sẽ giảm được những cơ hội phạm tội, chúng ta mới có thể học cách quan tâm đến người khác và nhất là mỗi một ngày, khi thức dậy, chúng ta mới cảm thấy niềm vui, ngày hôm nay, Chúa đã cho con gặp gỡ biết bao nhiêu người để giới thiệu về Chúa.
Tiếp theo là phần chia sẻ (2) của Cha Ernest, Tổng linh hướng CĐ LCTX TGP SG, với đề tài: “Lòng Chúa Thương Xót giúp chúng ta có con tim giống Chúa”.
Khi đến với LCTX, con người đi theo nhiều hướng khác nhau. Nhóm thứ nhất, phổ thông hơn, thường tụ nhau để đọc kinh LCTX. Nhóm tiếp theo chạy đến LCTX để xin chữa bệnh. Thế nhưng cũng có người chạy đến LCTX để xin ơn tha tội. Cũng có khi người ta chạy đến LCTX vì gia đình gặp nhiều trắc trở. Nói chung, chúng ta chạy đến LCTX để mong được Chúa Thương Xót. Thực ra không có gì sai lầm khi chúng ta chạy đến để xin Chúa chữa lành hồn, xác.
Và Cha dùng hình ảnh Đức Giêsu Kitô để diễn giải về LTX. Chúa Giêsu đã mạc khải tình thương đến với con người, bao gồm tất cả những gì làm thành nhân tính của con người. Tình thương này càng nổi bật hơn cả khi tiếp xúc với đau khổ, với bất công, với nghèo khó… Do đó, theo ngôn ngữ Thánh Kinh, các cách thức và những lãnh vực nào tình thương được biểu lộ, được gọi là “lòng thương xót”. Thế nhưng cũng không ít người hiểu lầm về LCTX. Có người cho rằng, giờ thì khỏe rồi, cứ phạm tội thoải mái vì Chúa lúc nào cũng tha thứ. Điều đó đúng không?
Thiên Chúa Cha sẵn sàng tha thứ cho tâm hồn thành tâm sám hối, nhưng vấn đề thống hối lại là vấn đề của chúng ta.
Đừng hiểu lầm rằng LCTX chỉ dừng lại ở chỗ tha thứ, mà LCTX còn mời gọi chúng ta vươn lên. Câu chính yếu mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta vẫn là lời mời gọi “nên hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5:48).
17g00, anh Gioan B. M. Nguyễn Thế Vịnh, Trưởng BCH CĐ LCTX TGP, thay mặt Cộng đoàn dâng lên Chúa những ý nguyện xin khấn.
17g05, đoàn rước kiệu LCTX và đoàn đồng tế tiến lên lễ đài. Thánh lễ bắt đầu. Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, giám mục GP Mỹ Tho, chủ tế. Đồng tế có Cha Tổng Linh Hướng Ernest Nguyễn Văn Hưởng và 13 linh mục. Có khoảng 7.000 người đến tham dự Đại lễ.
Trong bài giảng (3), Đức Cha chủ tế nói: “Đại lễ năm nay được cử hành trong bối cảnh của năm Mục vụ Gia đình, vì thế, tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài suy nghĩ về Lòng Thương Xót của Chúa trong mối liên hệ với đời sống gia đình của mỗi chúng ta”.
Hầu như những mặc khải về LTX luôn gắn liền với đời sống gia đình, kinh thánh dùng những kinh nghiệm và hình ảnh của đời sống gia đình để diễn tả, để công bố về LTX của Thiên Chúa.
Sách Hôsê vận dụng tình yêu vợ chồng để nói về LTX qua câu chuyện tiên tri Hôsê. Sách Isaia thì diễn tả LTX của Chúa bằng tình cảm yêu thương vô bờ bến của người mẹ đối với người con:“Có người mẹ nào có thể quên đứa con mà bà cưu mang 9 tháng, mà giả sử như người mẹ đó có quên con đi nữa, thì Ta, Ta không quên ngươi đâu”.
Trong Tân ước, có rất nhiều dụ ngôn thể hiện LTX của Chúa. Dụ ngôn “Người Con Hoang Đàng” diễn tả cách hành xử của người cha nhân từ đối với đứa con tội lỗi, vượt ra ngoài sự tưởng tượng của con người.
Tại sao Kinh thánh lại vận dụng hình ảnh về đời sống gia đình để nói về LTX của Chúa. Vì gia đình là môi trường, là nơi chúng ta cảm nghiệm về tình yêu và LTX sớm nhất, bền bỉ nhất và là một tình yêu đích thực nhất, một tình yêu cho đi không tính toán. Anh chị em quy tụ nơi đây để cử hành Thánh lễ Tôn vinh LCTX, chúng ta được mời gọi để sống LTX bắt đầu từ chính gia đình mình.
Thư của HĐGMVN gởi các gia đình trong năm Mục vụ Gia đình, lấy ý tưởng của Thánh GH Gioan Phaolô 2, Ngài vận dụng dụ ngôn “Ngày Phán Xét Chung” để áp dụng vào đời sống gia đình. Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Kết thúc cuộc đời này, chúng ta sẽ bị xét xử bởi tình yêu”.
Về sự bình an đích thực, Đức Cha chia sẻ: “Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu hiện ra chúc bình an cho các tông đồ, sau đó Người cho các ông xem dấu đinh ở tay và vết thương ở cạnh sườn của Người. Điều này chứng tỏ sự bình an đích thực là sự bình an xuyên qua thập giá, xuyên qua hy sinh và từ bỏ”.
Đức Cha kết thúc bài giảng bằng câu nói rất ngắn: “Hãy bắt đầu sống LTX từ chính gia đình của mình”.
Trước khi kết lễ, Đức cha chủ tế làm phép ảnh LCTX và ban phép lành toàn xá mà Giáo Hội cho phép trong ngày đại lễ này.
Thánh lễ kết thúc, dấu ấn LCTX được thể hiện nơi từng người.
Xin mượn lời dặn dò của Đức Cha chủ tế trong bài giảng hôm nay để thay cho lời kết: “Ước gì buổi quy tụ đông đảo trong Thánh lễ hôm nay không chỉ là hình thức biểu dương, mà trở thành một động lực thúc đẩy mỗi chúng ta, mỗi gia đình, để xây dựng gia đình mình thành nơi thể hiện LTX, nơi làm chứng và loan báo LTX của Chúa cho mọi người”.
Giuse Phạm Đình Vinh
(1) Nghe toàn văn bài chia sẻ của Cha Giuse tại https://longchuathuongxot.vn/v2/bai-chia-se-cua-lm-thua-sai-ltx-giuse-trong-dai-le-kinh-lctx-2017/
(2) Nghe toàn văn bài chia sẻ của Cha Ernest tại https://longchuathuongxot.vn/v2/bai-chia-se-cua-lm-tong-lh-ernest-trong-dai-le-kinh-lctx-2017/
(3) Nghe toàn văn bài chia sẻ của Đức Cha Phêrô tại https://longchuathuongxot.vn/v2/bai-giang-cua-duc-cha-phero-trong-dai-le-kinh-lctx-2017/
——————————–
Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót TGP Sài Gòn chân thành cám ơn:
– Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng GM Gp TP. HCM.
– Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Gp Mỹ Tho.
– Cha Tổng Đại diện Inagtiô Hồ Văn Xuân.
– Cha Tổng Linh Hướng Ernest Nguyễn Văn Hưởng.
– Cha Giám đốc và Quý Cha TTMV Tgp TP. HCM.
– Cha Giám đốc, Quý Cha và Quý Thầy ĐCV T.Giuse Sàigòn.
– Cha Giuse, Thư ký UB Di Dân – HĐGM VN – LM Thừa sai LTX.
– Cha Fx. Bảo Lộc, Giám học TTMV TGP TP. HCM.
– Quý Cha Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc.
– Quý Cha đồng tế.
– Cha Trưởng ban, Sr Têrêsa và Ban MV Truyền thông Tgp.
– Quý Soeur Dòng T.Phaolô thành Chartres.
– Sr. Lucia Cao Thị Xuân Trang và Quý Sr. Dòng Đa Minh Tam Hiệp.
– Quý Soeur Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi và Giáo dân Gx Tân Phước.
– Ủy Ban Nhân Dân TP.HCM – Ban Tôn Giáo Thành Phố – Ủy Ban Nhân Dân Quận I – Ủy Ban và Công An Phường Bến Nghé.
– Tổng C.ty Tân Hiệp Phát – Tập đoàn Đông Phương – C.ty Tín Thành – C.ty Âm thanh, ánh sáng Xuân Đức – Cty Văn Hoa Việt.
– Hướng Đạo Công Giáo TGP – Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể TGP – Gia đình Khôi Bình TGP – Ca đoàn Tổng hợp – Đội trống Giáo xứ Tân Thái Sơn – Đội kèn tây Giáo Xứ Gò Mây – Phòng khám Đa khoa Thánh Mẫu – Ca sỹ Ngọc Mai – ca sỹ Gia Ân.
– Quý Ông-Bà-Anh-Chị-Em tham dự Đại lễ.
Tất cả đã góp phần vào thành công của Đại lễ. Nguyện xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn ơn lành trên Quý Đức cha, Quý Cha, Quý Tu sĩ và mọi người.
Hẹn gặp lại ở Đại lễ 2018.