Home / Thế Giới Nhìn Từ Vatican / Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 16-22/02/2017: Những cử chỉ đẹp dành cho người tị nạn trong Mùa Chay

Video: Thế Giới Nhìn Từ Vatican 16-22/02/2017: Những cử chỉ đẹp dành cho người tị nạn trong Mùa Chay

1. Đức Thánh Cha và giáo triều Rôma kết thúc tuần tĩnh tâm

Sáng 10-3, Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo các cơ quan trung ương Tòa Thánh, tổng cộng là 74 người, đã kết thúc tuần tĩnh tâm mùa chay tại Trung tâm “Nhà Thầy Chí Thánh” ở thị trấn Ariccia cách Roma 30 cây số về hướng nam.

Trong lời cám ơn Cha giảng tĩnh tâm, là cha Giulio Michelini, Đức Thánh Cha đề cao thái độ tự nhiên của cha và với tất cả vốn liếng cuộc sống, từ việc nghiên cứu, cho đến các sách báo cha xuất bản, các bạn hữu, cha mẹ và những tu sĩ trẻ mà cha chăm sóc.

Tiếp đến, Đức Thánh Cha cám ơn cha vì những gì cha thực hiện, trong tinh thần trách nhiệm. Ngài nói: “Chắc chắn là có rất nhiều điều để suy niệm, nhưng thánh Ignatio nói rằng trong cuộc linh thao, nếu một người tìm thấy điều mang lại cho mình an ủi hoặc đau buồn, thì phải dừng lại, đừng đi xa hơn. Chắc chắn mỗi người chúng ta đã tìm thấy một, hai điều trong tất cả những điều được trình bày. Phần còn lại không phải là điều phí phạm, nhưng để dành cho dịp khác. Có lẽ những điều quan trọng nhất, mạnh nhất, có lẽ không có ý nghĩa gì đối với người này, nhưng có lẽ một lời nói nhỏ, một điều nhỏ bé lại nói lên nhiều ý nghĩa đối với người khác”.

Về điểm này, Đức Thánh Cha trích dẫn một giai thoại: một nhà đại giảng thuyết người Tây Ban Nha, sau một bài giảng dài được soạn kỹ lưỡng, thấy một người thường, một người khét tiếng là tội nhân, đến gần cha, nước mắt giàn dụa, xin xưng tội với cha. Ông xưng nhiều tội và khóc lóc. Cha giải tội ngạc nhiên, vì cha biết đời sống của người ấy, nên hỏi: “Xin ông hãy nói cho tôi biết lúc nào ông cảm thấy được Thiên Chúa đánh động tâm hồn? Lời nào làm ông động lòng?..”

Tội nhân đáp: “Thưa cha, đó là lúc mà cha nói: ‘Bây giờ chúng ta bước sang một đề tài khác!”.

Và Đức Thánh Cha kết luận: “Nhiều khi những lời đơn sơ nhất là những người giúp chúng ta, hoặc những lời phức tạp hơn, Chúa ban cho mỗi người một lời nói thích hợp. Tôi cám ơn cha vì điều đó và cầu chúc cha tiếp tục làm việc cho Giáo Hội và trong Giáo Hội, trong việc chú giải Kinh thánh, trong bao nhiêu côn gtác mà Giáo Hội ủy thác cho cha, và nhất là tôi cầu chúc cha là một tu sĩ tốt”.

Trước đó Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ cầu nguyện cho Syria và đã cho gởi 100 ngàn Euro để giúp đỡ người nghèo ở thành phố Aleppo, cũng nhờ sự đóng góp của Giáo triều Roma. Việc trao tặng này sẽ được thực hiện qua Sở Từ Thiện của Đức Thánh Cha và qua Dòng Phanxicô tại Thánh Địa.

Lúc 5 giờ chiều cùng ngày 10-3, Đức Thánh Cha đã đến tòa giám quản Roma để gặp gỡ 36 cha quản hạt của giáo phận để kiểm điểm tình trạng mục vụ hiện nay.

Mặt khác, Văn phòng nghi lễ phụng vụ của Đức Thánh Cha cho biết lúc 5 giờ chiều thứ sáu, 17-3 tới đây, tại Đền thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự nghi thức hòa giải với nhiều hối nhân với phần xưng tội và xá giải cá nhân.

2. Đức Thánh Cha lên tiếng về cuộc khủng hoảng ơn gọi

Trong cuộc phỏng vấn dành cho tờ Thời Báo (Die Zeit), xuất bản hôm 9-3 bên Đức, Đức Thánh Cha đã cập đến cuộc khủng hoảng ơn gọi và gọi đây là một vấn đề lớn và trầm trọng.

Ngài nói: “Nơi nào không có linh mục thì không có thánh lễ và một Giáo Hội không có thánh lễ thì không có sức mạnh: Giáo Hội làm nên Thánh Lễ nhưng Thánh Lễ cũng tạo nên Giáo Hội.”

Theo Đức Thánh Cha, việc thiếu ơn gọi linh mục một phần là do số sinh ít, nhưng chủ yếu là vì thiếu cầu nguyện.

Điều quan trọng trong lãnh vực ơn gọi là việc tránh thái độ chiêu dụ giới trẻ. Thực vậy cần có một sự tuyển chọn, vì nếu đương sự không có ơn gọi thực sự thì dân Chúa sẽ chịu đau khổ.

Cũng trong cuộc phỏng vấn này, Đức Phanxicô tỏ ra cởi mở đối với việc phong chức linh mục cho một số người đàn ông đã có gia đình. Tuy nhiên, ngài ủng hộ việc duy trì luật độc thân khi nhấn mạnh rằng “độc thân nhiệm ý” không phải là một giải pháp đối với cuộc khủng hỏang ơn gọi trong Giáo Hội Công Giáo.

Thực vậy, theo Đức Phanxicô, việc thiếu linh mục trên thế giới hiện nay là một vấn nạn rất lớn cần được giải quyết, nhưng “độc thân nhiệm ý” không phải là một giải pháp.

Tuy nhiên, theo ngài, vấn đề viri probati, tức những người đàn ông đã lập gia đình nhưng vững mạnh trong đức tin và nhân đức có thể được chọn để thụ phong linh mục, là một “khả thể” mà “ta phải xem xét”.

Đức Giáo Hoàng nói: “ta cũng phải xác định xem họ có thể đảm nhiệm những trách vụ gì, thí dụ, tại các cộng đồng xa xôi”.

Nghi lễ La Tinh vốn đã cho một số giáo sĩ không phải là Công Giáo đã có gia đình, sau đó trở lại Công Giáo, được thụ phong linh mục, như các cựu giáo sĩ Anh Giáo chẳng hạn. Các Giáo Hội Công Giáo Đông Phương cho phép phong chức các người đàn ông đã có vợ làm linh mục, nhưng cũng như các Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo La Tinh, họ không cho phép các đám cưới giáo sĩ, nghĩa là không cho phép các linh mục cưới vợ một khi đã thụ phong.

Năm ngoái, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bác bỏ việc hủy bỏ luật độc thân của các linh mục; ngài nói rằng: nên “duy trì như hiện tại”. Nhưng ngài có gợi ý tới khả thể phong chức cho những người đàn ông tỏ ra xứng đáng, tùy sự quyết định của các giám mục địa phương, căn cứ vào tình thế đặc thù. Ngài có nhắc đến một giáo phận tại Mễ Tây Cơ, nơi mỗi cộng đoàn có một phó tế nhưng không có linh mục.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Thánh Cha cho biết ngài sẽ viếng thăm Ấn độ, Bangladesh, Colombia, Fatima, và hiện dự án viếng thăm Ai Cập đang được cứu xét. Ngài cũng nói rằng: Tôi muốn đi thăm nước Nam Sudan, nhưng tôi không tin là có thể thực hiện được. Có chương trình đi thăm hai nước Congo, nhưng với Tổng thống Kabila, thì tôi không tin là có thể đến đó được. Cả việc đi thăm nước Nga cũng không có thể, vì như thế cũng có nghĩa là phải đi thăm cả Ukraine nữa.

3. Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Colombia vào tháng Chín.

Hôm thứ Sáu 10 tháng Ba, Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Colombia từ mùng 6 tháng Chín đến ngày 11 tháng Chín bao gồm các điểm dừng tại các thành phố Bogota, Medellin, Cartagena, và Villavicencio.

Trong quá khứ , Đức Thánh Cha từng nói rằng ngài muốn đến Colombia, nhưng chỉ sau khi hoàn tất một hiệp định hòa bình nhằm kết thúc cuộc nội chiến kéo dài của đất nước. Các nhà lập pháp của đất nước đã thông qua một hiệp định ân xá cho phiến quân FARC, vào tháng Mười Hai vừa qua.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện ba chuyến đi đến Mỹ Châu trong 17 chuyến đi quốc tế của ngài, và có kế hoạch tới Brazil một lần nữa trong năm nay. Dù đã có các chuyến viếng thăm Brazil, Bôlivia, Ecuador, Paraguay, Cuba và Mễ Tây Cơ, nhưng Đức Thánh Cha vẫn chưa có kế hoạch về thăm cố hương Á Căn Đình.

4. Đức Hồng Y Tobin của tổng giáo phận Newark xin khoan hồng cho người nhập cư bất hợp pháp bị trục xuất

Đức Hồng Y Tobin của Newark đã tham gia cùng hàng chục giáo sĩ địa phương trong một cuộc biểu tình vào ngày 10 tháng 3 nhằm ủng hộ một người đàn ông địa phương bị trục xuất.

Sau một phiên xử trục xuất, Catalino Guerrero đã được cho 60 ngày lưu trú trên đất Mỹ. Luật sư của ông đã nộp đơn xin gia hạn thêm 6 tháng.

Catalino Guerrero, một người gốc Mexico, đã đến Mỹ bất hợp pháp vào năm 1991 và làm việc đều đặn kể từ đó. Ông đã nộp đơn xin giấy phép lao động nhưng không được cấp vì ông không điền đầy đủ vào mẫu đơn.

Sau phiên xử, Guerrero và gia đình đã đến nhà thờ để cầu nguyện cho được ân xá.

5. Thổ Nhĩ Kỳ xét xử các quân nhân tham gia đảo chính

Hôm thứ Năm 09 tháng Ba, một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa 47 quân nhân ra xét xử về tội tham gia vào âm mưu đảo chính hôm 15 tháng 7 năm ngoái 2016.

Hàng trăm người, là các thành viên hay ủng hộ viên của đảng AK đang cầm quyền đã tụ tập bên ngoài tòa án đòi xử tử hình các quân nhân này. Nhằm áp lực tòa án xử nặng thêm, và kích động quần chúng trong một tâm tình bài Kitô Giáo, báo chí tại Thổ Nhĩ Kỳ đã lặp lại các cáo buộc về vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong vụ đảo chính này.

Tưởng cũng nên nhắc lại là vào ngày 15 tháng 7, 2016, cái gọi là “Hội Đồng Quân Nhân Vì Hòa Bình Quê Hương” đã tổ chức một cuộc đảo chánh với sự tham gia của các quân nhân trong Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân Đoàn 3, một số đơn vị không quân, hải quân và quân cảnh. Quân đảo chánh đã dội bom vào tòa nhà Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ và pháo kích vào dinh tổng thống. Cuộc đảo chánh đã thất bại sau khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi dân chúng xuống đường bảo vệ chính quyền và huy động các lực lượng trung thành trấn áp cuộc nội loạn. Trong cuộc đảo chánh này, 300 người đã bị giết 2,100 người bị thương. Toà nhà Quốc hội và dinh tổng thống bị hư hại nặng. 6,000 người bị bắt trong đó có 2,839 quân nhân và 2,745 thẩm phán. 15,000 nhân viên giáo dục bị mất bằng và 21,000 thầy giáo tại các trường học tư bị cấm không được hành nghề.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cáo buộc giáo sĩ Fethullah Gulen là kẻ chủ mưu vụ đảo chánh này. Giáo sĩ Fethullah Gulen là một Imam và là một nhà giảng thuyết đạo Hồi. Ông cũng là một nhà văn và một nhà chính trị.

Fethullah Gulen đề cao Hồi Giáo ôn hòa, tin tưởng nơi những giá trị của sự khoan dung, sống chung hòa bình, đại kết với các tôn giáo, và việc cần thiết phải tách rời nhà nước khỏi Hồi Giáo.

Sau cuộc đảo chánh hụt hôm 15 tháng 7 vừa qua, các phương tiện truyền thông của Thổ Nhĩ Kỳ thi nhau bày tỏ lòng trung thành với tổng thống Erdoğan và đưa ra nhiều cáo buộc chống lại Fethullah Gulen, kể cả các cáo buộc hoang tưởng nhất.

Tờ Cumhuriyet, trong số ra ngày 7 tháng 8, đã nhắc đến cuộc gặp gỡ vào tháng Hai năm 1998 giữa Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và ông Fethullah Gulen. Ký giả Mine Kirikkanat của tờ này nói rằng ông Fethullah Gulen là một “gián điệp” của Giáo Hội Công Giáo đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong Hồng Y “in pectore” (không nêu danh tính) và được cài vào Thổ Nhĩ Kỳ trong âm mưu “Kitô Giáo hóa” nước này.

6. Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu họp để chuẩn bị cho “hội nghị thượng đỉnh thống nhất”

Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu, trừ ra Thủ tướng Anh Theresa May, đã gặp nhau tại Brussels hôm thứ Sáu10 tháng Ba để kết thúc vòng đàm phán thứ hai và cũng là vòng cuối cùng chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh “hiệp nhất” ở Rôma, nơi các nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 24 tháng 3.

Cuộc gặp gỡ này được tổ chức nhân kỷ niệm lần thứ 60 Hiệp ước Rôma, thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu. Tổ chức này sau đó đã phát triển thành Liên Hiệp Âu Châu.

Từ 6 quốc gia sáng lập ban đầu là Bỉ, Pháp, Tây Đức, Ý, Lục Xâm Bảo và Hà Lan, Liên Hiệp Âu Châu ngày nay gồm có 28 quốc gia thành viên, trải dài trên một diện tích rộng 4,475,757 cây số vuông với một dân số lên đến 510 triệu dân.

Nghị trình trong cuộc họp tại Rôma của các nhà lãnh đạo Âu Châu sẽ bao gồm việc thảo luận về tương lai của Liên minh trong 10 năm tới, sự rút lui của Anh, những chấn thương tài chính lặp đi lặp lại, làn sóng di cư và chủ nghĩa mị dân đang gia tăng nhanh chóng.

7. Khai quật các di tích thời vua Pharaoh khi ông Giuse bị bán sang Ai Cập

Hôm thứ Năm 9 tháng Ba, các nhà khảo cổ công bố một trong những khám phá khảo cổ quan trọng nhất của Ai Cập. Đó là địa điểm hoàng cung của Vua Pharaoh Ramses. Một bức tượng dài 8 mét mô tả vị vua quyền lực nhất và nổi tiếng nhất của Ai Cập cổ đại. Vị đại đế sống và cai trị vào khoảng 3000 năm trước đã từng chào đón ông Giuse và tổ phụ Giacóp.

Sách Sáng Thế kể rằng Giuse là con thứ 11 trong 12 người con của Giacóp và là con đầu lòng của bà Rachel. Các anh em cùng cha khác mẹ của Giuse không thiện cảm với ông nên đã bán ông sang Ai Cập để làm nô lệ. Cũng chính tại xứ này, Giuse đã trở thành người đàn ông quyền uy thứ hai chỉ sau Pharaon. Khi nạn đói xảy ra ở xứ Canaan, ông đã mang Giacóp và những anh em khác của mình ông đến Ai Cập và định cư ở đất Gôsen.

8. Các Giám Mục kêu gọi khoan dung với người di dân

Tại một cuộc họp báo hôm 9 tháng 3 tại Vatican, Đức Hồng Y Roger Mahony và Đức Tổng Giám Mục Silvano Tomasi đã kêu gọi Mỹ và Châu Âu phải “rộng lượng hơn” với người nhập cư và người tị nạn.

Đức Hồng Y Mahony là Tổng Giám Mục về hưu của Los Angeles. Đức Tổng Giám Mục Tomasi là quan sát viên thường trực về hưu của Tòa Thánh tại Liên Hợp Quốc ở Geneva. Hai vị giám chức đã viếng thăm các trại tị nạn ở bốn quốc gia.

Đức Hồng Y Mahony nói: Cuộc xâm lược Iraq vào năm 2003 của Hoa Kỳ theo một nghĩa nào đó đã tạo ra trận động đất làm đảo lộn Trung Đông. “Sau đó, vào năm 2008, khi chính quyền Hoa Kỳ đột ngột bỏ rơi Iraq và để cho mọi thứ tan rã thành sự hỗn loạn thì sinh ra bọn khủng bố Hồi Giáo IS, vì vậy chúng ta phải có trách nhiệm”.

9. Đức Hồng Y Louis Sako kêu gọi xây dựng nền dân chủ tại Iraq

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Chalđê, một Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp nhất hoàn toàn với Tòa Thánh, đã lên tiếng kêu gọi xây dựng “một quốc gia Iraq hiện đại, đặt cơ sở trên một hiến pháp minh bạch và dân chủ”.

Phát biểu tại Đại học Hoa Kỳ Iul Sulaimani, Đức Hồng Y Louis Raphael Sako nói rằng “đất nước chúng tôi cần phải soạn lại hiến pháp và luật lệ theo phương thế cởi mở con tim và trí óc”, quyền công dân đầy đủ cho tất cả mọi người “đảm bảo quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tôn giáo và đảm bảo tôn trọng hoàn toàn nhân phẩm của mọi công dân.”

Hiến pháp Iraq hiện nay được soạn thảo vào năm 2005, hai năm sau cuộc xâm lăng của Hoa Kỳ.

10. Đức Hồng Y Ấn Độ lo ngại những thay đổi về luật đất đai ảnh hưởng đến các bộ lạc

Đức Hồng Y Telesphore Toppo của tổng giáo phận Ranchi, Ấn Độ đã than phiền về một sự thay đổi luật pháp có thể đe dọa quyền sở hữu đất của nông dân các bộ lạc.

Ngài nói với AsiaNews: “Cuộc sống của người dân gắn liền với rừng, đất đai và các tài nguyên thiên nhiên liên kết chặt chẽ với họ qua nhiều thế hệ. Các bộ tộc và người nghèo của chúng tôi đang có nguy cơ mất hết những tài sản nhỏ bé mà họ có vì các dự án công nghiệp, thương mại của chính phủ.”

Đức Tổng Giám mục Ranchi đã lãnh đạo một phái đoàn các tín hữu Kitô đến gặp viên thống đốc bang Jharkhand, là nơi vừa thông qua những sửa đổi về việc sử dụng đất đai gây bất lợi cho nông dân.

11. Hội Đồng Giám Mục Cộng Hòa Dân Chủ Congo bày tỏ âu lo về tình trạng đất nước

Bạo lực chính trị ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) đang đẩy đưa đất nước vào “lầm than và hỗn loạn”. Các Giám Mục đã cảnh báo như trên trong tuyên bố vào lúc kết thúc cuộc họp thường niên của các ngài.

Các Giám Mục cũng nhận định rằng Tổng thống Joseph Kabila và các đối thủ chính trị của ông ta phải chịu trách nhiệm về cuộc đổ máu hiện nay. Họ chỉ trích cả hai bên đã không tuân thủ các điều khoản của một thỏa thuận hòa bình đã được ký kết vào cuối tháng 12 năm 2016, và kêu gọi cuộc bầu cử tổng thống trong năm nay.

Các Giám Mục đã giúp làm môi giới cho thỏa thuận hòa bình này như các trung gian hòa giải, không có thiên kiến đảng phái. Tuy nhiên, các ngài nhận xét rằng, trong vòng bạo lực gần đây nhất các tổ chức của Giáo Hội đã bị tấn công. Điều này cho thấy có nhiều người bất mãn với vai trò hoà giải của các Giám Mục trong các thỏa thuận đã đạt được.

12. Đối lập chính trị phàn nàn việc Vatican rút lui khỏi các cuộc thương thuyết tại Venezuela

Lãnh đạo phe đối lập chính trị Venezuela đã bày tỏ sự thất vọng vì Vatican không còn tham gia trong những nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở Nam Mỹ.

Henrique Capriles nói rằng Vatican “có vẻ tách biệt” với đất nước đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng liên tục gia tăng. Ông nói “Tình hình sắp bùng nổ,”.

Sau khi đồng ý làm trung gian cho các cuộc hội đàm giữa chính phủ Nicolas Maduro và phe đối lập, Vatican đã rút lui khi chính phủ không thực hiện các lời hứa là cơ sở cho các cuộc đàm phán. Vào tháng Giêng, Đức Tổng Giám mục Claudio Maria Celli, người đã từng làm trung giải của Vatican, đã từ chối tham gia các buổi đàm phán, trong một dấu chỉ rõ ràng về sự không hài lòng của Vatican đối với đường lối của chính phủ chỉ muốn câu giờ hơn là thực sự muốn thương thuyết.

Capriles lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về việc Vatican rút lui, và lưu ý rằng cuộc khủng hoảng đã gây ra tình trạng thiếu lương thực và thuốc men nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho cuộc sống của hàng ngàn người. “Dù có lòng tôn trọng lớn nhất và tình cảm rất quý mến đối với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tổng Giám Mục Celli, tôi vẫn phải tự hỏi Đức Giáo Hoàng đâu?”

13. Đức Tổng Giám mục Charles Brown bị thuyên chuyển đến Albania

Đức Tổng Giám mục Charles Brown, vị Giám Mục Hoa Kỳ được bổ nhiệm làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Ái Nhĩ Lan vào năm 2012, đã nhận nhiệm vụ mới là Sứ Thần Tòa Thánh tại Albania.

Đức Tổng Giám Mục Brown, là người đã từng làm việc với Đức Hồng Y Ratzinger, trong Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã đại diện cho Toà thánh tại Ái Nhĩ Lan trong một thời kỳ hỗn loạn của Giáo Hội tại đó.

Ngài đã giúp hướng dẫn chuyển đổi hàng giáo phẩm Ái Nhĩ Lan, tham gia vào việc bổ nhiệm 11 vị tân Giám Mục và thành công trong việc mở lại đại sứ quán Ái Nhĩ Lan cạnh Toà Thánh vào năm 2014 sau một thời gian gián đoạn quan hệ ngoại giao.

Đức Tổng Giám Mục Brown là một nhà ngoại giao kiệt xuất của Tòa Thánh. Việc thuyên chuyển ngài diễn ra vì những chỉ trích dữ dội của các linh mục cấp tiến, là những người phản đối việc bảo vệ vững chắc giáo lý truyền thống của Đức Tổng Giám Mục.

14. Lãnh đạo Huynh Đoàn Thánh Piô X nói về triển vọng quay về với Giáo Hội

Nhà lãnh đạo Huynh Đoàn Thánh Piô X đã bác bỏ các báo cáo cho rằng nhóm này đã mua một tòa nhà làm trụ sở tại Rôma, nhưng khẳng định rằng Tòa Thánh gợi ý ban cấp quy chế Giáo Hạt Tòng Nhân cho Huynh Đoàn Thánh Piô X.

Phát biểu tại Ba Lan, Đức Cha Bernard Fellay nói rằng sự thật là Huynh Đoàn Thánh Piô X đang tìm kiếm trụ sở một mới tại Rôma. Tuy nhiên, công việc này vẫn chưa đi đến đâu. Cụ thể, ông nói rằng “không có kế hoạch mua một khu phức hợp tại nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm tại Esquillino. Báo chí Ý vào cuối tháng Hai vừa qua đã rộ lên các báo cáo cho rằng việc sang nhượng ngôi nhà thờ này sắp xảy ra.

Nhà lãnh đạo Huynh Đoàn Thánh Piô X nói rằng các đề xuất đang được thảo luận về việc bình thường hóa nhóm này bao gồm việc tạo ra một Giáo Hạt Tòng Nhân. Đây là một khả năng mà ông đã thảo luận cách đây một năm. Giáo Hạt Tòng Nhân sẽ do một giám mục đứng đầu, là người sẽ được Đức Giáo Hoàng chọn từ một danh sách gồm ba người do Huynh Đoàn Thánh Piô X đệ trình. Giáo Hạt Tòng Nhân sẽ là “tự trị”, nghĩa là; nó sẽ là một cấu trúc toàn cầu, nhưng không thuộc thẩm quyền của các giám mục địa phương.

15. Cử chỉ cao đẹp của một nhà hàng tại Tripoli trong Mùa Chay

Trong một cử chỉ đầy nghĩa hiệp trong tinh thần Mùa Chay, một nhà hàng tại Tripoli, bên Li Băng đã cung cấp các bữa ăn miễn phí cho những người nghèo và những người tị nạn.

Dân địa phương và những người tị nạn Syria được chào đón tại nhà hàng ‘Al Saada’, nghĩa là ‘Hạnh Phúc’, tại Tripoli, một thành phố lớn của Li Băng, nơi đã từng chứng kiến bao nhiêu cuộc chiến tranh và bao nhiêu những tình cảnh lầm than.

Nhà hàng này có thể nuôi sống từ 185 đến 200 người mỗi ngày. Hầu hết các khách hàng là những người đàn ông không thể tự nấu ăn cho chính mình.

Nhà hàng cung cấp bữa ăn trưa với đủ các món tráng miệng và nước trái cây.

Những người tổ chức cho biết hầu hết các thực phẩm được đóng góp bởi dân chúng trong vùng theo sau lời kêu gọi của họ trên Facebook.

Nguồn: VietCatholic News

Xem thêm

21-11-2024 10-08-06 PM

Lời Chúa – Thứ Sáu Tuần XXXIII Mùa Thường Niên 22/11/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN