Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 22 – 28/03/2017: Câu Chuyện “Hãy đếm các vì sao”

Video: Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô 22 – 28/03/2017: Câu Chuyện “Hãy đếm các vì sao”

1. Sẽ là “người Công Giáo vô thần” nếu trái tim ta chai đá

Ước chi hôm nay nghe Tiếng Chúa, các anh chị em đừng cứng lòng nữa. Khi rời xa Thiên Chúa, khi giả điếc làm ngơ trước Lời của Chúa, chúng ta trở nên vô tín hoặc thậm chí chúng ta là người Công Giáo nhưng là “người Công Giáo vô thần”. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ 23 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta.

Nếu ngừng nghe Lời Chúa, thì thực tế là chúng ta đang chạy trốn và rời xa Thiên Chúa. Và nếu chúng ta không nghe tiếng Chúa, chúng ta sẽ nghe những tiếng khác. Thực tế cay đắng là, khi ngoảnh mặt làm ngơ, chúng ta trở nên điếc lác trước Lời Chúa.

Tất cả chúng ta, hôm nay dừng lại và nhìn vào cõi lòng mình, để thấy biết bao lần, biết bao lần chúng ta đóng cửa đôi tai và trở nên điếc. Ngay cả một dân tộc, một cộng đồng, ngay cả một cộng đoàn Kitô hữu, một giáo xứ, một giáo phận, đã ngoảnh tai làm ngơ, đã trở nên điếc trước Lời Chúa, để rồi tìm kiếm những tiếng nói khác, những chúa khác, và kết cục là tìm các ngẫu tượng của thế gian này. Khi đó chúng ta rời xa Thiên Chúa hằng sống.

Khi rời xa Thiên Chúa, trái tim chúng ta trở nên khô cứng. Khi không còn lắng nghe, trái tim trở nên khô cứng hơn, khép kín hơn vào chính mình và không thể đón nhận thêm gì nữa. Khi ấy trái tim không chỉ là khép kín mà còn là chai đá.

Khi không còn lắng nghe Lời Chúa, trái tim trở nên chai đá và khép kín, chúng ta đang đánh mất đi sự trung tín, mất đi cảm thức của sự trung thành. Trong bài đọc một trích sách Ngôn sứ Gieremia, Chúa nói: “Sự tín trung đã bị đánh mất”. Và khi ấy, chúng ta là người Công Giáo mà không sống đạo, chúng ta là người Công Giáo ngoại đạo, thậm chí tệ hơn nữa, chúng ta có thể là người Công Giáo vô thần, bởi vì chúng ta không quy chiếu vào tình yêu của Thiên Chúa hằng sống. Không nghe và ngoảnh mặt, điều ấy làm cho con tim của ta ra chai đá, điều ấy dẫn chúng ta đi trên con đường bất trung.

Sự bất trung ấy chứa đầy những lầm lẫn xáo trộn. Đó là con đường gây ra những nhầm lẫn, chẳng hạn như không biết Thiên Chúa ở đâu, không biết có Chúa hay không, hay nhận biết sai lầm và nhầm lẫn giữa Thiên Chúa và ma quỷ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu làm phép lạ để cho thấy quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, người dân thì vui mừng ca khen, nhưng cũng có những kẻ lại nói: “Ông ta làm điều ấy nhờ quyền năng của Tướng Quỷ”.

Khi không nghe, khi cứng lòng, anh chị em sẽ rơi vào nhiều lầm lạc, anh chị em sẽ không còn tín trung, và kết cục là phạm thượng. Và thực tế, nhiều người quên đi sự tuyệt vời của cuộc gặp gỡ đầu tiên với Thầy Giêsu.

Mỗi người trong chúng ta hôm nay tự hỏi lòng mình: Tôi có biết dừng lại lắng nghe Lời Chúa không? Trái tim tôi có đang chai đá không? Tôi có đang xa lánh Chúa không? Tôi có đánh mất sự tín trung với Thiên Chúa hằng sống không? Tôi có chung sống với các thần tượng hằng ngày đem lại sự nhàm chán không? Tôi có đánh mất niềm vui tuyệt vời của cuộc gặp gỡ đầu tiên với Chúa Giêsu không? Hôm nay là ngày để lắng nghe: “Hôm nay, anh em hãy nghe Lời của Chúa”. Chúng ta hãy cầu nguyện: “Xin cho con đừng cứng lòng nữa”. Chúng ta hãy nài xin ơn ấy, ơn để biết lắng nghe vì trái tim chúng ta hãy còn chai đá.

2. Câu chuyện: Hãy Ðếm Những Vì Sao!

Trong cuốn truyện thuộc loại tự thuật, một người cha ghi lại câu chuyện và những ý nghĩ sau đây:

Một đêm kia, trong lúc đang đọc báo, tôi nghe đứa con gái bé nhỏ của tôi bảo: “Bố ơi, con sẽ đếm xem trên trời có mấy ngôi sao”. Sau đó, tôi nghe giọng nói êm đềm, dễ mến của con tôi bắt đầu đếm: 1, 2, 3, 4… rồi tôi chú tâm vào việc đọc báo, không còn để ý đến những tiếng đếm của nó nữa. Ðến khi đọc xong bài báo, tôi chú ý lắng tai và nghe tiếng đứa con gái tôi vẫn tiếp tục đếm: 223, 224. Ðếm đến đây nó ngừng lại quay sang tôi bảo: “Bố ơi, con không dè trên trời có nhiều sao đến thế”.

Nghe con bình luận như trên, tôi chợt nhớ: Thỉnh thoảng tôi cũng thầm nói với Chúa: “Chúa ơi, để con thử đếm xem con đã nhận lãnh bao nhiêu ơn lành Chúa ban”. Và càng đếm hình như trái tim tôi càng cảm thấy thổn thức, không phải vì âu sầu nhưng vì bị nhiều hồng ân đè nặng. Và tôi cũng thường bật lên lời bình luận như đứa con gái của tôi: “Lạy Chúa, con không dè đời con có nhiều ơn Chúa đến thế!”

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một trang nhật ký kia cũng mang một nội dung tương tự như những tư tưởng trên: Nếu có ai đưa tôi một đĩa đầy cát và bảo tôi tìm những mảnh sắt bé nhỏ nằm lẫn lộn trên cát, thì với đôi mắt và những ngón tay, tôi khó có lòng tìm ra được những mảnh sắt ấy. Nhưng với một thỏi nam châm tôi có thể dễ dàng và mau lẹ hút ra những vụn sắt nhỏ li ti trộn lẫn trong cát.

Một trái tim vô ân có thể so sánh với đôi mắt trần và những ngón tay vụng về của tôi mò mẫm trên đống cát, không tìm ra những ơn lành Thiên Chúa ban. Nhưng với một trái tim biết ơn, có thể so sánh với một thỏi nam châm, tôi có thể lướt nhanh qua mỗi giây phút của một ngày sống và khám phá ra nhiều hồng ân của Thiên Chúa, với một sự khác biệt là những mảnh sắt nhỏ trong đống cát của Thiên Chúa là những vật quý giá hơn vàng.

Nhiều người sống hời hợt nên thấy cuộc đời cũng như những biến cố xảy ra hằng ngày và những cảnh vật chung quanh mang toàn đen tối và vô giá trị như đất cát. Nhưng với những người sống có chiều sâu, các biến cố, những vật chung quanh, dầu tầm thường nhỏ bé đến đâu cũng là dịp để họ suy niệm và dâng lời cảm tạ: Một nụ hoa hồng chớm nở, những tia nắng trinh nguyên của một buổi sáng đẹp trời, một cái bắt tay thông cảm, một cử chỉ tha thứ, một sự giúp đỡ nho nhỏ.

3. Được tha thứ và thứ tha

Được tha thứ và thứ tha là mầu nhiệm rất khó hiểu. Chúng ta cần cầu nguyện, sám hối và xấu hổ vì tội lỗi mình. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng 21 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ông chủ đã tha nợ cho tên đầy tớ, nhưng tên đầy tớ lại không tha nợ cho người bạn. Như thế tên đầy tớ không hiểu được mầu nhiệm của ơn tha thứ.

Nếu tôi hỏi rằng: “Nhưng mà tất cả các anh đều là những kẻ tội lỗi?” – “Vâng, thưa cha, đúng thế.” – “Các anh có muốn được tha tội không?” – “Nào chúng ta thực hành việc xưng tội!” – “Và thế là bạn đi xưng tội.” – “Nhưng rồi, bạn đi xưng thú tội lỗi với vị linh mục, vị linh mục ban phép tha tội kèm theo lời khuyên đọc ba kinh Kính Mừng, và rồi bạn ra về trong bình an.” Nhưng mà bạn không hiểu! Vì bạn chỉ đi xưng tội giống như kiểu các nhân viên làm nhiệm vụ trong công sở. Vì bạn không xấu hổ về những gì sai trái bạn làm. Bạn thấy một số điều trong lương tâm mình, nhưng bạn đã sai khi tin rằng, tòa giải tội giống như một cửa hàng giặt đồ để tẩy xóa những vết bẩn. Vấn đề ở chỗ, bạn không thể xấu hổ về tội lỗi mình.

Khi người ta nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, thì có sự biến đổi trong cõi lòng họ. Họ có thể ý thức được sự biến đổi trong tâm hồn mình, hay là, thay vào đó, lại đi ra và tìm một người bạn để bắt đầu nói xấu về người khác và rồi tiếp tục phạm tội. Thực sự, tôi chỉ có thể tha thứ khi tôi cảm thấy mình được thứ tha.

Nếu bạn không ý thức được, không cảm nghiệm được rằng, bạn được tha thứ, thì không bao giờ không đời nào bạn có thể thứ tha. Luôn luôn cần có thái độ tha thứ trong hành xử với tha nhân. Tha thứ là tất cả. Tha thứ tất cả. Nhưng tôi có thể làm được như thế, chỉ khi tôi cảm nhận được tội lỗi của bản thân, chỉ khi tôi biết xấu hổ và nài xin ơn tha thứ của Thiên Chúa. Và khi ấy, tôi có thể kinh nghiệm được ơn tha thứ từ Thiên Chúa là Cha, và rồi tôi có thể tha thứ cho người khác. Bằng không, chẳng bao giờ tôi có thể tha thứ. Chúng ta không thể. Tại sao? Vì tha thứ thực sự là một mầu nhiệm.

Trong câu chuyện của bài Tin Mừng, sau khi được ông chủ tha nợ, người đầy tớ ra đi và bắt nợ người bạn. Người đầy tớ tỏ ra thông minh nhưng lại không hiểu lòng hảo tâm của ông chủ. Chúng ta cũng thế, biết bao lần chúng ta ra khỏi tòa giải tội, và cảm thấy việc xưng thú của mình. Nhưng rồi… Khi làm giống như người đầy tớ, chúng ta không đón nhận ơn tha thứ, nhưng tựa như một thói giả hình đi ăn cắp sự tha thứ.

Hôm nay chúng ta được mời gọi đến với Chúa, để xin ơn hiểu được “tha bảy mươi lần bảy” nghĩa là gì. Để xin ơn biết xấu hổ trước nhan Chúa. Đó thực sự là ơn rất lớn! Xấu hổ vì tội lỗi mình, và đón nhận ơn tha thứ, để rồi sau đó nhận ơn quảng đại tha thứ cho tha nhân. Bởi vì, Chúa đã tha thứ cho tôi quá nhiều, chẳng lẽ tôi lại không thứ tha cho anh chị em tôi?

4. Thánh Giuse giúp chúng ta có khả năng ước mơ những gì cao đẹp

Thánh Giuse giúp cho người trẻ có khả năng mơ ước, và dám chấp nhận những khó khăn thách đố gặp phải trong những ước mơ ấy. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng 20 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta

Thánh Giuse vâng lời sứ thần hiện ra trong giấc mơ. Thánh nhân trỗi dậy, đón nhận Maria về nhà mình, vì Mẹ đã chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse là người thầm lặng và vâng phục. Thánh nhân đã mang lấy trọng trách về lời hứa Thiên Chúa dành cho dân.

Người đàn ông này, con người có tên Giuse ấy, con người mơ mộng ấy, đã có thể chấp nhận trách nhiệm ấy, có thể đón nhận kế hoạch lớn lao. Con người ấy có rất nhiều điều để nói với chúng ta trong thời đại này, một thời đại với cảm giác mãnh liệt về sự mồ côi. Thánh nhân đã nhận lấy lời hứa của Thiên Chúa, đã đón lấy lời lứa ấy trong thinh lặng và can đảm, và rồi đưa lời hứa đến chỗ hoàn thành như Thiên Chúa muốn.

Thánh Giuse là người có thể nói cho chúng ta nhiều điều bằng một thứ ngôn ngữ không lời. Ngài là con người ẩn dật, thầm lặng. Ngài cho thấy thẩm quyền được thể hiện mạnh nhất ngay khi dường như không thấy. Những gì Thiên Chúa trao phó cho tâm hồn của thánh nhân, dường như là “những thứ rất yếu đuối”. Đó là những lời hứa và lời hứa ấy tỏ ra rất yếu ớt. Sau đó, một trẻ thơ chào đời, cuộc trốn chạy sang Aicập, đó là những hoàn cảnh khó khăn và yếu đuối. Thế mà thánh nhân đã mang lấy tất cả trong trái tim mình, và ra sức thực hiện những gì yếu hèn ấy với tất cả sự hiền từ nhân hậu, sự hiền từ ẵm lấy một trẻ thơ.

Con người Giuse ấy, người đàn ông ấy không nói nhưng đã vâng phục. Ngài là con người của sự hiền lành, người có khả năng thực hiện lời hứa, có khả năng làm cho lời hứa thành khả tín thành chắc chắn và đảm bảo cho việc hoàn thành lời hứa ấy. Thánh nhân trở thành người bảo vệ cho sự vững bền của Nước Thiên Chúa. Thánh nhân trở thành cha nuôi của Con Một Thiên Chúa. Tôi thích nghĩ về thánh Giuse là Đấng bảo trợ những ai yếu hèn, và ngay cả Ngài bào chữa cho những yếu đuối của chúng ta. Để rồi chúng ta có thể ra khỏi những yếu đuối và tội lỗi, mà làm nảy sinh biết bao điều tốt đẹp.

Thánh Giuse là Đấng gìn giữ những ai yếu đuối, để họ có thể trở nên vững mạnh trong đức tin. Nhiệm vụ này Ngài đã nhận được ngay từ trong giấc mơ. Ngài là người có khả năng mơ ước. Ngài là người bảo vệ giấc mơ của Thiên Chúa. Ước mơ của Thiên Chúa là cứu độ tất cả chúng ta, là cứu chuộc chúng ta. Thánh nhân ôm lấy ước mơ của Thiên Chúa vào cuộc đời mình. Người thợ mộc vĩ đại này! Ngài là người lặng thầm, luôn làm việc, luôn giữ gìn bảo bọc, mang lấy những gì là yếu đuối và Ngài là con người có khả năng mơ ước.

Hôm nay, cha mời gọi tất cả chúng ta hãy có khả năng mơ ước, bởi vì khi chúng ta mơ ước những gì cao đẹp, những gì tốt lành, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến ước mơ của Thiên Chúa, tiến gần hơn đến những gì Thiên Chúa mơ ước nơi mỗi người chúng ta. Các bạn trẻ hãy có khả năng mơ ước, hãy có khả năng mang lấy những khó khăn thách đố gặp phải trong những ước mơ ấy. Nguyện xin cho tất cả chúng ta lòng tin ngày thêm lớn mạnh trong sự âm thầm bé nhỏ.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …