Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Thế Giới Nhìn Từ Vatican 30/03-05/04/2017: Đức Thánh Cha ngậm ngùi trước cuộc thương khó của dân thành Mosul

Thế Giới Nhìn Từ Vatican 30/03-05/04/2017: Đức Thánh Cha ngậm ngùi trước cuộc thương khó của dân thành Mosul

1. Đức Thánh Cha thăm giáo phận Carpi

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Lúc 8 giờ sáng Chúa Nhật mùng 2 tháng Tư, Đức Thánh Cha đã dùng trực thăng để bay từ Vatican đến Carpi, cách Rôma 346 cây số đường chim bay về hướng bắc. Như vậy là một tuần sau chuyến viếng thăm lịch sử tại tổng giáo phận Milan, là tổng giáo phận lớn nhất ở Âu Châu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến viếng thăm một giáo phận nhỏ bé chỉ bằng 1 phần 45 so với Milan, đó là giáo phận Carpi.

Giáo phận Carpi chỉ có 117 ngàn tín hữu Công Giáo, 39 giáo xứ với 60 linh mục. Cách đây gần 5 năm, tức là năm 2012, miền này bị động đất nặng làm cho 30 người chết, nhiều nhà cửa, thánh đường bị tàn phá. Hồi đó Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng đã viếng thăm giáo phận này và nay Đức Thánh Cha Phanxicô đến đây để khích lệ niềm hy vọng của các tín hữu và dân chúng. Ngài mời gọi các tín hữu đừng để sầu muộn thất bại đè bẹp, trái lại tín thác và hy vọng nơi Chúa và trỗi dậy, như Ngài đã cho ông Lazzaro sống lại.

Trong cuộc viếng thăm, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ lúc 10 giờ rưỡi tại Quảng trường Tử Đạo, rồi cuối lễ ngài làm phép 3 viên đá đầu tiên để xây thánh đường mới của giáo xứ thánh Agata, nhà tĩnh tâm thánh Antôn ở Mercadello, và trung tâm bác ái của giáo phận Carpi.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Đến nơi lúc 9 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha đã được giáo quyền và chính quyền địa phương tiếp đón tại sân thể thao và ngài đi xe mui trần tiến về địa điểm hành lễ là nhà thờ chính tòa giáo phận Carpi mới được tái thánh hiến sau trận động đất.

Quảng trường dài trước Thánh Đường đông chật các tín hữu, khoảng 40 ngàn người. Trời có mây nhưng may mắn không mưa. Cạnh lễ đài được dựng trên thềm nhà thờ, có hàng trăm linh mục đồng tế thuộc giáo phận Carpi và những giáo phận phụ cận. Đồng tế với Đức Thánh Cha cũng có các giám mục thuộc miền Emilia Romagna.

2. Bài giảng thánh lễ tại nhà thờ chính tòa giáo phận Carpi

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Gioan thuật lại phép lạ Chúa Giêsu cho ông Lazzaro đã chết 4 ngày được sống lại và rút ra những bài học hy vọng tin tưởng cho các tín hữu ở trong hoàn cảnh đau thương và tuyệt vọng. Ngài nói:

“Chúng ta nhận xét rằng giữa cảnh thất vọng đau buồn chung vì cái chết của Lazzaro, Chúa Giêsu không để cho mình bị buồn sầu chế ngự. Tuy cũng đau buồn, nhưng Ngài yêu cầu mọi người hãy tin tưởng vững vàng; Chúa không khép mình trong than khóc, nhưng Ngài cảm động và lên đường tiến về ngôi mộ. Ngài không để khung cảnh cảm xúc cam chịu chung quanh thu hút Ngài, nhưng tin tưởng cầu nguyện và thưa rằng: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha” (v.41).

“Anh chị em thân mến, cả chúng ta cũng được mời gọi quyết định xem mình đứng về phía nào. Ta có thể đứng về phía ngôi mộ hoặc đứng về phía Chúa Giêsu. Có người tiếp tục bị kẹt trong những đổ vỡ của cuộc sống, và có những người, như anh chị em, nhờ ơn Chúa giúp, đang gạt qua đổ vỡ và tái thiết trong niềm hy vọng kiên nhẫn.

“Đứng trước những câu hỏi lớn: “Tại sao” của cuộc sống, chúng ta có hai con đường: hoặc là đứng nhìn những ngôi mộ quá khứ và hiện tại với thái độ tư lự hoài tưởng, hoặc để cho Chúa Giêsu đến gần những ngôi mộ của chúng ta. Đúng vậy, vì mỗi người chúng ta đã có một ngôi mộ nhỏ, một vùng chết chóc trong tâm hồn: một vết thương, một thiệt hại đã chịu hoặc đã làm, một sự oán hận không ngừng, một sự hối hận tái xuất hiện, một tội lỗi không vượt qua được. Ngày hôm nay, chúng ta hãy nhận ra những ngôi mộ của chúng ta và mời Chúa Giêsu tiến vào đó. Thật là điều lạ lùng: chúng ta thường thích ở lại một mình trong những hang động tối tăm của chúng ta, thay vì mời Chúa Giêsu đi vào; chúng ta bị cám dỗ tìm kiếm chính mình, lẩm bẫm và chìm sâu trong lo âu, liếm những vết thương của mình, thay vì đi gặp Chúa, Đấng nói rằng: “Hãy đến cùng Thầy, hỡi những người mệt mỏi và bị áp bức, và Thầy sẽ bổ dưỡng cho” (Mt 11,28).

Và Đức Thánh Cha kết luận rằng: “Được Chúa Giêsu viếng thăm và giải thoát, chúng ta hãy cầu xin ơn được trở thành chứng nhân sự sống trong thế giới này, một thế giới đang khao khát sự sống, trở thành những chứng nhân khơi dậy và phục hồi niềm hy vọng nơi Thiên Chúa trong các tâm hồn mỏi mệt và bị buồn sầu đè nặng. Lời loan báo của chúng ta là niềm vui của Chúa hằng sống, ngày nay Chúa vẫn còn nói như đã nói với ngôn sứ Ezechiel: “Này đây, ta mở các ngôi mộ của các ngươi, hỡi dân Ta, Ta sẽ đưa các ngươi ra khỏi các ngôi mộ của các ngươi” (Ez 37,12)

3. Buổi đọc kinh Truyền Tin với các tín hữu giáo phận Carpi

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin cuối thánh lễ, Đức Thánh Cha nhắc đến lòng kính mến Đức Mẹ của các tín hữu và nhắn nhủ mọi người hãy dâng lên Mẹ những vui buồn, đau khổ và hy vọng của chúng ta. Ngài cám ơn các Giám Mục thuộc miền Emilia Romagna, các linh mục, tu sĩ nam nữ, chính quyền và tất cả những người đã cộng tác đặc biệt vào việc tổ chức cuộc viếng thăm và buổi lễ này.

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi chấm dứt các cuộc xung đột võ trang đẫm máu ở vùng Kasai thuộc Cộng hòa Dân chủ Congo, làm cho nhiều người chết và dân chúng phải di tản, tài sản của Giáo Hội cũng bị phá hoại và cướp bóc. Ngài cũng bày tỏ lo âu về tình hình ở Venezuela, và Paraguay, và kêu gọi chấm dứt mọi bạo lực, tìm kiếm các giải pháp bằng phương thế hòa bình. Đức Thánh Cha cũng không quên các nạn nhân vụ đất lở ở tỉnh Mocoa bên Colombia làm cho ít nhất hơn 200 người chết và 220 người bị mất tích.

Sau thánh lễ, khoảng 1 giờ, Đức Thánh Cha đã đến chủng viện giáo phận để dùng bữa trưa với các Giám Mục thuộc 15 giáo phận ở vùng Emilia Romagna, rồi lúc 3 giờ, ngài gặp gỡ các linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh tại Nhà nguyện chủng viện.

Sau đó lúc gần 4 giờ chiều, ngài đến đến thị trấn Mirandola ở mạn bắc thuộc giáo phận Carpi, viếng thăm nhà thờ chính tòa địa phương còn bị hư hại vì động đất và chưa sử dụng được. Ngài chào thăm dân chúng tại quảng trường trước thánh đường, rồi lúc 5 giờ, ngài đến giáo xứ thánh Giacomo Roncole, đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân động đất, trước khi đáp trực thăng về đến Vatican vào lúc 7 giờ tối cùng ngày.

4. Một phụ nữ từng đoạt giải thưởng Ratzinger sẽ viết bài suy niệm cho 14 chặng đàng thánh giá tại hí trường Côlôsê

Nhà thần học Anne-Marie Pelletier, người Pháp, từng đoạt giải Ratzinger là tác giả của những bài suy niệm 14 chặng đàng thánh giá tại hí trường Côlôsê vào ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm nay. Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết như trên hôm thứ Sáu 31 tháng Ba.

Theo chương trình, lúc 5h chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, 14 tháng Tư, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự nghi thức Tôn Vinh Thánh Giá, tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa ở Đền Thờ Thánh Phêrô. Sau đó, lúc 9 giờ 15 phút tối cùng ngày, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đi đàng Thánh Giá trọng thể tại hí trường Côlôsê.

Bà Pelletier là một giáo dân, sinh năm 1946, đã lập gia đình và có ba người con.

Bà đã dành cả cuộc đời của mình trong việc nghiên cứu, biên soạn một loạt các tác phẩm thần học và triết học, và đã dành được nhiều giải thưởng đáng kinh ngạc, bao gồm giải thưởng Ratzinger năm 2014 về Thần học. Bà là người phụ nữ đầu tiên nhận được giải thưởng này.

Là một chuyên gia về chú giải Kinh Thánh, Pelletier đã dành hầu hết các nghiên cứu của mình cho chủ đề phụ nữ trong Kitô giáo.

Đức Hồng Y Ruini, lúc ấy là Chủ tịch Uỷ ban Khoa học của Tổ chức Joseph Ratzinger-Benedict XVI, đã lên tiếng ca ngợi việc trao giải thưởng cho bà Pelletier, và mô tả bà là “một nhân vật nổi bật của Giáo Hội Công Giáo Pháp đương đại, có một uy tín khoa học xứng đáng, một nhà văn hóa sống động, và có những cống hiến to lớn cho chứng tá Kitô trong xã hội”.

Những bài suy niệm cho 14 chặng đàng thánh giá tại hí trường Côlôsê luôn được chú ý rộng rãi trên toàn thế giới vì sự phong phú của những suy tư thần học. Ngay cả truyền thông thế tục cũng chú ý đến những bài suy niệm này vì chúng phản ánh những suy tư của Giáo Hội trước những bất công lan tràn trên thế giới và tình trạng xuống cấp và tháo thứ về luân lý, và đạo đức trong xã hội.

Những bài suy niệm 14 chặng đàng thánh giá tại hí trường Côlôsê được đánh giá cao có thể kể là những bài suy niệm năm 2013 do Đức Thượng Phụ Bechara Boutros al-Rahi biên soạn nói lên tình cảnh bi đát của các tín hữu Kitô vùng Trung Đông. Văn bản của các chặng đàng Thánh Giá năm 2007 do một học giả nổi tiếng về Thánh Kinh là Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi biên soạn thường được xem là một áng văn chương kiệt xuất.

5. Đức Thánh Cha bày tỏ âu lo về thương vong của thường dân lên quá cao trong chiến dịch giải phóng Mosul

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi các phe tham chiến tại Mosul bảo vệ cuộc sống của các cư dân trong thành phố Mosul. Ngài nói sự an toàn của thường dân là một “nghĩa vụ khách quan và khẩn cấp”.

Ngài bày tỏ lập trường trên trong cuộc tiếp kiến chung hôm thứ Tư 29 tháng Ba, trong cùng một ngày khi các nhà lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ tại Iraq cáo buộc bọn khủng bố Hồi Giáo IS sử dụng thường dân làm lá chắn để ngăn cản các cuộc không kích của liên quân.

Tướng Joseph Votel nói với Ủy ban Quốc phòng Hạ Viện như trên trong cuộc điều trần liên quan đến cuộc điều tra chính thức của Quốc Hội Hoa Kỳ về vụ không kích hôm 17 tháng 3 làm thiệt mạng hơn 200 thường dân.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Iraq cần phải tìm kiếm “hòa bình, thống nhất và thịnh vượng” thông qua sự hòa giải giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo tại quốc gia này.

Đức Giáo Hoàng nói với phái đoàn các nhà lãnh đạo tôn giáo Iraq tại Quảng trường Thánh Phêrô rằng “Suy nghĩ của tôi hướng tới dân chúng đang bị mắc kẹt ở các quận phía tây của Mosul và những người bị chiến tranh tàn phá. Tôi xin lặp lại lời kêu gọi của tôi cho mọi nỗ lực để bảo vệ dân thường.”

Liên Hiệp Quốc ước lượng còn gần 400,000 người bị mắc kẹt trong vòng lửa đạn. Bọn khủng bố Hồi Giáo IS, trong mưu toan bắt dân chúng làm bia đỡ đạn bắn chết bất cứ ai muốn bỏ trốn. Có các báo cáo cho thấy nhiều người đã chết vì đói.

Từ hôm Chúa Nhật 19 tháng Ba, trực thăng của Iraq và máy bay của Liên Quân do Hoa Kỳ lãnh đạo đã bắn phá liên tục vào đền thờ Hồi giáo al-Nuri, nơi tên khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi, đã tuyên bố thành lập cái gọi là “Nhà Nước Hồi Giáo” vào ngày 29 tháng Sáu năm 2014.

Vào sáng Chúa Nhật 19 tháng Ba, quân Iraq được báo cáo là chỉ còn cách đền thờ này có 100m. Tuy nhiên, cuộc chiến giành giật 100m cuối cùng này đầy cam go. Sau gần hai tuần lễ giao tranh ác liệt, quân Iraq vẫn không thể nào vượt qua được 100m cuối cùng này.

Trong một diễn biến bi đát, 230 thường dân vô tội, trong đó đa số là trẻ em đã bị chôn vùi trong 3 căn nhà sau một cuộc oanh kích của máy bay Liên Quân.

Nguyên nhân chính xác của tai họa này vẫn chưa rõ ràng, nhưng một chính trị gia và hai cư dân địa phương nói rằng bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã chiếm giữ các căn nhà làm vị trí bắn tỉa và đã giữ các thường dân bên trong làm lá chắn. Cuộc không kích của liên quân nhắm vào những tên khủng bố có thể đã kích nổ một chiếc xe tải chứa đầy chất nổ, phá hủy và làm sập các ngôi nhà trong một khu vực rất đông dân cư.

Theo các nhân chứng, có khoảng 230 thân thể của phụ nữ và trẻ em đã được kéo ra từ ba ngôi nhà kế cận ở khu vực Jadida ở tây Mosul trong đêm thứ Tư và sáng thứ Năm 23 tháng Ba.

6. Đức Hồng Y Sarah nói rằng ‘sự tàn phá phụng vụ’ phản ánh cuộc khủng hoảng đức tin nghiêm trọng

Trong một bài diễn văn tại một hội nghị tại Đức nhân kỷ niệm 10 năm (2007-2017) tự sắc Summorum Pontificum của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 về việc sử dụng các hình thức Phụng Vụ trước cuộc cải cách của Công Đồng Chung Vatican II, Đức Hồng Y Robert Sarah, Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đã đưa ra một đánh giá thẳng thừng về “thảm hoạ, sự tàn phá và sự phân ly mà những người đề cao một thứ phụng vụ sống động và hiện đại đang gây ra.”

Đức Hồng Y Sarah nhắc nhở cử tọa rằng khi công bố tự sắc Summorum Pontificum, mở rộng việc tiếp cận phụng vụ truyền thống Latinh, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã bày tỏ hy vọng rằng hai hình thức nghi lễ Rôma này sẽ làm phong phú thêm cho nhau. Theo Đức Hồng Y, việc làm giàu đó là điều cần thiết trước tình trạng nghèo nàn của Phụng Vụ Công Giáo ngày nay.

Đức Hồng Y nói:

“Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của đức tin, không chỉ giới hạn trong số các tín hữu Kitô mà còn, và đặc biệt là nghiêm trọng trong số nhiều linh mục và giám mục, đã làm cho chúng ta không thể hiểu được phụng vụ Thánh Thể như một lễ tế hy sinh, như một hành động được thực hiện một lần và cho tất cả bởi Chúa Giêsu Kitô, như một hy lễ xuyên suốt trong toàn thể Giáo Hội, qua các thời đại, ở mọi nơi, xuyên suốt qua các quốc gia và các dân tộc khác nhau. Ngày nay, thường có một khuynh hướng bỉ báng là hạ giảm Thánh lễ xuống thành một bữa ăn đơn giản chung với nhau, việc cử hành xảy ra như một bữa tiệc ấm ớ, nhằm cử mừng chính cái cộng đoàn ấy, hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn, người ta muốn chuyển hướng kinh khủng sang một cuộc sống không còn ý nghĩa hoặc là người ta sợ phải gặp mặt Thiên Chúa mặt đối mặt, bởi vì ánh mắt của Ngài mạc khải và bắt buộc chúng ta phải nhìn ra sự thật một cách kiên quyết vào những khốn nạn trong đời sống nội tâm của chúng ta.”

Đức Hồng Y Sarah bày tỏ âu lo rằng:

“Ngày nay, có một số lượng đáng kể các nhà lãnh đạo Giáo Hội đã đánh giá thấp cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà Giáo Hội đang trải qua: đó là chủ nghĩa tương đối trong giáo huấn về đạo lý, luân lí và kỷ luật, những lạm dụng nghiêm trọng, hủy hoại và giản dị Phụng Vụ Thánh.”

Ngài nói rằng thời kỳ sau Công Đồng Vatican II là một “mùa xuân” cho Giáo Hội, nhưng ngày nay các nhà quan sát khôn ngoan nhận ra rằng đáng buồn thay đang có một khuynh hướng “khước từ di sản hàng thế kỷ của Giáo Hội”.

Trong một nhận xét rất cay đắng, Đức Hồng Y nói: “Các nhà chính trị Châu Âu bị khiển trách vì bỏ rơi hoặc chối bỏ nguồn gốc Kitô giáo của nó. Nhưng người đầu tiên đã bỏ rơi căn cội Kitô và quá khứ của mình chính là Giáo Hội Công Giáo sau công đồng.”

7. Phái đoàn Ba Lan tố cáo Chủ tịch Âu Châu say rượu trong cuộc gặp gỡ Đức Giáo Hoàng

Một nhà lập pháp Ba Lan đã cáo buộc rằng ông Jean-Claude Juncker /giăng klốt giăng-kơ/, chủ tịch của Ủy ban Châu Âu, đã say sưa khi ông gặp Đức Thánh Cha Phanxicô vào tuần trước.

Krystyna Pawlowicz, một thành viên của quốc hội Ba Lan, đã viết một thư ngỏ gởi cho ông Juncker, nói rằng “sự phụ thuộc vào rượu” của ông gây nguy hiểm cho Liên minh châu Âu. Cụ thể, bà trích dẫn tình trạng tệ hại của ông trong cuộc gặp gỡ tại Vatican giữa Đức Thánh Cha với các nguyên thủ quốc gia và các nhà lãnh đạo chính trị của Liên Hiệp Âu Châu.

Bà Krystyna Pawlowicz, ngồi kế bên ông Jean-Claude Juncker trong cuộc họp này, viết:

“Hành vi của ông đã gây xúc phạm không chỉ đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mà còn cả với các vị lãnh đạo các quốc gia và các vị đứng đầu các chính phủ, kể cả những người phụ nữ như chúng tôi, là những người đã lịch sự yêu cầu ông đi chỗ khác nghỉ ngơi.”

Như chúng tôi đã đưa tin, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu đã có cuộc họp thượng đỉnh ở Rôma trong các ngày từ 24 đến 25 tháng Ba. Cuộc gặp gỡ này được tổ chức nhân kỷ niệm lần thứ 60 Hiệp ước Rôma, thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu. Tổ chức này sau đó đã phát triển thành Liên Hiệp Âu Châu.

Từ 6 quốc gia sáng lập ban đầu là Bỉ, Pháp, Tây Đức, Ý, Lục Xâm Bảo và Hà Lan, Liên Hiệp Âu Châu ngày nay gồm có 28 quốc gia thành viên, trải dài trên một diện tích rộng 4,475,757 cây số vuông với một dân số lên đến 510 triệu dân.

Nghị trình trong cuộc họp tại Rôma của các nhà lãnh đạo Âu Châu đã bao gồm việc thảo luận về tương lai của Liên minh trong 10 năm tới, sự rút lui của Anh, những chấn thương tài chính lặp đi lặp lại, làn sóng di cư và chủ nghĩa mị dân đang gia tăng nhanh chóng.

Lúc 6h chiều, ngày 24 tháng Ba, tại phòng họp Sala Regia trong dinh Tông Tòa của Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Âu Châu và đọc một diễn từ quan trọng nói lên quan điểm của Tòa Thánh về tương lai của đại lục này.

8. Ðức Thánh Cha kêu gọi từ bỏ võ khí hạt nhân.

Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi cộng đồng thế giới từ bỏ võ khí hạt nhân, xây dựng hòa bình trên công lý, phát triển nhân bản toàn diện và trên sự tôn trọng các quyền căn bản của con người.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong Sứ điệp các nước tham dự Hội nghị của Liên Hiệp Quốc đã được tiến hành tại New York từ ngày 27 đến 31 tháng 3 năm 2017, nhắm thương lượng về một văn kiện pháp lý, có tính chất bó buộc, về sự cấm các võ khí hạt nhân, để đi tới sự hoàn toàn loại trừ thứ võ khí này.

Sứ điệp của Ðức Thánh Cha đã được Ðức Ông Antoine Camilleri, người Malta, Thứ trưởng ngoại giao, Trưởng đoàn Tòa Thánh tại Hội nghị tuyên đọc, trong đó Ðức Thánh Cha khẳng định rằng “một thứ luân lý và luật pháp dựa trên sự đe dọa phá hủy lẫn nhau, và có thể hủy diệt toàn thể nhân loại, là điều tương phản với chính tinh thần của Liên Hiệp Quốc. Vì thế, chúng ta phải dấn thân cho một thế giới không còn võ khí hạt nhân và hoàn toàn áp dụng Hiệp ước về sự không lan tràn thứ võ khí này”.

Ðức Thánh Cha cũng nhận xét rằng chủ trương trang bị võ khí hạt nhân để đối phương nể sợ mà không dám tấn công, đó là điều không thích hợp, vì nó không đáp ứng hữu hiệu những thách đố và những đe dọa chính đối với nền hòa bình và an ninh của thế giới trong thế kỷ 21 này như nạn khủng bố, các cuộc xung đột không đối xứng (conflitti asimetrici), an ninh tin học, các vấn đề môi trường, nghèo đói. Ngoài ra, việc sử dụng võ khí hạt nhân còn gây nên những hậu quả thê thảm về nhân mạng và môi trường, với những hậu quả tàn phá bừa bãi trong thời gian và không gian. Thêm vào đó, việc trang bị võ khí hạt nhân còn đưa tới sự phí phạm tài nguyên, lẽ ra được sử dụng cho những ưu tiên quan trọng hơn, như thăng tiến hòa bình và phát triển nhân bản toàn diện, chiến đấu chống nghèo đói và thực hiện chương trình hành động 2030 do Liên Hiệp Quốc đề ra để phát triển dài hạn”.

Cũng trong sứ điệp, Ðức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Hòa bình và sự ổn định quốc tế không thể dựa trên một cảm thức giả tạo về an ninh, trên sự đe dọa phá hủy nhau hoặc hoàn toàn tiêu diệt nhau, trên sự duy trì quân bình thế lực. Trái lại hòa bình phải được xây dựng trên công lý, phát triển nhân bản toàn diện, trên sự tôn trọng các quyền căn bản của con người, trên việc bảo tồn thiên nhiên, sự tham gia của tất cả mọi người vào đời sống công cộng, trên sự tín nhiệm giữa các dân tộc, thăng tiến các tổ chức hòa bình, trên sự được hưởng giáo dục và sức khỏe, đối thoại và liên đới.

Theo Ðức Thánh Cha, “trong viễn tượng này, cộng đồng quốc tế được kêu gọi đi xa hơn chủ trương trang bị võ khí để làm cho đối phương nể sợ: cần chấp nhận những chiến lượng nhìn xa trông rộng để thăng tiến đối tượng hòa bình và sự ổn định, và tránh những đường lối tiếp cận thiển cận về những vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế”.

9. Đại diện Vatican tại Liên Hiệp Quốc nói các quốc gia có nghĩa vụ luân lý phải phá hủy vũ khí hạt nhân

“Sự đe dọa của các loại vũ khí hạt nhân trong đó người ta bảo đảm hai bên đều chết hết nếu sử dụng đến vũ khí hạt nhân không thể là nền tảng cho một tình huynh đệ và một sự sống chung hòa bình giữa các dân tộc và các quốc gia”, đại diện của Vatican đã nói như trên trong một bài phát biểu tại phiên họp về giải trừ hạt nhân của Liên Hiệp Quốc.

Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza đã kêu gọi các thành viên Liên Hiệp Quốc chú ý đến lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô hãy cùng nhau xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Ngài nói rằng tất cả các quốc gia đều có một nghĩa vụ đạo đức phải ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng như phải tiến đến việc phá hủy kho vũ khí hạt nhân của họ.

Ngài nói rằng vũ khí hạt nhân gây ra những “đau khổ không cần thiết” cho những người sống sót, và “đáng bị lên án mạnh mẽ và quyết liệt.” Ngài lập luận thêm rằng các quốc gia nên bồi thường cho những người bị phương hại do bức xạ từ các cuộc thử hạt nhân.

Đức Tổng Giám Mục Auza nói rằng cuộc thảo luận về giải trừ quân bị của Liên Hiệp Quốc là “hành động phản đối luận lý gieo rắc sợ hãi cho đối phương để tự vệ.” Ngài kêu gọi sự chấp nhận phổ quát nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng đường lối đối thoại.

10. Thêm một linh mục Mễ Tây Cơ bị giết, hôm sau lại có thêm một linh mục bị bắt cóc

Hôm thứ Hai 27 tháng Ba, một linh mục đã bị bắn chết ở bờ biển Thái Bình Dương của thành phố Nayarit, nâng tổng số linh mục Mễ Tây Cơ bị giết từ năm 2005 đến nay lên đến 37 vị.

Cha Felipe Altamirano Carrillo, 54 tuổi, là người thổ dân Cora, đã bị giết trong một vụ cướp có vũ trang trên đường trở về nhà sau khi dâng thánh lễ tại một họ nhánh hẻo lánh mà ngài phụ trách.

Chỉ riêng năm 2016, hai linh mục bị giết ở bang Veracruz, và một linh mục khác đã bị giết ở bang Michoacan phía Tây quốc gia này. Đầu năm nay, hôm 3 tháng Giêng, một linh mục là cha cha Joaquin Hernandez Sifuentes, 43 tuổi, đã bị giết tại Saltillo.

Tối thứ Ba 28 tháng Ba, lại có thêm một linh mục khác bị bắc cóc tại giáo phận Tampico.

Tuy nhiên, nguồn tin mới nhất của Hội đồng Giám mục Mễ Tây Cơ đưa ra chiều thứ Năm 30 tháng Ba, thì vị linh mục bị bắt cóc ở thành phố Tampico đã được trả tự do không hề hấn gì.

Cha Oscar Lopez Navarro, thuộc giáo phận Tampico đã bị bắt cóc vào tối thứ Ba.

Đức Cha José Luis Dibildox, Giám Mục Tampico nói rằng những kẻ bắt cóc cho biết họ muốn giáo phận trao cho họ một khoản tiền chuộc mạng. Nguồn tin của Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ đã không cho biết giáo phận Tampico có phải trả một khoản tiền nào để đổi lấy tự do cho cha Navarro hay không.

Bản tin cho biết:

“Chúng tôi rất vui khi được biết cha Navarro được trả tự do nhưng đau buồn trước tình trạng xã hội chúng ta đang bị ảnh hưởng bởi bạo lực”.

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc xếp loại Mễ Tây Cơ là quốc gia nguy hiểm nhất đối với các linh mục.

Một số linh mục Mễ Tây Cơ đã bị giết trong các vụ cướp, và trong một số trường hợp các vị bị giết rất dã man. Đó là dấu chỉ của sự suy đồi đạo đức, sự gia tăng nghèo đói cả về kinh tế lẫn văn hóa, dẫn đến các hình thái bạo lực coi thường tính mạng con người. Tuy nhiên, đa số các linh mục Mễ Tây Cơ bị giết là vì các ngài lớn tiếng lên án bất công, tham nhũng, nghèo đói, nhân danh Tin Mừng.

11. Đức Thánh Cha kêu gọi xóa bỏ các thành kiến giữa Công Giáo – Tin Lành

Đức Thánh Cha chào mừng Hội nghị về đề tài “Luther 500 năm sau” và gọi đây là một sự kiện không thể có được cách đây ít lâu.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 31 tháng Ba, dành cho 150 học giả quốc tế tham dự Hội nghị do Ủy ban Tòa Thánh về khoa sử học tổ chức từ ngày 29 tháng Ba về đề tài “Luther 500 năm sau. Đọc lại cuộc cải cách của Luther trong bối cảnh lịch sử Giáo Hội”.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha nói: “Các tín hữu Tin Lành và Công Giáo cùng nói về Luther do sáng kiến của một cơ quan Tòa Thánh, một hội nghị như vậy là điều không thể tưởng tượng được cách đây ít lâu: ở đây chúng ta động chạm một cách cụ thể những thành quả hoạt động của Chúa Thánh Linh, Đấng vượt lên trên mọi biên giới và biến những xung đột thành cơ hội để tăng trưởng trong tình hiệp thông”.

Đức Thánh Cha vui mừng vì hội nghị kỷ niệm này mang lại cơ hội cho các học giả đến từ nhiều tổ chức cùng nhìn các biến cố lịch sử, đào sâu về con người của Luther và sự phê bình của ông chống lại Giáo Hội thời ấy, cũng như chức vụ Giáo Hoàng, những điều ấy chắc chắn sẽ góp phần vượt thắng bầu không khí nghi kỵ và cạnh tranh nhau, đã kéo dài quá lâu trong tương quan giữa hai bên. Theo Đức Thánh Cha, “sự nghiên cứu kỹ lưỡng và nghiêm túc, không vướng thành kiến và bút chiến ý thức hệ, giúp các Giáo Hội đang đối thoại ngày nay, phân định và đón nhận những gì là tích cực và hợp pháp trong cuộc cải tổ, và xa tránh những sai lầm, phóng đại, thất bại, nhìn nhận những tội lỗi đã đưa tới chia rẽ”.

Và Đức Thánh Cha cũng khẳng định rằng “Tất cả chúng ta đều biết là không thể thay đổi quá khứ, nhưng 50 năm sau cuộc đối thoại đại kết giữa Công Giáo và Tin lành, chúng ta có thể thực hiện một sự thanh tẩy ký ức, để có thể “kể lại lịch sự một cách khác”, không mang vết tích oán hận vì những vết thương đã phải chịu, làm cho sự nhận xét về nhau bị lệch lạc”.

12. Khuynh hướng tự tử tại Nhật Bản

Nhật Bản tuy là quốc gia được xếp vào hạng thứ 51 trong các nước hạnh phúc, nhưng dân chúng tại đây lại có khuynh hướng thiên về tự tử.

Một cuộc điều tra do bộ y tế, lao động và phúc lợi Nhật Bản thực hiện và mới công bố kết quả hôm 22 tháng 03 năm 2017, cho biết rằng khoảng 25% tổng số dân Nhật trưởng thành đều đã có ít nhất một lần nghiêm chỉnh nghĩ đến chuyện tự tử, và trầm trọng hơn cả, con số này đang gia tăng.

Hồi năm 2016, có hơn 21 ngàn vụ tự tử thành công tại Nhật. Con số chính xác các vụ tự tử năm 2016 là 21,764 vụ. So với các năm trước, tỷ lệ các vụ tự tử gia tăng: hồi năm 2008, tỷ lệ này là 19.1%, năm 2012 23.4% và năm 2016 tỷ lệ này tăng lên 23.6%.

Trong kết quả, cuộc nghiên cứu cho thấy một ý niệm tuyệt vọng đang lan tràn trong dân Nhật. Cuộc nghiên cứu này bắt nguồn từ mong ước của bộ y tế sức khỏe Nhật, muốn ngăn ngừa các vụ tự tử bằng cách đối đầu với những vấn đề sâu xa khiến cho người dân Nhật toan tính tự tử. Dạo tháng 10 năm 2016, bộ này đã gửi bản thăm dò ý kiến đến 3 ngàn người dân Nhật nam cũng như nữ, trên 20 tuổi. Ðã có hơn 2,000 bản trả lời được gửi trả về bộ.

Theo những bản trả lời này, 36.7% cho biết là đã nghĩ đến chuyện tự tử, nhưng sau cùng đã vượt thắng được cuộc khủng hoảng, nhờ dành nhiều thời giờ giải trí hoặc tập trung vào công ăn việc làm hơn; trên 32% nhờ chia sẻ tâm sự với người chung quanh. Một chi tiết khác cũng đáng chú ý là gần 50% khẳng định rằng khi gặp khó khăn hay lo âu, họ luôn ngần ngại không muốn cầu cứu hay thổ lộ tâm sự với người khác, dù là các cơ cấu chuyên về việc giúp đỡ tâm lý.

Nhưng có một điểm rất là lạ: đó là trong bản thăm dò ý kiến, hoàn toàn không có câu hỏi nào liên quan đến nguyên do khiến cho một người nghĩ đến chuyện tự tử.

13. Đức Thánh Cha tiếp học viện Giáo Hoàng Tây Ban Nha

Đức Thánh Cha kêu gọi các linh mục thực thi đức bác ái mục tử, yêu mến Chúa hết lòng, vượt thắng cá nhân chủ nghĩa và có tinh thần hy sinh từ bỏ.

Ngài đưa ra lời nhắn nhủ trên đây trong buổi tiếp kiến sáng hôm 1 tháng 4 dành cho 160 người thuộc ban giám đốc, các linh mục sinh viên và cựu sinh viên Học viện Giáo Hoàng Tây Ban Nha tại Roma, nhân dịp kỷ niệm 125 năm thành lập Học Viện này.

Hiện diện tại buổi tiếp kiến cũng có Đức Hồng Y Ricardo Blázquez Pérez, Chủ tịch HĐGM Tây Ban Nha và một số Giám Mục.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa lời Chúa Giêsu trả lời cho một thầy Lêvi: “Con hãy yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực” (Mc 12,30), và ngài rút ra những kết luận thực hành: đức bác ái mục tử đòi chúng ta phải đi ra ngoài, gặp gỡ tha nhân, cảm thông, đón nhận và thành tâm tha thứ cho họ. Nhưng không thể có sự tăng trưởng trong bác ái nếu sống trong cô độc. Vì thế, Chúa kêu gọi chúng ta họp thành một cộng đoàn, để đức bác ái tụ tập tất cả các linh mục trong mối liên hệ đặc biệt của sứ vụ và tình huynh đệ”.

Đức Thánh Cha cũng nói đến thách đố vượt thắng cá nhân chủ nghĩa, sống sự khác biệt như một hồng ân, tìm kiếm sự hiệp nhất trong hàng linh mục, là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống cộng đoàn.

Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng việc đào tạo một linh mục không thể chỉ có tính chất trí thức, học vấn, lấy bằng cấp, tuy nó cũng rất quan trọng và cần thiết. Việc đào tạo ấy phải là một tiến trình toàn diện, bao trùm mọi khía cạnh trong cuộc sống, và giúp chúng ta xích lại gần Thiên Chúa và tha nhân.

Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục đừng hài lòng vì có một cuộc sống ngăn nắp, thoải mái, không phải lo lắng gì; cần từ bỏ những gì dư thừa để giúp đỡ những người túng thiếu và yếu đuối.

14. Đức Thánh Cha thăm trung tâm dành cho người mù

Trung tâm thánh Alessio – Margherita di Savoie dành cho những người khiếm thị đã được Đức Thánh Cha viếng thăm hôm thứ Sáu 31 tháng Ba. Với cuộc viếng thăm này, Đức Thánh Cha muốn tiếp tục chương trình “Thứ sáu lòng thương xót” ngài đã khởi xướng và thực hiện trong Năm Thánh Lòng Thương Xót vào chiều thứ sáu, mỗi tháng 1 lần.

Cùng đi với Đức Thánh Cha, có Đức TGM Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.

Trong cuộc viếng thăm vừa qua, Đức Thánh Cha gặp gỡ các người khiếm thị hoặc bẩm sinh, hoặc do bệnh tật. Nhiều người cũng mang một số khuyết tật khác. Trong số những người ở trung tâm có khoảng 50 trẻ em được huấn luyện chuyên biệt để làm được những công việc thường nhật, ngoài ra có 37 người già và người lớn cư ngụ thường xuyên tại Trung Tâm.

Đến nơi, Đức Thánh Cha đã được Ông Chủ tịch Trung Tâm Amegeo Piva và Ông Tổng giám đốc Antonio Organtini cùng với các nhân viên y tế, những người thiện nguyện và phục vụ, tiếp đón nồng nhiệt. Ông Organtini này cũng bị mù trong cuộc sống.

Đức Thánh Cha đã để lại một món quà cho trung tâm và ký vào một bản giấy da lưu niệm trong Nhà nguyện, nhắc nhớ cuộc viếng thăm này.

15. Giám mục Tây Ban Nha nói tông huấn Amoris Laetitia phải được diễn giải theo truyền thống của giáo huấn Công Giáo

Một giám mục Tây Ban Nha đã chỉ ra rằng tông huấn Amoris Laetitia phải được diễn giải theo truyền thống liên tục của giáo huấn Công Giáo về hôn nhân và Thánh Thể.

Trong một hướng dẫn dành cho giáo phận của mình, Đức Giám Mục Juan Antonio Reig Pla của Alcala de Henares thừa nhận rằng văn bản của Đức Giáo Hoàng kêu gọi các mục tử giúp đỡ những người Công Giáo bị ly dị và tái hôn theo một con đường biện phân. Nhưng ngài nói rằng con đường đó phải dẫn đến một điểm mà họ “có thể sống phù hợp với những lời của Chúa Giêsu.”

Vị giám mục viết: “Chỉ khi nào họ sẵn lòng thực hiện bước này, họ mới có thể nhận được bí tích Hòa Giải và Thánh Thể”

17. Đức Thánh Cha cho phép các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X được cử hành bí tích Hôn Phối

Với sự đồng ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei (Giáo Hội Chúa) đã gởi một lá thư đến tất cả các giám mục trên thế giới về việc cho phép bí tích Hôn Phối được cử hành bởi các linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X, do Đức Tổng Giám mục Marcel Lefebvre thành lập.

Lá thư được ký bởi chủ tịch của Uỷ ban Giáo hoàng này, là Đức Hồng Y Gerhard Ludwig Müller, cũng là Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, và vị tổng thư ký, là Đức Tổng Giám Mục Guido Pozzo.

Để hôn nhân là thành sự, cô dâu và chú rể phải nói lên sự ưng thuận của họ trước một linh mục hay phó tế đã được Đức Giám Mục bản quyền cho phép. Cho đến nay, các linh mục thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X không có năng quyền cử hành bí tích này. Tuy nhiên, theo thông báo mới thì từ nay, Đức Hồng Y Müller và Tổng giám mục Pozzo viết: “Tất cả các linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X có năng quyền ban bí tích hôn phối cho các tín hữu một cách hợp pháp”

Lá thư có đoạn viết:

“Theo cùng một quan điểm mục vụ nhằm trấn an lương tâm của các tín hữu, bất chấp tình trạng bất thường khách quan kéo dài về giáo luật của Huynh Đoàn Thánh Piô X, Đức Thánh Cha, theo đề nghị của Bộ Giáo Lý Đức tin và Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei, đã quyết định cho các Đấng Bản Quyền địa phương khả thể được ban năng quyền cử hành bí tích Hôn Phối cho các linh mục Huynh Đoàn Thánh Piô X đối với các tín hữu dưới sự chăm sóc mục vụ của họ, theo các quy định sau đây.

Trong chừng mực có thể, Đấng Bản Quyền địa phương trao việc cử hành các nghi thức của bí tích Hôn Phối theo nghi thức Phụng Vụ cũ Vetus cho một linh mục của giáo phận (trong bất kỳ trường hợp nào khác cũng nên trao cho một linh mục hoàn toàn hợp lệ) miễn là linh mục này có thể được sự đồng ý của hai bên, sau đó việc cử hành Thánh lễ, theo sau các nghi thức này, có thể được trao cho một linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X.

Nếu không được như thế, hay nếu không có linh mục nào trong giáo phận có thể nhận được sự đồng ý của hai bên thì Đấng Bản Quyền địa phương có thể ban năng quyền cần thiết cho một linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X được cử hành các nghi thức của bí tích Hôn Phối và Thánh Lễ sau đó, trong khi nhắc nhở vị linh mục này về nghĩa vụ phải chuyển càng sớm càng tốt các tài liệu liên quan cho giáo phận.

Lá thư kết luận rằng:

“Phương thế này sẽ giúp giảm bớt sự không thoải mái về lương tâm cho các tín hữu dưới sự chăm sóc mục vụ của Huynh Đoàn Thánh Piô X, cũng như bất kỳ sự không chắc chắn nào về tính thành sự của Bí Tích Hôn Nhân; và đồng thời đẩy mạnh tiến trình hướng tới việc thể chế hóa đầy đủ tổ chức này. Bộ trông mong nơi sự hợp tác của các vị”

Bức thư, được Đức Thánh Cha Phanxicô chấp thuận vào ngày 24 tháng 3 và đề ngày 27 tháng 3, đã được công bố hôm thứ Ba 4 tháng Tư.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …