Home / Chia Sẻ / ĐỊNH MỆNH AN BÀI! 

ĐỊNH MỆNH AN BÀI! 

DinhMenhAnBaiThời gian nào cũng là thời gian.  Nhưng không phải thời gian nào cũng giống thời gian nào.  Mỗi người sẽ trải qua những giây phút cực kỳ quan trọng. Đức Giêsu đã biết trước những giây phút đó. Cuối đời Người là một chuỗi vinh nhục.

TÌM MỘT CON ĐƯỜNG.

Dù khi vinh quang vào thành Giêrusalem hay tơi tả dưới làn mưa rơi, Đức Giêsu chỉ biết vâng theo thánh ý Chúa Cha mà thôi.  Đó là con đường dẫn tới vinh quang.  Con đường phục vụ luôn sáng chói giữa những tương quan chằng chịt và biến cố bất ngờ.  Tương quan trần gian thật mỏng manh.  Có ai đáng tin cậy hơn các môn đệ?  Thế mà ông Phêrô “chối Chúa trước mặt mọi người” (Mt 26,71).  Giuđa “nộp Đức Giêsu.” (Mt 26,16.48)  “Các môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết” (Mt 26,56).  Cháy nhà mới ra mặt chuột!  Nhưng Đức Giêsu không lệ thuộc vào con người mỏng dòn.  Chỗ dựa không phải là con người.  Sức mạnh cũng không phải là gươm giáo gậy gộc, nhưng là “Cha Thầy” với “mười hai đạo binh thiên thần” (Mt 26,53).  Bởi vậy, Người mới có thể đứng vững trước bao thử thách.  Qua bao đoạn đường gập ghềnh, Người vẫn thẳng bước, vì mục tiêu đã được xác định dứt khoát.

Mục tiêu đó chính là vinh quang Thiên Chúa.  Có lúc vinh danh Chúa Cha và Chúa Con không tách lìa.  Chính lúc vào thành Giêrusalem, Đức Giêsu tưởng như đã lên chín tầng mây với Chúa Cha khi dân chúng tung hô: “Hoan Hô Con vua Đavít!  Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!  Hoan hô trên các tầng trời.” (Mt 21,9)  Nhưng Người cũng thấy vinh quang Chúa Cha tràn ngập ngay cả lúc nghe những lời nhục mạ: “Ông Kitô ơi, hãy nói tiên tri cho chúng tôi nghe đi: ai đánh ông đó?” (Mt 26,68), hay khi “lính của tổng trấn quì gối trước mặt Người mà nhạo rằng: Vạn tuế Đức Vua dân Do Thái!” (Mt 26,29).  Một nguồn bình an khôn tả khỏa lấp con tim ngay giữa cảnh “kẻ qua người lại đều nhục mạ Người” (Mt 27,39).  Vinh quang vẫn lóe lên ngay trong đêm đen hận thù: “Nếu mi là Con Thiên Chúa… Hắn là Vua Israel!  Hắn đã nói: Ta là Con Thiên Chúa!” (Mt 27,40.42.43).  Đã đến lúc Cha làm vinh danh Con.  Đứng trước các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng, Người vẫn khẳng quyết mình “là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa” (Mt 26,65), và trước mặt tổng trấn Philatô, Người xác nhận mình là “vua dân Do Thái” (Mt 27,11).  Đứng giữa đám đông khát máu đang gào thét: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mt 27,23.25.26), Đức Giêsu vẫn nghiễm nhiên vươn lên như Đấng “Kitô” (Mt 27,22)

Tất cả xảy ra không ngoài “ý cha” (Mt 26,39).  Những lúc “làm thinh” (Mt 26,63) hay “không trả lời một tiếng” (Mt 27,12) là những lúc Đức Giêsu kiên cường bất khuất trước cường lực đối phương.  Người như chìm sâu trong tình yêu Thiên Chúa để tìm một lối thoát cho những bế tắc hiện tại.  Càng nhìn lên cao, Người càng không thấy lý do phải đối đầu với những toan tính thấp hèn như thế.  Chấp nhận cái chết nhục nhã để thi hành thánh ý Cha, chứ không chịu uốn cong ba tấc lưỡi để tìm đường chạy trốn khỏi định mệnh.  Nếu chối bỏ sự thật về mình, chắc chắn Người đã không khơi bùng ngọn lửa căm hờn trong lòng các thượng tế và dân chúng.  Nhưng Đức Giêsu đã không hèn nhát đi tìm một con đường dễ dãi như thế.  Ngay cả khi giang tay trên thập giá, Người cũng không chấp nhận những thách thức rẻ tiền để chứng minh mình là “Con Thiên Chúa” (Mt 27,43).  Không thể tìm thấy chân lý nơi những ồn ào phức tạp đó.  Chính trong thinh lặng và cầu nguyện, Đức Giêsu đã khám phá được tất cả nét hào hùng và dịu ngọt của tình yêu Thiên Chúa.

Tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, Đức Giêsu đã có thể mạc khải mầu nhiệm Thiên Chúa tình yêu ngay giữa lúc tâm hồn đang cay đắng vì cảnh Giuđa “nộp Người” (Mt 26,48) và “tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy” (Mt 26,31).  Chính khi mọi tương giao nhân loại bị bứt tung, Đức Giêsu lại mạc khải “đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28).  Máu Thầy đem lại sự giải thoát cho toàn thể nhân loại.  Tất cả kế hoạch thâm hiểm của con người vô tình đã làm cho máu Thầy đổ ra theo đúng chương trình tình yêu của Thiên Chúa.

Khám phá và chấp nhận tất cả chương trình tình yêu Thiên Chúa đòi nhiều sáng suốt và can đảm.  Chính vì vậy, trước khi nộp mình vào tay các quân lính thượng tế và kỳ mục, Đức Giêsu đã cầu nguyện ba lần trong vườn Ghếtsêmani.  Trước giờ phút cực kỳ quan trọng đó, các môn đệ vẫn vô tình như đã vô tình từ trước đến nay.  Lúc nào họ cũng chỉ quan tâm đến quyền lợi riêng.  Họ có thể dùng chính những mỹ từ thân thương và cử chỉ âu yếm để che giấu sự phản bội (x. Mt 26,49).  Những dấu chỉ tình yêu đó và những lời khẳng quyết “không chối Thầy” (Mt 26,35) đều mất hết ý nghĩa.  Có nhiều lúc ngôn từ không mang nổi nội dung diễn đạt.  Nhưng nếu cố tình phản bội nội dung ngôn từ, con người sẽ phải trả giá.  Sau khi nuốt lời hứa, ông Phêrô “ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (Mt 26,75).  Giuđa cũng hối hận không kém: “Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan.” (Mt 27,4), rồi “Giuđa ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ” (Mt 27,5).  Hối hận đến thế vẫn chưa đủ sao?  Tại sao phải thắt cổ mới xứng với việc đền bù?  Thật là một mầu nhiệm.  Giuđa đã trả giá quá mắc!  Chúa có đòi vậy đâu!

NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÂN CHÍNH.

Điều Chúa đòi là người môn đệ phải chân thành với chính mình.  Sau khi chối Chúa, ông Phêrô đã “khóc lóc thảm thiết” vì thấy mình quá yếu đuối.  Còn ông Giuđa không hề khóc lóc, chỉ giận dữ lên án chính mình và tự xử cho mình, không kiên nhẫn đợi giây phút trở về với Cha nhân lành.  Từ chỗ ồn ào hăm hở trả giá Thầy, ông đã đụng đầu một cái tôi rối loạn đến nỗi không còn nhận ra sự thật về mình.  Muốn tránh được tai họa thảm khốc đó, “trên hết trong xã hội tục hóa ngày nay, cần phải có một mục tiêu rõ ràng và một ý chí kiên vững, trực tiếp phát sinh từ những nguồn mạch Phúc âm chân chính” (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit: 18.03.2002).  Sống với Thầy suốt một quãng đường dài, nhưng ông Giuđa không hề một lần kinh ngạc về thực tại trước mắt.  Thói quen và lối sống hằng ngày đã bưng mắt không cho người môn đệ thấy sự thật về Thầy.  Mọi sự đương nhiên phải như thế!

Thực tế mọi sự chẳng sẵn sàng như ta tưởng.  Chính Thầy cũng không hiện diện đấy như một thực thể nằm sẵn trong tầm tay.  Không coi Thầy như một giá trị tuyệt đối, không thể khám phá Thầy như một chân lý giải thoát.  Nhất là trong thế giới ngày càng xa lạ với Thiên Chúa hôm nay, con người không biết mình là ai và tại sao mình sống.  Triết lý sẽ giúp con người khám phá ra chiều kích sâu xa đó.  Nhưng chỉ “khi triết lý gặp gỡ Đức Kitô trong Tin Mừng, thì Tin Mừng thực sự mới bắt đầu lan tỏa khắp thế giới.” (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit: 19.03.2002).  Hiện nay, công bố Phúc âm ngày càng gặp nhiều khó khăn vì hoàn cảnh văn hóa phức tạp (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit: 19.03.2002).  Trong thế giới quá ồn ào hôm nay con người không còn thời giờ khám phá những giá trị vô cùng quan trọng và cần thiết cho cuộc sống.  Nếu không thấy mình có “bổn phận nặng nề phải chuyển đạt những giá trị nhân bản, tinh thần và thiêng liêng cho các thế hệ trẻ,” (ĐGH Gioan Phaolô II, Zenit: 19.03.2002) cha mẹ và nhà giáo sẽ không thể cung cấp cho xã hội tương lai những con người chân chính và đầy trách nhiệm đối với xã hội.

Chỉ trong xã hội đầy những con người như thế mới có thể loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu như Đấng cứu độ duy nhất cho toàn thể nhân loại.

Như Hạ

Xem thêm

Ga 18, 33 - 37a

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN- LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ, NĂM B, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Chúa là Vua SUY NIỆM LỄ CHÚA KITÔ VUA VŨ TRỤ – B (Ga 18, 33 – 37) Chu kỳ …