Home / Cầu Nguyện Với Chúa Mỗi Ngày / Suy niệm Tin mừng hàng ngày trong Tuần Thánh, của tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

Suy niệm Tin mừng hàng ngày trong Tuần Thánh, của tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

 

THỨ HAI

TÌNH YÊU VƯỢT LÊN TẤT CẢ

(Ga 12, 1-11)

Thời xưa và thời nay, nước hoa vẫn là một loại thảo dược được nhiều người con gái tuổi thanh xuân hay đang yêu sử dụng nhiều, bởi nó là biểu tượng của tình yêu. Vì thế, người ta muốn bày tỏ hay minh chứng tình yêu, thì thường tặng cho nhau những lọ nước hoa đắt tiền.

Maria trong bài Tin Mừng hôm nay đã không tiếc xót khi hiến dâng cho Đức Giêsu một bình dầu thơm hảo hạng có giá tới 300 đồng bạc, tương ứng với khoảng 300 ngày công lao động thời bấy giờ.

Hành động của Maria không phải là một hành động mang tính phung phí như Giuđa nghĩ, mà là dấu hiệu, biểu lộ của tình yêu. Cô đã kính phục Đức Giêsu nhiều chuyện, nhất là hôm cô được ngồi dưới chân Ngài mà nghe giảng. Hơn nữa, người em của cô là Lazarô đã được Đức Giêsu cải tử hoàn sinh, nên lòng kính mến lại dâng lên gấp bội. Vì thế, cô đã không hề tiếc xót khi phải cho đi thứ quý giá của cô. Có lẽ nếu có tiếc thì cô  tiếc là không có nhiều hơn để dâng hiến vì cô yêu mến Đức Giêsu tha thiết.

Khi cơ hội ngàn năm có một, nên cô đã tiến lại và đập vỡ bình dầu ra, đổ lên chân Đức Giêsu rồi lấy tóc mình mà lau.

Khởi đầu Tuần Thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng hành vi của cô Maria để noi theo!

Noi theo đây không phải là chúng ta phải bỏ ra những thứ đắt tiền như Maria để tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa, mà là noi theo gương khiêm nhường, sám hối, canh tân và yêu mến như Maria.

Một trong những việc cụ thể để tỏ lòng yêu mến Chúa, đó là chúng ta từ bỏ con đường tội lỗi, trở về với Chúa và hoán cải cuộc đời.

Xin  Chúa cho chúng ta bước vào Tuần Thánh với tâm tình sám hối thực sự để chúng ta được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa. Amen.

 

THỨ BA

HÌNH ẢNH TỘI LỖI QUA BÓNG ĐÊM

(Ga 13, 21-33. 36-38)

Khi mặt trời lặn, bóng đêm bao phủ không gian, thì cũng là dịp thuận tiện để cái ác lộ hiện hay những hành vi tội lỗi như trộm cướp, ăn chơi xuất hiện… Bóng đêm là “biểu tượng” của những âm mưu xấu xa. Bóng đêm còn “ám chỉ sự dữ”, bởi bóng đêm quay lưng lại với “ánh sáng” và bóng đêm “bóp chết tình yêu”.

Cuối Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan có nhắc đến thời điểm đêm tối và kẻ bán Thầy bắt đầu ra đi. Hành vi Giuđa rời bàn ăn, tiến vào đêm tối gợi cho chúng ta cảm tưởng tội lỗi đã đối đầu với Ánh Sáng và tràn ngập nhân gian. 

Bóng đêm chia cắt tình Thầy – trò; bóng đêm cũng làm cho tình huynh đệ bị rạn nứt; bóng đêm còn làm cho cái ác ngự trị thay cho tình yêu. Sự ra đi của Giuđa vào lúc trời tối cho thấy rõ bản chất của sự việc.

Thứ ba Tuần Thánh, Giáo Hội cho đọc lại Bài Tin Mừng hôm nay nói về âm mưu phản bội của Giuđa khi trời đã tối, Giáo Hội nhắc cho chúng ta rằng:

Chúng ta thuộc về “Ánh Sáng” chứ không thuộc về “đêm”, vì thế, mỗi người hãy tránh xa “đêm tối”, vì đêm tối dẫn đến diệt vong.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được ơn trung thành với Chúa đến cùng. Đừng vì nông nổi, tham tiền, hám danh mà bán rẻ lương tâm cho ma quỷ qua những lựa chọn trái ngược với Tin Mừng. Amen.

 

THỨ TƯ

“THƯA THẦY CÓ PHẢI CON KHÔNG?”

(Mt 26, 14-25)

Trong cuộc sống, không ai thoát được đau khổ. Tuy nhiên, có nhiều loại đau khổ. Đau khổ nhất vẫn là sự phản bội của chính người mà chúng ta đã từng ra tay nâng đỡ…!

Hôm nay, thánh sử Mátthêu cũng gợi lại cho chúng ta tấm thảm kịch bi thương khi họa lại khung cảnh của một bữa tiệc cuối cùng của Thầy Giêsu với các môn sinh của mình, để rồi chính trong bữa ăn thân tình và huynh đệ này lại diễn ra một sự phản bội trắng trợn của ngay học trò Giuđa, kẻ đã được tin tưởng trao cho trách vụ quản lý. Tệ hơn nữa, âm mưu này lại bị hắn che lấp bằng câu hỏi: “Rápbi, (thưa Thầy) chẳng lẽ con sao?” Ngay sau lời loan báo về sự phản bội của Đức Giêsu: “Thầy nói thật với các con, có một người trong các con sẽ nộp Thầy”.

Nếu các môn đệ khác khi hỏi cùng câu hỏi như Giuđa, thì trong tâm hồn của các ông là lo lắng, buồn rầu và đau đớn, còn Giuđa thì không, bởi hắn đã dùng hình thức này nhằm đánh lạc hướng để mọi người không còn nghi ngờ về hành vi bỉ ổi của hắn và để hắn dễ bề hành động. Chính vì thế mà làm cho Đức Giêsu trong tư cách là người thi ân giáng phúc, là thầy, là Thiên Chúa càng thêm đau khổ!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta những bài học sau:

Trước tiên, chúng ta hãy xác định rõ mục đích của cuộc đời mình, đó là đi tìm hạnh phúc chứ không phải danh, lợi, thú, để rồi vỡ mộng như Giuđa khi xưa mà dẫn đến thất vọng và lựa chọn hành vi phản thầy.

Thứ hai, tin và theo Chúa không có nghĩa là thoát khỏi đau khổ, nhưng điều quan trọng là thấy được ý nghĩa, giá trị của khổ đau.

Thứ ba, khi chọn Chúa là gia nghiệp, lý tưởng, chúng ta chỉ thấy được hạnh phúc sau khi đã hoàn thành hành trình theo Ngài trên dương thế mà thôi. Họa hiếm mới có được ân phúc này khi còn bình sinh.

Trong những ngày cuối cùng của Mùa Chay này, xin Chúa ban cho chúng ta ý thức được căn tính và mục đích của cuộc đời, từ đó biết hiệu chỉnh lương tâm và những lựa chọn sao cho phù hợp với vai trò môn đệ của Đức Giêsu.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết mặc lấy tâm tình của mười một môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, đừng như Giuđa, mà làm cho Chúa phải đau buồn. Amen.

 

 THỨ NĂM TUẦN THÁNH

(THÁNH LỄ TIỆC LY)

ĐỈNH CAO CỦA MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ LÀ TÌNH YÊU

(Ga 13, 1 – 15)

Trong cuộc sống, nơi các gia đình, nhất là văn phong của Việt Nam, chúng ta rất coi trọng bữa ăn. Nơi bữa ăn, niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại, thường hay được giải quyết. Có những bữa ăn để chia tay; có những bữa ăn để lên đường. Chia tay hoặc lên đường thường hay để lại nhiều kỷ niệm nơi người đi và kẻ ở!

Hôm nay, Đức Giêsu quy tụ các Tông đồ là những người thân tín với Ngài trong suốt chặng đường rong ruổi loan báo Tin Mừng. Ngài quy tụ họ, để trao lại cho họ một tặng phẩm thần linh là Bí tích Thánh Thể và truyền cho các ông hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Ngài. Qua đó, như một sự hiện hữu sau khi chết, để khi còn sống, Đức Giêsu ở cùng với các ông thế nào, thì ít ngày nữa thôi, Ngài cũng hiện diện và ở lại với các ông cách vô hình nhưng trọn vẹn nơi Bí tích cao trọng là chính Thánh Thể Ngài. Mặt khác, qua bữa tiệc này, phần cuối cùng của bữa tiệc, Đức Giêsu hành động và  trăng trối những lời tâm huyết để xây dựng cộng đoàn Giáo Hội đó là: “Luật yêu thương”.

  1. Một tặng phẩm cao quý được trao tặng

Nếu trong cuộc sống, hai người yêu nhau, họ thường có những lời lẽ chân tình, ấm áp để thể hiện tình yêu của mình cho người mình yêu. Khi đi xa, người ta hay trao tặng cho nhau những kỷ vật trân quý, để dù xa mặt chứ lòng thì không. Qua món quà đó, với người đón nhận thì tặng vật đó không chỉ đơn thuần là một kỷ niệm, nhưng nó còn là sự hiện hữu của chính người tặng quà.

Cũng vậy, khi Đức Giêsu biết “giờ” của mình sắp trở về với Thiên Chúa Cha, nên Ngài đã yêu thương họ đến cùng khi trao ban chính thân mình làm của nuôi sống môn sinh.

Chiều hôm nay, chúng ta kỷ niệm việc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể. Đây là Bí tích cao trọng nhất trong 7 Bí tích. Cao trọng bởi vì qua Bí tích này, Đức Giêsu hiến dâng thân mình làm của  ăn của uống để nuôi sống nhân loại và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Ngài yêu thương và yêu hết mình. Yêu đến nỗi bằng lòng chịu chết để miễn sao người mình yêu được hạnh phúc.

Thật vậy, Ngài đã trao ban chính Thân Mình làm bảo vật, để mỗi khi các Tông đồ cũng như những người tin, cử hành và tưởng nhớ, thì Ngài hiện diện cách trực tiếp nơi mầu nhiệm cử hành. Khi đó, Đức Giêsu trở nên đồng hình đồng dạng với người đón nhận, để từ đây, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Ôi, còn gì cao quý và hạnh phúc cho bằng ta được thông phần vào bản tính Thiên Chúa với Đấng là Thiên Chúa nhưng lại chia sẻ thân phận con người với chúng ta!

Lời cầu nguyện của Đức Giêsu với Chúa Cha làm toát lên đặc tính kỳ diệu này:“ … như, lạy Cha, Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con” (Ga 17,21). Giáo Hội tiếp diễn ý nghĩa hiệp thông với mọi thành phần khi đã liên kết với Đức Giêsu, qua Kinh Tiền Tụng Thánh Thể: “Chúng con nài xin Chúa cho chúng con khi thông phần Mình và Máu Đức Kitô, được quy tụ nên một nhờ Chúa Thánh Thần”. 

Qua Bí tích này, mỗi người được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa thông qua bản thể Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, đồng thời cũng được liên kết chặt chẽ với nhau trong cùng một thân thể.

  1. Một dấu tích sống động được tiếp diễn

Sau khi Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể, ngài đã thiết lập Bí tích Truyền Chức liền sau đó như một sự liên hệ, liền mạch và mật thiết với nhau. Đúng thế, không thể có Thánh Thể nếu không có người cử hành Thánh Thể. Vì thế, Đức Giêsu đã trao ban thừa tác vụ đặc biệt cho các Tông đồ, để sau này, các ông sẽ đảm trách những việc làm như Đức Giêsu vừa làm cho đến ngày tận thế.

Thoạt mới nghe, chúng ta dễ tưởng lầm là Bí tích này chỉ có liên hệ hay dành riêng cho các linh mục? Nhưng không! Bí tích này liên hệ chặt chẽ với cộng đoàn, bởi vì Bí tích này thuộc về nhóm Bí tích xây dựng cộng đoàn.

Thật thế, chức vụ linh mục không phải cho bản thân mình, vì các ngài không thể tha tội cho mình, các ngài cũng không thể ban phát các Bí tích cho mình. Vì thế, linh mục là của mọi người, cho mọi người và vì mọi người.

Nếu Đức Giêsu trước kia đã đến để cho con chiên được sống dồi dào, thì ngày nay các linh mục cũng được trao ban trách vụ như thế. Ôi huyền nhiệm và cao quý vô lường! Qua Bí tích Truyền Chức, Đức Giêsu hiện diện cách trực tiếp khi các linh mục cử hành phụng vụ trong vai trò đại diện cho Đức Giêsu là Đầu của thân thể. Và, như thế, mỗi người chúng ta luôn được các ngài chăm sóc, nên không bị rơi vào tình cảnh bơ vơ, mồ côi vì không người chăn dắt. Các ngài sẽ thay mặt Chúa, thi hành việc của Chúa trong vai trò lãnh đạo, phục vụ và thánh hóa vì tình yêu.

  1. Một lời trăng trối tâm huyết muôn đời nhớ mãi

Cũng chiều hôm nay, mỗi chúng ta quây quần nơi đây, để nghe đọc lại di ngôn và lệnh truyền của Đức Giêsu về tình yêu. Lệnh truyền này mang tính khẩn trọng, người môn đệ phải có thái độ mau mắn thi hành. Vì thế, đòi hỏi một sự bất khả từ, bởi lẽ đây là điểm sáng, là cốt lõi, là bản chất thiết yếu của người mang danh Đức Kitô trong mình.

Thật vậy, Đức Giêsu không chỉ trao ban chính Thân Mình để nuôi sống nhân loại, mà Ngài còn dạy cho các Tông đồ bài học về tình yêu, để đưa các ông vào qũy đạo của chính Ngài là “yêu và yêu đến cùng”.

Ngài nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Yêu như Thầy là yêu như thế nào? Thưa yêu như Thầy chính là trở thành người tôi tớ phục vụ, là chấp nhận chết cho người khác được sống. Không những dạy các ông bằng lời, mà Ngài còn làm gương cho các ông noi theo. Vì thế, ngay lập tức, Ngài đứng lên, cởi áo choàng, thắt lưng, lấy nước rửa chân cho từng Tông đồ trước sự ngỡ ngàng của các ông. Ngỡ ngàng là phải, vì hành vi rửa chân là việc làm của người nô lệ dành cho ông chủ. Nhưng hôm nay, Đức Giêsu đã làm đảo lộn vai trò và vị trí khi tự làm những việc dành cho người hầu hạ, và các Tông đồ trở nên những ông chủ.

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Đức Giêsu nói tiếp: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 14-15). Qua hành động rửa chân cho các Tông đồ, Đức Giêsu để lại cho các ông bài học về đức khiêm nhường và phục vụ. Tuy nhiên, để thực hiện được hai nhân đức này thì cần phải có tình yêu làm động lực.

Tình yêu thương được hiện lên như một ngọn hải đăng giữa biển khơi tăm tối, giúp cho mọi người nhận ra đường để đi và đi đến nơi an toàn. Vì thế Đức Giêsu đã dạy cho các ông biết trước viễn cảnh trong tương lai khi nói: “… mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).

  1. Sống linh đạo Thánh Thể và thực hiện lời trăng trối của Đức Giêsu

Thánh Phaolô nói: “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết”  (1 Cr 11, 26).

Là người kitô hữu, chúng ta tin Chúa, yêu Chúa và đều mong muốn được ơn cứu độ, thì không có lẽ gì chúng ta không sống linh đạo Bí tích này.

Nếu muôn ngàn hạt lúa kết thành tấm bánh, bao trái nho ép thành chén rượu, tượng trưng cho sự hiệp nhất của con cái Chúa, thì mỗi người chúng ta cũng phải hiệp nhất với nhau như vậy.

Muốn được như thế, tinh thần sống mầu nhiệm tự hủy của hạt lúa, trái nho luôn mời gọi và thôi thúc chúng ta thi hành.

Trong đời sống gia đình, người chồng phải là người chồng mẫu mực, sẵn sàng hy sinh gánh vác vì tình yêu với vợ và các con. Người vợ hãy hết lòng lo cho con cái, chăm lo cho chồng và con tử tế. Con cái biết ngoan ngoãn nghe lời cha mẹ… Làm được như thế, ấy là chúng ta đang thực hiện di ngôn của Đức Giêsu trong tinh thần hy sinh và phục vụ.

Nếu không yêu thương nhau, thì chẳng khác chi hạt lúa mì trơ trọi một mình, không sinh hoa trái. Nhưng yêu thương những người lân cận với mình thôi thì chưa đủ, mà phải yêu thương hết mọi người như Đức Giêsu đã yêu. Ngài đã không loại trừ Giuđa là kẻ rồi đây sẽ bán mình; không bỏ lại Phêrô là người sẽ thề sống thề chết không biết mình; không lên án và trách móc những người hại mình, mà: “Lạy Chúa, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)

Mong sao sứ điệp Lời Chúa hôm nay luôn ở bên tai, qua hành động và trong trái tim của chúng ta, để chúng ta yêu và yêu không giới hạn như Đức Giêsu. 

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin tạ ơn Chúa đã để lại cho chúng con Bí tích kỳ diệu là chính Thánh Thể Chúa làm của ăn của uống cho mỗi chúng con. Xin cho chúng con biết yêu mến, tin tưởng và mau mắn loan truyền cho tới khi Chúa đến trong vinh quang. Xin cũng cho mọi suy nghĩ và hành động của chúng con được tình yêu làm căn cốt và thúc đẩy, để như Chúa, chúng con yêu rồi mới làm. Amen.

 

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

NGHỊCH LÝ CỦA THÁNH GIÁ

(NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM)

(Ga 18, 1-19.42) 

Buổi chiều hôm nay, Giáo Hội tưởng niệm Đức Giêsu chịu chết để chuộc tội thiên hạ. Buổi chiều hôm nay là “giờ” của Thiên Chúa Cha đã định, và cũng là “giờ” của Đức Giêsu hoàn tất chương trình cứu chuộc nhân loại; “giờ” của người Tôi Trung mà tiên tri Isaia đã loan báo. “Giờ” đó được hoàn tất trên Thánh Giá. Vì thế, phụng vụ chiều hôm nay đều quy chiếu về Thánh Giá Đức Kitô như một sợi chỉ xuyên suốt từ đầu đến cuối.

  1. Nghịch lý của Thánh Giá

Trong thư gửi tín hữu Philipphê, thánh Phaolô đã nói: Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,8); và Ngài đã chết theo như lời Thánh Kinh (x. 1Cr 15,3).

Cái chết của Đức Giêsu trên thập giá đã là nguyên nhân để nhiều người được cứu độ, nhưng cũng không thiếu những kẻ cứng lòng, cố chấp và trai lỳ trong ích kỷ, kiêu ngạo. Những người như thế, họ coi đó như là hình phạt mà Đức Giêsu là người đáng phải chịu do tội mình gây nên.

Thật vậy, khi thập giá được dựng lên, và khi Đức Giêsu chịu treo trên đó, đã không biết bao người tin theo và suy tôn. Tuy nhiên, cũng không thiếu những lời chê bai dè bửu và khinh thường. Họ coi thập giá như là thứ đồ tể đáng sợ để trừng phạt những tử tội oái oăm, khét tiếng và nguy hiểm… Suy nghĩ như thế, thì cái chết của Đức Giêsu không có công trạng gì, mà chỉ như là một hình phạt đích đáng được dành cho một kẻ đã từng bị kết án vì tội “sách động dân chúng; tìm cách lật đổ chế độ và nói lời phạm thượng”. Và, những người theo Đức Giêsu phải chăng họ là bọn người cuồng tín khi tuyên xưng niềm tin của mình vào một kẻ bị treo trên cây gỗ như một tử tội!

Thật vậy, thập giá của Đức Giêsu hôm nay được tôn vinh, đã làm không ít người cảm thấy ngỡ ngàng, bởi vì xét theo người đời, thì đây chính là sự ô nhục, hận thù, đáng ghét… là biểu tượng của sự chết tróc và thập giá vẫn chỉ là dụng cụ ghê rợn được dùng để sử tử tội nhân mà thôi.

Nhưng đối với Thiên Chúa, thì đây chính là sự khôn ngoan khôn dò thấu của Người. Thánh Phaolô đã nói: “Con Thiên Chúa chết trên thập giá là một trong những đường lối khôn ngoan sâu thẳm mà không một ai dò thấu” (x. Rm 11,33). Bởi vì Thiên Chúa đã dùng thập giá như một sự nghịch lý để cứu độ con người.

Thực ra thập giá luôn mang tính nghịch lý, bởi vì nó tuyên dương quyền năng thượng trí của Thiên Chúa ở nơi mà người đời coi là điên rồ.

Nhưng với những người tin, hẳn sự cảm nghiệm, suy nghĩ và thái độ hoàn toàn ngược lại. Những người đó sẽ coi thập giá trở thành Thánh Giá và Thánh Giá lúc này trở thành phương dược, để qua đó Đức Giêsu chuộc tội thay con người và cứu độ nhân loại.

Nếu xưa kia trong vườn Địa Đàng, Ađam đã ngã gục trước Cây Trái Cấm, và gieo rắc tội lỗi cho nhân loại, thì giờ đây, trên cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những gì mà Ađam đã đánh mất và để lại hậu quả cho nhân loại.

Như vậy, từ Cây Trái Cấm, sự chết đã tiêu diệt thế gian, và Trái Cấm là rào cản lớn đến độ con người không thể vượt qua, thì giờ đây, từ cây Thánh Giá, Đức Giêsu đã chuộc lại những gì đã mất do Nguyên Tổ gây nên và mặc cho nó thành cây Sự Sống, quả Phúc Trường Sinh.

Chính Đức Giêsu đã khẳng định rõ điều này khi nói: Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12, 32).  Vì thế, không lạ gì khi thánh Phaolô đã khẳng khái tuyên xưng niềm tin và ơn cứu chuộc của mình nơi Thánh Giá, ngài nói: “Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa […] Thiên Chúa đã muốn dùng lời rao giảng điên rồ để cứu những người tin. Trong khi người Dothái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hylạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan,  thì chúng tôi lại rao giảng một Ðấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Dothái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. (nhưng) cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (x. 1Cr 1,18-25).

Vì thế, “Nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,20).

  1. Đón nhận Thánh Giá như nguồn ơn cứu rỗi

Cuộc đời của người Kitô hữu, tức là cuộc đời của những người tin và theo Đức Giêsu, hẳn mỗi người luôn nghe thấy lời mời gọi của Ngài: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? “ (Mc 8,34-36); và: “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10,38).

Lời mời gọi đó đã được gióng lên ngày chúng ta lãnh nhận phép Rửa tội cũng như suốt cuộc đời của mỗi người chúng ta. Như vậy, Thánh Giá trở nên cứu cánh và việc vác Thánh Giá trở thành điều kiện cần của chúng ta trên hành trình dõi bước theo Đức Giêsu.

Thánh Giá mà mỗi chúng ta phải vác ở đây chính là bổn phận phải chu toàn; là từ bỏ những thứ không cần thiết trên hành trình tin Chúa; là từ bỏ ý riêng… và phục vụ trong yêu thương.

Làm được như thế, ấy là chúng ta sáp nhập cuộc đời của mình vào cuộc đời của Đức Giêsu. Đặt bước chân của ta vào dấu chân của Chúa, để sẵn sàng chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng.

Như vậy, trong ta có Chúa và trong Chúa có ta. Thánh Phaolô đã diễn tả tâm tình ấy khi tuyên xưng: Tôi cùng chịu đóng đinh với Ðức Kitô vào thập giá […] (Và) tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi(Gl 2, 19-20).

Mặc lấy tâm tình của Đức Giêsu, người kitô hữu chúng ta sẽ từ bỏ con đường tội lỗi, để được hiệp thông cách trọn vẹn vào cuộc khổ nạn của Ngài, và như một định luật đối với những người tin và theo Đức Giêsu là: qua đau khổ thì mới được vào vinh quang.

Lạy Chúa Giêsu, Đấng chịu treo trên Thánh Giá, xin thương xót và cứu chuộc chúng con. Amen.

Tu sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển, SSP

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN