Home / Chia Sẻ / VỊ GIÁO HOÀNG ĐẶC BIỆT

VỊ GIÁO HOÀNG ĐẶC BIỆT

ViGHMỗi lần tháng Tư về, người ta lại nhớ đến ĐGH Gioan-Phaolô II khả ái.

Điều gì làm cho cụ già Karol Wojtyla trở nên một trong những người vĩ đại nhất lịch sử? Có lẽ đó là điều nhiều người muốn biết. Thần học gia nổi tiếng George Weigel, tác giả cuốn “Witness To Hope: The Biography Of Pope John Paul II” (thuộc loại best-seller quốc tế), kể rằng…

Vào một buổi chiều tháng 1-1997, ĐGH Gioan-Phaolô II mời tôi ăn tối để tiếp tục cuộc nói chuyện của chúng tôi, vì lúc đó tôi chuẩn bị viết tiểu sử ngài. Vẫn như mấy lần trước, ngài gặp tôi tại một phòng nhỏ và dẫn tôi tới phòng ăn đơn sơ, vừa đi ngài vừa hỏi thăm gia đình tôi và một số bạn bè. Phong cách cởi mở tự nhiên của ngài khiến cuộc thảo luận luôn thoải mái. Ngài luôn tìm mối quan tâm của người đối thoại hơn là của mình. Có lần tôi nói với ngài rằng tôi phải tìm hiểu đời tư của ngài để viết tiểu sử. Ngài nhún vai, mỉm cười và đồng ý rằng cả hai chúng tôi đều có việc cần làm. Việc của tôi là chất vấn, việc của ngài là trả lời.

Chiều tối hôm đó, sau khi ăn xong, chúng tôi nói chuyện về Thế chiến II và ảnh hưởng của nó đối với chàng trai Karol Wojtyla. Đức quốc xã đã quyết định xóa tên Ba lan trên bản đồ Âu châu. Tôi muốn biết ảnh hưởng đó thế nào đối với một người trở nên Giáo hoàng.

Đó là những ngày tháng khó khăn nhất đời ngài: Đi bộ nhiều cây số trong giá buốt để đến hầm đập đá, tìm thực phẩm và thuốc men cho người bệnh và cha già (cha ngài mất tháng 1-1941), liều tổ chức nhóm tập kịch, học thần học lén lút ở tòa Tổng giám mục Cracow. Ngài nói rất cởi mở về khoảng thời gian khó khăn của ngài. Tôi hỏi: “Ngài học được gì hồi đó?”. Ngài trả lời ngắn gọn: “Tôi cũng có kinh nghiệm như những người cùng thời là bị kẻ ác hành hạ”.

Người ta phản ứng khác nhau đối với việc bị hành hạ. Một số người tức giận, một số người tự tử, một số người bạo động, và một số người theo các đảng phái. Còn Karol Wojtyla có cách phản ứng rất khác. Bị áp lực, ngài trở nên mạnh mẽ, thậm chí là bất khả khuất phục. Than bị áp lực của trái đất lại trở thành kim cương. Bị áp lực, ngài trở nên cứng rắn và linh hoạt, có thể vượt qua các trở ngại mà người ta tưởng chừng không thể vượt qua.

Khả năng ấy đã được minh chứng trong suốt phần tư thế kỷ trên cương vị Giáo hoàng của ngài. Có lẽ biểu hiện rõ nhất từ tháng 6/1979, khi ngài đến Ba lan lần đầu tiên từ lúc làm Giáo hoàng. Trong 9 ngày, ngài đã thay đổi dòng chảy lịch sử qua 40 bài phát biểu, ngài luôn lặp lại chủ đề: “Bạn không là người mà bạn tự nhận, hãy để tôi nhắc nhở bạn là ai”.

Nhờ chuyến công du đó của ĐGH Gioan-Phaolô II, Ba lan đã thay đổi rất nhiều.Dân Ba lan nhận ra sức mạnh của lương tâm cắn rứt. Sau đó, một sinh viên đã thổ lộ: “Chúng tôi đã có thể sống và chết vì chế độ độc tài, nhưng bây giờ chúng tôi không muốn nói dối nữa”. 14 tháng sau chuyến công du đó của ngài, Phong trào Đoàn kết (PTĐK) được thành lập tại Gdansk và làm thay đổi diện mạo Ba lan.

Không hề dễ dàng. ĐGH Gioan-Phaolô II bị bắn sau khi PTĐK hình thành được 8 tháng. Rồi 18 tháng sau, ngài trở lại Ba lan lần thứ hai. Sau đó, tướng Wojciech Jaruzelski xin gặp ĐGH lần cuối. Hai người gặp nhau tại lâu đài Wawel ở Cracow. Những người ở ngoài kể lại rằng họ nghe những tiếng nói lớn và những tiếng đập bàn.

Không lâu sau khi ngài bắt đầu ăn tối, hàng ngàn thanh niên kéo đến và hô to: “Chúng tôi cần Đức Đức Hoàng! Chúng tôi cần Đức Đức Hoàng!”. ĐGH Gioan-Phaolô II đứng dậy, mở cửa sổ và nói chuyện vui vẻ với các thanh niên ủng hộ ngài. Mọi người thấy vậy đều ngạc nhiên. Hồng y Agostino Casaroli, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Vatican đã từng làm việc với Đức cố GH Phaolô VI, đứng dậy nói: “Ngài muốn gì vậy? Ngài muốn đổ máu sao? Ngài muốn chiến tranh à? Hay ngài muốn đảo chính? Hằng ngày tôi phải giải thích với chính quyền là không có gì cả kia mà”.

Dĩ nhiên, ngài biết mình muốn gì và đi tới đâu. Quyết định của ngài là nói sự thật khi thúc giục những người nghe nên dùng “vũ khí tinh thần”. Chưa đầy 6 năm sau đêm đó, Ba lan thay đổi hoàn toàn. Ngày nay, cả thế giới đều biết chính ĐGH Gioan-Phaolô II giữ vai trò chủ đạo, nhưng chưa chắc thế giới hiểu ngài làm điều đó thế nào.

Ngài không làm điều đó với tư cách một chính khách dùng quyền lực như thường. Ngài không làm điều đó với tư cách một nhà ngoại giao, mặc dù ngài khéo ngoại giao. Ngài làm điều đó với tư cách một vị lãnh đạo Thiên Chúa giáo: Qua giảng thuyết, qua các bài viết, qua việc khuyến khích và tư vần những người lãnh đạo PTĐK. Ngài làm điều đó với tư cách một Giám mục, vì trách nhiệm của ngài là bảo vệ nhân quyền. Khi làm vậy, ngài chứng tỏ rằng tinh thần khả dĩ xoay chuyển lịch sử theo hướng tích cực.

Trong những năm sau đó, ngài cũng áp dụng các bài học tương tự đối với nền dân chủ thế giới. Dân chủ không là một cỗ máy tự vận hành, ngài luôn nói vậy trong những năm cuối đời. Dân chủ cần những con người đạo đức để vận hành, đối với nền kinh tế tự do cũng vậy. Hệ thống thị trường không thể tự vận hành. Có điều gì đó phải theo qui luật và các áp lực trực tiếp được nới lỏng nhờ tự do kinh tế, để điều xảy ra cuối cùng là sự tăng trưởng tốt, không chỉ về của cải.

Quyết định của ĐGH Gioan-Phaolô II không thỏa hiệp các vấn đề nguyên tắc đã làm ngài trở thành một dấu hiệu của sự mâu thuẫn. Ngài kiên quyết rằng “tự do nghĩa là làm những điều đúng theo cách đúng vì những lý do đúng”, đó là vấn đề của thói quen luân lý. Trong thời đại mà các chính khách cố gắng chia cắt những sự khác biệt giữa các vấn đề, ngài cương quyết bảo vệ quyền sống của các thai nhi và phản đối hình phạt thể lý. Một số người tranh luận rằng sự phản đối của ngài về việc tránh thai nhân tạo và việc phong chức linh mục cho phụ nữ là các vấn đề thuộc ý kiến riêng của ĐGH Gioan-Phaolô II. Ngài bình tĩnh và tự tin giải thích rằng đó là các vấn đề đã ổn định của giáo lý Công giáo, không là các vấn đề được thương lượng.

Mặc dù ngài thách thức khuynh hướng hiện đại lan rộng làm giảm các tiêu chuẩn luân lý và văn hóa, ngài vẫn duy trì tính cách rất thu hút cho đến lúc qua đời. Ngài có cách đánh giá riêng và đặc biệt về thế kỷ XX, ngài đã đến với các cộng đồng Do thái trên khắp thế giới. Quan hệ mới giữa Công giáo và Do thái giáo đã chứng tỏ sống động rằng “sự khoan dung” là dung hòa sự khác biệt về văn hóa và nghi lễ. Mối quan hệ này được khuếch đại nhờ cuộc đối thoại giữa ĐGH Gioan-Phaolô II với các nhà lãnh đạo Hồi giáo, Đức Dalai Lama và các nhà lãnh đạo các tôn giáo khác trên thế giới. Ngài cũng đã đích thân đến tận nhà tù để gặp gỡ và tha thứ cho kẻ đã bắn ngài.

Tôi nghĩ rằng ảnh hưởng của ĐGH Gioan-Phaolô II là một chức năng trong tổng thể trong suốt của ngài. Những người cảm nhận cuộc sống đều biết rằng không có điều gì ĐGH yêu cầu mà ngài lại không đòi hỏi ở chính mình. Ngài không yêu cầu người khác theo con đường mà ngài không đi. Hằng chục triệu người đã được cảm hứng nhờ điều đó, họ đã đi bằng những bước mà họ nghĩ là không thể không có ngài, kể cả các nguyên thủ quốc gia.

Công giáo sẽ học được các bài học ngài đã dạy, bằng lời nói và gương mẫu. Thế giới cũng học được các bài học đó. ĐGH Gioan-Phaolô II đã “chạm” đến cuộc đời xa hơn biên giới của giáo hộ Công giáo. Ngài giúp thay đổi thế kỷ XX bằng vai trò chủ đạo. Qua việc thể hiện niềm tin tôn giáo sâu sắc, dựa trên lòng tôn trọng đối với từng cá nhân mong muốn tìm kiếm chân lý, vị GH đặc biệt xuất thân từ Ba lan đã biểu lộ lòng nhân đạo và giúp mọi người biết cách xử lý các hiểm họa đe dọa thế kỷ XXI. Lúc sinh thời, ĐGH Gioan-Phaolô II đã được coi là vị thánh sống, hiện thân của lòng nhân hậu. Người ta gọi ngài là “Giáo hoàng của mọi thời đại”.

Ngài được Thiên Chúa triệu tập lúc 22 giờ (giờ Rôma) ngày 2-4-2005. Tại đám tang ngài, người ta đã hô vang: “Hãy phong thánh cho ngài!” (Santo subito!). Và Ngài đã được Giáo Hội tuyên thánh, lễ ngày 22 tháng 10.

Xin Thánh Gioan Phaolô II nguyện giúp cầu thay cho chúng con!

TRM THIÊN THU

(chuyn ng t bài A Pope for All Ages”)

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN